Tuesday, April 30, 2024

Nhiều uẩn khúc vụ gia đình tạt xăng đốt đoàn cưỡng chế ở Cà Mau

CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Gia đình tạt xăng đốt 10 cán bộ trong đoàn cưỡng chế đất ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, xuất phát từ những ấm ức, bất công mà chính quyền sở tại cố tình lấp liếm, chèn ép.

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 14 Tháng Tám, 2019, cho hay sau khi bị bắt giữ một ngày, chị Phạm Thị Phiếm (29 tuổi), con gái ông Phạm Hoàng Kiếm, bà Lê Thị Hiến (52 tuổi, ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), được công an cho về vì đang nuôi con nhỏ theo luật định, nhưng vẫn phải đến cơ quan công an thường xuyên để “phục vụ việc lấy lời khai.”

Chị Phiếm cùng gia đình trước đó đã tạt xăng, châm lửa đốt làm 10 cán bộ trong đoàn cưỡng chế đất bị thương.

Không giấu nỗi hoang mang trước viễn cảnh cả nhà mình sẽ phải ở tù vì dám chống lại sự bất công để bảo vệ tài sản chính đáng, chị Phiếm buồn bã nói: “Nhà đã mất rồi, tôi phải ở nhờ nhà dì ruột. Cha mẹ thì bị tạm giam, chồng và anh trai thì bỏ trốn hiện chẳng biết ở đâu.”

Kể với báo Pháp Luật TP.HCM về đêm cuối cùng trong căn nhà bị cưỡng chế, chị Phiếm cho biết: “Đêm đó (6 Tháng Tám) cha mẹ em cãi nhau. Cha em nói đoàn cưỡng chế sẽ đến và tiến hành việc cưỡng chế vào hôm sau. Còn mẹ thì tin tưởng khẳng định việc cưỡng chế sẽ bị hoãn bởi vụ án sẽ được tái thẩm. Mẹ bảo nếu cha sợ thì cứ bỏ đi, để mẹ ở lại nhà liều chết một mình. Rồi em nghe cha mẹ bàn với nhau đuổi mấy đứa con đi để hai vợ chồng già liều chết…”

Sau đó, gia đình bà Hiến quyết định thà liều chết chứ không chịu mất nhà, đất. “Đất này là của ông cố để lại cho ông bà ngoại, rồi ngoại để lại cho mẹ em. Gia đình em chưa bán hay tặng cho ai nên không đành lòng rời khỏi mảnh đất của ông bà tổ tiên để lại. Cả nhà không cam tâm, nhất là mẹ. Bà nói thà chết trên thửa đất này còn có đạo lý hơn chứ mất nhà, mất đất, mất cả mồ mả tổ tiên rồi thì sống làm gì,” chị rưng rưng nói.

Chị Phiếm cho biết rất khuya, trước khi ngủ vẫn thấy ông Kiếm ngồi trong mùng soạn hồ sơ, còn bà Hiến thì nằm trên võng gác tay lên trán, mắt trân trân ngó lên trần nhà.

Thế rồi hôm sau (7 Tháng Tám), khi đoàn cưỡng chế của huyện Cái Nước gồm hàng chục người đến, gia đình bà Hiến đã chống đối quyết liệt để cố giữ căn nhà 67.5 mét vuông, nơi cư ngụ hợp pháp của gia đình sáu người và sau đó bị bắt giữ…

Xác nhận với báo Người Lao Động, ông Phạm Phúc Giang, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Cái Nước, cho biết trước khi cưỡng chế thi hành án, gia đình bà Hiến “có yêu cầu cơ quan hữu trách xem xét lại việc mua bán đất vì cho rằng có mờ ám của người anh là ông Lê Vũ Khi.”

Ngoài ra “họ cũng đã yêu cầu cơ quan tố tụng cấp trên xem xét lại bản án sơ thẩm của Tòa Án Nhân Dân huyện Cái Nước mà họ bị mất quyền kháng cáo vì để quá thời hạn kháng cáo theo luật định.”

Theo hồ sơ do gia đình bà Hiến cung cấp cho thấy vợ chồng cụ Lê Thành Quảng và Thái Thị Ngà sống ở thửa đất này mấy mươi năm qua. Khu đất có diện tích 4,620 mét vuông có ao bờ, trồng dừa và tám ngôi mộ. Đất do cụ Ngà đứng tên chủ quyền.

Căn nhà của vợ chồng bà Lê Thị Hiến bị tháo dỡ hoàn toàn trong ngày cưỡng chế 7 Tháng Tám, 2019. (Hình: Người Lao Động)

Năm 2001, vợ chồng cụ Ngà họp gia đình, ghi lại trong một tờ giấy viết tay có chữ ký của hai vợ chồng cụ và sáu người con với nội dung “đồng thuận chia phần đất 3,160 mét vuông cho bà Lê Thị Hiến để sinh sống lâu dài.” Phần còn lại, vợ chồng cụ Ngà ở, chưa chia cho ai.

Đến Tháng Chín, 2013, khi cụ Quảng mất (cụ Ngà mất trước đó bảy năm), mâu thuẫn về đất đai bắt đầu diễn ra giữa ông Khi và bà Hiến. Vụ việc được đưa ra chính quyền giải quyết nhiều lần, người dân địa phương hầu như ai cũng biết.

Thế nhưng đến năm 2014, ông Khi đã làm được “sổ đỏ” (giấy chứng nhận chủ quyền) đứng tên toàn bộ thửa đất này. Không lâu sau, ông Khi đem bán cho người khác, rồi người này sang nhượng lại cho người thứ ba.

Vợ chồng bà Hiến cho rằng ông Khi đã lừa họ để bán đất, bán luôn căn nhà họ đang ở để lấy tiền sử dụng riêng nên không chấp nhận dời nhà, giao đất cho ông Nguyễn Văn Việt (ngụ thành phố Cà Mau) người mua phần đất của ông Khi.

Thế là ông Việt khởi kiện vợ chồng bà Hiến và được Tòa Án Nhân Dân huyện Cái Nước xử thắng kiện theo bản án sơ thẩm ngày 12 Tháng Bảy, 2018. “Tòa Án Nhân Dân huyện Cái Nước tống đạt giấy triệu tập trước bảy ngày xét xử nhưng do cha mẹ tôi đang đi làm thuê ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) nên có đơn xin dời ngày xét xử. Tuy nhiên, tòa vẫn quyết xử vắng mặt nên gia đình tôi không biết. Đến khi nhận được bản án thì đã qua Tháng Tám, 2018, nên làm đơn kháng cáo muộn và bị Tòa Án Nhân Dân tỉnh Cà Mau không chấp thuận,” chị Phiếm kể và cung cấp những văn bản có liên quan cho báo Người Lao Động.

Ngày 12 Tháng Tám, 2019, báo Pháp Luật TP.HCM đã cùng với lãnh đạo xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, xem lại hồ sơ hưởng thừa kế của ông Lê Vũ Khi thì phát hiện “có dấu hiệu bất thường” so với quy định của pháp luật lúc bấy giờ.

Cụ thể, ngày 26 Tháng Mười Hai, 2013, năm trong sáu anh em con cụ Ngà đến Ủy Ban Nhân Dân xã Thạnh Phú ký các thủ tục về di sản thừa kế. Theo quy định của pháp luật tại thời điểm đó, việc chuyển quyền sở hữu di sản thừa kế phải được niêm yết ít nhất 30 ngày và nếu không ai khiếu nại mới tiến hành thủ tục chuyển nhận di sản. Thế nhưng chỉ mới 10 ngày (tức ngày 6 Tháng Giêng, 2014), Văn Phòng Đăng Ký Đất Đai huyện Cái Nước đã ký giấy chuyển quyền sử dụng toàn bộ diện tích 4,620 mét vuông đất (là di sản thừa kế) cho ông Khi.

Trong khi đó, từ khi thua kiện ở huyện Cái Nước, ngoài ông Khi thì tất cả anh chị em còn lại của bà Hiến đều cho rằng cuối năm 2013, họ đã lên xã ký giấy “từ chối nhận di sản” phủ nhận việc cho ông Khi toàn bộ mảnh đất trên.

Sau khi đối chiếu, cả hai ông Lâm Việt Triều, chủ tịch, và ông Nguyễn Minh Khuôl, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Thạnh Phú, cùng thừa nhận những điều bất thường trên.

Chưa hết, mới đây hôm 21 Tháng Năm, 2019, Tòa Án Nhân Dân huyện Cái Nước đã thụ lý vụ án do bà Lê Thị Hồng Nào (chị ruột bà Lê Thị Hiến), khởi kiện Ủy Ban Nhân Dân xã Thạnh Phú, đòi xã làm rõ phần di sản thừa kế của bà tại phần đất mà ông Khi đã đem bán. Đồng thời, yêu cầu tòa tuyên hủy toàn bộ “Giấy từ chối di sản thừa kế” của những anh em khác đã ký năm 2013, bởi ông Khi “đã lừa dối các anh em trong nhà nên những tờ từ chối di sản thừa kế đó là vô hiệu.”

Trả lời báo chí, ông Huỳnh Minh Tính, phó chánh án Tòa Án Nhân Dân huyện Cái Nước, cho biết “sẽ rà lại xem cơ quan này có thụ lý vụ án của bà Nào hay không.” Trong khi đó, ông Phạm Phúc Giang cho rằng “đây là những tình tiết mới mà ông mới nghe được.”

Trước đó, truyền thông Việt Nam loan tin, ngày 7 Tháng Tám, 2019, chính quyền huyện Cái Nước thành lập đoàn gồm nhiều lực lượng tổ chức cưỡng chế phần đất trên giấy tờ của ông Lê Vũ Khi, cũng là nơi gia đình bà Hiến đang sinh sống hợp pháp.

Không cần phân biệt đúng sai, đoàn cán bộ huyện Cái Nước “tiến hành cưỡng chế theo kế hoạch.” Uất ức, anh Phạm Văn Nguyên (con trai bà Hiến) cùng người em rể (chồng chị Phiếm) cầm dao, hất xăng vào đoàn cán bộ bật lửa đốt rồi bỏ chạy.

Hậu quả làm hàng loạt cán bộ trong đoàn cưỡng chế bị phỏng, trong đó có chín người được đưa lên Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Cà Mau cấp cứu và một người được chuyển lên bệnh viện ở Sài Gòn để điều trị.

Sau khi xảy ra vụ này, lực lượng Công An huyện Cái Nước đã đưa vợ chồng bà Lê Thị Hiến và ông Lê Văn Lập (anh bà Hiến) về trụ sở để “làm việc.” Riêng anh Phạm Văn Nguyên và người em rể đã bỏ trốn. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT