John Stuart Mill và đời sống dân chủ

Lê Mạnh Hùng

Trong hai năm vừa qua, nền dân chủ trên thế giới đã bị tấn công từ cả mọi phía. Với ngay cả những nước như Hoa Kỳ và Anh, người ta cũng nhiều khi quên mất rằng dân chủ không chỉ là có phần chính trị mà còn là một hình thức sống, một quan điểm đạo đức tiêu biểu cho một nền văn minh nhân bản.

Và không ai thể hiện được điều đó đến mức cao độ bằng John Sturat Mill, nhà triết gia Anh của thế kỷ thứ 19.

Những ai đã biết đến John Stuart Mill hầu như đều biết đến cuộc đời ông. Sinh ra là một thần đồng, ông bị phụ thân tách ra khỏi các anh chị em và mọi quan hệ yêu thương khác để biến ông thành một cái máy biết nghĩ. Ông học tiếng Hy Lạp năm lên 3 tuổi. Từ năm 8 đến năm 12 tuổi ông đọc các tác giả cổ điển như Herodotus, Homer, Xenophon, Plato, Virgil và Ovid bằng nguyên bản trong lúc còn học thêm vật lý, hóa học, thiên văn và toán.

Tất cả những điều đó dẫn ông đến một tình trạng sụp đổ tinh thần và tình cảm năm ông 20 tuổi. Ông chỉ ra khỏi được tình trạng này sau khi khám phá ra những vần thơ lãng mạn của Wordsworth và bắt đầu biết yêu quý cảm xúc, cái đẹp, sự nồng ấm và nghệ thuật. Đến một ngày ông bỗng thấy mình nhỏ nước mắt vì cái chết của một nhân vật trong tiểu thuyết. Và ông cảm thấy cực kỳ thích thú.

Trong hồi ký của mình ông viết: “Kể từ lúc đó tôi thấy gánh nặng của mình nhẹ hẳn đi. Tôi không còn tuyệt vọng. Tôi không phải là một tảng đá. Có vẻ như là tôi còn giữ được một vài chất liệu để tạo thành hạnh phúc.”

Và ông làm một cuộc nổi loạn nhẹ nhàng nhưng kéo dài suốt đời chống lại chủ nghĩa thực dụng nông cạn của phụ thân.

Được dưỡng dục như vậy và khi trưởng thành sống trong nước Anh bảo thủ thời Victoria, điều mà ông thù ghét nhất là sự hẹp hòi, sự đồng điệu, sự đè nén cá nhân dưới áp lực của những người chung quanh, chính phủ hay là dư luận.

Ông Donald Trump luôn luôn tìm cách thoát ra khỏi sự cô đơn của mình bằng cách nhấn mạnh những khác biệt giữa bạn và thù; tìm cách đoàn kết bộ lạc của mình bằng cách tuyên chiến chống lại các nhóm khác; tìm cách trói mình trong một cái hộp qua việc xây những bức tường chống lại tất cả những ai bên ngoài những người của mình.

Nhưng Stuart Mill thì trái lại, ông tìm thấy niềm vui trong sự đa dạng của nhân lọai. Ông tin tưởng rằng một xã hội lành mạnh phải có tất cả mọi loại người và ông kêu gọi hãy nên “thí nghiệm một cách táo bạo các lối sống khác nhau.”

Một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của John Stuart Mill là cuốn “On Liberty” bảo vệ quyền tự do của cá nhân khi một mình chống lại đa số trong xã hội.

Nhưng ông không phải là một người theo chủ nghĩa phủ định tất cả (nihilist) và cũng không phải là một người chủ trương vô đạo đức. Đối với Mill, tự do là một phương tiện chứ không phải là một cứu cánh. Cứu cánh là đạo đức. Mill cho rằng tất cả chúng ta đều có một trách nhiệm đạo đức phải tìm cách cải thiện đạo đức của mình.

Trong cuốn sách về cuộc đời của John Sturat Mill, tác giả Richard Reeves chỉ ra rằng: “Ở trung tâm của quan điểm khai phóng của ông là một viễn tượng rõ ràng và được nhắc lại nhiều lần về một cuộc sống con người xứng đáng: tự cải thiện, đam mê sự sống, luôn luôn đi tìm chân lý, nhập thế và nhiều màu sắc.”

Mill tin rằng giáo dục phải được cưỡng bách và phải làm sao để dân trí tăng dần lên cứ mỗi thế hệ. Ông e sợ nhất, theo Reeves, là “một xã hội giáo dục sai trái với không có bao nhiêu thời gian hoặc khuynh hướng suy tư đến đạo đức có thể đe dọa làm hại đến chính mình nếu họ chỉ chấp nhận quan điểm của tập thể, thu thập được qua các phương tiện truyền thông đại chúng và được truyền lại cho chính tập thể xuất phát.”

Mill có một quan điểm lạc quan về bản tính con người và có lẽ không đánh giá mạnh đủ khả năng trụy lạc của con người. Như Isai Berlin viết trong bài luận văn “John Stuart Mill and the Ends of Life,” Mill sống vào thời đại Victoria trong đó vấn đề chính nhất là “claustrophobia” con người bị xã hội đè bẹp, thành ra ông nhấn mạnh đến giải phóng con người.

Nhưng vấn đề của xã hội hiện nay không còn vậy nữa mà là “agoraphobia” quá nhiều tự do, quá ít gắn kết, ý nghĩa và chiều hướng cho cuộc đời. Mill tin tưởng rằng một xã hội tốt là một xã hội dành một khoảng không tối đa cho mỗi thành viên để xây dựng cuộc sống của mình, nhưng ông cũng nói rõ rằng có một khác biệt rõ ràng giữa danh dự và nhơ nhuốc, chuyên cần và lười biếng.

Cuộc đời và quan điểm của ông cho ta thấy cái nhược điểm của thời đại chúng ta: niềm tin rằng chúng ta có thể đạt được một nền dân chủ vững bền một cách rẻ tiền; chỉ cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm công dân, đi bầu đầy đủ và có ý kiến của mình. Mill cho thấy rằng trách nhiệm công dân là một sứ mạng quan trọng đòi hỏi khả năng phải biết phân biệt giữa thiện và ác, phát triển những khả năng trí tuệ cần thiết để tách rời giữa những giả dối và chân thật. (Lê Mạnh Hùng)