Tuesday, April 30, 2024

Tiếng rao xoong nồi chảo ngày cận Tết


Bài và hình: Phương Ngạn/Người Việt


Cuối năm, cái lạnh cuối Đông se sắt. Năm nào cũng như năm nào, có thể là năm nay trời không có bão lụt, tạm “mưa thuận gió hòa” một năm nhưng cái lạnh thì không có năm nào khác năm nào. Chừng cuối Tháng Mười Một, trời đang nắng bỗng dưng mưa khuya, mưa như trút nước vài giờ đồng hồ rồi ngừng. Sáng mai ra, cả bầu trời ẩm ướt, lạnh cóng… Những lúc như thế, nghe tiếng rao xoong, nồi, chảo của người bán hàng cuối năm nghe cứ hun hút, buồn và mỏi…



Xoong, nồi, chảo không rõ nguồn gốc do Trung Quốc sản xuất bán đầy rẫy thị trường đã bóp chết nghề đúc thủ công tại Việt Nam.


Giữ nếp làng nghề xưa



Ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trước đây chừng 20 năm có làng nghề đúc đồng Phước Kiều, đây cũng là nơi có nhà thờ cổ Phước Kiều, nơi Linh Mục Alexandre de Rhodes truyền đạo và hằng ngày ông đi dạo ngoài đồng, đi dọc các triền sông, thậm chí có ngày ông đi bộ xuống tận Hội An theo đường Dinh Trấn Thanh Chiêm để nghiên cứu phương ngữ mà bổ sung bộ tự điển tiếng Việt được hoàn thiện.


Cũng cách đây chừng 20 năm, nhà thờ cổ Phước Kiều luôn đông đúc con chiên đến xem lễ vào cuối tuần. Nhưng không hiểu sao thời gian gần đây, ngôi nhà thờ trở nên vắng vẻ, khoảng sân nhiều lúc cỏ mọc hoang vu… Và dường như cùng chung nhịp điệu với nhà thờ, làng đúc Phước Kiều cũng im hơi lặng tiếng, thi thoảng, đi một đoạn xa mới gặp vài người tiếc nghề ngồi đúc xoong, nồi, chảo đi bán.


Và cũng khác với thời vàng son của làng đúc Phước Kiều, bây giờ, làng đúc này còn lại như một ngôi đền tưởng niệm của những nghệ nhân một thuở. Làng đúc chỉ hoạt động cầm chừng để “mua gạo qua bữa” như lời của một nghệ nhân tên Tiễn. Riêng ông Tiễn phải mang chuông đi đánh xứ người, nghĩa là ông thành lập một đội chuyên đúc chuông thuê cho các chùa trong nước và ngoài nước. Nhưng cũng theo ông, mặc dù cố gắng duy trì nghề và hoạt động hết công năng nhưng hầu hết mọi thứ đều khó khăn.


Ông Tiễn là trường hợp khá hơn nhiều so với các gia đình làm nghề đúc khác. Ông Thế, một người chuyên đúc xoong, nồi, chảo, tâm sự: “Mình cứ đúc cầm chừng vậy thôi chứ bây giờ không sống nổi bởi vì hàng hóa của công ty, rồi của Trung Quốc nó đánh mình rớt ngay từ hiệp đầu!”


“Trước đây chưa có xoong, nồi, chảo của Trung Quốc, làng nghề Phước Kiều khí thế lắm. Bây giờ, mình có xách dép lên chạy cũng không kịp họ về giá cả. Mình đúc ra một cái nồi, tính hết mọi chi phí rồi cộng thêm 10 ngàn đồng để bán. Nghĩa là rất rẻ. Nhưng vẫn cao hơn đồ Trung Quốc vài chục ngàn đồng.”


“Nếu cạnh tranh ngang giá với Trung Quốc thì mình lỗ nặng. Chỉ có một cách duy nhất là mình đúc cho bà vợ chở đi tiêu thụ, đi bán dạo khắp hang cùng ngõ hẻm. Vừa bán vừa kêu gọi người ta đừng xài hàng Trung Quốc nữa vì nó quá nguy hiểm, nó không phải bằng nhôm thuần túy,”


“Bởi mình là dân đúc lâu năm mình biết rồi, nhìn vào nước nhôm là biết nó ở loại gì rồi. Hơn nữa mình ở ngay trong nước, không tốn chi phí vận chuyển mà bán với giá như hiện tại vẫn chịu không thấu, huống chi bọn họ mang từ nước khác qua, tốn biết bao nhiêu chi phí mà lại bán với giá thấp tẹt như vậy thì có đáng tin không?”


“Đó là nói về giá thành, chứ nói về phân kim thì tôi cũng từng thử mua một chiếc nồi nhôm Trung Quốc về ngâm nước muối, sau một đêm, nước vàng khè. Như vậy nó chưa hắn là nhôm mà có nhiều tạp chất rất tệ. Nồi nhôm thật sự ngâm nước muối nhanh nhất cũng ba tháng mới làm cho nước đổi màu. Và với một cái nồi ngâm nước muối đổi màu như vậy thì khi nấu canh có mắm muối nó sẽ cho ra thứ gì?”



Một người thợ đúc hiếm hoi sống bằng nghề đúc tại làng Phước Kiều.


“Tôi nói đây là nói về độ an toàn chứ không phải dèm hàng của người ta. Nhưng một khi người ta cạnh tranh không lành mạnh, không những giết làng nghề Việt Nam mà giết cả sức khỏe của người Việt thì tôi thành thật kêu gọi mọi người nên thử tất cả những chiếc xoong, nồi, chảo trong nhà mình bằng phương đơn giàn nhất là ngâm nước muối.”


Trong lúc nói chuyện, một phụ nữ chở một xe đạp đầy xoong, nồi, chảo ra khỏi nhà ông Thế. Chúng tôi tạm biệt ông và tiếp tục đi vào làng đúc thăm những gia đình khác. Sau đó theo lời chỉ dẫn của một người trong làng đúc, chúng tôi chạy thẳng lên huyện Quế Sơn, một huyện trung du và miền núi mà những người phụ nữ của làng đúc Phước Kiều hay mang xoong, nồi, chảo lên đây bán.



Đường xa vạn dặm



Huyện Quế Sơn cách làng đúc Phước Kiều chừng 60km. Chúng tôi đi lòng vòng xe một hồi vẫn chưa tìm thấy người bán xoong, nồi, chảo dạo đâu cả. Cái lạnh của vùng trung du như cắt da cắt thịt. Ghé vào quán cà phê ven đường ngồi một lúc. Chúng tôi nhìn thấy những người phụ nữ bán xoong, nồi, chảo đang đúng tụm lại ở một ngã ba cách chúng tôi vài trăm mét.


Những người này trò chuyện với nhau một lúc và tản ra các hướng, bắt đầu rao: “Ai mua xoong, nồi, chảo Phước Kiều không? Xoong, nồi, chảo Phước Kiều đổi gạo, sắn, bắp đây!”


Chúng tôi cứ lẳng lặng đi theo một phụ nữ ốm nhất trong nhóm bán xoong, nồi, chảo.


Phải nửa giờ đồng hồ sau, một gia đình mới gọi phụ nữ này vào để mua. Rất may là ngõ vào nhà của người ta hẹp quá, chị không dám dắt xe vào nên chủ nhà ra ngoài đường đứng mua, nhờ vậy mà chúng tôi tiếp tục quan sát, “soi mói” được.



Nhờ thờ Phước Kiều, nơi Linh Mục Alexandre de Rhodes từng sống và hoàn thiện bảng chữ cái tiếng Việt.


Sau một hồi trả chác, chủ nhà mua một chiếc nồi nhôm với giá 45 ngàn đồng. Trả tiền 20 ngàn đồng và 25 ngàn đồng còn lại thì qui ra thành gạo để đưa cho chị này. Lúc này chúng tôi mới mua một chiếc nồi lớn nhất, hỏi bao nhiêu, chị bảo 100 ngàn đồng. Không trả chác gì, chúng tôi mua ngay nhưng đặt điều kiện là chị phải vào quán nước cho chúng tôi hỏi thăm chút chuyện.


Sau vài phút nghe chúng tôi giải thích, chị vui vẻ thổ lộ: “Đi bán cả ngày có khi chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng thôi. Nhưng cũng có ngày may mắn kiếm được vài trăm. Bù qua chế lại cũng đủ sống.”


“Chứ sắp Tết rồi mà không đi bán thì lấy chi mà mua thịt heo! Thường thì đi bán ở miền núi chủ yếu được cái là đổi lương thực, thường thì bắp, khoai, sắn ở đây rẻ. Người ta qui ra tiền rồi đổi. Mình đổi ít thì mang về ăn mà nhiều thì mang về chợ bán. Cũng kiếm thêm được chút tiền.”


“Thời buổi gạo châu củi quế, kiếm thêm đồng nào được thì mừng đồng nấy. Không như trước đây đâu. Bây giờ khó khăn lắm!”


Chúng tôi thú thật với chị Liên (người phụ nữ bán xoong nồi chảo) rằng chúng tôi cần tìm hiểu để viết bài. Nên chi chiếc nồi chúng tôi vẫn mua, vẫn nhận hàng nhưng tặng lại, nhờ chị đi bán giùm được bao nhiêu tiền thì mua quà cho các cháu.


Sau một hồi từ chối, cuối cùng người phụ nữ gầy gò cũng nhận chiếc nồi. Chị cho biết thêm là chiều đến, chị ghé vào một nhà dân để gởi hàng ở đó, đi xe đạp về, sáng mai lại chở thêm lên để bán. Có bữa chị về nhà là gần 10 giờ tối, ngủ một chút rồi dậy phụ chồng nổi lửa đúc xoong, nồi, chảo. Sau đó chừng 4 giờ sáng thì đạp xe đi bán hàng.


Tạm biệt chúng tôi, chị không quên dặn ngoái lại: “Em nhớ đăng cái nội dung nhưng đừng đăng hình chị nghe! Nhớ nghe!”


Tôi gật đầu, chị lại loay hoay đạp xe.


Mùa sắp Tết, có nhiều khi làng đúc không ngủ, cố gắng đúc và bán để có tiền ăn Tết. Đó là nhịp sống của những người còn yêu nghề, giữ lấy nghề ở làng đúc Phước Kiều, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.


Họ tồn tại như những tiếng rao dài, lạnh và đôi khi thê thiết của họ!

MỚI CẬP NHẬT