Monday, April 29, 2024

Thủy điện xả lũ chết người ở Việt Nam, không ai chịu trách nhiệm

PHÚ YÊN, Việt Nam (NV) – Các nhà máy thủy điện xả lũ nhưng không thông báo cho các khu vực hạ du dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng nhưng không ai chịu trách nhiệm.

Một số báo tại Việt Nam dẫn lời giới chức tỉnh Phú Yên kêu ca về những ngày thành phố Tuy Hòa và phần lớn tỉnh này bị ngập lụt hôm 30 Tháng Mười Một và 1 Tháng Mười Hai, thì nhà cửa, vườn ruộng chìm sâu dưới nước làm cho 10 người chết và thiệt hại tài sản nghiêm trọng chưa thống kê.

Căn nhà bà Phạm Thị Quờn (74 tuổi, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) tan hoang vì thủy điện xả lũ. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)

Thủ phạm là một loạt các đập thủy điện và hồ thủy lợi từ các khu vực thượng nguồn của tỉnh Gia Lai, tới tấp xả xuống hệ thống sông rạch của tỉnh Phú Yên. Tất cả các đập thủy điện và hồ thủy lợi tại Phú Yên lại cũng vội vã xả lũ để tránh vỡ đập khiến cho một vùng rộng lớn chìm nhanh trong biển nước, dân không kịp trở tay.

Tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Bảy, 4 Tháng Mười Hai, dẫn lời ông Nguyễn Trọng Tùng, giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Phú Yên, cho biết các đập thủy điện “tỉnh nào vận hành tỉnh nấy” không có sự phối hợp giữa các địa phương dù sông rạch liên thông với nhau. “Bởi vậy nên mạnh hồ nào hồ ấy xả, cuối cùng hạ du ở Phú Yên bị nhấn chìm trong lũ.”

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phan Phước Thiện, phó giám đốc công ty Khai Thác Công Trình Thủy Lợi Gia Lai, rồi ông Nguyễn Thanh Bình, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi tỉnh Gia Lai, giải thích rằng họ “gửi thông tin cụ thể đến Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Phú Yên như thời gian xả nước, lưu lượng nước…” và “trước khi xả lũ phải được lệnh của trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh mới được xả.”

Nhưng ông Lữ Ngọc Lâm, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Phú Yên, được thuật lời nói: “Trên thực tế cơ quan thường trực Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn Phú Yên không nhận được thông báo từ phía Gia Lai về việc xả lũ trong ngày 30 Tháng Mười Một.”

Báo Pháp Luật TP.HCM hôm Thứ Bảy kể: “Lãnh đạo Phú Yên đã thấy trước nguy cơ cả vùng hạ du sông Ba sẽ ngập lụt, một mặt chỉ đạo tỉnh ứng phó, một mặt liên tục gọi điện thoại lên Gia Lai yêu cầu điều tiết nước ở các hồ thủy điện, không xả lũ ồ ạt gây ngập lụt cho hạ du. Tiếc là các cuộc điện thoại đều không có người nghe…”

Báo này cáo buộc các đập thủy điện “chưa tuân thủ QuyếtĐđịnh 878 năm 2018 của thủ tướng về quy trình vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Ba.” Theo đó, phải “thông báo về thời gian, lưu lượng vận hành điều tiết của địa phương phía thượng nguồn cho Phú Yên” nhưng đã không làm.

Tờ Pháp Luật TP.HCM còn viết rằng: “Điều đáng nói, câu chuyện ‘mạnh ai nấy xả’ không phải là lần đầu, khi tỉnh Phú Yên đã từng có ý kiến ra trung ương về việc này nhưng chuyện đâu vẫn vào đấy.”

Không ai chịu trách nhiệm.

Qua Quyết Định 878 của nhà cầm quyền CSVN năm 2018 thì “Lệnh vận hành các hồ điều tiết lũ trái với các quy định trong quy trình dẫn đến công trình đầu mối, hệ thống các công trình thủy lợi, giao thông và dân sinh ở hạ du bị mất an toàn thì người ra lệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật,” báo Pháp Luật TP.HCM viết. “Cứ mỗi cơn lũ khủng khiếp qua đi, các bên liên quan vẫn thường báo cáo rằng tất cả đều đúng quy trình, rằng thì là do thiên tai chứ ít khi nhìn nhận trách nhiệm của mình trong công tác điều phối xả lũ, trách nhiệm của mình trước bao sinh mệnh, tài sản của người dân bị thiệt hại.”

Huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định chìm sâu dưới nước lụt ngày 1 Tháng Mười Hai vì thủy điện xả lũ. (Hình: Zing)

Truyền thông trong nước đăng tải nhiều hình ảnh, các video clip xả lũ và cảnh ngập lụt đường sá, nhà cửa tại Tuy Hòa (Phú Yên), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa) của các hồ thủy lợi và đập thủy điện ngày 30 Tháng Mười Một. Tình trạng “không có khả năng tích nước” của các hồ thủy điện tại tỉnh Phú Yên không phải chỉ riêng địa phương này. Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Nghệ An cũng đều một “bệnh.”

Năm 2020, thiệt hại từ các loại thiên tai và lũ lụt mà các đập thủy điện góp phần không nhỏ tại Việt Nam làm cho 356 người chết và tài sản mất mát ước tính 35,181 tỷ đồng (khoảng $1.5 tỷ), theo thống kê của Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Về Phòng Chống Thiên Tai CSVN. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT