Tuesday, April 30, 2024

CSVN giấu dân khi ký thỏa hiệp quốc phòng với Liên Hiệp Châu Âu

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Truyền thông nhà nước CSVN không đưa tin một đại diện cấp cao thay mặt 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) vừa ký thỏa hiệp quốc phòng với Việt Nam hôm Thứ Hai, 5 Tháng Tám, 2019, tại Hà Nội.

Tin tức cho hay bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời cũng là phó chủ tịch Ủy Ban Liên Âu ký với phía Việt Nam bản Hiệp Định Khung Về Tham Gia (Framework Participation Agreement – FPA) mà từ đó Việt Nam có thể trở thành nước đối tác góp phần vào các chiến dịch và sứ mạng căn cứ trên Chính Sách Chung về An Ninh và Quốc Phòng của Liên Âu. Đây là một chiến lược phối hợp các hoạt động quốc phòng và tình báo của Liên Âu.

Buổi ký kết kể trên với EU diễn ra vào lúc Việt Nam đang gặp căng thẳng với Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính trên Biển Đông. Trung Quốc điều động hàng chục chiếc tàu tới cản trở hoạt động dò tìm dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Báo chí của Hà Nội chỉ đưa tin bà Mogherini họp báo với Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh và gặp Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Trang mạng của nhà cầm quyền Việt Nam là “chinhphu.vn” qua cái tựa “Việt Nam hoan nghênh lập trường của EU về Biển Đông” khi tường thuật về cuộc họp báo chung của bà Federica Mogherini và ông Phạm Bình Minh.

Trang mạng này thuật lại là “Về vấn đề Biển Đông, đại diện cấp cao của EU chia sẻ quan ngại của Việt Nam liên quan đến những căng thẳng gia tăng gần đây trên Biển Đông, cho rằng đó không phải là những yếu tố thuận lợi cho môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực.”

Báo mạng của đài VOV và tờ Tiền Phong thì cũng với tiêu đề “EU chia sẻ quan ngại của Việt Nam về căng thẳng gần đây ở Biển Đông” và cũng không đề cập gì đến thỏa hiệp quốc phòng hai bên ký kết.

Điều này cho thấy nhà cầm quyền CSVN vừa muốn giấu dân, vừa cảm thấy nhạy cảm đối với “đồng chí anh em” phương Bắc hiện đang phải đối đầu ở bãi Tư Chính.

Bà Federica Mogherini (Hình: AP)

Tuy nhiên, một trang mạng Anh ngữ chính thức của hệ thống truyền hình Trung Quốc CGTN (China Global Television Network) hôm Chủ Nhật, 4 Tháng Tám, 2019, cũng đã đưa tin rằng “Vào ngày 5 Tháng Tám, thủ lãnh ngoại giao EU Federica Mogherini sẽ ký một thỏa hiệp quốc phòng với Việt Nam, thỏa hiệp đầu tiên mà Brussels sẽ ký với một nước Đông Nam Á. Đây là dấu hiệu chứng tỏ EU đang cố gắng củng cố mối quan hệ quốc phòng với khu vực.”

Trước đó, ngày 30 Tháng Bảy, 2019, trong cuộc phỏng vấn với báo tài chính Nhật Bản Nikkei, bà Mogherini cũng đã cho biết bà sau khi dự cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN và các đối tác thì đến Hà Nội “Ký thỏa hiệp với Việt Nam về tham gia trong các sứ mạng quân sự và dân sự.”

Việc ký kết với Việt Nam nói trên chứng tỏ rõ ràng Liên Âu đang muốn đóng một vai trò tích cực hơn ở khu vực.

Với một lực lượng hải quân, cảnh sát biển quá nhỏ bé so với Trung Quốc, Việt Nam cố gắng lôi kéo các cường quốc trên thế giới hậu thuẫn cho mình về mọi mặt từ chính trị đến an ninh quốc phòng.

Giữa các nước Liên Âu, Việt Nam đã ký Hiệp Định Đối Tác Chiến Lược với Anh, Pháp và Đức. Riêng với Đức, hiệp định này đã bị đình chỉ từ khi Hà Nội cho một đoàn tướng tá công an do chính Bộ Trưởng Tô Lâm cầm đầu sang bắt cóc Trịnh Xuân Thanh năm 2017 tại công viên giữa thủ đô nước Đức.

Với hiệp định khung vừa ký, CSVN sẽ được dễ dàng hơn khi vận động họ huấn luyện giúp nhân sự từ phi công đến sĩ quan hải quân, và cả dịch vụ mua sắm võ khí.

Trong số các nước Liên Âu, Pháp đã cho nhiều tàu chiến thăm viếng các cảng tại Việt Nam, cũng với dụng ý chào hàng trong lúc Hà Nội đang có nhu cầu cải thiện sức mạnh hải quân. Gần đây nhất, một chiến hạm có nhiệm vụ chính là phòng không của Pháp đã đến Sài Gòn cuối Tháng Năm vừa qua.

Một tháng sau đó, tức cuối Tháng Sáu, 2019, Việt Nam và Liên Âu đã ký tại Hà Nội bản Hiệp Định Tự Do Thương Mại, gia tăng quan hệ mậu dịch để cùng nhau gỡ bỏ phần lớn rào cản thuế quan.

Hiệp định sẽ còn phải chờ Quốc Hội hai bên thông qua để có hiệu lực, theo đó, Liên Âu (EU) sẽ gỡ bỏ 85% thuế quan trên hàng hóa của Việt Nam rồi từ từ gỡ bỏ những phần còn lại trong 7 năm. Đồng thời Việt Nam cũng gỡ bỏ 49% thuế quan trên hàng hóa của EU khi hiệp định có hiệu lực và phần còn lại sẽ được giảm dần trong 10 năm. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT