Thursday, May 16, 2024

Người Việt: Ðiểm hẹn

 

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua email: [email protected].

Chúc Thanh

Hình như tôi không có duyên may với báo Người Việt, nên đã có đôi ba lần tôi viết bài sang Mỹ mà không có hồi âm, bài cũng không được bưu điện trả lại.

Cũng có thể đó là lúc rơi vào dịp Hè hay các mùa nghỉ Lễ, thường khi đó các em sinh viên đi làm thêm, các em không quen công việc, không quen đường phố và làm lạc thư. Ðường từ Pháp sang Mỹ cũng điệu vợi không kém cò bay mỏi cánh…

Bấy lâu ở Pháp, tôi có dịp cũng múa bút làm duyên, nhưng rồi các báo Tổng Hội, báo y giới, kể cả báo Chùa ngày càng ít người, phần lớn tuổi, yếu không còn người đánh máy để lên trang, tôi lại là chuyên viên viết tay cổ điển, nên đành xếp bút nghiên theo nghiệp rong chơi.

Khi rồi nghe báo Người Việt cho phép viết tay, tôi mạo muội viết hai bài và gửi sang, lần này gửi bảo đảm cẩn thận. Nhưng ý của tôi trong hai chữ “Người Việt” trong hai bài đó nó mơ hồ, bao quát quá.

Nên tôi viết thêm bài này, tôi nghĩ nó đến gần với nội dung tờ báo hơn, tôi cũng xin phép đề cập tới một khía cạnh, một góc sân nhỏ bé nào đó thôi… Còn với con đường dài đi đầy 40 năm, nói thì có lẽ chẳng bao giờ hết! Ðường đi thì quá xa, nhận xét cá nhân, thì hạn hẹp!

Tôi xin lập lại tôi mừng vì được viết tay, viết chữ Việt! Mà viết tay thì tôi còn viết tốt lắm, nhanh lắm, trời thương mà, nghề của tôi khi xưa, chút đỉnh làm dáng cuộc đời.

Di tản sang đây, tôi không còn giữ được nghề đứng trên bục giảng – nghề kiếm cơm ở Việt Nam.

Thời gian đầu mới sang Pháp, tôi buồn lắm, ai ai cũng trải qua giai đoạn đó. Ðang ở Việt Nam, nắng chan hòa, nắng neo vui, ở đây thiếu mặt trời, thiếu cả con người. Mùa Ðông nặng như chì, trời xám ngắt, không gian đặc quánh lại.

Hình ảnh tác giả ở Pháp. (Hình: Tác giả cung cấp)

Năm ấy năm 1983, mùa Noel mà chồng đi làm, các con đi học, nhà vắng tanh, ngó qua ngó lại, ngó xuống ngó lên, tôi chỉ thấy bầu trời như một cái vung xám xịt sắp đổ ụp xuống cõi nhân gian.

Bà chị tôi và nhiều người nữa ca tụng: Canada xứ lạnh tình nồng, tôi bĩu môi, khoác lác, ở đây, Paris này còn muốn chết buồn, chết cóng nữa là đi vào cái tủ đông đá!

Tôi sang đây theo diện gia đình bảo lãnh, rõ ràng sung sướng hơn mọi người, mà những ngày đầu mới tới, tôi vẫn khóc, có đủ chồng con bên cạnh mặt mũi tôi vẫn ủ ê. Thưa rằng tôi nhớ nhà, tôi nhớ Việt Nam, tôi nhớ quê hương bản quán, tôi nhớ người Việt. Tôi không thích người ngoại quốc. Tôi thú thật.

Ở nhà mãi một mình, buồn quá.

Tôi thay đổi, tôi tìm cách ra ngoài.

Tôi xin đi làm cô bán hoa, vì xứ sở này họ thích hoa lắm. Không sướng tí nào, vì tiệm bông không để máy sưởi, nước ướt nhếch nhác lối ra vào. Cuối Mùa Ðông năm ấy vì lạnh, vì không quen ra vào lề đường giao hoa, tôi bị té trẹo hông phải nhập viện Cochin.

Tôi phải nằm tại đó ba tháng. Ba tháng dài lê thê. Cuối tuần có các soeur đến thăm và cho quà.

Tôi chỉ khóc và tôi đòi về nhà tôi, nhà tôi là nhà ở Việt Nam kia. Không phải là nhà ở Saint-Germain-en-Laye, một vùng ngoại ô Paris.

Mỗi cuối tuần, chồng và các con lên thăm, khi cả nhà về. Còn lại một mình ở nhà thương, tôi buồn bỏ ăn bỏ ngủ, ủ ê hai, ba ngày.

Cứ thế bệnh tôi nặng dần, lupus erythematosus disseminatus, và bệnh lao xương đi kèm theo.

Tôi dám bảo với bác sĩ điều trị là: nếu tôi được xuất viện về nhà thì tôi khỏe ngay, hết cả bệnh.

Họ chỉ biết cười. Còn tôi, đau lai rai ngày nọ qua tháng kia – nhờ ơn Trời Phật gia hộ, tôi chỉ có ốm mà không có đau đớn đâu hết trên người.

Ngược lại, tôi buồn, buồn ủ ê.

Cứ thế lai rai sống ở bệnh viện, ngày nọ qua ngày kia. Tôi thuộc lòng cả thời khóa biểu của y tá, bác sĩ, y công họ làm việc như thế nào, giờ nào việc nấy.

Ô hay, tôi từ Việt Nam sang ăn vạ cái xứ sở Tây này chẳng ông nội các cháu ân cần nhắn nhủ tôi: “Ðừng có được voi đòi tiên,” ở nhà ai cũng muốn được như con! Tôi cứ vớ vẩn cả sáu tháng như vậy.

Chợt một hôm tôi tỉnh dậy vào 4 giờ sáng, vì có tiếng dao kéo, kìm, kẹp gì đó khua rổn rảng, tại tôi nằm khá gần phòng họ khử trùng y cụ.

Rồi y tá bắt đầu đi lại rộn rịp chuẩn bị thay buổi gác sáng.

Hình như ốm no bò dậy, tôi lò mò xỏ chân vào dép đi đi lại lại trong phòng, làm vài động tác thể dục êm nhẹ, thư giãn, một cô y tá đẩy cửa phòng nhìn tôi, cười. Nhìn cô khoan thai làm việc với nụ cười đôn hậu, tự nhiên tôi nhận ra một điều, tạm mượn tiếng nhà chùa, tạm gọi là đốn Ngộ, “Xin phép thầy con lộng ngôn!”

Tôi cứ nhìn cô y tá mang đồ ăn sáng và lấy nhiệt độ một cách nhịp nhàng khéo léo, tôi chợt cảm nhận: Xứ sở người ta văn minh giàu có mà sao ai ai cũng chăm chỉ vui vẻ làm việc như con thoi, ơ hơ, còn tôi đã nghèo, đã mất quê hương, đã đi tị nạn mà bày đặt ốm đau rề rề, nhớ nhớ nhung nhung, tương tư đủ thứ rồi thì làm sao sống kịp và sống với người ta?

Rồi đúng ốm no bò dậy.

Khi ma soeur vào thăm lại, tôi không khóc, tôi vui vẻ nhận quà soeur cho và còn nói nếu soeur kiếm cho việc làm tôi còn vui hơn. Tôi nói tôi cần làm việc để giúp bốn con tôi tiếp tục việc học. Bà xoa đầu khen tôi là người mẹ tốt và bảo tôi phải đi học nghề trước đã.

Năm đấy tôi đã 38 tuổi, tôi biết với sức lực nhỏ nhoi, tôi không làm việc mạnh tay chân thi đua với Tây đầm nổi. Nên tôi thi lại BAC và xin thi tuyển một nghề tương đối không lao lực quá sức.

Sau hai năm học về tâm lý giáo dục nhi đồng và dưỡng sinh, tôi ra trường và có việc làm ngay. Tôi hết bệnh lao và bệnh viện cấp giấy phép cho đi làm việc.

Tôi vào nghề mới, tôi về các miền quê ở cực Nam và có khi cực Bắc nước Pháp, là những nơi có trung tâm nuôi và dạy trẻ con nuôi con.

Nghe hơi kỳ cục, nhưng ở những trung tâm này, là nơi tá túc của những bà mẹ trẻ từ 12 tuổi tới 17 tuổi. Là tuổi còn vị thành niên mà lỡ có con, họ muốn nuôi con của họ, đại gia đình cha mẹ đồng ý cho con nuôi cháu. Nước Pháp từ tâm và nhân ái, cưu mang tất cả các Centres des Meres Filles.

Tôi chấp nhận làm việc ở đây vì tôi luôn thích dạy người khác một cái gì. Thế là tôi phải xa gia đình nhỏ của tôi. Mỗi sáng Thứ Hai, từ 5 giờ sáng tôi lấy xe lửa kịp 8 giờ đến nơi làm việc. Tôi ở lại Centre 5 ngày. Tôi nuôi bébés và dạy cả mẹ chúng cách săn sóc và nuôi con.

Công việc bận rộn, trách nhiệm nặng nề. Rất nhiều đêm tôi không ngủ vì nghe trẻ con khóc rồi nghe cả mẹ trẻ con khóc nữa. Đúng là nuôi mẹ mọn và con mọn!

Tuy nhiên tôi làm việc rất chăm chỉ. Nhất là sung sướng kiếm ra tiền và tiếp xúc với con nít là bản năng gần như bẩm sinh của tôi. Tôi yêu tụi nó như yêu con cháu tôi. Rồi ngày cuối tuần về với gia đình riêng cũng có hàng đống công việc chờ sẵn ở Paris.

15 năm làm việc như chạy đua, rồi có một lúc tôi cảm thấy mệt, tôi bị sốc từ khi con bé Alice chết ngộp. Con bé bị séropositif, đã qua 24 tháng tuổi, mà nó không tự tạo được hệ miễn nhiễm, nó không trở thành négatif, nó vĩnh viễn bị bệnh, rồi sau một cơn sốt và viêm phổi, nó mất trong tay chúng tôi!

Mẹ nó 13 tuổi im lặng đứng nhìn!

Ông bà nó từ xa lên thăm đón mẹ nó đi! Cám ơn lạnh lẽo! Cả một équipe săn sóc chúng tôi đều buồn, không ai nói gì, chiều ấy lá rụng rào rạt rồi mưa đá thâu đêm! Hình như tôi cũng buồn, mà cái buồn của tôi hơi lạ, tôi cáu kỉnh! Tôi bực mình thì đúng hơn, tôi ngửi mãi cái mùi cái áo len của con Alice mà ấm ức, à thì ra họ lầm thì phải, tôi thoáng chợt nghĩ tới Pearl Buck và tác phẩm VenT d’Est d’ouest!

Họ cứ tưởng tôi là một người mẹ Á Ðông thì tôi có thể dạy được con họ yêu cháu họ sao? Trong khi họ không làm gương họ đã đẩy con họ lên nơi hoang dã vắng vẻ này, tối nào mà mẹ con Alice không khóc ấm ức trên gối!

Một mùa Ðông lại đến, cái gì đến rồi cũng qua đi, tôi vẫn ở lại Centre Arnage, tôi lạnh cả chân tay, tôi vẫn chưa muốn xin nghỉ bệnh.

Nhưng rồi hôm sau tôi không đi được nữa và tim tôi đập thình thịch. Tôi buộc trở về Paris và đi khám nghiệp. Tôi bị rối loạn các tuyến nội tiết. Tôi phải gặp Endocrinologue.

Tôi nghỉ bệnh ăn lương, rồi giảm lương dần nhưng đủ sống. Những tháng đầu khỏe lần, nhưng ở không, tôi khó ngủ. Tôi bắt đầu buồn trở lại. Tôi lại nhớ Việt Nam, lại nhớ da diết như những ngày đầu mới sang đây. Gần Tết Nguyên Ðán, ở Việt Nam, sao mà vui nhộn thế, ở đây chỉ có một bầu trời xám chì sắp sửa ụp xuống tôi.

Tôi đi ra đi vào, vì con tôi đã đi học xa, tôi khóc rấm rức khi ở nhà một mình… Tôi nhìn kỹ lên trần nhà và tôi thấy rõ ràng tôi bị mang một lúc hai cái án tù: một là bị khổ sai chung thân, hai là bị lưu đầy biệt xứ.

Tôi cứ thấy mặt tôi như đưa sát lên gần trần nhà… Có một bà bạn hàng xóm Việt Nam khuyên tôi đọc Pháp Thiền Quán, nhưng tôi khó tập trung lâu được. Chỉ có 1 việc lên cầu thang mà không đi vào chánh niệm, cứ lẩn thẩn tiếc sáng nay tiêu béng mất 50 euros rồi!

Kỳ đấy té cầu thang, mình mẩy tôi sưng và tím bầm cả tháng. Rồi bà Liên, bà hàng xóm Việt Nam, lại sang thăm, lần này bà tặng tôi tờ báo Xuân, nói là có hai người gửi sang, mỗi người cho một lần, dư một cuốn bà cho tôi, lấy cớ trả công tôi đã tặng bà cuốn tiểu thuyết “Đội Gạo Lên Chùa” hay quá hay.

Một tờ báo Xuân, báo Xuân Việt Nam năm Ất Mùi 2015. Nhìn cái bìa, mắt tôi sáng lên với bức tranh vẽ của Nguyễn Thị Hợp, nét vẽ phúc hậu tròn đầy, màu sắc tươi thắm mà hài hòa. Hoa đào, hoa đào Việt Nam. Gia đình, một gia đình Việt Nam… Tết đây, Tết Việt Nam… Tôi nhìn mãi bức tranh, mẹ và con, cũng mẹ và con Việt Nam… Tất cả cái gì cũng Việt Nam…

Tôi vừa uống café vừa trang trọng mở những trang đầu tờ báo Xuân Người Việt, khổ báo lớn sợ báo nhăn cong, tôi phải rời giường ra bàn ngồi xem, có những buổi họp mặt, có những cụm mai vàng chỉ có ở nơi xa ấy, tôi thấy bà cụ Trần Thị Huỳnh bên cạnh những quả quýt chín mọng, bà là người đầu tiên định cư ở làng Versailles, bà ngồi ngó chăm chăm một cái gì đó, trông giống mẹ tôi quá! Lại muốn nhận vơ! Tôi thấy bà Khúc Minh Thơ… người góp công nhiều cho chương trình HO. Tôi thấy ông Lê Phương đang nói về chánh niệm. Tôi thấy bà Đại Sứ Bùi Diễm… Tôi thấy hình nghệ sĩ Thanh Nga hồi bà còn trẻ đẹp, tôi nhớ lại tiếng trống Mê Linh vang dội, oai hùng và cũng không kém oan khiên một thuở nào… Tôi đọc chăm chú nhiều bài viết và tôi dừng lại lâu nhất với tác giả Ngọc Lan ở trạm “Cuối năm thăm chốn nhân gian không thể hiểu.”

Tháng Mười Một rồi tôi có đi thăm đất Thánh Tây nhân lễ Toussaint, nay vô xem, nơi chốn nhân gian này ở Mỹ khác ở Tây ra sao, ở Tây họ xây mộ nổi còn khá cao, có gia đình làm nhiều tầng để sống ở chung và chết cũng ở chung, tuy nhiên mỗi nơi đẹp một vẻ, có cái gì chung là nơi an nghỉ ở Âu và Mỹ thật khang trang, thoáng đãng và bình an, hơi như là một công viên ấm cúng, không có chỗ nào lạnh lẽo nghèo nàn, đúng là nơi an nghỉ lý tưởng sau 100 năm (?) vật lộn với cơm, áo, gạo, tiền…

Nhờ tác giả mở cửa, tôi gặp lại ngay ông Mai Thảo, ông văn sĩ quen đây mà, cái ông văn sĩ đi lầm lũi một mình suốt cuộc đời từ Hà Nội vào Sài Gòn, qua vài cuộc tình vụn, rồi đi qua và nay đóng đô luôn ở Mỹ, xin chào ông mai Thảo Nguyễn Văn Quý!

Ngày xưa, còn bé, bé mà là 18 tuổi rồi, được ông trao tặng cuốn Viên Đạn Đồng Chữ Nổi, tôi đã đọc rất say mê, và say mê luôn một lúc hai nhân vật trong đó. Nữ là một cô gái quê và một ông quận trẻ, nữ và ông ta có lúc đã ngẫm trao đổi tình yêu! Mối tình vắng vẻ kín đáo và diễm lệ!

Khi ta còn tuổi trẻ, da còn căng mịn, tóc bồng bềnh, lòng hăng say yêu đời, yêu xã hội, yêu lý tưởng đấu tranh qua hình ảnh của một ông quận mới ra trường, thủ cây súng colt 45 kín đáo, một mình hiên ngang đi giám sát một làng thôn vắng, vùng có Việt Minh hoạt động lén lút, tọa lạc bên kia sông Hồng… Câu chuyện tình rung động không may đưa đến cái chết cho cô gái quê, cô bị người tình Việt Minh xử tội!

Tôi trộm nghĩ đó cũng là một hình ảnh Mai Thảo nuôi dưỡng từ trẻ tới mãi về sau. Văn là người thưa Mai Thảo?

Tình cờ làm sao, khi lớn, đã đi dạy học, tôi lại bắt được trại trận một em học trò của tôi đang đọc lén Viên Đạn Đồng Chữ Nổi dưới gầm bàn. Tôi tịch thu và nhận ra cuốn sách có chữ ký của tác giả, là của tôi, nhưng cuối giờ, tôi trao trả lại cho em. Văn chương là của chung và em đang là sở hữu chủ cái mình thích thì ai ai cũng có thể yêu thích.

(Hình minh họa: Quốc Dũng/Người Việt)

Tôi vẫn đi theo Ngọc Lan, tôi có gặp ông Đỗ Ngọc Yến, vị sáng lập báo Người Việt, nhìn mộ ông có cuốn sách mở gáy kê lên một cuốn sách khác, nhìn profil, ông Yến hao hao giống ông Phạm Việt Tuyền, tôi có lầm chăng, hy vọng là không. Thầy Phạm Việt Tuyền dạy về Báo Chí ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn năm 1965-1966.

Hồi đấy thầy hay khuyên sinh viên nếu có làm báo, chớ có lấy quảng cáo nhiều, làm thế như là tờ báo thương mại, mất đi ít nhiều bản chất văn hóa và tự do!

Ơ hơ! Nay thầy báo của cụ Đỗ Ngọc Yến nhiều quảng cáo quá! Quảng cáo in hình rực rỡ… đẹp ơi là đẹp, ngon ơi là ngon… Tôi sực nghĩ đi StrasBourg, nhưng không thể, tôi ra chợ 13 Paris, gặp một anh bạn làm báo, cũng là môn đệ khi xưa của thầy, tôi thử đặt vấn đề với anh. Anh chê tôi quá, bảo thủ, không biết cận nhân tình, không biết hiện đại hóa… Nay vật đổi sao dời rồi… Thời buổi này, người ta cần quảng cáo, tiếp cận thị trường, có lợi song phương, báo mà không đăng quảng cáo lấy tiền đâu in báo, trả lương nhân viên, cô nhớ cho, có một hôm tôi đến hẹn lấy tiền quảng cáo, họ đã cười bảo là: Quý vị ăn phở đi trừ dần vào tiền quảng cáo, được không? Kẹt nhiều thứ quá!

Thì ra quê thật, tôi mãi chỉ làm văn chương mọn viết tay, không làm nổi mise en page 1 trang! Rồi cách nhà báo Yến một căn (cũng lời cô Ngọc Lan) là nhà hai ông bà nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Thúy Nga. Cô Thúy Nga tóc vẫn dài phủ lòa xòa ngang vai, hai bàn tay huyền diệu dịu dàng điều khiển accordéon! Cám ơn cô đã dẫn tôi về kỷ niệm ấu thơ có bác Hoàng Thi Thơ làm chuẩn, ngày ấy, theo văn nghệ dân vệ đoàn thời Đệ I Cộng Hòa, một cách làm propagande đáng yêu… chúng tôi sinh hoạt, nắm tay nhau xoay vòng tròn hát vang nơi sân vận động Hoa Lư (Sài Gòn):

“… Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát…

Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngút…

Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời!”

Một thuở xa xôi, sống hồn nhiên ở quê hương an lành, có bao giờ, biết bao giờ còn tìm lại? Khung trời tuổi mộng có một lần!

“Người từ trăm năm, về phai tóc nhuộm, ta chạy mù đời, ta chạy tàn hơi…” Nguyễn Tất Nhiên cứ chạy mãi, mỏi nhừ chân, về ngủ, ý muốn nhập diệt ở chùa, chào thi sĩ, thôi từ nay anh nghỉ yên bên cội cây Bồ Đề Tâm Phương nhé!

Tôi đi tiếp và rất mừng là tôi gặp giáo sư Trần Bích Lan, ông là thầy, ông giảng mãi Tam Đoạn Luận và đằng sau Tam Đoạn Luận Luận Lý Học, ông vẫn thong dong viết những vần thơ tình diễm lệ gửi cô Thúy Nga, cô Trịnh Thúy Nga dạy chúng tôi học Pháp văn ở Trưng Vương: Cô Nga chúng tôi có nụ cười răng hở, nụ cười không bao giờ già!

“… Tôi trân trọng mời em dự chuyến tàu tình ái,

-Trong 1 phút 1 giây cuộc hành trình sẽ mở,

-Tôi trân trọng mời em cùng đi, cùng khai mạc cuộc đời,

-Tôi mời em đi ngay, không cần lấy vé,

Vé sẽ là những bức thư màu xanh,

Tàu sẽ là một gian nhà nhỏ

-…Tôi mời em đi ngay

… Cuộc hành trình sẽ mở trong hôm nay

Tôi mời em đi ngay

Vất bỏ lại đằng sau những kinh thành, thói lề, bạc vàng, giả dối…”

“… và mỗi gare sẽ là những chiếc hôn nồng cháy cuộc đời…”

Thưa thầy cô, ở đây, với quê hương và quan niệm, kinh nghiệm cuộc đời, thầy đã dạy chúng con hiểu thế nào là một tình yêu nguyên thủy, nguyên trang và nguyên diễm.

Rồi cũng nhờ báo Người Việt, tôi kính chào nhạc sĩ Nhật Ngân, tôi vừa thoáng thấy ông trên DVD Thúy Nga, ông vẫn vậy, chân phương và vui, ông nghệ sĩ lúc nào cũng quấn quýt và gọi mẹ ơi ới, rồi hứa hẹn, rồi thương mong… chắc hẳn Xuân này ông đã về ở luôn với mẹ. Tôi thấy Nhật Ngân và mẹ già của ông cười cưới nói nói ríu rít bên bánh chưng xanh, hộp mứt đỏ sau côi mai vàng nở bung!…

Tôi không cần đi đâu xa, mà tôi vừa được gặp Trịnh Hội, anh sống đúng như tuổi trẻ, hăng say hoạt động và ngã và đứng dậy và hết tâm sức làm việc?

Tôi cám ơn Người Việt và mọi người cho tôi tìm thấy lại phần nào quê hương bản quán lúc tuổi về hưu, qua cái tablette nhỏ bé của tôi… Mua có hơn 200 euro à!

Tin tức của họ, tôi tin là trung thực, tuy nhiều ngày có xếp đặt hơi lộn xộn, thật ra là cũng không dễ dàng gì khi làm báo với đa công việc, tôi nghĩ họ, nhân viên tòa soạn phải rất yêu nghề và có quyết tâm cao để duy trì tiếng Việt nên họ đã đi được một bước đường dài, một bước đường 40 năm, sít sao một nửa thế kỷ gay go chập chùng lên xuống! Chính trị, văn hóa, thương mại,… về những giờ giải ảo, bình luận thời sự, quý vị ấy cũng cố ý tìm đủ từ, đủ cách giảng giải dễ hiểu sao cho người ông bà già mù mờ như chúng tôi hiểu được đại khái là thị trường chứng khoán đi lên và đi xuống thì lợi và hại ra làm sao.

Qua báo, tôi gặp lại nhiều bạn cũ, thú thật, đọc văn phong của người viết tôi đoán biết họ là ai! Quen ở đâu!

Khi tôi qua đây, đã gần 40 tuổi, dùi mài lại kinh sử, thú thiệt khi ra làm việc, tôi nghe và nói tốt nhưng chỉ trong công việc làm. Ngoài ra, đồng nghiệp kể chuyện hay đùa giỡn ngoài hành lang tôi hiểu lơ mơ đến không hiểu. Có nhiều người cho tôi vé đi coi opéra cuối tuần, tôi từ chối… “vì bận,” mà có đi cũng như vịt nghe sấm, có lẽ lại làm phí mất một chỗ ngồi của họ trong đại hí viện.

Bây giờ, sau 20 năm làm việc, tôi nghe rất rõ, cả những tiếng nói lóng – argo – thì tôi lại vì tuổi già bị acouphènes nghe yếu… óc tôi không chấp nhận lâu máy trợ thính!

Cho nên tôi muốn biết tin tức Đông Tây ra sao, thì chỉ còn ngao du vào đọc báo tablette sau bữa cơm chiều, nhất là khi lập đông về, chiều xuống sớm.

Sau bữa cơm chiều, dọn dẹp xong, tôi thong dong vào internet… Tôi mải mê đọc đủ mọi tin tức, chính trị, bình luận, văn chương, tin bên nhà Việt Nam mình…

Nay thì tôi ít còn thấy cái vung xám xịt úp xuống đầu tôi nữa, rất thỉnh thoảng thôi!

Nhờ là tôi gặp bao nhiêu bạn bè, thầy giáo cô giáo, cả học trò nữa… và đồng hương.

Ngẫm lại, thì ra đúng vậy, không phải một mình tôi mang hai cái án khổ sai chung thân và trọn đời biệt xứ, mà ai ai cũng vậy thôi…

Rồi, mai mốt đây, cũng như thầy cô, bạn bè, và tất cả đồng hương của tôi, thì thôi:

“Anh hùng đứng giữa trần ai,

Sống nhờ đất khách, thác mai quê người!” (Chúc Thanh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT