Thursday, April 25, 2024

Nước Mỹ của ai?

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục “Độc giả viết” nhằm mời gọi quý độc giả “cùng làm báo” với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Và, biết đâu, đây là cơ hội cho chúng ta, những độc giả, trở thành tác giả. Mỗi tháng, toà soạn sẽ có giải thưởng $100, dành cho tác giả có bài viết được đọc nhiều nhất trong tháng đó. Để tham gia, quý độc giả vui lòng gởi cho Người Việt qua email: [email protected].

                                                                                         ***  

Mỹ Ca

Tượng Nữ Thần Tự Do, biểu tượng của nước Mỹ. (Hình: Kena Betancur/Getty Images)

Tôi ở Mỹ đã hơn năm năm. Đủ điều kiện nộp đơn thi quốc tịch sau khi ngốn xong một trăm câu hỏi về nước Mỹ. Nhưng tôi vẫn chần chừ, lưỡng lự không biết có nên thi vì thấy bản thân vẫn chưa hội nhập vào cuộc sống cao cấp của nước Mỹ. Cho dù cầm trong tay tờ chứng nhận quốc tịch là cánh cửa mở ra cho nhiều đặc quyền: Ðóng thuế, đi bầu, “mê-đi-ke” khi tuổi hưu, về Việt Nam ở lâu khỏi lo không được trở lại Mỹ… nhất là không còn phập phồng lo sợ nhân viên “Ai-Xi-I” chặn hỏi giấy tờ và tống về cố quốc nếu lỡ phạm pháp dấn thân vào vòng lao lý.

Đôi khi tôi thấy mình lạc lõng như đang đi trên hành tinh khác khi thấy các đồng nghiệp chuẩn bị ủng hộ cho một trận đấu bóng bầu dục hoặc bóng chày của đội bang nhà. Họ mặc áo có in tên những cầu thủ danh tiếng, đấu khẩu sôi nổi trong thang máy, phòng ăn, bàn việc. Tôi nghe họ bàn như vịt nghe sấm, không biết mô tê gì. Đó là mới nói về thể thao, chưa kể những tập tục văn hóa tốt đẹp phải thấm nhuần để có thể ngẩng đầu tự nhận dân Mỹ chính cống. Về ẩm thực thì xin lỗi, ham-bơ-gờ tôi nuốt không vô. Nếu bị bắt phải ăn cũng ráng nuốt nhưng sau đó cái bụng anh ách khó chịu phải uống thuốc dịu đau bao tử.

Hãy bắt đầu bằng khởi đầu, trong gian nan như tất cả mọi khởi đầu.

Vợ

Vợ tôi là người đầu tiên kiếm ra việc làm.

Hồi mới qua, một bà Mỹ-Việt tới chơi, thấy vợ tôi chăm sóc con cái kỹ lưỡng, ý định muốn mướn tới coi con cho con gái của bà mới sanh được vài tháng, và sau đó tiếp tục vì con gái phải trở lại công việc hằng ngày.

Bà dẫn vợ con tôi đi ăn kem, tặng áo quần đồng thời tâng bốc cô con gái lên cao ngút trời, nào là phúc đức, nhân hậu biết điều phải trái, thương người không ai bằng… năm sao trên nấc thang đánh giá mặt hàng tiêu thụ. Ông chồng còn dọa thêm coi con nít cho Mỹ phải coi chừng, đụng vào chỗ kín của chúng sẽ bị “su” ra tòa dễ dàng. Khi vào làm rồi mới té ngửa vì thấy cô chỉ là một người bình thường lớn lên trong xã hội má-tía, yêu trời biển, thích nhà cao ga-ra rộng xe xịn, mình xức đầy dầu thơm Sun-Sea, cao ngạo se sua không thua minh tinh xứ Hàn…

Vợ tôi thắc mắc sao bà mẹ lại ca ngợi cô bạo thế, nếu muốn bất cứ ai làm chỉ cần trả lương cao khối người xin vào tội gì phải cờ quạt cho hao nước miếng. Tôi từ tốn đây là cuộc điêu: bả muốn người làm tốt lại rẻ, nếu nói thật chưa chắc em đã muốn làm nên phải nói cho được việc, xong rồi quên, để tâm chi cho mệt. Bây giờ có hỏi lại chắc chắn bà sẽ chối không nói, không phải vì bà nói láo, chỉ vì bà đã thật quên hết rồi.

Những năm sau này, vợ tôi coi con nít cho một cặp vợ chồng Mỹ. Ông chồng Mỹ-Pháp, bà vợ Mỹ-Anh. Hai người học rất cao đủ thứ bằng cấp chứng chỉ nhưng sống đơn giản thoải mái không kiêu căng tự phụ khinh người stú-pịt. Lương tháng sáu con số nhưng cả hai đi làm bằng xe đạp, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường. Họ điêu lương giờ với vợ tôi nhưng khi thỏa thuận ký hợp đồng là cứ theo đó mà làm. Cho ăn món đã nấu sẵn, cho ngủ, chơi hát hò với trẻ mà thôi; không có màn nhờ thêm quét dọn nấu nướng giặt đồ phơi quần áo… không lương.

Dân gốc phương Tây nói chung không nội tạng mặc cảm nhược tiểu hoặc những niềm đau chôn giấu của một thời chinh chiến. Dù thành đạt không tự bắt buộc phải phô trương bằng những sản phẩm bề ngoài đắt tiền, xe, áo quần trang sức nhà sang cao rộng…

Làm tận tâm, họ trân trọng và coi như thân tình. Cứ mỗi sinh nhật của con, cả gia đình tôi được mời tham dự. Giáng Sinh viết thiệp tặng quà còn nói con họ quá may mắn được trông coi cẩn thận. Bà vợ còn đánh tiếng sẽ kế hoạch thêm một bé nữa để bảo đảm vợ tôi có việc làm lâu dài.

Bà vợ có người em trai và hay phàn nàn ông này không ý chí cầu tiến. Bỏ ngang đại học đi làm cho một hãng xe Nhật, ở chung với một cô bồ Mỹ-Hàn, ăn xài đi chơi cho thỏa chí tang bồng tuổi trẻ. Đến khi có con, chi phí sữa tã quá nặng, hai người mang con dọn về ở nhà bà mẹ. Đây cũng là chuyện lạ đối với tôi vì đã từng nghe bên Mỹ người trẻ ra đời tự lập rất sớm.

Hỏi ra mới biết họ không thể nhịn ăn xài để phát triển kinh tế Mỹ. Ông đi làm thợ sửa xe nhưng không hề có màn ăn sáng ở nhà hay bới cơm trưa mang theo. Tất cả đều mua ngoài. Chưa kể cuối tuần phải thư giãn rủ nhau đi mo sắm đồ, đi coi đấu bóng bầu dục hoặc bóng chày, sau đó đi ăn tiệm. Không bao giờ nghĩ chuyện dành dụm vì không thể sống tằn tiện.

Chồng

Tôi không kiếm ra việc làm hợp khả năng ngay mặc dù đã chuẩn bị học tiếng Anh thật kỹ. Qua đây mới vỡ lẽ giọng Anh với Mỹ không nắm tay đồng hành nên khi nghe phát âm Mỹ, tôi như điếc một nửa; nhất là khi nghe quí Mỹ-Phi nói chuyện, độ điếc tăng cao, cỡ ba phần tư.

Sau nhiều lần phỏng vấn không kết quả, tôi tự kiểm và đưa đến kết luận phải làm bất cứ gì để tiếp cận tiếng Mỹ. Tôi đưa tờ thảo tiểu sử nghiệp cho một ông Mỹ-Việt ở đã lâu, xin ý kiến. Ông dòm qua lắc đầu viết thiếu chuyên nghiệp. Tôi hỏi chỗ nào, ông nhún vai bỏ đi. Sau này mới nghiệm ra chắc không điêu với ông một chầu phở nên cho dù ý có nhưng khó nói thành lời.

Không kiếm ra việc hợp với khả năng, tôi loay hoay tìm về với đồng hương, may ra có ai chỉ cho việc làm nào chăng.

Lần đầu tôi tham dự một bữa tiệc họp mặt đồng hương ái hữu cựu trường xóm cũ. Vô rồi thấy lạc lõng người đi sau. Ngồi không mà điếc con ráy vì pháo bông đốt ròn rã hơn lễ Độc Lập, toàn những chương dài trong trường thiên thành công trên đất Mỹ, không ai chịu thua ai. Một ông nhìn tôi văng tục ngữ Trâu chậm uống nước đục! Ông nọ khoe mẹ mới đao cho một căn nhà bự năm phòng ngủ đầy đủ tiện nghi, bà nọ hung hăng con bà nếu không ham chơi đã vào Harvard lâu rồi. Tôi muốn bật cười nghĩ bà nói chơi nhưng thấy đôi mắt sòng sọc niềm tin yêu hy vọng vào tài năng con cái, tôi nín cười và nghĩ tới không biết bao triệu sinh viên lỡ chuyến tàu vào Harvard chỉ vì ham chơi, trong đó hẳn phải có ông con ham chơi hơn ham học của tôi.

Ở bàn kế, tôi nhận ra ông Hai xê cùng xóm cũ. Mỗi khi ông mở miệng chỉ để chia hai động từ chính: chê và chửi. Chê chung quanh ngu khờ. Chửi vì lâu năm sống gần người ngu ông hẳn đã nghiệm ra không thể dùng lời lẽ ôn hòa vì những kẻ ngu khờ chỉ có thể hiểu ngôn ngữ của bạo lực. Phần chửi còn lại ông dành cho những người may mắn hơn, ông chửi tổng thống không phải Mỹ chính cống, phu nhân tổng thống là đồ đi hay ngã…

Tôi thấy ông là người quá may mắn. Ở Việt Nam ông quen một cô nữ sinh, bóc nem trước kẻng, cô có bầu, ông lên xe rồ ga đuổi gió coi như không có. Mẹ cô gái phải bày sẵn tiệc cưới ông mới chịu về. Sau biến cố Tháng Tư bảy mươi lăm, thất nghiệp không tiền, ông chạy về tá túc nơi nhà mẹ vợ, được bà lo cho đi vượt biên.

Qua đảo ông sống như ông hoàng nhờ viện trợ bên vợ. Đến Mỹ ông mua vài căn nhà cũng do bên vợ giúp vốn. Ông đi tới đâu rớt con tới đó mà vợ ông vẫn một mực tuân lệnh thượng cấp. Phục tài tề gia của ông ngàn lần. Ông chỉ còn bước ứng cử vào Quốc Hội để trổ tài trị quốc bình thiên hạ cho xứng danh đại trượng phu không tử. Giả như tôi được một góc may mắn của ông, qua Mỹ vài chục năm trước, giờ đã không để ông độc quyền giải to mồm thuyết giảng đường thành công trên đất Mỹ.

Ngồi kế ông là Ba côn đồ, có ba côn đồ cho thuê dưới phố.

Ông Hai xê đang say sưa giải đáp vấn nạn cho một ông thẻ xanh. Giọng nói nhỏ nhẹ đủ cho bàn chung quanh nghe, ông đưa tay quẹt bọt mép vào nốt “đồ-mi” sao mày khờ thế, họ làm ơn cho mày là có ý đồ có lợi cho họ, đâu cần trả lại; chuyện có lợi mày cứ làm, họ có chết cũng chẳng sao, cứ ỡm ờ với quá khứ sẽ chẳng làm được gì. Bên này đầu óc dành cho tính toán hiện tại và tương lai, hơi đâu mà nhớ quá khứ.

Ông nói đúng. Người Mỹ nói chung làm thiện nguyện vì lợi riêng. Học sinh làm thiện nguyện với hy vọng có tấm vé ưu tiên vào đại học; sinh viên ưu tiên có việc khi ra trường. Thiện nguyện trả lại cộng đồng là một điểm sáng trong bản tiểu sử nghề nghiệp, dễ được thu nhận hơn bình thường. Người nghỉ hưu làm thiện nguyện để bớt cô độc, giữ trí nhớ không mai một.

Nhìn chung, không khí họp mặt thật thắm tình xứ sở. Những cánh chim tìm về tổ ấm để chia sẻ thành quả sau nhiều gian nan, so sánh coi ai thành công hơn. Được xuýt xoa thán phục bởi những người trước đây coi thường mình, lòng bỗng ấm lên niềm hãnh diện vô biên, xoa dịu những vết thương đời nghiệt ngã. Nước Mỹ tạo điều kiện cho những đột phá phi thường.

Không thể đợi ai, tôi xin vào làm cho một nhà kho chuyên bán phụ tùng xe hơi. Công việc nhận phiếu đặt hàng, tìm những phụ tùng ghi trên giấy, bỏ lên xe đẩy tay, đẩy ra bàn gói bao bì, sau đó xếp vào kho chờ gởi đi. Phụ tùng nhỏ như bóng đèn, cục lọc nhớt, bố thắng, nhớt máy còn ô-kê; nhưng đụng bình điện hoặc ống khói thì coi như rã rời tay chân.

Được vài tháng tôi nghỉ vì thấy không còn là Vọi của Khái Hưng mà là Đọi của bà Cả, không còn là ngày xưa, hết khả năng khiêng đồ nặng. Nhất là mệt mỏi thể lực, tối về chỉ muốn bay lên giường đánh giấc mộng dài, không thể học hỏi gì thêm.

Tôi lên mạng ghi danh lái “tắc-xi tự do.” Điều kiện dễ dàng, chỉ cần sở hữu một chiếc xế chạy được. Nếu không có xeo phôn công ty cho trả góp. Không cần thuộc đường vì đã có nhu liệu trên xeo phôn chỉ đường. Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Đây là những tháng ngày mà tôi học nghe tiếng Mỹ nhiều nhất. Khách hàng đủ mọi thành phần. Người thích nói kể đủ thứ chuyện. Người không thích nói nhất là người trẻ chúi đầu vào xeo phôn. Cặp đang yêu hun nhau chùn chụt. Cặp đang ghét chửi nhau xa xả, phất qua phất lại, xít tới xít lui thật sôi động.

Rosa

Ban ngày chạy xe, buổi tối chui vào thư viện công cộng ghi danh vào nhóm đàm thoại cho người đang học tiếng Mỹ. Ở đây tôi được bà Mỹ-Gia Rosetta, gọi ngắn Rosa, làm trợ huấn. Bà sanh ở Mỹ, cha mẹ đến từ Gia-nã-đại, tuổi trên sáu mươi. Trước đây bà làm tiếp thị và tổ chức sự kiện cho một công ty sản xuất linh kiện nối mạng vi tính lớn. Sau khi công ty bị nuốt bởi một công ty lớn hơn, bà nghỉ hưu non và đi làm thiện nguyện giúp kèm tiếng Mỹ ở thư viện công cộng này.

Tôi gặp bà mỗi tuần một lần vào buổi tối. Nói đủ mọi đề tài liên quan đến cuộc sống. Biết tôi đang tìm việc hợp nghề, bà biểu tôi đưa coi tờ tiểu sử nghiệp. Bà xem qua rồi hỏi ông làm bấy nhiêu năm mà kinh nghiệm chỉ vỏn vẹn một tờ này. Tôi nói chỉ ghi ra những gì tôi biết rành rọt mới đây, những gì trong quá khứ đã qua nên không tính. Bà lắc đầu đừng khiêm nhường, biết trước biết sau đều là biết, phải tự đánh bóng mình, cho dù là hạt cát trên biển cũng phải lung linh dưới ánh mặt trời. Giả thử ông có thời gian để làm lại những chuyện mà ông nói đã qua, ông làm được không? Được chứ! Nếu có thời gian vọc, sẽ ra. Vậy thì làm ơn viết hết ra đây. Tôi cầm tờ giấy bà đưa, cặm cụi ngồi viết thêm một trang nữa. Sau đó bà giúp tôi sắp xếp theo trình tự những gì hãng đang cần đưa lên trước, xóa những tin tức không nên bày như tuổi tác và địa chỉ; số điện thoại với địa chỉ điện thư là đủ. Bà cảnh giác tôi nạn ăn cắp thông tin cá nhân, không để lộ số an sinh xã hội cho bất cứ ai nếu thật sự không cần thiết. Hậu quả trước mắt là trả nợ cho quân gian mà không biết chừng nào mới đòi tiền lại được.

Bà còn tự nguyện kêu tôi đề tên bà vào tiểu sử nghiệp như người nói tốt để tôi dễ kiếm việc. Tôi hỏi mới quen mấy tháng sao bà cả gan cho tôi là người tốt vậy. Bà nói ít nhất tao có thể nói mà không sợ sai là mày làm hết sức để đứng trên đôi chân, không là một gánh nặng cho xã hội, hòa nhập vào giòng chính, góp sức xây dựng nền kinh tế phồn thịnh của nước Mỹ.

Bà nói thiệt hay. Chuyên gia đánh bóng sự kiện có khác. Hãy coi bà tả công việc làm tẻ nhạt ở nhà kho của tôi: kiểm soát hàng tồn kho và bổ sung hàng thiếu; kiểm soát phiếu đặt hàng và đáp ứng kịp thời nhu cầu khách mua hàng; giao tiếp hiệu quả với nhóm để giải quyết vấn đề, sắp xếp thao tác cho hợp lý và tránh nỗ lực trùng lặp để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc. Tôi chụp xeo-phì và nhìn thật kỹ nhưng chỉ thấy lờ mờ bóng mình trong những lời tả cảnh đó. Thêm nữa, tao có thể tin vì mày chưa thành dân Mỹ. Bà cười nụ Mỹ quốc, nhe nguyên hàm răng tân trang trắng bóc. Nụ cười thường thấy trên những trang quảng cáo. Nụ cười mời gọi hãy tin tưởng trao tiền, mọi chuyện đều tốt đẹp, cuộc đời sẽ đáng sống và hạnh phúc biết bao!

Sau đó ở mỗi lần gặp gỡ, bà giả một cuộc phỏng vấn việc làm, chỉ dẫn chi tiết những gì nên nói, những gì không. Bà khuyên tôi vì không ra trường Mỹ nên thi lấy vài chứng chỉ để chứng minh khả năng chuyên nghiệp. Ngay cả sinh viên bên này ra trường muốn có việc làm lẹ cũng phải kiếm vài chứng chỉ dằn túi.

Những công ty lớn ở Mỹ thường có một chương trình đào tạo riêng cho máy móc của họ, từ căn bản tới phức tạp qua hệ thống chứng chỉ. Thí dụ công ty Mi-cô chiếm phần lớn thị trường phần mềm vận hành máy vi tính, hoặc công ty Si-cô chuyên về máy nối và vận hành mạng đều có những chứng chỉ riêng. Hãng xưởng sử dụng những máy móc đó đều muốn mướn chuyên viên có sẵn chứng chỉ để không mất thời gian đào tạo. Tôi lên “I-bây” mua sách cũ về gạo, quyết tâm thi lấy cả hai “Si-cô” và “Mi-cô”. Vừa “Mi-cô” lần đầu xong, tôi được gọi đi phỏng vấn và nhận vào làm hợp đồng, từ đó nhảy từ hợp đồng này qua hợp đồng khác.

Không những luyện nói tiếng Mỹ, bà Rosa còn điêu luyện tôi đối phó với cuộc sống mới. Bà hào hứng nói về lịch sử lập quốc Mỹ, giải thích luật chơi bóng chày và bầu dục. Đếm cho tới nay, bà là người Mỹ duy nhất tử tế với tôi, quá tốt đến độ tôi đâm nghi ngờ bà là gián điệp Nga có mật vụ phá hoại nếp sống tốt đẹp của Mỹ quốc. Bà giúp dợt tiếng Mỹ cho người di dân vì muốn tìm hiểu thêm về văn hóa và lối sống của các dân tộc trên thế giới chứ không mưu đồ bắt tôi làm trẻ nhỏ khoanh tay ngồi vào xe đẩy để được đưa vào dự án vĩ đại, làm vệ tinh cho một ngôi sao nào lung linh dưới ánh đèn sân khấu tự phong.

Tiện đây xin đốt lên một nén hương lòng cho bà Rosa. Dù chưa chết nhưng tôi chôn bà trước vì sợ sẽ quên ơn bà làm cho tôi bấy lâu nay. Để sau này tôi vì chút lợi điêu dùng tên của một trong mười hai con giáp kêu bà, bà sẽ vui mừng biết ngay tôi đã là công dân Mỹ. Ở một chỗ nào đó, chối bỏ và lãng quên đã là khởi đầu cho tờ khai tử rồi.

Điêu

Nếu nói đô là hơi thở thì điêu phải là lỗ mũi của đời sống Mỹ nếu không nói là một nghệ thuật, nghệ thuật điêu. To deal with: to do business with, to engage in bargaining. Giải thích trong từ điển mang nhiều tính thương mại nhưng đối với người Mỹ, ý nghĩa rộng hơn, áp dụng cho mọi mặt trong cuộc sống. Nói sao có lợi cho mình, thuyết phục người đi vào con đường đã vạch sẵn, chiêu dụ họ vào làm việc cho dự án đang cần… Nói tóm lại không có điêu thì không có đô. Mà không đô thì điêu tàn chờ đón. Điêu linh nên điêu phải lớn (big deal), tuyệt không có điêu nhỏ, chỉ có không điêu lớn mà thôi.

Phần tôi, sau nhiều hợp đồng cuối cùng cũng được một nơi giữ lại làm việc dài hạn. Làm việc chung với tôi là một ông Mỹ-Phi, qua đây định cư đã ba mươi năm, không thích cảnh sát Mỹ lắm. Ông kể một lần đi sửa máy khuya cho một siêu thị, xong việc mở cửa sau đi ra thì bị cảnh chiếu đèn dí súng đè cổ bắt lầm vì ai đó phôn báo có ông đen đi ăn trộm. Tôi tôn ông làm quân sư điêu. Ông điêu trên từng cây số rưỡi, không bỏ lỡ một cơ hội nào. Không tuần nào mà ông không hí hửng khoe một cú mới điêu mới, trả tiền ít hơn giá ấn định.

Theo tôi chức thần điêu phải được trao cho ngài tổng thống số bốn mươi lăm Mỹ-Đức. Tôi phục ông vô cùng. Ông là mẫu mực thành công trên đất Mỹ mà tôi nguyện noi theo.

Khởi đi từ một ứng cử viên nhảy ngang, ông đánh bại mọi đối phương để trở thành tổng thống Mỹ quốc. Cách nói của ông phải là những bài học căn bản cho những ai muốn trau dồi nghệ thuật điêu. Lập luận đơn giản dễ hiểu sát với ngôn ngữ dân thường. Nói lôi cuốn đáp ứng nguyện vọng nghe, bóp đúng chỗ hiểm của cử tri. Ông là ứng cử viên duy nhất mà một học viên “i-sờ-eo” như tôi hiểu được tất cả bài nói chuyện, còn được dịp học thêm một số tiếng lóng không có trong sách vở. Phát biểu của ông nhiều nhà báo phân tích không trung thực nhưng điều đó không quan trọng, nghe xong bỏ phiếu cho ông quan trọng hơn. Ông có sự thật riêng. Giống như nhà văn, ở mỗi truyện là phơi bày một sự thật khác.

Ngày ông đăng quang vào nhà Bạch Ốc là ngày nghệ thuật điêu được thăng hoa lên hàng quốc sách, đảo lộn cách làm chính trị Mỹ từ trước tới nay. Từ rày về sau, sẽ không ai lên tiếng chỉ trích thượng nghị sĩ này hay dân biểu kia hứa lèo nữa, ngược lại sẽ khen họ điêu giỏi, có lợi cho đất nước Mỹ trước đã.

Nếu phải phân chia thời đại, lịch sử nước Mỹ sẽ được chia làm hai giai đoạn, trước và sau ngài tổng thống số bốn mươi lăm.

Tôi ở Mỹ đã hơn năm năm, đủ điều kiện nộp đơn xin vào quốc tịch nhưng chưa dám vì thấy khả năng điêu còn yếu kém. Bằng chứng hôm nay tôi phải mang xe ra tiệm sửa vì mua xong chạy một tuần, sườn xe bắt đầu kêu lạch cạch mỗi lần bánh vào ổ gà. Tay điêu non nên điêu đứng vì “điêu-lờ”! Nghe theo lời bàn của quân sư, tôi sẽ bắt họ sửa không tốn tiền nếu không sẽ khiếu nại văn phòng bảo vệ người tiêu dùng. Đã đến lúc cho đời thấy cự ly pháo của tôi lớn cỡ nào.

Các đại điêu nghe chuyện sẽ rủa thầm ngu thì chết! Tôi chưa muốn chết vì còn muốn được đứng vào tập thể con dân của một cường quốc. Làm công dân Mỹ, tôi có thể phẩy tay phủi hết quá khứ cơ cực trong một nước nghèo nàn như người ta phủi một vết nhăn trên áo, sẽ đi du lịch khắp thế giới chụp hình úp lên mạng xã hội để nhận bấm thích từ những người bạn không hề biết, sẽ ngồi chê những nước đã đi qua dơ dáy lạc hậu, không thể so với nước Mỹ. Tôi sẽ hãnh diện ngẩng đầu làm con dân của một nước hùng cường lấy tự do buôn súng và mị dân chủ làm nền tảng chính trị.

Để kết

Cho tất cả những ai đang trong tiến trình phỏng vấn định cư, đang hăm hở gạo tiếng Mỹ để sớm hòa nhập vào đời sống mới: hãy học ngay động từ điêu, học cho kỹ từ dê tới eo, chia đủ mọi thì, cách, ngôi thứ. Chìa khóa thành công trên đất Mỹ đang nằm trong tay bạn đó.

Lời khuyên không điêu ngoa của một người sắp thành công dân Mỹ vì đó là nước Mỹ của tôi.

MỚI CẬP NHẬT