Tuesday, April 30, 2024

Vingroup được ‘nhúng tay’ vào làm Luật Đất Đai của CSVN

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bà Hồ Ngọc Lâm, trưởng Ban Pháp Chế Tập Đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, có tên trong danh sách “nhóm chuyên gia” để xây dựng Luật Đất Đai Sửa Đổi của CSVN theo quyết định của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường.

Ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã ký ban hành Quyết Định số 2080/QĐ-BTNMT hôm 14 Tháng Tám, 2019, thành lập Ban Soạn Thảo, Tổ Biên Tập, Nhóm Chuyên Gia và ban hành “Kế Hoạch Xây Dựng Dự Án Luật Sửa Đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất Đai.”

Ông Hà cũng là trưởng Ban Soạn Thảo Luật Sửa Đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất Đai, đồng thời là tổ trưởng thường trực Tổ Biên Tập.

Báo Người Đô Thị ngày 19 Tháng Tám, 2019, cho hay theo Quyết Định 2080 vừa ký kể trên, bên cạnh nhiều chuyên gia về đất đai “đã từng và đang làm việc ở các bộ ngành, tổng cục, viện…,” có thêm tên của bà Hồ Ngọc Lâm, trưởng Ban Pháp Chế Tập Đoàn Vingroup tham gia trong danh sách “Nhóm Chuyên Gia.” Đặc biệt, Tập Đoàn Vingroup cũng là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có tên trong quyết định này.

Quyết Định 2080 nêu rõ: “Nhóm Chuyên Gia có trách nhiệm nghiên cứu, tư vấn cho Ban Soạn Thảo, Tổ Biên Tập và tham gia góp ý trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý và hoàn thiện Dự Án Luật Sửa Đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất Đai, bảo đảm chất lượng, tiến độ và các thủ tục do pháp luật quy định để trình chính phủ và Quốc Hội.”

Cụ thể, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất Đai xoay quanh: “Tham vấn quy định chung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, cấp giấy chứng nhận, tái định cư, chế độ sử dụng đất, giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến đất đai…”

Tin cho biết, trước đó tại kỳ họp thứ 7 Quốc Hội CSVN Khóa 14 hôm 3 Tháng Sáu, 2019, chính phủ đã có đề nghị rút Dự Án Luật Sửa Đổi của Luật Đất Đai khỏi chương trình năm 2019 và trình Quốc Hội “vào thời điểm thích hợp.” Tuy nhiên, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội không đồng ý, buộc phải trình Quốc Hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp Tháng Năm, 2020.

Cũng theo báo Người Đô Thị, sau hơn năm năm triển khai Luật Đất Đai 2013, công tác quản lý đất đai của các chính quyền ở Việt Nam “có nhiều bất cập và vướng mắc” với thực tế. Chẳng hạn, giá đất nhà nước quy định luôn thấp hơn nhiều so với giá thị trường, có nơi giá đất nông nghiệp cao nhất chỉ 20,000 đồng/mét vuông($0.86).

Tòa nhà Landmark 81 Skyview và các chúng cư cao cấp của Vingroup, nằm bên bờ sông Sài Gòn. (Hình: Người Đô Thị)

Tại một hội thảo về đất đai hồi Tháng Ba, 2019, báo chí Việt Nam lược thuật phát biểu của Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Ngô Trí Long, cựu viện trưởng Viện Quản Lý Giá, cho rằng hiện nay khung giá đất của Nhà nước chỉ bằng khoảng 20% – 60% khung giá đất thị trường tùy theo địa phương. Điều này dẫn đến việc người dân khiếu kiện kéo dài khi nhà nước thu hồi đất.

Phúc trình của chính phủ tại kỳ họp thứ 7 Quốc Hội Khóa 14 cũng cho biết: từ năm 2014 đến 2018, Việt Nam có 342,710 đơn khiếu nại với 156,071 vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó khiếu nại về đất đai chiếm trên 60%.

Ngoài ra, trong tổng số 15,015 đơn khiếu nại được Trụ Sở Tiếp Công Dân Trung Ương tiếp nhận từ ngày 1 Tháng Bảy, 2014, đến ngày hết Tháng Mười Hai, 2018, có 10,834 đơn khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai, chiếm 72%.

Thế nhưng, theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2 năm 2019 của Tập Đoàn Vingroup, cho biết tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt 39,457 tỷ đồng ($1.7 tỷ), tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, riêng phần chuyển nhượng bất động sản mang về 25,759 tỷ đồng ($1.1 tỷ), tăng 9% so với cùng kỳ 2018.

Nhà báo Hàn Ni của báo Sài Gòn Giải Phóng, đồng thời cũng là một luật gia lo ngại viết trên trang Facebook cá nhân: “Thật đáng lo. Sở dĩ lâu nay luật của Việt Nam nhiều bất cập là vì luật không phải do cơ quan lập pháp (Quốc Hội) soạn thảo mà Quốc Hội chỉ làm nhiệm vụ ‘bấm nút’ thông qua. Hầu hết các luật do chính cơ quan hành pháp (Chính Phủ) soạn thảo, đã dẫn đến nghi ngờ lợi ích nhóm, mua chính sách, ‘vừa đá bóng vừa thổi còi…’”

Sau vụ Tập Đoàn Masan tham gia soạn thảo Bộ Tiêu Chuẩn Nước Mắm bị dư luận phản ứng gay gắt thì nay đến Vingroup, doanh nghiệp bất động sản (đơn vị có khả năng làm giá, dẫn dắt thị trường) cũng là doanh nghiệp duy nhất có tên trong nhóm soạn thảo xây dựng Luật Đất Đai sửa đổi!

“Người dân ngồi mơ thị trường bất động sản Việt Nam lành mạnh đi nhé! Giá đất bùng nổ, người nghèo càng ngày càng xa ước mơ có chỗ an cư. Ngày xưa ông bà nói, nghèo ‘cạp đất mà ăn’, giờ mơ cũng không có đất để cạp ăn đâu nhé,” nhà báo Hàn Ni viết

Trong khi đó, cựu nhà báo Nguyễn Thiện, một facebooker khá tên tuổi trong nước bất bình bày tỏ: “Masan thì tham gia soạn thảo Bộ Tiêu Chuẩn Nước Mắm, còn Vingroup, doanh nghiệp có vai trò dẫn đạo thị trường bất động sản thì tham gia xây dựng Luật Đất Đai sửa đổi. Trong khi đó, Luật Sư Đại Biểu Trương Trọng Nghĩa nhận cùng một số luật sư xây dựng dự thảo Luật Biểu Tình để thực thi Hiến Pháp 2013 thì không được.” (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT