Friday, April 26, 2024

Vì sao Angus Deaton xứng đáng được giải Nobel về kinh tế


Lê Mạnh Hùng

Hàng năm cứ đến Tháng Mười lâu lâu có một ngày Thứ Hai nào đó khi thế giới giật mình tỉnh dậy và tự hỏi, “Ai vậy?” khi Ủy Ban Nobel loan báo người mới nhất được giải Nobel về kinh tế. Lần này cũng vậy, tuy rằng người được giải, ông Angus Deaton của Viện Ðại Học Princeton, là một nhà kinh tế nổi tiếng trong lãnh vực kinh tế phát triển, nhưng tên tuổi của ông ít khi được nhắc đến trên các môi trường truyền thông mỗi khi có những cuộc tranh luận về chính sách kinh tế tại Mỹ hoặc các nước tư bản phát triển khác.

Tuy rằng giải Nobel được trao tặng cho ông về những công trình ông nghiên cứu về tiêu thụ vốn đã ảnh hưởng đến việc thiết lập những chính sách kinh tế và uốn nắn chiều hướng nghiên cửu của nhiều nhà kinh tế khác, nhưng những đóng góp lớn của ông nằm trong những lãnh vực khác. Từ bất công kinh tế toàn cầu cho đến viện trợ cho nước ngoài vị giáo sư 69 tuổi gốc Scotland này đã không ngần ngại nhảy vào các vấn đề tế nhị nhất trong suốt quá trình 45 năm nghiên cứu của ông.

Và dưới đây là quan điểm của ông trong ba lãnh vực mà ông đã đóng góp nhiều nhất:

Bất công kinh tế

Từ sự nổi lên của những kẻ mỵ dân cánh tả như Jeremy Corbin tại Anh hay Bernie Sanders tại Mỹ cho đến sự thành công bất ngờ của cuốn sách Capital in the 21st century của Thomas Piketty, vấn đề bất công kinh tế đã trở thành vấn đề nóng hổi của thập niên này.

Ông Deacon đồng ý về tầm quan trọng của nó, nhưng cũng có một quan điểm tế nhị hơn về vấn đề này so với một số đồng nghiệp. Nói chuyện với phóng viên nhật báo Financial Times ông cho biết: “Bất công kinh tế là một vấn đề cực kỳ phức tạp bao gồm cả cái xấu lẫn cái tốt.”

Ông cho rằng bất công nhiều quá sẽ tạo ra những hậu quả phụ xấu đi từ sự suy thoái của các dịch vụ công cộng cho đến sự xói mòn của chế độ dân chủ.

Nhưng đồng thời bất công kinh tế cũng có thể là nguồn kích thích tiến bộ tỷ dụ như khi nó là hậu quả của một cố gắng kinh doanh thành công. Ông nói: “Thành công tạo ra bất công nhưng chúng ta không muốn bóp chết những thành công đó.”

Ông cũng hoài nghi về khả năng của việc đánh thuế lợi tức thật cao vào những người giầu: “Chúng ta đã có những chính sách tái phân phối trong luật pháp, đặt một thuế suất chẳng hạn như 85% cũng chẳng có triển vọng mang lại thêm bao nhiêu thu nhập cho ngân sách quốc gia.”

Viện trợ nước ngoài

Những lúc gần đây, một cuộc tranh cãi đã nổ ra chung quanh cái lợi và cái hại của việc viện trợ từ các nước giầu xuống cho các nước nghèo với một số người như ông William Easterly, giáo sư trường đại học New York, biện luận rằng viện trợ này làm hại nhiều hơn là mang lợi.

Ông Deaton đồng ý rằng viện trợ có thể rất có ích nếu tỷ như nó giúp xây dựng một nhà thương và cứu sống được những đứa trẻ mà nếu không có thì sẽ chết. Nhưng giống như ông Easterly, ông tin rằng việc viện trợ quá mức có thể có những hậu quả không tính đến tỷ như tạo ra tham nhũng cũng như tạo ra căng thẳng giữa tầng lớp thống trị và quần chúng.

Dựa trên tác phẩm xuất bản năm 2013 của ông, The Great Escape, ông đưa ra hai đề nghị cụ thể. Thứ nhất là giới hạn mức viện trợ tối đa cho một quốc gia ở mức 50% thu nhập ngân sách của nước này. Thứ hai là đưa ra một “nghị trình công ích toàn cầu” nhằm bảo đảm rằng tiền viện trợ được dùng để giải quyết những vấn đề kinh niên tỷ như những bệnh truyền nhiễm dù rằng việc đó có thể dẫn đến sử dụng chúng trong việc nghiên cứu tại các nước giầu. Ông nói: “Tôi ủng hộ cho tiền không phải chỉ tại Phi Châu mà cho Phi Châu.”

Việc xóa đói giảm nghèo

Làm sao đo được thế nào là mức nghèo đói? Tháng này, Ngân Hàng Thế Giới sửa đổi lại mức thu nhập chính thức mà một người được coi là nghèo đói từ 1.25 đô la một ngày lên 1.90 đô la một ngày. Ông Deaton một người vốn từ xưa vẫn thường xuyên chỉ trích Ngân Hàng Thế Giới về điểm này cho rằng đó là một sự cải tiến nhưng vẫn còn hoài nghi. Ông nói: “Tập trung vào con số người nằm dưới mức nghèo đói thì cũng giống như đuổi theo một con kỳ lân trong rừng. Tôi không chắc là việc Ngân Hàng Thế Giới cam kết quá mức vào một dự án cắt giảm số người như vậy có khôn ngoan hay không?”

Ông cho rằng nghèo đói phức tạp hơn là chỉ thiếu tiền và dẫn Ấn Ðộ như là bằng chứng của một quốc gia đã tăng trưởng đáng kể tính theo thu nhập đầu người nhưng tình trạng y tế và giáo dục vẫn có thể nói là bi thảm. Và ông thêm: “Nói chung tôi đi theo lối suy nghĩ của Amartya Sen, mặc dầu tôi có lẽ quan tâm đến việc đo lường hơn.” Amartya Sen là một nhà kinh tế trước tại Cambridge và nay tại Harvard được giải Nobel về nhưng công trình nghiên cứu về nghèo đói trong đó ông chứng minh rằng cần phải đi xa hơn tiền bạc để thấu hiểu những nguyên nhân và hậu quả.

Ông cũng chỉ trích đề nghị “17 mục tiêu phát triển ổn định” nhằm cắt giảm đói nghèo mà Liên Hiệp Quốc vừa đưa ra vào tháng trước. Theo ông “những cái đó hầu hết chỉ là người ta đưa ra để tự cảm thấy hài lòng hơn.”

Một trong những đóng góp nổi bật nhất của ông Deaton là việc giá cả các sản phẩm nhất đẳng (commodity) thay đổi bất thường ảnh hưởng đến kinh tế và chính trị của các nước đang phát triển ra sao. Sự sụt giá đột ngột của cà phê và dầu thô trong những năm 1970 và 80 nhất là tại Phi châu đã được ông Deaton nghiên cứu cặn kẽ về ảnh hưởng đối với sự tăng trưởng kinh tế và nguyên nhân tạo ra hỗn loạn kinh tế vỹ mô tại các quốc gia này cũng như ảnh hưởng chính trị của chúng: đảo chánh và bất ổn chính trị. Những công trình của ông đã mở đầu cho một loạt các công trình tương tự của các học giả khác.

Giải Nobel về kinh tế kỳ này không thể trao cho một ai xứng đáng hơn.

MỚI CẬP NHẬT