Thursday, March 28, 2024

Chuyện thằng bạn cũ

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Độc giả viết’ nhằm mời gọi quý độc giả ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Và, biết đâu, đây là cơ hội cho chúng ta, những độc giả, trở thành tác giả. Để tham gia, quý độc giả vui lòng gởi cho Người Việt qua email: [email protected].(Bài trong mục này không có nhuận bút)

***

Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi. (Tranh: Nguyên Khai)

Thái Quốc Mưu

(Viết cho người bạn cũ, Thiếu Tá Huỳnh Thành Danh)

Thuở tôi đi học các lớp Dự Bị (lớp Tư) và lớp Ba bậc Tiểu Học, có tiết mục Tập Đọc. Thường,
thời dụng biểu của tiết mục nầy ở buổi chiều, sau giờ ra chơi, trở vào lớp.

Trước năm 1954, thời thuộc Pháp, bậc tiểu học khắp miền Nam, có các lớp: Đồng Ấu, Dự Bị,
lớp Ba, lớp Nhì Một Năm, lớp Nhì Hai Năm; lớp Nhất Một Năm, lớp Nhất Hai Năm, rồi vào
thẳng lớp Đệ Thất, hệ Trung Học, không có lớp Tiếp Liên. Các anh tôi đều học theo chương
trình nầy.

Đến khi tôi đi học, bậc Tiểu Học chỉ còn các lớp Đồng Ấu, Dự Bị, lớp Ba, lớp Nhì và lớp
Nhất. Rồi lên học lớp Tiếp Liên mới thi vào học Đệ Thất. Các lớp, Nhì Hai Năm và Nhất Hai
Năm, bị hủy bỏ từ cuối năm 1953. Tất cả các lớp ở bậc Tiểu Học, học sinh đều học ngày 8 tiếng, chia làm hai buổi sáng, chiều.

Thời đó, tất cả cơ quan chánh quyền và đồn, bót đều treo cờ Tam Sắc của Pháp. Trong đồn bót
nói là lính Pháp, nhưng, toàn là người Việt Nam. Chiều chiều các đồn, bót thường dẫn lính ra
đường tập cơ bản thao diễn, người chỉ huy đếm, “ọt! đơ! ọt! đơ!” (un! deux! un! deux!)
Lâu sau (không nhớ năm nào) các lớp bậc tiểu học đổi thành lớp Một, lớp Hai, lớp Ba, lớp Bốn,
lớp Năm.

Sau khi hiệp định Genève, chia nước Việt Nam thành hai nước. Đồng thời “Quốc Gia Việt
Nam” lập tách ra khỏi, “Việt Nam Độc Lập Trong Liên Hiệp Pháp”, Quốc Hiệu được đổi thành
“Cộng Hòa Việt Nam.” Năm 1956, Quốc Hiệu đổi lại lần nữa thành Việt Nam Cộng Hòa, quốc
kỳ nền vàng ba sọc đỏ song song với nhau. Và, 3 sọc đỏ nằm trong 1/3 ở nền vàng ở giữa.

Trong Bách Khoa Toàn Thư, có đoạn: “Năm 1948, chính phủ của Nguyễn Văn Xuân đã chọn
bài Tiếng Gọi Thanh Niên (hay Thanh Niên Hành Khúc) làm Quốc Ca với tên mới là “Tiếng Gọi
Công Dân” hay “Công Dân Hành Khúc.” Năm 1956, sau khi Việt Nam Cộng Hòa thành lập, đài
phát thanh Sài Gòn đã sửa chữa một vài đoạn để làm thành bản Quốc Ca của Việt Nam Cộng
Hòa.”

Tôi nghĩ, người viết bài nầy trên Bách Khoa Toàn Thư, có lẽ sống trong vùng bảo hộ của Pháp,
ở Bắc Việt; hay thuộc thể chế chánh trị của triều đình Huế, ở Trung Việt, nên có sự khác biệt với
chế độ thuộc Pháp ở miền Nam. Sau hiệp định Genève, 1954, đất nước Việt Nam bị chia làm
hai, với hai thể chế chánh trị hoàn toàn khác biệt. Đến lúc đó học sinh đi học mới chào cờ nền
vàng có 3 sọc đỏ. Và, hát Quốc Ca nước Cộng Hòa Việt Nam bằng bài Thanh Niên Hành Khúc
của Lưu Hữu Phước. Câu đầu của bài Thanh Niên Hành Khúc, “Nầy thanh niên ơi, đứng lên đáp
đền sông núi!” Về sau, đổi lời và đổi tên bài Thanh Niên Hành Khúc thành Tiếng Gọi Công Dân,
Và, bài Tiếng Gọi Công Dân trở thành bài Quốc Ca chính thức của nước Việt Nam Cộng Hòa.
***

Những lớp Tư, Ba của bậc Tiểu Học thời đó đều có tiết mục tập đọc. Thí dụ, có tập đọc, thì
chiều hôm trước thầy, cô cho biết sẽ đọc 3 bài nào, để học sinh tự chọn bài, về nhà đọc trước cho thuần thục, để chiều hôm sau, lên bục của Thầy, Cô đứng ngó xuống vừa đọc, vừa nghe tim đánh rầm rầm…

Có lần, trong lớp Ba chúng tôi, một trò chọn bài đọc, “Tái Ông Thất Mã” đại khái như sau:
“Một ông lão ở gần Trường thành, phía Bắc nước Tàu, giáp với biên giới nước Hồ. Có nuôi một
con ngựa. Một hôm ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt
chạy qua nước Hồ (tức Hung Nô) mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão. Ông lão là người thông hiểu việc đời nên rất bình tĩnh nói: “Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi.”

Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn
và mạnh mẽ. Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão, và nhắc lại lời ông đã nói trước đây. Ông lão không có vẻ gì vui mừng, mà nói: “Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy sẽ dẫn đến tai họa cho tôi.” Con trai của ông lão thường hay cưỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi cho nó chạy đi. Nhưng, con ngựa Hồ chưa thuần tính nhảy dựng lên. Có lần con ông lão không cẩn thận bị ngựa Hồ hất xuống, té gãy xương đùi, khiến con ông lão bị què chân, bị tật nguyền.

Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, “thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua
nầy lại gây ra tai họa cho con trai của ông như thế.” Ông lão thản nhiên nói: “Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa nầy mà được phúc khác!”

Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống ngăn giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân được miễn đi lính, được sống an bình với gia đình.” Tập đọc là tiết học cho học sinh tập dạn dĩ đứng trước mọi người và để biết ngắt câu ở các dấu phẩy, chấm dứt câu, chấm nhiều chấm như thế nào? Thầy, Cô thường không giải thích cặn kẽ nội dung bài đọc. Sau nầy, lớn lên, bạn bè cùng trang lứa tôi, khi ngồi bên nhau đem câu chuyện “Tái Ông Thất Mã” ra thảo luận, “chọc quê” nhau! đố nhau! Đa số thằng nào cũng khẳng định con ngựa của Tái ông là con ngựa cái, còn ngựa Hồ là con ngựa đực “mê gái”, mới bỏ quê hương… Vui!

Mới đây, (Sept. 18 -16) đi dự Hội Người Già, khi về tôi ghé vào tiệm Café nhâm nhi cho “bớt
nhớ người yêu.” (Síc! Hi!). Tôi gặp lại người bạn học cùng lớp thời tiểu học, chúng tôi rất thân nhau. Hai đứa ngồi cùng bàn trong quán café mà không nhận ra nhau. Chính xác là tôi không nhận ra “nó.” Chợt, “đối tượng” để tờ báo đang xem xuống bàn, hỏi, “Xin lỗi, có phải quê ông bạn ở Thạnh Phú, Bến Tre không?” Tôi mừng rỡ, gật đầu, “Xin hỏi, sao anh biết? Anh cũng ở Thạnh Phú?” Hắn cười cười không trả lời thẳng câu hỏi tôi, mà nói một cách vừa nghe qua là muốn đấm vào mặt ngay: “Chẳng những tao biết vậy, mà còn biết MẦY LÀ THẰNG THÁI QUỐC MƯU, một thằng hồi học ở bậc tiểu học mỗi đầu tuần, thầy, cô kêu hạng, chẳng đứa nào thấy mầy ở hạng nhì, hạng nhất!”

Nghe xong tôi hiểu liền, bèn trở giọng bằng ngôn ngữ ngày xưa, “Vậy là mầy học cùng nhiều lớp
với tao! Mầy là thằng nào?” Nó trả lời, “Thằng nào? Còn thằng nào nữa? Tao là thằng Danh đây thằng Mưu!” Nói dứt lời nó cười to ra vẻ thích thú. Tôi muốn hét lên cho sập quán Café luôn. Nhưng không! mà vội nhảy tới ôm chầm lấy nó. Mắt rưng rưng, hỏi: “Thằng quỷ, mầy qua đây hồi nào? Ở đâu? Còn thằng Nghĩa (em nó) Sao rồi?”

Thằng Danh kéo tôi ngồi xuống cái ghế gần nó, đáp giọng buồn buồn, “Nó chết lâu lắm rồi! Bạn
học hồi đó đứa nào đi theo vô rừng coi như chỉ còn mấy đứa. Thằng Nghĩa làm trung đội
trưởng Nghĩa Quân ở xã. Khi họ mới nổi dậy đánh đồn, bắt, giết nó liền! Tao nhanh chân vào
Thủ Đức trước, mới còn sống đến bây giờ…”

Chuyện tầy trời như vậy mà tôi không hề hay biết gì cả. Vì, cuối năm 1954, Cha Má tôi đưa hết
gia đình về Mỹ Tho. Sau, một lần nữa dời về Chợ Lớn. Tôi nói, “Tao nói mầy đừng giận. Mới đầu, tao chẳng biết mầy có phải thật là thằng Danh không? Sáu mấy năm rồi… mà mầy thì thay đổi nhiều quá! Tao không tìm được một tí hình ảnh nào của thằng Danh ngày trước!

Hồi đó, khi người lớn đến nhà thăm Cha, Má tôi. Họ hay vò đầu tôi, khen, “thằng nhỏ nầy thấy
dễ thương quá!” Còn Dì Chín – má nó, bà đẹp người lắm, luôn hãnh diện khoe với nhiều người, “hễ ai thấy nó cũng khen, thằng nhỏ đẹp trai quá!”

Vậy mà, trước mặt tôi, nó bây giờ y như một lão già ghiền ma túy, đen thui, ốm tong…
Danh cười cười, đáp, “Mầy nói đúng, sau 15 năm tù, khi tao về, Má tao cũng không nhìn được
tao…
– Tù về, mầy thay đổi nhiều dữ vậy sao?
– Không! do khóc nhiều, má tao bị mù…”

Tôi hét lên, “Trời!” Mắt tôi không còn rươm rướm mà là tôi khóc, khóc thật sự. Má nó, Dì Chín bán xôi, bắp hầm ở chợ quê tôi. Trong khi bọn học trò chúng tôi là “khách hàng” trung thành, dù đôi khi bị dì la om sòm mà cũng kéo nhau đến mua xôi. Ấy là, mỗi khi nghe ba tiếng trống giục sắp vào lớp, mỗi lần khi ba tiếng trống vừa dứt thì y như rằng. Dì Chín, đứng lên, một tay chống nạnh, một tay chỉ, miệng quát ầm lên, nếu Dì thấy đứa nào còn chơi ráng. Vì thế, Dì cứ la mắng mà chẳng đứa nào giận hoặc không thương Dì Chín!

Thành Danh nó khóc tự bao giờ. Tôi vội móc túi lấy tiền đặt trên bàn rồi nắm tay kéo nó đứng
lên, tôi vừa đi vừa nói: “Mình ra xe, tha hồ khóc!” Trên xe, tôi kể, “Còn má tao, lúc đó, chỉ trong mấy ngày, mà anh em tao thi nhau vào tù. Tao tù trên 8 năm, mới ba năm vợ tao lấy chồng. Má, tao quá đau buồn, quẫn trí, tự vận. Chết!” Đến lượt thằng Danh lại kêu, “Trời! Tội nghiệp Dì Năm quá! Đau đớn quá!” Tôi chảy nước mắt ròng ròng tiếp, “Lúc đó, Má tao mới 68 tuổi!”

Tôi đưa nó về nhà! Đêm đó, thức với nhau gần tới sáng, nhắc, kể lại chuyện xa xưa, từ hồi còn mặc quần đùi đen, áo trắng ngắn tay “bỏ vô thùng” đi học. Chuyện giảng dạy của các Thầy, cô, ở các lớp và chuyện cùng “lũ quỷ” quê nghèo phá làng, phá xóm… Chuyện Thầy Thuận với cô giáo Đào, nói tiếng Tây như gió!… Còn học sinh giờ Pháp văn tha hồ “Toi (toa), Moi (moa)” túi bụi… Nó nhắc lại bài tập đọc, “Tái Ông Thất Mã”, rồi nói, một hơi, “Hồi đó, không biết sao, trong đầu tao chỉ nghĩ chữ TÁI trong “Tái Ông Thất Mã” là tên hay họ của một thằng Tàu nào đó. Giờ
nhiều khi nào nghĩ lại nhớ tụi bây. Tao phục mầy nhất! Cả lớp có trên ba chục đứa, chỉ có một
mình mầy nói chữ TÁI trong tựa bài tập đọc hôm ấy, phải giải nghĩa là ông già ở gần biên giới.
Mầy giỏi như vậy nên suốt bậc tiểu học, không bao giờ mầy ở hạng nhì, hạng nhất là phải!”
Tôi cười “NỔ” thêm cho “oai”, “Chẳng những chỉ ở bậc tiểu học, mà khi lên Trung Học tao vẫn
là tao!”

Nó chửi thề, “Mẹ! Đời mầy lúc nào cũng “tiến lên giành chiến thắng.” Còn đời anh em tao, thì
thật mẹ đ…” Nó chua chát! Thở dài! Tôi chợt nhớ lại, nói nhanh, “Gặp nhau, mừng quá, tao quên hỏi sao mầy biết tao ở đây mà tìm?” Nó lại cười, “Thằng bạn cùng khóa tao hồi trước, nó viết và có chân trong tờ Nam Úc Tuần Báo, mỗi lần báo ra nó đều đem đến nhà cho tao, mỗi lần nhận báo xong, tao với nó ngồi uống trà, khi đó, tao hay lật lật tờ báo. Một hôm thấy có đăng thơ, hình với tên tuổi của mầy. Tao buộc miệng, “Mẹ, thằng nầy lúc nào cũng ngon lành, cũng sướng.” Nó hỏi tao, “Mầy biết Thái Quốc Mưu?”

Tao hỏi nó, “Mầy biết nó, vậy mầy có địa chỉ nó không?” Nó trả lời rất nhanh, “Tao có đủ, còn
có số phone luôn!” Từ đó tao quyết định khi nào qua Mỹ nhứt định gặp mầy. Nay, nếu không
gặp mầy ở đây, thì lát nữa tao đến nhà mầy.” Tôi nói, “Mẹ! Vậy mà gặp tao không chịu nói ngay, còn bày đặt hỏi nầy, hỏi nọ. Giờ tao muốn đá cho mầy một đá! Còn cái thằng cho mầy địa chỉ của tao cho mầy, tao biết nó là ai rồi, nó là thằng Nam Man, bạn tao. Nó trong nhóm Nam Úc Thời Báo. Tao sẽ “tính sổ” nó sau. Nhưng mầy có địa chỉ, số phone rồi, sao ở Úc mầy không gọi tao?” Nó đáp: “Tao muốn dành cho mầy sự ngạc nhiên. Đồng thời…” Đột nhiên nó bỏ lửng câu nói. Hai đứa im lặng, cùng lặng nghe những giọt buồn lắng đọng tâm hồn nhau. Sau nầy, tôi mới biết nó đến Mỹ, vì vợ nó từ Úc qua Mỹ nuôi đứa con gái Út mới sanh, bất ngờ bị đột quỵ… Mất!

Tôi nói thầm trong bụng để chia sẻ cuộc đời của nó, “Danh ơi! Vì sao đời mầy nhiều bất hạnh
vậy Danh!”

***
Một lần đi hội người già, tôi gặp anh Đỗ Tiến H., nguyên là Dân Biểu của hai nền Đệ Nhất và Đệ
Nhị Cộng Hòa, miền Nam Việt Nam. Đến ngồi bên tôi, xong, ông nói liền:
– “Chữ Tái trong “Tái ông Thất Mã”, chỉ có hai nghĩa, thứ nhất là Họ, thứ hai là Tên. Trong tờ
Dân Việt của anh, anh giải nghĩa chữ Tái ông là ông già ở biên giới thì không đúng!”
Tôi nói:
– “Không đâu anh, trong chuyện “Tái Ông Thất Mã” chữ Tái Ông có nghĩa là “ông già sống ở
biên giới”.
Anh Đỗ Tiến H., cắt ngang:
– “Tôi tra Hán Việt Tự Điển rồi, nó (chữ Tái) chỉ có hai nghĩa: Tên hoặc Họ, ngoài ra không còn
nghĩa nào khác!”
Tôi đặt bàn tay mình lên mu bàn tay anh ấy đang để trên bàn:
– Anh cho em nói, giả như, Tái là ông họ Tái, hoặc tên Tái mà nhà ông ta ở Bắc Kinh, thì con
ngựa của ông họ Tái hay tên Tái đó không thể nào chạy sang biên giới Hung Nô, rồi dẫn con
ngựa khác từ Hung Nô trở về Tàu. Vì vậy, em giải chữ Tái trong “Tái Ông Thất Mã” là “ông
già ở gần biên giới.” Chữ Tái ở đây nằm trong hai chữ “quan tái” có nghĩa là “cửa ải ngoài
biên giới.” Do ở gần biên giới nên con ngựa của ông lão mới “vượt biên” sang Hung Nô được.
Ông bạn già tôi vẫn lắc đầu, không đồng thuận. Tôi chỉ còn cách chào thua!

Atlanta, Oct. 12, 2016
Thái Quốc Mưu

MỚI CẬP NHẬT