Saturday, April 27, 2024

Ai muốn hòa bình ở Gaza?

Hiếu Chân/Người Việt

Tổng Thống Joe Biden hôm Thứ Hai nói với báo chí rằng các nhà thương thuyết sắp đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời ở Dải Gaza sau gần năm tháng chiến tranh ác liệt. Tuyên bố này của ông thổi một luồng gió lạc quan vào tâm trạng nặng nề của người Mỹ sau sự kiện anh phi công quân đội 24 tuổi Aaron Bushnell tự thiêu trước tòa Đại Sứ Israel ở Washington, DC để phản đối hành động giết hại dân thường ở Gaza. Nhưng thông tin của ông Biden đã nhanh chóng bị lãnh đạo Israel lẫn tổ chức Hamas phản bác, khiến cho triển vọng hòa bình ở Gaza càng mong manh hơn.

Tổng Thống Joe Biden (trái) ăn kem tại New York hôm Thứ Hai, 26 Tháng Hai, nói ông hy vọng có ngừng bắn ở Trung Đông. (Hình: Jim Watson/AFP via Getty Images)

Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, nếu có, sẽ buộc Israel phải ngưng mọi hoạt động tấn công trong sáu tuần đổi lấy việc phóng thích khoảng 40 trong số hơn 100 con tin hiện vẫn bị Hamas cầm giữ, trong đó có sáu công dân Mỹ.

“Cố vấn An Ninh Quốc Gia của tôi báo cáo rằng chúng tôi đã đến gần [một thỏa thuận ngừng bắn]. Chúng tôi đã đến gần. Chúng tôi chưa hoàn tất. Hy vọng của tôi là vào Thứ Hai tới, chúng ta sẽ có ngừng bắn,” ông Biden nói, theo nhật báo The New York Times.

Hy vọng của ông Biden bắt nguồn từ sự kiện hồi cuối tuần nội các chiến tranh của Israel đã chấp nhận những điều khoản rộng rãi hơn cho một thỏa thuận với Hamas, theo đó để các con tin được Hamas phóng thích, Israel sẽ ngừng ném bom Dải Gaza trong tháng Ramadan của người Hồi Giáo, bắt đầu ngày 10 Tháng Ba sắp tới và kéo dài đến giữa Tháng Tư. Israel cũng sẽ trả tự do cho một số tù nhân “cao cấp” của Hamas đang bị giam giữ trong các nhà tù với tội danh khủng bố và các bản án dài đổi lấy năm nữ quân nhân Israel bị bắt cóc năm ngoái.

Trả lời phỏng vấn đài NBC vào cuối ngày Thứ Hai, ông Biden còn cho rằng một cuộc ngừng bắn giữa Israel và Hamas sẽ tạo điều kiện đàm phán một hiệp định hòa bình, “sắp xếp lại” khu vực Trung Đông, xóa bỏ thù địch, các quốc gia Ả Rập sẽ công nhận nhà nước Israel, người Palestine sẽ có quốc gia của riêng họ theo giải pháp “hai nhà nước” mà Liên Hiệp Quốc đề ra năm 1947 và được củng cố trong thỏa thuận Oslo ký kết Tháng Chín, 1993, tại Washington, DC giữa Thủ Tướng Yitzhak Rabin của Israel và nhà thương thuyết Mahmoud Abbas (nay là tổng thống Palestine). Ông Biden nhấn mạnh, giải pháp hai nhà nước sẽ không được thực hiện ngay nhưng ngừng bắn là một bước đi tới giải pháp đó.

Có điều không phải tổng thống Mỹ muốn gì cũng được.

Hai thế lực chính trong cuộc xung đột, Israel và Hamas, dường như đều không muốn hòa bình mà âm mưu kéo dài chiến tranh để phục vụ ý đồ chính trị của họ, bất chấp những tàn phá và thương vong khủng khiếp mà chiến tranh gây ra cho người dân ở cả hai phía.

Sau phát biểu nêu trên của ông Biden, người phát ngôn của Hamas nói rằng tổ chức này vẫn chưa nhận được bất kỳ đề nghị mới nào từ khi các giới chức cao cấp của Israel gặp gỡ đại diện của Mỹ, Qatar, và Ai Cập tại cuộc hội đàm ở Paris để thương lượng một thỏa thuận ngừng bắn. Hamas vẫn hằng ngày nã pháo và hỏa tiễn vào miền Nam Israel, vẫn tiếp tục cầm giữ khoảng 100 con tin trái với luật chiến tranh trong lúc liên tục công bố trên truyền thông con số đáng sợ về số người bị giết ở Gaza do bom đạn Israel. Các thủ lĩnh Hamas, sống phè phỡn trong các dinh thự sang trọng ở Qatar và Lebanon, vẫn khăng khăng tuyên bố chỉ phóng thích con tin sau khi đạt được một hiệp định hòa bình vĩnh viễn được quốc tế giám sát.

Hamas là phía khơi mào cuộc chiến tranh bằng vụ tập kích và thảm sát ngày 7 Tháng Mười, 2023 vào lãnh thổ Israel. Bây giờ Hamas cần kéo dài chiến tranh, cho đến người Palestine cuối cùng, để phơi bày trước thế giới bộ mặt tàn bạo của Israel, phá hoại công cuộc hòa hoãn giữa Israel và các quốc gia Ả Rập và làm sụp đổ uy tín của chính quyền Palestine ở West Bank. Hamas biết họ không bao giờ hoàn thành được tham vọng xoá sổ nhà nước Palestine. Hamas chỉ có thể tồn tại khi còn kích động được xung đột và thù hận. Gây chiến với Israel dù biết sẽ bị trả đũa tàn khốc, Hamas đã đặt quyền lực chính trị và hệ tư tưởng Hồi Giáo cực đoan của họ lên trên sinh mạng và cuộc sống của người dân mà họ có nhiệm vụ bảo vệ.

Ông Benjamin Netanyahu, thủ tướng Israel, cũng không muốn kết thúc chiến tranh. Đáp lại phát biểu của ông Biden, ông Netanyahu nói rằng, cho dù ký kết thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin, lực lượng Israel vẫn sẽ tấn công và xâm chiếm thị trấn Rafah giáp biên giới Ai Cập – nơi gần 1 triệu người Palestine tị nạn chiến tranh đang tá túc trong cảnh khốn cùng. Chính phủ Mỹ và thế giới bên ngoài lo sợ một cuộc tấn công vào Rafah sẽ gây ra cảnh tàn sát không thể nào tưởng tượng nổi vì người tị nạn không còn chỗ nào để trốn tránh bom đạn.

Cho đến nay, chiến dịch tấn công trả đũa của Israel dựa rất nhiều vào hỗ trợ của Mỹ, không chỉ về vũ khí, đạn dược mà Washington đã che chắn cho Tel Aviv trên các diễn đàn quốc tế, đã nhiều lần phủ quyết các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Israel, ủng hộ Israel trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế chống lại phán quyết đòi Israel đơn phương rút ra khỏi các vùng lãnh thổ Palestine. Ông Biden thậm chí còn bay đến Tel Aviv ngay sau vụ Hamas tấn công ngày 7 Tháng Mười, 2023 để thể hiện tình đoàn kết và ủng hộ của nước Mỹ và trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên xuất hiện tại nơi chiến sự đang bùng nổ. Mỹ đã phải trả giá đắt cho sự ủng hộ vô điều kiện cho Israel, bị mất uy tín, bị coi là đạo đức giả, và bị cô lập về ngoại giao ở Trung Đông và nhiều nơi khác.

Nhưng các nguồn tin nội bộ cho biết, quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Israel nhanh chóng xấu đi, hai ông nhiều lần cãi vã to tiếng trên điện thoại khi hoạt động quân sự của Israel giết chết hàng ngàn thường dân vô tội Palestine, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Ông Netanyahu cũng không giấu giếm mâu thuẫn với ông Biden mà thường công khai, liên tục phản bác những đề nghị của tổng thống Mỹ về ngừng bắn, bảo vệ sinh mạng thường dân. Ông ấy dường như muốn chứng tỏ mình là nhà lãnh đạo Do Thái duy nhất không khuất phục áp lực của Washington và bác bỏ thẳng thừng việc thành lập nhà nước Palestine độc lập.

Trong hơn một thập niên lãnh đạo chính phủ Israel theo tư tưởng cực hữu và dân tộc chủ nghĩa, ông Netanyahu đã nuôi dưỡng tổ chức Hamas, vô hiệu hóa chính quyền Palestine, từ đó biến giải pháp hai nhà nước được Hoa Kỳ hậu thuẫn thành vô nghĩa. Vụ thảm sát của Hamas ngày 7 Tháng Mười, 2023 có phần trách nhiệm của ông Netanyahu và khi chiến tranh kết thúc ông phải trả lời trước tòa án và công luận Israel về sự thất bại của chính phủ của ông. Đó là chưa kể, nếu không có chiến tranh, ông Netanyahu còn phải đối mặt với các phiên tòa xét xử ông về tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, sinh mệnh chính trị của ông thủ tướng Israel gắn liền với cuộc chiến ở Gaza và ông đang cố gắng kéo dài cuộc chiến, càng xa cái ngày định mệnh 7 Tháng Mười, 2023 càng tốt. Và ông Netanyahu cũng muốn chiến tranh kéo dài đến ngày 5 Tháng Mười Một – ngày bầu cử tổng thống Mỹ – với hy vọng ông Donald Trump, đồng minh thân cận của ông, có cơ hội quay trở lại Tòa Bạch Ốc và thay đổi cuộc chơi. Cuối cùng, nếu chiến dịch quân sự của Israel không đạt được mục đích xóa sổ Hamas sau khi đã giết hàng vạn người dân Gaza, ông Netanyahu vẫn có thể đổ lỗi cho Tổng Thống Biden đã trói tay trói chân ông bằng những yêu cầu bảo vệ thường dân và ký kết ngừng bắn với kẻ thù.

Tổng Thống Biden đang bị kẹt giữa hai lằn đạn. Áp lực của dân chúng Mỹ – thể hiện trong các cuộc biểu tình phản chiến và mới nhất là vụ tự thiêu của viên phi công quân đội Aaron Bushnell – đòi ông phải chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa và cứu lấy sinh mệnh hàng trăm ngàn người dân ở Gaza. Nhưng ông Biden – tự nhận là một người Zionist – không thể quay lưng khi Israel, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông, bị tấn công khủng bố. Cái đau của ông Biden là sự ủng hộ ông dành cho Israel chẳng những không được ông Netanyahu trân trọng mà còn bị ông ấy thù địch. Trong khi đó, cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập, giới trẻ Mỹ, và cả thành phần cấp tiến trong đảng Dân Chủ, ngày càng thất vọng và sẵn sàng trừng phạt ông nếu ông không chấm dứt được thảm họa nhân đạo ở Gaza và giải cứu các con tin người Mỹ đang bị Hamas cầm giữ. Kết quả cuộc bầu cử sơ bộ (primary) của đảng Dân Chủ ở tiểu bang Michigan – nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Palestine đông đảo – vào hôm Thứ Ba, là một bằng chứng cho thấy ông Biden có thể thất bại nếu không có giải pháp kết thúc chiến tranh.

Nếu cuộc chiến ở Gaza đi liền với sinh mệnh chính trị của Thủ Tướng Netanyahu thì nó cũng liên quan mật thiết tới triển vọng một nhiệm kỳ tổng thống nữa của ông Biden. Ông Biden muốn hòa bình, ông Netanyahu muốn chiến tranh. Ông Biden muốn thấy hai nhà nước Israel và Palestine chung sống, còn ông Netanyahu không chấp nhận một nhà nước Palestine độc lập. Hòa bình ở Gaza do vậy vẫn chỉ là một hy vọng nằm ngoài phạm vi quyền lực của tổng thống Mỹ. Không nên quy trách nhiệm cho ông Biden “lực bất tòng tâm.” [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT