Friday, April 26, 2024

Xin tạ ơn người

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua emai: [email protected].

Long Tuyền

Tôi còn nhớ cách đây 30 năm, người ra đi càng ngày càng đông, tuy phương tiện khác nhau, hình thức khác nhau, nhưng chúng ta cùng đi chung trên tuyến đường tị nạn CS, tìm tự do, trong đó có gia đình chúng tôi bước chân vào Nam Cali làm người tị nạn trên đất Mỹ

Rồi sáng nào cũng như buổi sáng nào, bước theo nỗi buồn của những tháng ngày qua, tôi dậy sớm trước khi đi “cày” cho chủ chợ, chủ hãng. Tôi có thói quen cầm tờ báo Người Việt, xem qua tin tức quê nhà, rồi lướt qua những trang khác có gì liên quan đến cộng đồng Người Việt, xong ra xe đi “cày”! Chiều về có đủ thời gian xem lại. Ngày nào “tăng ca” liên tiếp, tôi dùng online Người Việt xem tiếp, chính những thứ đó mà tôi quen gọi là món ăn tinh thần, vừa là thứ rượu khai vị dùng cho mỗi bữa điểm tâm buổi sáng, tôi cảm thấy như người bị nghiền thuốc lá, nếu ngày ấy tôi thấy thiếu tờ báo Người Việt, như thiếu một nụ cười trên môi.

Có những lúc tôi tự hỏi lại lòng, vì sao mình lại yêu mến báo Người Việt! Thật đơn giản, vì tôi là Người Việt nên yêu mến báo “Người Việt” có ngầm ẩn hai chữ Việt Nam, như luôn nhắc tôi hãy nhớ về đất mẹ!

Những tâm tình này tuy mộc, văn phong tôi tuy nghèo, nhưng không thể để mình biến thành kẻ nghèo văn hóa! Ðơn giản nhưng rất chân thành là nghĩ sao nói vậy!

Vì thế, nếu ai đó có hiểu, mới có yêu mến, có yêu mến mới đem đến niềm tin. Hơn thế nữa “Báo Người Việt” có đầy đủ tin tức nhanh từ quê nhà đến thế giới bên ngoài. Vả lại, tờ báo rất đầy đủ quảng cáo, từ nghề nail, tuyển dụng người làm, bán nhà, cho thuê nhà, cần người giữ trẻ,… đặc biệt là mục tìm thân nhân thất lạc rất hiệu quả.

Nhiều khi tôi tự hỏi lòng mình, vì sao các nhật báo khác và nhất là các tuần báo nhiều vô số kể trên Quận Cam này cũng có những mục tương tự nhưng sao người Việt mình lại ít đăng quảng cáo trên ấy.

Qua sự nhìn thiển cận riêng tôi, tôi xin thưa rằng: Ðăng báo trên Người Việt về phần quảng cáo rất nhiều kết quả mỹ mãn, với những gì mình cần, cũng như người khác cần khi muốn tìm, muốn bán, muốn thuê hay muốn gặp mặt hy vọng sẽ được gặp thân nhân thất lạc. Vì thế mỗi khi ra thùng báo mua, lúc nào như lúc nào thùng báo Người Việt cũng đều trống trơn.

Hình minh họa: Ngọc Lan/Người Việt)

Và tôi cũng tin vào câu nói của người xưa “người ta có thời trồng lau ra mía, người vô thời trồng củ tía ra củ nâu” cũng có phần thấy đúng.

Thế nên Thomas Corneille nói rằng: “Tôi sợ điều tôi muốn, và muốn điều tôi sợ, nhưng khi người ta không có điều gì mình yêu, thì phải yêu điều mình có.”

Thêm vào những cảm tình từ độc giả Người Việt, càng ngày càng đông, như người bạn thân quen “anh đâu em đó” gắn liền từ mỗi cá nhân đến từng gia đình kể từ ngày có Tòa Soạn Người Việt nơi Thủ Ðô Của Người Tỵ Nạn nói riêng và cả nước Mỹ nói chung.

Tiểu bang nào có người Việt Nam đông là nơi đó có báo Người Việt như ca dao ta thường nói “lúa thóc đâu bồ câu theo đó.”

Và có những cú phone gọi về Người Việt, từ nơi đây nơi đó, hoặc từ nơi kia đến chỗ nọ, như để truyền tin tức về Người Việt, cũng là một phần đóng góp đến Người Việt để biết có người vĩnh viễn ra đi, những người đã từng đóng góp với cộng đồng, như nhạc sĩ, thi văn sĩ hay quân nhân VNCH viên tịch.

Mọi người đều cảm thông và dư biết rằng Người Việt không đủ phóng viên đến hiện trường, vì lòng yêu mến báo Người Việt nên họ sẵn lòng đóng góp khi mắt thấy tai nghe nơi hiện trường đang xảy ra.

Báo Người Việt hầu đã nảy mầm bén rễ theo phép tịnh tiến của thời gian, hay nói khác hơn là một “Cơ Quan Ngôn Luận” tại hải ngoại nói chung, tôi nhận thấy có “Hai Bồ” nhưng “Báo Người Việt đã chiếm trọn hết một bồ” rồi.

Ðây cũng không là lối nói “thậm xưng” để kích lên hết tầm cỡ con đội. Nhưng sự thật nó đúng như vậy.

Con cá sống nhờ nước, người làm báo nói riêng và người làm truyền thông, truyền hình nói chung, được sự tồn tại là nhờ quảng cáo, quảng cáo càng đông thì cơ sở càng thịnh vượng, báo Người Việt càng ngày càng thăng tiến và lớn mạnh vượt bậc không ngoài những yếu tố chính đáng nói trên.

Tôi nói những lời nầy không phải vì thương hay ghét và cũng không thiên vị một ai, vì lẽ có tìm hiểu mới đem lòng thương mến, có thương mến mới giữ vững niềm tin, nên dân gian có câu “dầu ai nói ngã nói nghiêng, lòng ta cứ giữ như kiềng ba chân.”

Dưới góc nhìn khác nhau của đại đa số người đọc, người ta mới thể hiện được sự tin tưởng vào lương tri và trình độ hiểu biết của sự kiện đang có sẵn, cho dầu thiển cận hay viễn cận, cũng đánh giá được “nguyên nhân của sự kiện,” một khi nguyên nhân đúng sẽ đem lại hậu quả đúng.

Song trong tôi rất làm tiếc, và cũng không hiểu tại sao những năm liên tục nếu tôi không lầm năm 2013, 2014, 2015 báo Người Việt lắm phiền hà đến cộng đồng người Việt tỵ nạn “về ý thức thức hệ”… Và tôi không thể nói rằng vì sự thiếu sót hay vô tình, hay cố ý, hay lỗi về kỹ thuật ấn lót thiếu kiểm chứng. Tôi chưa bao giờ xác nhận, những điều nói trên đúng hay không đúng.

Tuy nhiên, chỉ có người đọc, người nghe, người thấy, và chính nơi Tòa Soạn Báo Người Việt biết điều đó một cách chính xác mà thôi !

Tóm lại, những gì không thông cảm cho nhau, cũng chỉ vì chia cách bởi những “dòng sông thiếu vắng nhịp cầu,” cái quan niệm tồi tệ ấy đã cấy sẵn trong tim như một quá khứ sầu thảm, và tồn tại mãi đến hôm nay khó gột rửa được!

Người ta thường nói “hết cơn bỉ cực đến hồi thái lai” cũng là cách nói an ủi. Song, từ xưa đến nay có sự nghiệp nào không chìm nổi, có con đường nào bằng phẳng mà không chông gai, có việc làm nào mà không vướng vào hệ lụy, như dòng sông có chỗ sâu chỗ cạn, chỗ uốn khúc, chỗ quanh co, về nghề nghiệp cũng thế, và xin hãy đặt mình vào lời nói “trời đâu riêng khó cho ta mãi, vinh nhục dầu ai cũng một lần.”

Mặc dầu tôi phải lo cho cuộc sống gia đình cho đến nay, và đang ở trên đất nước lạ mặt lạ người, lạ cả tiếng nói, cách quê mẹ nghìn trùng xa thẳm, nhưng không vì nghìn trùng xa thẳm ấy mà tôi quên cả cội nguồn. Song trong tôi, lúc nào trong mọi lúc cũng nhớ về quê mẹ như một đứa trẻ thơ vừa bỏ vú mẹ hôm qua.

Cái quá khứ nhiều đắng lắm cay cho dân tộc tôi sau cuộc biển dâu 1975, quá khứ ấy có gì để tôi phải nhớ, thế mà mỗi khi nhớ đến tôi phải đớn đau tủi nhục vô cùng tận!

Hôm nay trên miền đất viễn phương, khi tôi nhìn tôi, tôi thấy có nhiều khốn khổ, khi tôi so sánh tôi, tôi có nhiều phước lộc, như người tiền bối nói “biết đủ là đủ, đợi đủ không bao giờ thấy đủ.”

Cho dầu hôm nay, tôi là kẻ dốt nát quê mùa, nhưng không vong gia vong bản. Trong tôi cảm thấy lòng đau, vì sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, bất hạnh trong hòa bình. Song lòng vẫn giữ tròn khí tiết “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

Nhân “40 năm ngày thành lập báo Người Việt,” cũng là ngày Lễ Tạ Ơn đang đứng trước thềm năm cũ. Cơ hội hiếm có này, tôi rụt rè xin phép báo Người Việt ghi vài dòng chữ “Tạ Ơn Ðất Trời.” Tạ ơn “người vẫn thương người” cùng cảnh ngộ trên quê mẹ cũng như trên miền đất tha hương.

Tôi xin tạ ơn đến những trái tim Người Lính Thương Phế Binh VNCH sống tàn phế. Tạ ơn những anh em về từ nhà tù CS còn nhìn được mẹ già ra nắm áo người xưa, với đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ và còn được nhìn thấy cha bên ánh mắt đẫm lệ. Xin tạ ơn nội ngoại cưu mang. Tạ ơn sự giáo huấn của những bậc thầy khi tôi còn ngồi ghế học đường.

Xin tạ ơn Tòa Soạn Người Việt cho tôi góp đôi lời tâm tình về Người Việt những năm dài phục vụ bạn đọc, là món ăn tinh thần kéo dài trên 40 năm qua, gần như người bạn thân, gắn bó từng mỗi cá nhân đến gia đình kể từ khi có tòa soạn, đã đâm rễ bén chồi, nay trở thành cây đại thụ, gió không lay, bão chẳng trốc gốc.

Sau cùng người viết bài này, xin cảm ơn đến đất nước cưu mang gia đình chúng tôi nói riêng và cho những người Việt Nam tỵ nạn nói chung có được cuộc sống tự do công bằng no ấm. Và “cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương.” (Long Tuyền)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

 

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT