Tuesday, April 16, 2024

Vì sao Ðảng Xanh muốn kiểm lại phiếu bầu cử?

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Bà Jill Stein, ứng cử viên tổng thống Ðảng Xanh, đã chính thức yêu cầu ba tiểu bang Wisconsin, Pennsylvania, và Michigan đếm lại phiếu bầu của cuộc bầu cử ngày 8 Tháng Mười Một.

Nhiều người có thể ngạc nhiên tại sao lại là bà Stein đòi hỏi làm việc ấy, vì bà chỉ thu được khoảng 1% phiếu cử tri toàn quốc và như thế đếm lại phiếu sẽ chẳng thể mang đến gì khác cho cá nhân bà.

Danh tiếng và tiền bạc

Trước hết nên hiểu bà Stein là một nhà hoạt động chính trị, hành động của bà tạo nên sự chú ý trong dư luận và truyền thông. Ðây là một cơ hội hiếm có để bà và đảng của bà, được thêm nổi danh với quần chúng.

Kế đến, qua việc làm này bà Stein có thể dễ dàng gây quỹ.

Ai cũng có thể yêu cầu đếm lại phiếu với điều kiện là phải trả tiền. Luật lệ ở mỗi tiểu bang khác nhau, nhưng tiểu bang nào cũng đòi hỏi phải trả phí tổn cho việc đếm lại phiếu vì lý do không thể sử dụng công quỹ, nghĩa là tiền của dân đóng thuế.

Tại Wisconsin, việc đếm lại phiếu tốn khoảng $1 triệu. Tại Michigan phải trả $125 cho mỗi địa điểm đầu phiếu, tổng cộng toàn tiểu bang khoảng $973,250. Hôm Thứ Tư, Luật Sư Mark Brewer, đại diện bà Jill Stein, đem tấm ngân phiếu ghi số tiền ấy đến nạp cho văn phòng ủy ban bầu cử ở Lansing và Michigan trở thành tiểu bang thứ ba sẽ kiểm lại phiếu, có lẽ khởi đầu vào ngày Thứ Sáu. Tại Pennsylvania phí tổn cho việc này khoảng $500,000. Dự trù chi phí về pháp lý $2.3 triệu. Như vậy để yêu cầu đếm lại phiếu ở ba tiểu bang, bà Stein cần có $7 triệu.

Trong cuộc tranh cử, bà Stein chỉ gây quỹ được $3 triệu. Nhưng khi đề xuất việc đếm lại phiếu, chỉ trong vòng 24 giờ đã thu được $2.5 triệu và tính đến ngày Thứ Hai tuần này bà đã gây quỹ được $6.7 triệu, gần đủ mức phí tổn trù liệu.

Khả năng gây quỹ được coi là thước đo sự ủng hộ cho mỗi đảng, vì vậy đây còn là dịp để chứng tỏ mối quan tâm của quần chúng đối với Ðảng Xanh, một đảng nhỏ trong sinh hoạt chính trị Mỹ.

Nguyên nhân đòi hỏi đếm lại phiếu

Lý do vừa nêu có thể là thực tế, nhưng tuyên bố một cách chính thức, bà Jill Stein nói rằng việc yêu cầu đếm lại phiếu nhằm xác định rõ cuộc bầu cử được có được thực hiện công bằng và kết quả có bị làm sai lệch vì những yếu tố gì khác hay không, chẳng hạn trục trặc kỹ thuật của máy móc, hay tin tặc xâm nhập phá hoại.

Theo bà Stein, có sự “bất thường trong lãnh vực thống kê,” thăm dò ý kiến các cử tri từ phòng phiếu đi ra không phù hợp với kết quả kiểm phiếu cuối cùng. Không loại trừ sự kiện khác thường trong cuộc bầu cử năm nay, như các cơ quan thăm dò ghi nhận, là có thể có nhiều cử tri vì lý do này nọ đã không nói thật khi được hỏi ý kiến. Tuy nhiên, tính trên toàn diện, bất thường ấy đáng được chú ý vì có thể do nguyên nhân khác.

Bà Stein lo ngại đã có những sự xâm nhập phá hoại từ bên ngoài vào hệ thống điện tử của cuộc bầu cử. Chưa có bằng chứng cụ thể nào, nhưng với tình hình email của đảng Dân Chủ đã từng bị tin tặc xâm nhập đánh cắp và phổ biến qua WikiLeaks, thì sự nghi ngờ như thế không phải là vô căn cứ. Bà nói với Fox News: “Chúng tôi muốn cử tri được bảo đảm rằng hệ thống bầu cử của chúng ta công bằng, chính xác và an toàn.”

Một chuyên gia về an toàn điện toán, Giáo Sư J. Alex Halderman của đại học Michigan State University, nói với tờ Detroit Free Press rằng: “Ðiều đáng tiếc là kỹ thuật bầu cử Mỹ có nhiều sơ hở trầm trọng về an ninh điện toán.” Theo ông, ngay cả các máy đếm phiếu cũng có thể bị phá hoại, dù rằng chuyện này chưa thấy ở các cuộc bầu cử trước. Máy đếm phiếu không kết nối với mạng lưới điện toán nên không sợ tin tặc xâm nhập nhưng kẻ phá hoại có thể dễ dàng sao chép lá phiếu vào một thiết bị nhớ. Sau khi đã thêm những dữ liệu khác, các thiết bị nhớ được bí mật chuyển vào những máy đếm phiếu và đưa ra kết quả sai lạc. Chưa biết việc kiểm lại phiếu có sẽ phát hiện ra một hay nhiều trường hợp như thế hay không.

Khó có thay đổi kết quả bầu cử

Không có triển vọng việc kiểm lại phiếu ở ba tiểu bang có thể làm đảo ngược kết quả bầu cử.

Ông Donald Trump hơn bà Hillary Clinton:

-10,704 phiếu ở Michigan.

-22,177 phiếu ở Wisconsin.

-70, 638 phiếu ở Pennsylvania.

Mời độc giả xem video: Chỉ 25% dân Mỹ muốn ông Trump bỏ Obamacare

Con số đại cử tri ở ba tiểu bang này là Pennsylvania 20, Michigan 16, Wisconsin 10.

Bà Clinton chỉ chiếm được 232 đại cử tri. Nếu việc đếm lại phiếu đưa đến kết quả đảo ngược ờ cả ba tiểu bang, số phiếu cử tri đoàn của bà sẽ là 232+20+16+10 = 278. Nhưng nếu kết quả chỉ đảo ngược ở một hay hai tiểu bang ấy thì số phiếu cử tri đoàn của bà vẫn không tới 270 nghĩa là vẫn thất cử.

Ðảng bộ Cộng Hòa Wisconsin hôm Thứ Tư nạp đơn khiếu nại lên Ủy Ban Bầu Cử Liên Bang tố cáo nỗ lực của bà Stein là sự cộng tác bất hợp pháp với bà Clinton vì bà Stein chẳng hy vọng có lợi ích gì trong việc này. Các nữ phát ngôn viên của bà Stein cũng như của bà Clinton từ chối đưa ra lời bình luận.

Tờ The Hill dẫn lời ông Tim Miller, một chiến lược gia Cộng Hòa đã giúp cho ông Jeb Bush nhưng không ủng hộ Donald Trump, nói rằng: “Lập luận thoạt nghe có vẻ hữu lý ấy là sai. Bà Jill Stein không cố gắng giúp Hillary Clinton gì hết.” Theo ông Miller, bà Stein đã nhờ vào sự ủng hộ của những người bất mãn với ông Trump, nhưng cuối cùng nếu việc đếm lại phiếu không đem lại một kết quả gì cụ thể thì bà có thể bị phản ứng ngược và không có lợi cho Ðảng Xanh.

Ông nói: “Ðảng Xanh sẽ chẳng bao giờ có triển vọng trong bầu cử tổng thống nếu không chiếm được những chức vụ dân cử địa phương và tiểu bang.”

Thái độ của ông Trump và bà Clinton

Bà Hillary Clinton đã chấp nhận thua cuộc ngay trong đêm bầu cử và với cung cách của một chính trị gia, chắc chắn không khi nào hy vọng ở việc đảo ngược tình thế ngay lúc này. Tuy vậy, ban tranh cử và những người ủng hộ bà vẫn chưa hết bất mãn và trong một chừng mực nào đó bà sẽ không tìm cách ngăn chặn phản ứng của họ dù hiểu là sẽ không đi đến kết quả nào khác.

Ông Donald Trump gọi việc đếm lại phiếu là một âm mưu kiếm tiền của Ðảng Xanh, nhưng không quy kết hành động này là có sự thỏa hiệp với bà Clinton. Tuy nhiên, hôm Chủ Nhật, ông tweet ra như sau: “Không chỉ thắng lớn phiếu cử tri cử tri đoàn, tôi còn thắng phiếu phổ thông nếu không có hàng triệu người bỏ phiếu bất hợp pháp.” Ông muốn biện bạch về chuyện thua bà Clinton trên 2 triệu phiếu cử tri phổ thông.

Nhưng bằng lối biện bạch khác thường này, có lẽ chỉ có và thường có ở ông Trump, ông đã vô tình xác nhận sự thắng cử của ông là đáng nghi ngờ, hay không có giá trị, vì qua một cuộc bầu cử gian lận. Ông không đưa ra được bất cứ bằng cớ gì hơn về chuyện này. Vả lại, ông không cần lý giải về phiếu cử tri phổ thông, vì theo luật, thắng phiếu cử tri đoàn là đắc cử. Mặt khác, phát biểu của ông có vẻ như khuyến khích những người đòi đếm lại phiếu vì những người này thêm lý do để nghi ngờ là có bất bình thường hay sự xếp đặt để ông thắng bằng 100,000 phiếu ở ba tiểu bang Pennsylvania, Michigan, và Wisconsin, trong khi thua hơn 2 triệu phiếu trên toàn quốc.

Chắc chắn việc đếm lại phiếu sẽ phải đem tới một ít thay đổi vì bất cứ việc làm nào cũng có thể có đôi chút sai lạc khi được duyệt xét lại kỹ lưỡng hơn, nhưng có lẽ là không đáng kể. Về mặt kỹ thuật, việc đếm lại phiếu hết sức phức tạp, các lá phiếu bỏ bằng tay và bằng thư có thể dễ dàng đếm lại. Ở Wisconsin và Michigan có cả phiếu bỏ bằng tay, bằng thư, hay bằng máy. Ở Pennsylvania hầu hết là bỏ phiếu bằng máy, không có dấu tích gì cụ thể ngoài dữ liệu ghi trong bộ nhớ.

Liệu có thể tìm ra bằng chứng gì về sự sửa đổi hay cố ý làm sai lạc hay không? Nếu có, và có tới bao nhiêu bất bình thường ấy để đi đến kết luận, và kết luận như thế nào? Bên cạnh những ưu điểm của nền dân chủ, có những nhược điểm, khó hay không thể tránh khỏi, và phải chấp nhận bầu cử Mỹ là như vậy.

MỚI CẬP NHẬT