Monday, April 29, 2024

Ai biến Bà Đen thành Bà Đỏ?

Lâm Công Tử

Người miền Nam, đặc biệt là miền Tây khi nói đến núi Bà Đen không ai không biết. Cái tên của trái núi này đã ăn sâu vào tâm tình quần chúng nên mỗi dịp lễ Tết người ta đổ về đó như đi hành hương, mặc dù Bà Đen chỉ là một nhân vật lịch sử được Vua Gia Long chứng thực nhưng người dân đổ về để tưởng nhớ bà hơn là thờ cúng như một vị thánh.

Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao kỷ lục Châu Á trên núi Bà Đen. (Hình: Doãn Phong/VietNamNet)

Chưa ai nghĩ tới một ngày nào đó trái núi linh thiêng và khu thờ phượng của bà biến thành nơi du lịch bậc nhất Việt Nam bây giờ. Bậc nhất vì tập đoàn Sun Group dính tay vào, lắp đặt hệ thống cáp treo nên việc lên tới đỉnh núi chỉ tốn 10 phút thay vì tám tiếng đồng hồ leo từng bậc thang như trước đây. Nhưng hơn thế nữa, thay vì tượng của Bà Đen trên đỉnh núi thì thay vào đó là một bức tượng cao tới 72 mét dáng dấp như Phật Bà Quan Âm có tên Phật Bà Tây Bổ Ðà Sơn.

Núi Bà Đen được Bộ Văn Hóa vinh danh là di tích quốc gia chắc chắn không phải vì độ cao của nó, cũng chẳng phải nơi đây có cảnh sắc đặc biệt gì, chỉ đơn giản vì người dân đã đặt tên Bà Đen để tấm lòng của họ vào một nhân vật được truyền tụng. Người dân lui tới nơi đây ngày một đông dần khiến Tây Ninh kiến nghị Bộ Văn Hóa và nơi này chính thức được ghi vào danh sách di tích quốc gia. Cái di tích này không phải dựa vào truyền thuyết mang tên một người phụ nữ lẫm liệt thì dựa vào cái gì?

Kể từ năm 1745, ở độ cao 350 mét lưng chừng núi Bà Đen đã hình thành một ngôi chùa có tên chùa Bà và được xây dựng vào năm 1763 liên quan đến truyền thuyết Lý Thị Thiên Hương. Theo Quốc Sử quán triều Nguyễn do có công trong việc báo mộng hỗ trợ ông nên năm 1790, Vua Gia Long đã cho binh lính đúc tượng, phong sắc Linh Sơn Điện và phong Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu.

Tương truyền, bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, con gái một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thuộc triều Nguyễn tên là Lý Thiên. Mẹ là bà Ðặng Ngọc Phụng, người gốc ở Bình Ðịnh vào Trảng Bàng lập nghiệp. Trong làng có chàng trai Lê Sĩ Triệt, mồ côi cha mẹ, văn hay võ giỏi. Lần nọ, Thiên Hương lên núi cúng chùa bị một đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn thì chàng Lê Sĩ Triệt xông ra đánh đuổi, cứu được nàng. Ðể đáp ơn chàng, cha mẹ nàng Thiên Hương hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Chưa kịp đám cưới thì Lê Sĩ Triệt phải tòng quân đánh Tây Sơn. Trong một lần lên núi cúng thì Lý Thị Thiên Hương bị kẻ xấu vây bắt, toan hãm hiếp. Để giữ lòng trung trinh, nàng Hương nhảy xuống khe núi tử tiết. Sau khi chết, Lý Thị Thiên Hương hiển thánh báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi biết.

Vị hòa thượng theo lời báo mộng lên núi tìm thấy xác Thiên Hương, đem về chôn cất đàng hoàng. Vì người phụ nữ báo mộng rất đen đúa nên vị sư gọi là nàng Đen. Người đời sau gọi là Bà Đen để tỏ lòng tôn kính.

Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi phải chạy đến Trảng Mang Chà vùng bùng binh hiện nay. Nghe tin đồn sự tích núi Bà Đen linh thiêng, Nguyễn Ánh liền sai quan phi ngựa lên cầu nàng mách giùm cách thoát nạn. Thiên Hương báo mộng mách Nguyễn Ánh qua Xiêm tá binh để chờ sau khôi phục cơ nghiệp, đồng thời chỉ đường chạy thoát thân cho.

Vua Gia Long đã sắc phong nàng Thiên Hương làm “Linh Sơn Thánh Mẫu,” ngụ ở núi Một Cột. Từ đó núi thay tên là núi Bà Đen.

Bây giờ trở lại pho tượng “hoành tráng” lập kỷ lục Guiness trên đỉnh núi Bà Đen, tìm hiểu tại sao từ Bà Đen nay biến thành Bà Đỏ như vậy.

Khi ý tưởng thành lập tượng mới trên dự án thì do ai đó trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã gợi ý các điêu khắc gia nên lấy ý tưởng từ các hình tượng nguyên mẫu của hơn 40 tượng Phật cổ tại khu di tích quốc gia Bổ Ðà Sơn thuộc tỉnh Bắc Giang. Cuối cùng thì hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được chọn làm chuẩn mực.

Vậy còn Phổ Đà Sơn là gì? Phổ Đà Sơn tên cũ là Tiểu Bạch Hoa, gọi là Bố Đà Lạc Già. Tên khác là Mai Sầm Sơn. Phổ Đà Sơn nằm trong biển Đông Nam, huyện Định Hải, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, cách núi Chu Sơn 6 dặm (tiếp giáp với Hàng Châu). Truyền kỳ gọi là Nam Hải, là thánh địa Phật Giáo Trung Quốc. Ngọn núi này cùng với Nga Mi Sơn của Tứ Xuyên, Ngũ Đài Sơn của Sơn Tây và Cửu Hoa Sơn của An Huy hợp lại xưng là Tứ Đại Danh Sơn của Trung Quốc. Đây là nơi đầu tiên Quán Thế Âm Bồ Tát phổ độ chúng sinh. Có nơi đọc là Quan Âm, nguyên là Quán Thế Âm nhưng do tránh chữ Thế trong tên nhà vua Đường là Lý Thế Dân nên gọi là Quan Âm hoặc Quán Âm.

Như vậy thì nguồn gốc của pho tượng đến từ Trung Quốc, nên tạm gọi là đỏ để so sánh với Bà Đen.

Khi quan sát pho tượng, điều ấn tượng nhất đập vào mắt khách du lịch là chiếc áo khoác lên pho tượng có màu xanh lục đen rất đẹp, rất khác màu sắc mà Phật Giáo chú trọng. Nhưng thực ra cái màu áo của pho tượng cũng không thoát khỏi đất nước Trung Hoa. Khi đến Thiên Đàn tại Bắc Kinh du khách cũng được xem mái ngói của ngôi đàn này cùng một màu áo với pho tượng tại Tây Ninh! Nếu tượng mang áo bình thường thì không ai chú ý nhưng ông Nguyễn Trọng Hạnh – người phụ trách chuyển tải mẫu tượng sang chất liệu đồng đỏ, đồng thời cũng là chủ nhiệm công trình tượng Phật núi Bà Đen – cho biết, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn ẩn giấu trong mình rất nhiều nét tinh hoa của văn hóa kiến trúc Phật Giáo Việt và những mật mã tâm linh-văn hóa vô cùng thú vị. Thì ra nét văn hóa kiến trúc Phật Giáo Việt là từ Bắc Kinh, nơi có Thiên Đàn mà màu ngói lan tỏa sang tới Tây Ninh để tô lên màu áo của Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn!

Chữ Tây ở đây có thể nghĩ là Tây Ninh, và cái tên rất kỳ quặc này được Giáo Hội Phật Giáo Việt nam đặt cho khi bức tượng hoàn thành. Cho tới nay, du khách cả trong lẫn ngoài nước khi đến đây để thăm núi Bà Đen thì thật ra họ đang chiêm ngưỡng cái công trình cao 72 mét làm bằng đồng đỏ chứ Bà Đen không hề nằm trong đôi mắt của họ kể cả khi đi ngang khu thờ phượng bà trong ngôi chùa Bà nhỏ nhắn, khiêm tốn nằm ở lưng chừng núi.

Việc thay tên đổi họ cho một di tích quốc gia tương đương với việc treo đầu dê bán thịt chó. Hai chữ Bà Đen từ hơn hai thế kỷ trước đang làm tấm bảng quảng cáo cho ngành du lịch Việt Nam. Người ta không từ nan bất cứ hành vi nào nhằm làm ra tiền bởi vì pho tượng Quan Âm đặt không đúng chỗ đã đành, nó đang tàn phá niềm tin vào tín ngưỡng bản địa để cổ vũ cho một hình tượng xuất phát từ phương Bắc.

Việt Nam có rất nhiều núi đẹp hơn núi Bà Đen sao không chọn để đặt tượng mà lại đặt nơi đây? Phải chăng chính quyền ghét Gia Long đến nỗi cái gì dính dáng tới vị vua này cũng bị san bằng, núi Bà Đen cũng vậy, không đặt tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn không lẽ làm cái tượng đen thui trên đỉnh núi? [qd]

MỚI CẬP NHẬT