Tuesday, April 30, 2024

Chính trị giả tưởng

Nguyễn Đạt Thịnh

Trong những lối viết tiểu thuyết, viết chuyện giả tưởng về khoa học, về chiến tranh, chính trị, hoặc bất cứ sinh hoạt nào khác cũng tạo được nhiều kích thích cho độc giả; một câu chuyện điển hình: tối 26 Tháng Hai, 2019 Tổng Thống Donald Trump mời Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un ăn tối; bữa ăn chỉ có 8 người: 2 vị quốc trưởng, 2 cô thông dịch và mỗi nước có thêm 2 nhân vật cao cấp – cỡ bộ trưởng ngoại giao, hoặc quốc phòng, hiện diện để chờ tổng thống cần hỏi những chi tiết quốc sự.

Bữa tiệc lưỡng quốc, bàn chuyện an bình của toàn thế giới được tổ chức tại phòng ăn danh dự của khách sạn Métropole – một di sản già trên trăm tuổi của thực dân Pháp để lại – Métropole bệ vệ như ông tây, bà đầm thuộc địa ngày xưa.

Thực đơn gồm 3 món: Bulgogi (Korean BBQ), Kalbi, Pul-Kogi và kim chi; cả 3 món thịt đều là thịt bò, riêng món kim chi do chính đầu bếp Bắc Hàn đem từ Bình Nhưỡng (Pyongyang) xuống Hà Nội.

Trump gắp một đũa khá nhiều kim chi bỏ vào miệng thản nhiên nhai, không một tiếng xuýt xoa, hít hà vì vị ớt hiểm Triều Tiên.

Ông hỏi Kim Jong Un: “Chủ tịch có đi thăm 36 phố phường Hà Nội chưa?”

Tổng Thống Mỹ Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un trong cuộc gặp gỡ ở khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội hôm 28 Tháng Hai, 2019. (Hình: Saul Loeb/Getty Images)

“Thăm rồi, thật là phồn thịnh, buôn bán tấp nập,” Kim nói dối – theo lời dặn của Trung Tướng Lê Văn Cương, một ông tướng VC 3 sao hồi hưu. Kim nói dối, vì ông đã từng đến Hán Thành, kinh đô Nam Hàn – lớn gấp đôi, và huy hoàng gấp 10 lần Hà Nội.

Ngày còn tại ngũ, Tướng Cương làm giám đốc phòng nghiên cứu chiến lược; giải ngũ, ông viết và bán sách về chiến lược Điện Biên Phủ, mô tả việc Võ Nguyên Giáp chỉ dùng 80 khẩu pháo, ngày đêm pháo kích không ngừng vào hệ thống cố thủ Điện Biên Phủ của Pháp, để bức bách quân trú phòng Pháp phải đầu hàng, và chiến lược Mậu Thân Tại Huế, dùng xác thường dân Huế, chôn cạn quanh đó để lọc nước sông Hương, ngàn năm còn thum thủm mùi cộng sản.

Qua một ngõ ngách quanh co nào đó, Cương được giới thiệu với Mike Pompeo, ngoại trưởng Mỹ; cái ngõ ngách đó có thể là hệ thống CIA của Mỹ còn rơi rớt lại Việt Nam, vì trước khi được Trump chọn làm ngoại trưởng, Pompeo là trùm Xịa.

Ông tướng thời bình thất nghiệp, nghèo đói, đem bán sách chiến lược cho Pompeo; ông ngoại Mỹ bảo Cương xếp Võ Nguyên Giáp vào xó nhà, rồi  nghiên cứu một chiến lược dụ dỗ Kim Jong Un theo Mỹ, như VC đang theo Mỹ.

Áo thun in hình Tổng Thống Mỹ Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un được bày bán ở các tiệm Hà Nội nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ-Bắc Hàn. (Hình: Linh Pham/Getty Images)

Tướng Cương đi khắp 36 phố phường chụp cảnh phồn thịnh của thành phố ngàn năm văn vật, rồi viết một trong những câu tuyên truyền rỗng tuyếch VC thích xài, “Theo Mỹ làm giầu, theo Tầu chết đói,” đem bán cho Pompeo.

Câu chuyện bên lề đó giải thích việc báo chí Mỹ đánh bóng ông tướng hồi hưu, được Mỹ tái tuyển dụng bằng giao kèo 3 ngày, từ 26 đến 28 Tháng Hai, 2019.

Hội nghị hòa bình Kim-Trump cũng kéo dài 3 ngày; trong 2 ngày đầu tiên 2 vị quốc trưởng họp tay đôi, chỉ cần 2 cô thông dịch; đến ngày thứ 3 – ngày 28 Tháng Hai, 2019 – Trump đùng đùng đứng dạy, bỏ phòng họp, ra xe, lên máy bay về Mỹ, bỏ quên lại Hà Nội nguyên tập hồ sơ dầy về giải Hòa Bình Nobel, mà ông định chiếm đoạt năm nay bằng hòa ước ký với Kim, và tấm ảnh lưu niệm mối tình “mạt cưa, mướp đắng” giữa Hoa Thịnh Đốn với Bình Nhưỡng.

Sau 2 ngày thử cộng tác hai nhà lãnh tụ đang hát bài “‘Ce n’est qu’ un aurevoir…”

Cuộc tình, bắt đầu từ Tháng Sáu năm ngoái tại Tân Gia Ba, tái ngộ sau 8 tháng nhớ thương ấp ủ, đang vỡ vụn trong 48 tiếng đồng hồ gặp lại nhau.

Ông Trump, người tự hào là không có thứ gì trên đời này mà ông không mua được, lần này ngán ngẩm lắc đầu trước nhà độc tài “thước mốt” đã từng xử tử ông cậu ruột của mình bằng súng cao xạ, và đầu độc người  em cùng cha, khác mẹ bằng độc dược đoạn trường.

Ông Kim cũng chán nản lắc đầu, nói, “Cả thế giới được chứng kiến cảnh ấu trĩ của tổng thống Mỹ giải quyết vấn đề vũ khí nguyên tử: như một tuồng hát rẻ tiền.”

Tuy nhiên, ông Richard Haass, chủ tịch hội nghiên cứu Tương Quan Quốc Tế lại cho là việc Tổng thống Trump bỏ bàn hội nghị đứng dậy là một việc may. Haass nói, “Thà đừng ký còn hơn ký một hiệp ước bất lợi” (No deal is better than a bad deal, and the president was right to walk).

Joseph Yun, một cựu viên chức bộ ngoại giao Mỹ, lại cho là Trump cần một thành công lớn để làm át đi ảnh hưởng bất lợi đang diễn ra trong quốc hội Mỹ vì cuộc điều trần của Luật Sư Cohen về cá nhân ông.

Tổng Thống Donald Trump rời cuộc họp báo sớm sau khi không có thỏa thuận nào được ký kết giữa hai bên Mỹ và Bắc Hàn tại Hội nghị Thượng Đỉnh 2019. (Hình: Tuan Mark/Getty Images)

Dĩ nhiên diễn biến hôm Thứ Năm, 28 Tháng Hai, 2019 là điều bất ngờ cho mọi người; thái độ của ông Trump, vẫn bình thường trước đó, làm hàng trăm ký giả quốc tế chờ ông và ông Kim ký tuyên ngôn chung về vấn đề nguyên tử của Bắc Hàn.

Một giả thuyết khác cho là Trump bỏ phòng họp bước ra vì Kim đòi Mỹ chấm dứt mọi hình thức trừng phạt Bắc Hàn, trong lúc Bắc Hàn chưa gỡ bỏ hết mọi cơ cấu nguyên tử. Tuy việc đòi hỏi và mặc cả là việc phải xảy ra trong mọi cuộc thương thuyết, nhưng việc Trump bỏ phòng họp mỗi khi phật ý, đã xẩy ra mới tháng trước, khi ông họp với bà Nancy Pelosi về việc chấm dứt việc đóng cửa chính phủ, bỏ đói công chức.

Chuyện giả tưởng “Thượng Đỉnh Hà Nội” do chính ông viết, chính ông đạo diễn, và đóng vai chính, thì chỉ có nước chờ ông giải thích đoạn kết khó hiểu đó thôi. (Nguyễn Đạt Thịnh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT