Friday, May 3, 2024

‘Ngày Ðà Lạt,’ ngày của tình người xứ mộng mơ

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – “Ngày Đà Lạt,” nghe như nhắc lại hương vị của xứ mộng mơ mà những tâm hồn mơ mộng đã gói trọn những kỷ niệm trong tuổi học trò và những mối tình của những chàng trai xếp bút nghiêng theo tiếng gọi non sông với những thiếu nữ tại xứ hoa này. Trong đó có nhiều mối tình bị tan vỡ, nhưng rất ngọt ngào. Sự ngọt ngào ấy đã để lại cho lữ khách những thắng cảnh mộng mơ như Hồ Than Thở, Đồi Thông Hai Mộ.

“Ngày Đà Lạt” là tên gọi của buổi picnic Hè do Hội Thân Hữu Đà Lạt Nam California vừa tổ chức vào trưa Chủ Nhật, 2 Tháng Sáu, tại Garden Grove Park, Garden Grove.

Theo ban tổ chức, Hội Thân Hữu Đà Lạt có mặt trên 20 năm rồi, thật sự là bắt đầu từ 1990, các thân hữu Đà Lạt tại Nam California đã có những buổi họp từng nhóm, đến 1995, mới thật sự đã thành hình. Rồi kể từ đó, hằng năm, hội có những buổi sinh hoạt như Picnic Hè, Mừng Xuân Mới…

Ông Nghiêm Hữu Phỉ, hội trưởng Hội Thân Hữu Đà Lạt, tâm tình: “Gia đình tôi từ miền Bắc vào định cư tại Đà Lạt 1930. Lúc đó Đà Lạt vẫn còn hoang dã và thiên nhiên lắm. Sau này, có nhiều sự kiện thay đổi, nhưng những kỷ niệm ở Đà Lạt thì không bao giờ tôi quên được.”

Đồng hương Đà Lạt họp mặt “Ngày Đà Lạt.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Đà Lạt ngày xưa, người ta thường gọi xứ sở này là thủ phủ của Hoàng Triều Cương Thổ, thuộc về vùng của vua chúa ở. Từ lúc Bác Sĩ Alexandre Yersin đã tìm ra đất địa Đà Lạt thì xứ đầy đồi thông reo này được coi như là vùng nghỉ mát cho không riêng người Pháp mà còn cả cho người Việt Nam mình nữa, vì không khí ở đây rất trong lành và cảnh vật thiên nhiên rất đẹp,” hội trưởng cho biết thêm.

Cô Nguyễn Ngọc Tịnh, cựu hội trưởng, nói với nhật báo Người Việt: “Chúng tôi là những người Việt tha hương, họp mặt nhau hằng năm để chia sẻ tình người xa xứ và để nhớ lại quê hương, đất nước của mình. Đà Lạt, xứ sở của chúng tôi là một tỉnh nhỏ thuộc cao nguyên Trung Phần, nhưng có rất nhiều trường học và các trung tâm huấn luyện.”

“Mục đích chính của buổi tổ chức là kết hợp những người đã từng sinh sống tại Đà Lạt; từng đến viếng Đà Lạt và những người yêu mến Đà Lạt có dịp gặp lại để kết chặt tình thân, vì sau những năm xa quê hương, xa không khí trong lành cùng những thắng cảnh đẹp của xứ hoa đào Đà Lạt,” cô chia sẻ thêm.

Cũng như công việc hằng năm, ban tổ chức đến rất sớm để các thành viên còn lo những công việc làm cần thiết như trang trí, âm thanh, văn nghệ, ẩm thực… Nhiệm vụ của ai thì nấy lo, tuy hơi cực một chút, nhưng mà vui, vì lúc nào cũng thấy nụ cười trên nét mặt của họ.

Khoảng 10 giờ sáng, đồng hương Đà Lạt và thân hữu đã tề tựu rất đông. Không khí của Little Saigon trong lúc này cũng không có nắng, thỉnh thoảng vài ngọn gió nhẹ từ biển thổi vào mang theo chút hơi lạnh se vào lòng người như muốn đãi ngộ cho những đồng hương nhớ lại những dư hương lạnh của ngày nào ở Đà Lạt.

Đồng hương Đà Lạt cùng kể chuyện vui cho nhau nghe. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Có tin không vui là các nhân viên an ninh của công viên yêu cầu ban tổ chức không được mở âm thanh lớn, gây ồn ào cho những người khác cũng đang tổ chức picnic tại công viên. Thành ra, ban văn nghệ không thể trình diễn được, mà chỉ kể chuyện vui thôi. Dĩ nhiên là ai cũng buồn, vì có rất nhiều tiếng hát rất hay mà cơ hội này để họ có dịp đóng góp tiếng hát của mình trong “Ngày Đà Lạt.”

Trong số đó có ca sĩ Trần Đắc là người Bắc theo gia đình di cư vào miền Nam Việt Nam lúc ông còn bé. Sau vài năm sống ở miền Trung, gia đình ông thuyên chuyển về Đà Lạt. Năm 13 tuổi, ông học trường trung học Trần Hưng Đạo.

“Tuân theo lệnh động viên, tôi nhập ngũ vào khóa 3/68 Trừ Bị Thủ Đức. Hơn sáu năm quân ngũ tôi thỉnh thoảng có về Đà Lạt để thăm lại ngôi nhà của bố mẹ tôi đã gầy dựng trên 20 năm, nằm trên đường Đào Duy Từ ở cuối Dốc Nhà Bò. Rồi vận nước điêu linh, tôi trở thành người Việt xa xứ đã trên 20 năm. Mỗi lần Hội Thân Hữu Đà Lạt tổ chức những buổi họp mặt thì tôi đều có đến dự và hát giúp vui cho bà con cô bác cùng chung xứ sở nghe lại những ca khúc được ra đời từ thời tiền chiến,” ông kể.

“Nhưng hôm nay, tôi rất buồn vì không có chương trình văn nghệ như hằng năm. Thì thôi, không được hát thì mình cứ cùng bạn bè thân tình của xứ mộng mơ ngày xưa, cùng ngồi bên nhau kể chuyện tuổi học trò, chuyện tình yêu dang dở, chuyện tình người ly hương trên xứ lạ quê người thì cũng làm ấm lòng cho thân phận kẻ lưu vong đã trên 70 tuổi của tôi rồi,” ông Đắc tâm sự.

Từ trái, Hội Trưởng Nghiêm Hữu Phỉ, ca sĩ Trần Đắc, ông Ngô Văn Sung và Giáo Sư Ngô Thị Nhường. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo ban tổ chức, sau năm 1954, nhiều người ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung đến Đà Lạt lập nghiệp, nên số trường lớp được mở ra ngày càng nhiều hơn, từ vườn trẻ, mẫu giáo, tiểu học đến đại học, công lập cũng như tư thục.

Trước năm 1975, các trường trung học ở Đà Lạt gồm có Bùi Thị Xuân, Hưng Đạo, Hùng Vương, Quang Trung, Việt Anh, Văn Học, Bồ Đề, Trí Đức, Thụ Nhân, Couvent des Oiseaux, Adran, Thiên Hương, Minh Đức, Vinh Sơn, Thánh Phao Lồ…

Cũng có nhiều thầy cô giáo, gốc người Đà Lạt, nhưng không được dạy học tại xứ sở của mình, như Giáo Sư Nguyễn Đức Thiêm, cựu giáo sư trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng Sài Gòn, cho hay: “Năm 1963 tôi dự thi vào Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Sài Gòn. Khi tốt nghiệp, vì ở Đà Lạt không có trường Trung Học Kỹ Thuật, nên tôi phải vào dạy học cho các trường trung học kỹ thuật tại các tỉnh lỵ khác. Sau đó, tôi được về dạy học cho các học sinh ở trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng Sài Gòn, và gia đình chúng tôi đã định cự tại Sài Gòn kể từ lúc đó. Trong thời gian dạy học, cứ mỗi dịp được nghỉ Hè thì chúng tôi cũng có trở về thăm quê hương Đà Lạt.”

Còn Giáo Sư Nghiêm Thị Nhường, cư dân Pomona, sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, và cũng là cựu học sinh của trường Sư Phạm Đà Lạt, khi ra trường được dạy học tại nhiều trường trung học tại xứ sở của mình. Năm 1990 gia đình bà định cư tại Hoa Kỳ.

Ông Lê Đình Sáu, dân cố cựu Đà Lạt, làm việc tại Đức Trọng, Đà Lạt trước năm 1975. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Dân Đà Lạt là do sự tập trung của các dân từ Bắc, Trung và Nam. Thành ra giọng nói của chúng tôi có hơi lai các giọng của ba miền. Tuy vậy, nhưng cái đặc thù của dân Đà Lạt là rất gần gũi và yêu thương nhau. Còn phụ nữ Đà Lạt thì tâm hồn cũng có chút lãng mạn, có lẽ bị ảnh hưởng của cảnh đẹp mà còn thơ mộng nữa như Thác Cam Ly, Hồ Xuân Hương, Thung Lũng Tình Yêu, Đồi Cù, Đồi Mộng Mơ… và cũng có những mối tình đầy mơ mộng, ray rứt như nét buồn của Hồ Than Thở, Đồi Thông Hai Mộ. Tại hải ngoại, thâm tình đồng hương Đà Lạt vẫn còn muôn thuở. Do đó, khi đặt chân đến California thì chúng tôi tham gia vào Hội Thân Hữu Đà Lạt ngay,” Giáo Sư Nhường tỏ bày.

Ngoài Sài Gòn, thành phố Đà Lạt là nơi có nhiều trường đại học nhất, các trường đại học như Viện Đại Học Đà Lạt, Trường Quốc Gia Hành Chánh, Trường Chính Trị Kinh Doanh, Giáo Hoàng Học Viện… Về quân sự, có các trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, Trường Chỉ Huy và Tham Mưu…

Ông Ngô Văn Sung, cựu quân nhân Quân Lực VNCH, đã từng theo gia đình sống tại Đà Lạt lúc còn nhỏ. Nhưng, trước tuổi mộng mơ thì gia đình chuyển về Nha Trang.

“Tuy tôi có chút kỷ niệm trong tuổi ấu thơ tại Đà Lạt, nhưng cứ mỗi lần hội Đà Lạt tổ chức họp mặt thì tôi cũng đến dự. Tôi rất tiếc là tôi không được sống tại Đà Lạt trong lúc mình đã biết chiêm ngưỡng cảnh đẹp, và những cô gái đẹp Đà Lạt,” ông tâm tình.

Những món ăn thuần túy quê nhà trong buổi tổ chức “Ngày Đà Lạt.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Còn ông Lê Đình Sáu, dân cố cựu Đà Lạt, làm việc tại Đức Trọng, Đà Lạt, trước năm 1975, nói: “Xứ Đà Lạt không những là xứ có nhiều cảnh đẹp mà còn là xứ của nhiều loài hoa đẹp, vì khí hậu ở đây rất thích hợp với các loài hoa, mà đẹp nhất là những đóa hoa biết nói. Thành ra, ai đã đến xứ sở này thì khó mà quên được.”

Trong lần hội ngộ này, đặc biệt nhất là ông Hà Thanh Tâm, cựu quân nhân VNCH mới đến Hoa Kỳ đươc sáu tuần.

Ông Tâm kể: “Lẽ ra tôi được định cư ở Mỹ lâu rồi, nhưng vì công việc làm, nhà cửa, vườn tược của mình còn ở Việt Nam, nên tôi để cho vợ con tôi đi trước vài năm theo diện đoàn tụ gia đình. Khi đặt chân đến đất Mỹ thì tôi mới thấy là đời sống của người Việt tại đây rất tuyệt vời, từ công việc làm đến trường lớp cho mấy đứa nhỏ cũng rất tốt.”

“Điều làm cho tôi rất vui mừng và hãnh diện là cộng đồng người Việt ở hải ngoại lúc nào cũng còn giữ truyền thống và bản sắc của dân tộc Việt, bằng chứng là tôi thấy có rất nhiều hội của người Việt Nam ở đây cũng như Hội Thân Hữu Đà Lạt, hội các trường trung học, hội đồng hương tỉnh này, xứ nọ… Nhất là tôi thấy có rất nhiều trường dạy tiếng Việt ở đây mà do chính các hội của Việt tổ chức. Quả đúng như câu nói ‘Chúng ta ra đi mang theo quê hương’ một cách rõ ràng và trung thực,” ông hãnh diện nói. (Lâm Hoài Thạch)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT