Thursday, March 28, 2024

Tu hú

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục “Độc Giả Viết” nhằm mời gọi quý độc giả “cùng làm báo” với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý độc giả vui lòng gởi email: [email protected].

Huỳnh Ngọc Phiên

Tu hú có bộ lông màu đen, không thô như lũ quạ, không mịn như chim chèo bẻo. (Hình: Gx Tân Hương)

Tôi đang loay hoay giúp nhà tôi sắp đặt lại sách vở do người bạn gửi tạm nơi phòng con gái tôi trước khi hồi hương, thì chợt nghe rổng rảng tiếng “Tu hú! Tu hú” dội lên từ khu đất trống bên chung cư.

Có phải là tiếng tu hú gọi không nhỉ? Làm sao có thể có tiếng tu hú gọi ngay giữa thành phố Bangkok đang tiếp tục phình ra hàng ngày? Tôi đang cố tự thuyết phục mình rằng đó chỉ là ảo tưởng hay là do tai mình đã không còn nghe chính xác…

Dù đã cố gắng tu tập để ghi nhận sự việc như chúng hiện ra, tôi vẫn không bỏ được cái tật lý luận của mình! Thế rồi hai tiếng “tu hú” lại vang lên thành một chuỗi dài, khiến nhà tôi phải buộc miệng bảo “có chim tu hú gọi đó anh!”

Thuở nhỏ, tôi thường nghe tu hú về gọi nhau vào buổi giao mùa Xuân-Hạ. Tôi đã bỏ công rất nhiều đi lục lạo trong các lùm cây cao để tìm xem tướng mạo con chim kỳ bí này, nhưng tôi đã không được thỏa mãn, bởi chim vẫn ẩn náu đâu đó trong các lùm cây cao rậm…

Để có thể có điều kiện tốt hơn nhận ra loài chim này, tôi tìm cách học hỏi thêm về các đặc điểm của chúng. Nhiều người lớn bảo tôi: Tu hú có bộ lông màu đen, không thô như lũ quạ, không mịn như chim chèo bẻo. Thân nó không lớn như quạ, không nhỏ như chèo bẻo! Với những ý niệm này trong đầu, tôi khao khát đi tìm bóng chim tu hú…! Nhưng chim vẫn không thấy hiện ra dù hai tiếng “tu hú” vẫn được nghe suốt cả những ngày chuyển mùa của nhiều năm liên tiếp.

Về sau, tôi được biết thêm chuyện “cà cưỡng nuôi tu hú” và đem lòng ghét bỏ loài chim lười biếng này. Người ta bảo tôi: Tại mấy cây cổ thụ trong làng, cà cưỡng thường về làm tổ trên những cành cao chót vót nhô xa ra khỏi thân cây. Làm như thế, cà cưỡng yên tâm là tổ của mình được an toàn. Con người thì không leo đến tổ được vì trọng lượng của người sẽ làm gãy cành, còn mèo thì không dễ dàng mò đến tổ vì phải bò qua một khoảng trống đủ để chim nhận ra và kịp thời tấn công phòng vệ.

Tin tưởng vào sự an toàn của tổ, vợ chồng cà cưỡng yên tâm bay đi kiếm ăn xa sau khi đẻ trứng. Thừa lúc cà cưỡng đi vắng, tu hú bay đến tổ “húp” các trứng cà cưỡng rồi đẻ trứng của mình thế vào…

Khi trứng nở, cả tổ chỉ chứa toàn chim tu hú con… nhưng cà cưỡng không nhận ra sự khác biệt này. Cà cưỡng vẫn tiếp tục tha mồi về nuôi các chim con cho đến khi chim con ra đủ lông, đủ cánh rời tổ bay khỏi “gia đình” cà cưỡng…

Bởi vậy dân gian có câu:

“Uổng công cà cưỡng đút mồi
Để cho tu hú lớn rồi bay đi.”

Tôi không tin chuyện này vì cà cưỡng không đến nỗi dại khờ như thế. Chúng được biết là có tài bắt chước thể hiện qua câu nói “cà cưỡng đốt nhà, sáo ngà phun nước!” Mà đã giỏi bắt chước thì ắt hẳn là phải khôn ngoan rồi.

Thế nên tôi luôn tìm mọi cách để quan sát các ổ chim cà cưỡng trên các cây cổ thụ trong làng, với hy vọng kiểm chứng xem câu chuyện là có thật hay chỉ là lời đồn đãi. Mặt khác, biết đâu tôi có dịp để thấy tận mắt hình dáng của chim tu hú? Nhưng tôi chưa bao giờ có duyên. Và câu chuyện cà cưỡng nuôi tu hú vẫn còn nguyên là một nghi vấn nơi tôi.

Thật ra thì ở quê tôi, tu hú bắt đầu về vào khoảng Tháng Ba, Tháng Tư. Mỗi khi có tiếng tu hú rộn ràng, thì cũng là lúc ngư dân vùng biển Mỹ Khê đánh bắt được rất nhiều cá chuồn.

Tu hú mái. (Hình: Vĩnh Quyền)

Người ta bảo cá chuồn bay thành từng đàn đông hàng vạn con. Thành ra vào mùa cá chuồn, không có gì ngạc nhiên khi ngư dân bắt được thật nhiều cá. Có khi đàn cá nhiều đến nỗi chúng bay vào thuyền, làm chìm luôn cả thuyền. Tôi không biết độ tin cậy của câu chuyện này có cao không, nhưng nghe ra vẫn có lý hơn chuyện cà cưỡng nuôi tu hú.

Thịt cá chuồn không ngon nên chi giá trị kinh tế cũng không ra gì. Những khi được mùa, người ta thường thính cá chuồn để dành ăn vào mùa mưa lụt. Lúc này thì biển động, ngư dân không đi đánh cá và cá chuồn thính trở thành ngon tuyệt.

Trong các loại cá chuồn, chỉ có chuồn cồ là tương đối ngon thịt. Người ta rọc bụng cá khi còn rất tươi từ đầu xuống, xong nhét vào đó những nhúm hành tím đã dập bẹp trộn với ít bột tiêu rồi đem nướng. Mùi thơm của thịt cá nướng sẽ làm ta “chảy nước miếng!”

Người lớn thường kể cho lũ nhỏ chúng tôi là chim tu hú thường nấn ná ở quê nhà trong suốt cả mùa Hè. Không biết vì sao chúng lại về đây; cũng không rõ chúng ăn gì để sống và kiếm ăn bằng cách nào? Nhưng quả là có tiếng tu hú gọi trong nhiều tháng, từ đầu thôn đến cuối thôn…

Nhưng tiếng “tu hú gọi Hè” không hấp dẫn với tôi. Mùa Hè quê tôi có rất nhiều loài chim tụ về nên tôi tha hồ theo dõi các loài chim dễ trông thấy này. Nhiều khi tôi còn “túm” cả mấy chú chim con về nuôi, để rồi một sáng mai nào không lâu sau đó, tôi buồn rầu thấy chúng chết giữa lồng và tôi phải đem chôn để tỏ lòng thương tiếc…

Với tu hú thì khác hẳn. Tôi chỉ biết chúng về làng thôn khi nghe tiếng chúng gọi nhau.  Và rồi tu hú rời quê lúc nào tôi cũng chẳng bận tâm. Chỉ nghe nói là vào Tháng Sáu, Tháng Bảy… gì đó.

Rồi tôi rời quê nhà lên tỉnh học. Chim chóc không còn là sở thích của tôi. Dù vậy mỗi lần về nhà, tôi vẫn sung sướng lắng nghe lũ chim hót bên lũy tre làng.

Cái hạnh phúc nhỏ nhoi đó cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Dăm ba năm sau, chim chóc bỏ làng bay đi đâu hết! Cuộc sống an lành bên bờ sông Trà Khúc cũng biến mất theo. Bãi trước, bãi sau, đêm đêm hứng nhiều bom đạn. Dù không có các trận giao tranh ngay tại làng, chiến tranh cũng đã cướp đi khung trời thơ ấu, có rất nhiều tiếng chim, kể cả tiếng tu hú buồn buồn vang vọng xa xa…

“Tu hú, tu hú!” lại vang lên… Tôi đưa mắt nhìn về lùm cây xanh cách bờ tường chừng vài trăm mét. Biết đâu tôi bắt gặp chim tu hú cũng nên? Nhưng không, chỉ thấy một lùm cây xanh cao, nhô lên từ khu đất ẩm ướt trông có vẻ còn khá hoang sơ

giữa đám chung cư mới mọc lô nhô quanh đấy. Có lẽ nhờ khu đất ẩm ướt này mà cái lan can quanh phòng con tôi cũng được mấy chú cu đất đến thăm viếng luôn.

Ngày tôi mới đến học tại AIT, Bangkok – với cái tên mà người miền Nam thường gọi là Vọng Các – còn khá nhỏ. Ngày đó, khách sạn Dusit Thani là một điểm cao sang thu hút nhiều người đến ngắm quanh thành phố. Tôi cũng được mấy bạn học ở AIT đưa đến đó chỉ để đi… tiểu một lần, cho biết cái sang trọng của khách sạn nổi tiếng này… So với Sài gòn thì ngày đó Bangkok không hiện đại gì hơn.

Trên đường từ phi trường Don Muang (phi trường  của thủ đô Bangkok cho đến ngày 28 Tháng Chín,2006) về AIT, cách chừng 17 km về phía Bắc, tôi chỉ thấy có hãng Good Year (làm bánh xe hơi) và vài nhà máy dệt. Hai bên đường mênh mông là đồng ruộng, phần lớn còn bỏ hoang…

Về mùa mưa lụt – bắt đầu tập trung vào Tháng Bảy dương lịch, nước lênh láng đầy đồng… Mỗi lần mưa lụt, nhiều khu vực của Bangkok chìm trong biển nước. Có điều khác với quê tôi xứ Quảng, nước lụt ở đây lên, xuống rất khoan thai, để lại nhiều vũng nước trong đồng.

Hồi đi công tác bên Myanmar (Miến Điện) những năm 1988-1989, mấy bạn bên ấy thường nói đùa người Thái đã dời kinh đô về Bangkok, có sông nước bao quanh che chở, ngăn ngừa các cuộc tấn công từ các đoàn voi Miến Điện, giờ lại bị chính sông nước tấn công…Thế nhưng nói xong, các bạn thở dài: “Bây giờ Thái Lan giàu có quá so với đất nước chúng ta!”

Mà quả vậy. Từ khi có chủ trương biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường của Tướng Chatchai Choonavan, kinh tế Thái Lan đã phát triển rất nhanh chóng. Có lúc, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng đây sẽ là một con hổ của Châu Á, nối tiếp Đài Loan và Nam Hàn.

Bangkok luôn tiếp tục phình ra, không cần phải chờ quy hoạch cho ngăn nắp. Tôi rất khổ sở khi lái xe tại Bangkok vì nhiều điểm mốc giao thông – các điểm quy chiếu trong hệ thống giao thông của tôi – bị thay đổi liên lục, khiến tôi bị lầm đường lạc lối khá nhiều lần…

Dù tốc độ phát triển kinh tế của Thái Lan đã chậm đi sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997, đặc biệt với những cuộc xáo động chính trị trong những năm gần đây, nhưng Bangkok vẫn lặng lẽ mở rộng. Đất đai Bangkok cũng trở nên đắt đỏ không thua gì Sài gòn…

Tu hú trống. (Hình: Vĩnh Quyền)

Vì có quá ít cây cối trồng ven đường, Bangkok với tôi vì thế không có được cái duyên dáng của Sài Gòn. Bạn hãy đi trên đường phố đầy bóng cây của Sài Gòn vào một buổi trưa nắng hay một chiều có gió, mây bay để nhận biết Sài Gòn đẹp đến mức độ nào. Thật không thẹn với danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Đông mà bao người yêu thích đã tặng cho.

Vốn được xem là thuộc vùng ngoại ô, chung cư nơi tôi đang trú đã nằm lọt vào nội thành Bangkok lúc nào không rõ. Ngoài các trung tâm thương mại to đùng mọc chễm chệ trên đường Rachada Pisek – vốn là một đường vành đai, còn có Sứ Quán Trung Quốc và Nam Hàn cách đó không xa.

Cũng may cho Bangkok. Bù vào sự thiếu sót cây xanh trồng dọc theo đường phố, nhiều cư dân Bangkok có nhà cửa xây trên các vườn cây khá rộng, với nhiều thửa đất bỏ hoang cây cối mọc um tùm như các mảnh vườn bên chung cư này đây. Không biết có phải nhờ có các lùm cây mọc hoang như thế mà tu hú bay về gọi nhau?

Một phi trường ở Thái Lan. (Hình minh họa: Jack Taylor/AFP via Getty Images)

Tôi về sống tại Sài Gòn đã được 10 năm, nhưng chưa một lần nghe tiếng tu hú gọi. Nên sau lần đi Bangkok vừa rồi, tôi gọi ra ngoài quê hỏi thăm bà con có nghe tiếng tu hú hay không. Khi được trả lời là “không,” tôi thấy buồn lâng lâng như mất đi một vật gì quý giá. Rồi tôi tự an ủi mình: Bây còn hãy sớm lắm… chưa phải mùa cá chuồn… nên tu hú chưa về.

Ngày nay, lũy tre làng tôi đã tàn tạ một cách thảm thương. Thêm vào cảnh xơ xác đó, từ đầu thôn đến cuối thôn không còn bóng dáng một cây cổ thụ nào. Còn đâu chỗ cho chim tu hú ẩn náu? Còn đâu chỗ cho các loài chim khác tụ về sinh sôi nẩy nở? Tôi rùng mình khi tưởng tượng ra cảnh nắng cháy tràn về quê tôi. Có lần về quê, nhìn con sông Trà Khúc chỉ còn một lạch nước nhỏ gần cạn kiệt, tôi thấy buồn làm sao!

Sông cạn một phần vì dòng nước đã được dùng để tưới mấy chục ngàn hecta đất ruộng. Một phần khác quan trọng hơn là các khu rừng đầu nguồn đã bị đốn phá thảm hại, khiến cho mỗi lần mưa lớn nước nguồn đổ ồ ạt về hạ lưu tạo thành lũ lụt quét đi tất cả những gì ở trên đường nước chảy rồi nhập vào biển khơi. Để rồi sau đó sông trở nên khô cạn thật nhanh…

Tôi nói như để chính mình nghe: Thôi thì tu hú  hãy cứ bay về và réo gọi càng to càng tốt. Gọi để đòi người ta phải nuôi dưỡng nhiều cây cao cho chim chóc có nơi nương náu, cho con người có bóng mát che chở qua những ngày nắng hạn ngày một khốc liệt hơn… Dù chẳng thích loài chim tu hú, tôi cũng sẽ rất buồn nếu một ngày nào đó, tu hú không còn về thăm quê tôi nữa!

MỚI CẬP NHẬT