Tuesday, April 30, 2024

Vụ ‘pate chay’ nhiễm độc: 3 cơ quan ở Hà Nội đổ trách nhiệm cho nhau

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trước áp lực của công luận, ngày 1 Tháng Chín, Cục An Toàn Thực Phẩm đã có công văn gửi Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An Hà Nội đề nghị điều tra và “xử lý theo quy định của pháp luật ” vụ sản phẩm Pate Minh Chay của công ty Lối Sống Mới bị nhiễm độc, khiến hàng loạt người dùng nhập viện sau khi ăn.

Theo báo Zing, liên quan việc nhiều người phải nhập viện do sử dụng “pate chay” nêu trên, trả lời các báo, đài tại buổi “Giao ban báo chí Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Hà Nội” chiều 1 Tháng Chín, về trách nhiệm quản lý nhà nước, bà Trần Thị Phương Lan, phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho rằng trách nhiệm rà soát, kiểm định về “bảo đảm quy định an toàn thực phẩm của doanh nghiệp” thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Hà Nội, bởi vì việc cấp “Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm” do Chi Cục Quản Lý Nông Lân Thủy Sản của Sở Nông Nghiệp thực hiện.

Dù được cấp “Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm” nhưng cơ sở sản xuất Pate Minh Chay liên tục có vi phạm. (Hình: Tổ Quốc)

“Cái này không thuộc lĩnh vực ngành Công Thương. Tôi cũng lướt qua vấn đề này như vậy thôi, các đồng chí cần thông tin sâu thì làm việc với Sở Nông Nghiệp,” bà Lan né trách nhiệm.

Để xác định, báo Zing liên hệ với ông Chu Phú Mỹ, giám đốc Sở Nông Nghiệp Hà Nội, thì ông Mỹ “đá” trách nhiệm cho rằng “cơ quan chủ trì các vấn đề về an toàn, vệ sinh thực phẩm là Sở Y Tế.”

“Mỗi sở một trách nhiệm riêng, Sở Nông Nghiệp chúng tôi đã cho Chi Cục Quản Lý Chất Lượng đi điều tra vấn đề này. Sở sẽ phụ trách điều tra nguồn gốc thực phẩm, còn giám sát chất lượng, vệ sinh thì chủ trì là Sở Y Tế,” ông Mỹ giải thích.

Trong khi đó ông Trần Ngọc Tụ, chi cục trưởng Chi Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm Hà Nội thuộc Sở Y Tế, lại cho biết công ty sản xuất Pate Minh Chay sử dụng nguyên liệu từ các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Do đó, Sở Nông Nghiệp là nơi cấp giấy chứng nhận và tiếp nhận các công bố sản phẩm.

“Khi xuất hiện các trường hợp ngộ độc mà liên quan đến sản phẩm, thực phẩm thì trách nhiệm của ngành y tế là cô lập nhanh, không để sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Còn kiểm tra, lấy mẫu thì Cục An Toàn Thực Phẩm của Bộ Y Tế sẽ phụ trách, chúng tôi không làm,” ông Tụ cho hay.

Trên thực tế, sản phẩm Pate Minh Chay được Chi Cục Quản Lý Chất Lượng Nông Lâm Sản và Thủy Sản Hà Nội cấp chứng nhận “đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm loại B” trong Tháng Giêng, nhưng đến Tháng Tám thì sản phẩm bị nhiễm khuẩn độc Clostridium botulinum.

Trong một diễn biến khác, chiều 1 Tháng Chín cơ quan hữu trách ở Sài Gòn đã tổ chức họp báo về sự việc trên. Trả lời báo Tuổi Trẻ, bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban Quản Lý An Toàn Thực Phẩm ở Sài Gòn, cho rằng Bộ Y Tế – cơ quan có thẩm quyền trong vụ ngộ độc “pate chay” đã chậm trễ.

Theo bà Lan, nếu công ty có sản phẩm nhiễm độc ở Sài Gòn và người dân thành phố là nạn nhân thì Ban Quản Lý sẽ “khoanh vùng mạnh tay hơn, hiệu quả việc xử lý có thể sẽ tốt hơn.”

“Nếu như tôi được lựa chọn giữa cảnh báo nhầm gây thiệt hại về kinh tế và người dân nhập viện sau đó nguy hiểm tính mạng vì ngộ độc, thì tôi thà chọn cảnh báo nhầm. Nghĩa là nếu có dấu hiệu thì cảnh báo, phản ứng ngay. Tôi nghĩ y bác sĩ chắc chắn sẽ lựa chọn yếu tố sức khỏe người dân lên hàng đầu. Nhiều trường hợp chúng ta không xem hiệu quả công việc, mà cứng nhắc xem xét đúng quy trình. Đôi khi đúng quy trình lại đưa đến kết quả, hiệu quả không tốt thì nên xem xét sửa đổi. Rất cần nghiên cứu để có quy trình phù hợp nhất,” bà Lan nói.

Trước đó, ngày 29 Tháng Tám, Cục An Toàn Thực Phẩm có thông báo “Khẩn” về việc sản phẩm Pate Minh Chay có chứa vi khuẩn Clostridium botulinum type B. Vi khuẩn này có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ gây tử vong.

Người ăn Pate Minh Chay cho hay cứ ăn xong là đau bụng. (Hình: Đầu Tư)

Bộ Y Tế khuyến cáo người tiêu dùng tạm thời không mua, sử dụng các sản phẩm của công ty này. Người đã sử dụng các loại sản phẩm trên nếu có dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, theo dõi kịp thời.

Đến ngày 31 Tháng Tám, Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội giao ba sở gồm Y Tế, Công Thương và Nông Nghiệp “khẩn trương có các biện pháp ngăn chặn, thu hồi và truy tìm người có nguy cơ ngộ độc do sử dụng sản phẩm công ty này, cũng như có biện pháp xử lý vi phạm nếu có.” Thế nhưng đến nay, chưa có đơn vị nào trực tiếp đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc này. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT