Monday, April 29, 2024

Tại sao nam giới chờ gặp khủng hoảng mới yêu cầu giúp đỡ?

THE TELEGRAPH (NV) – Chester Bennington, ca sĩ chính của ban nhạc rock Linkin Park, qua đời một cách thảm thương tuần qua. Benning mới 41 tuổi và được cho là chết vì tự sát.

Nhân cái chết của Bennington, để giúp lan truyền nhận thức cho công chúng về vấn nạn tự tử, tờ báo mạng Telegraph ở Anh, tóm lược một bài viết của Ruth Sutherland, giám đốc điều hành của Samaritans, (tổ chức thiện nguyện chuyên giúp người có bệnh tâm lý) về việc nam giới có thể làm sao để tìm sự giúp đỡ khi cần.

Khi gặp trở ngại trong đời sống, phụ nữ thường rất thoải mái đi tìm sự giúp đỡ, trong khi đó, nam giới thường chần chờ cho đến khi phải đối diện với khủng hoảng mới cất lời xin trợ giúp. Đây là lý do được cho là đóng góp vào tỷ lệ tự sát cao của nam giới vì tự sát hiện là “kẻ giết người” lớn nhất của đàn ông dưới 50 tuổi.
Mặc dù đàn ông nhận thức được rằng nói chuyện cũng là điều tốt, nhưng họ vẫn không thoải mái khi phải làm như vậy. Nam giới cũng thường có quan điểm ít tích cực hơn về việc đi gặp các bác sĩ tâm lý để được chữa trị, so với phụ nữ.

Sở dĩ có hiện tượng này là vì đàn ông được giáo dục, từ ấu thời, là phải cứng rắn. Họ được thấm nhuần niềm tin là lúng túng trong việc đối phó với được những khó khăn là dấu hiệu của sự yếu đuối. Kỳ vọng này của xã hội có thể làm cho nam giới bị tổn thương khủng khiếp, khiến cuộc sống họ trở nên khó khăn một cách không cần thiết khi gặp phải những nghịch cảnh trong đời.
Với nhiều người, kỳ vọng này dẫn đến sự tích lũy những ý nghĩ và cảm xúc kinh hoàng mà họ phải khó khăn mới bày tỏ được, khiến họ dễ bị khủng hoảng và đi đến chỗ tự tử. Chủ nghĩa cầu toàn, buồn thay, là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến tỷ lệ tự sát cao của nam giới.

Năm ngoái, tổ chức Samaritan làm một cuộc nghiên cứu về thái độ xã hội để tìm hiểu thêm về vấn đề này. Kết quả cho thấy chỉ 19% nam giới cảm thấy có thể nói chuyện với người khác về những khó khăn họ đang gặp, mặc dù đa số nam giới cho biết họ rất vui khi lắng nghe để giúp ý cho những người khác đang gặp khó khăn.

Tại sao lại có sự khác biệt? Và, quan trọng hơn, vậy phải làm sao?
Theo bà Rush Sutherland, giải pháp không chỉ đơn giản là khuyên đàn ông nên thoải mái hơn khi phải nói về những vấn đề của mình, giống như phụ nữ. Thay vào đó, cần phải có những thay đổi mới cũng như khám phá thêm về những hỗ trợ tinh thần được cung ứng trong những môi trường không chính thức hơn. Một ví dụ đầy hứa hẹn là một chương trình đào tạo ở London, nơi các thợ cắt tóc phái nam được dạy cách giúp khách hàng của họ nói về những gì làm họ bận tâm. (H.G.)

MỚI CẬP NHẬT