Sunday, April 28, 2024

Bầu cử tổng thống: Tuổi tác hay chính sách?

Hiếu Chân/Người Việt

Cuộc tái đấu giữa hai ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump chẳng gây được hứng thú cho cử tri Mỹ đang mong đợi một luồng gió mới thổi vào nền chính trị u ám và chia rẽ sâu sắc của quốc gia.

Tổng Thống Joe Biden (trái) và cựu Tổng Thống Donald Trump. (Hình minh họa: Olivier Douliery và Brendan Smialowski/AFP via Getty Images)

Ở tuổi 81, ông Biden là tổng thống cao niên nhất trong lịch sử nước Mỹ; nếu tái đắc cử ông sẽ cầm quyền tới năm 86 tuổi, vượt xa cái mốc mà thi sĩ Đỗ Phủ đời Đường gọi là “cổ lai hy” (xưa nay hiếm). Ông Trump chỉ kém chút xíu, năm nay 77 tuổi, nếu đắc cử sẽ cầm quyền tới năm 82 tuổi, hơn cả tuổi ông Biden hiện nay. Hiến Pháp Hoa Kỳ không giới hạn tuổi tác của nhà lãnh đạo quốc gia. Tuổi già có lợi thế về kinh nghiệm và sự từng trải, nhưng trong một thời đại mọi việc thay đổi với tốc độ chóng mặt như hiện nay thì lợi thế đó chưa hẳn đã tốt.

Tuổi tác có thể không là vấn đề nhưng người dân lại âu lo về một yếu tố liên quan tới tuổi tác. Đó là trí nhớ, hay rộng hơn là khả năng phán đoán, năng lực trí óc nói chung. Câu chuyện nhớ nhớ quên quên của ông Biden mấy hôm nay bỗng rộ lên sau khi ông Robert K. Hur, công tố viên đặc biệt điều tra vụ ông Biden thủ đắc tài liệu mật của chính phủ Mỹ, công bố báo cáo trong đó nói ông Joe Biden là một “ông già đứng đắn với trí nhớ kém.”

Có không ít ví dụ cho thấy ông Biden nhiều lần lẫn lộn ngày tháng và họ tên các nhân vật nổi tiếng. Ông Hur nói, Tổng Thống Biden không nhớ mình làm phó tổng thống năm nào, thậm chí quên cả năm mà người con trai lớn của ông qua đời. Trong các cuộc họp báo gần đây, ông Biden nhầm tên của tổng thống Ai Cập và Mexico khi nói tới chiến cuộc ở Gaza, nhầm tổng thống Pháp hiện nay là ông Emmanuel Macron với cố Tổng Thống Francois Mitterrand, người đã qua đời năm 1996. Thứ Tư tuần trước, ông Biden hai lần nói tới cuộc gặp gỡ năm 2021 với Thủ Tướng Helmut Kohl của Đức dù ông Kohl đã mất năm 2017 còn người gặp ông Biden là cựu Thủ Tướng Angela Merkel.

Các cố vấn tranh cử của ông Trump ngay lập tức nắm lấy nhận định của ông Hur để hạ uy tín ông Biden. Nhưng bên tám lạng bên nửa cân, ông Trump xem ra cũng “lẩm cẩm” không kém nếu không nói là trầm trọng hơn. Trước công chúng, ông Trump đã nhầm Thủ Tướng Viktor Orban của Hungary là nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, nhầm Chủ Tịch Kim Jong Un của Bắc Hàn là lãnh đạo quốc gia 1.4 tỷ dân và tệ hại hơn nữa, ông nhầm bà Nikki Haley – người duy nhất đang thách thức ông trong cuộc đua giành tư cách đại diện đảng Cộng Hòa tranh cử chức tổng thống – với bà cựu Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, dù cả hai vị nữ lưu này đều là những gương mặt quen thuộc với công chúng Mỹ. Thật khó tin, nhưng ông Trump có lần đã nhìn tấm hình bà E. Jean Carroll – người được tòa tuyên án ông Trump phải bồi thường $83.3 triệu vì tội phỉ báng – mà bảo đó là người vợ cũ Marla Maples của chính ông!

Xem ra trí nhớ của cả ông Biden và ông Trump đều có vấn đề như nhau. Tuổi già thường bị lẩm cẩm, âu cũng là lẽ thường. Cái khó của ông Biden là ở chỗ từ khi ông tuyên bố tái tranh cử vào cuối năm nay, công chúng Mỹ – kể cả nhiều người thuộc đảng Dân Chủ – cảm thấy lo ngại vì tuổi tác của ông. Nhận định của công tố viên Robert Hur một lần nữa củng cố mối hoài nghi đã có về năng lực trí tuệ của ông Biden – một thảm họa chính trị cho chiến dịch tranh cử của ông Biden dù ông Hur chỉ là một luật sư, không phải là bác sĩ, không phải là người có chuyên môn và thẩm quyền đánh giá sức khỏe tâm thần của người khác.

***

Thế là cử tri Mỹ phải phải chọn một trong hai ứng cử viên lẩm cẩm gần như nhau. Căn cứ tốt nhất để suy nghĩ có lẽ là chính sách của hai ông. Có chỗ thuận lợi là cả ông Trump và ông Biden đều đã hoặc đang là chủ nhân Tòa Bạch Ốc nên cử tri có điều kiện so sánh thành tích của mỗi người qua thực tế điều hành đất nước và kết quả đạt được.

Kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của cử tri dù chính phủ Mỹ có vai trò giới hạn trong sự vận động của nền kinh tế theo thị trường tự do. Nhưng như chúng tôi đã trình bày trong một bài trước, bức tranh kinh tế qua các số liệu thống kê đang hiện ra với gam màu sáng nhưng lại được người dân cảm nhận khá u ám.

Nhìn lại thời gian đầu cầm quyền của ông Trump (2017-2019) kinh tế Mỹ có bước phát triển khá tốt mà nhiều kinh tế gia cho rằng đó là sự tiếp nối xu thế tăng trưởng thời cựu Tổng Thống Barack Obama. Nhưng rồi đại dịch COVID-19 bùng nổ đầu năm 2020, doanh nghiệp đóng cửa, hoạt động kinh doanh đình đốn. Tính chung trong bốn năm nhiệm kỳ của ông Trump (2017-2020), theo tổng hợp của factcheck.org, kinh tế Mỹ có nhiều điểm sáng cho đời sống người dân như tiền lương tăng nhanh hơn lạm phát, với mức lương tăng thực sự là 8.7%; thu nhập trung vị của hộ gia đình Mỹ tăng 6% có phần nhờ những gói giải cứu, trợ cấp thất nghiệp khá hào phóng của chính phủ. Số người mới mua nhà tăng 2.1% dù giá nhà ở bình quân tăng 27.5%, tỉ lệ nghèo khó giảm được 1.3%. Về kinh doanh, lợi tức sau khi đóng thuế của doanh nghiệp tăng 8.5%, đặc biệt là các công ty lớn hưởng lợi rất nhiều từ luật giảm thuế mà ông Trump ban hành Tháng Giêng, 2018, thị trường chứng khoán lập kỷ lục mới, chỉ số S&P 500 tăng tới 67.8% trong bốn năm.

Tuy vậy, cũng có không ít điểm tối. Tăng trưởng GDP giảm 3.4%, thị trường lao động nước Mỹ mất đi 2.8 triệu việc làm, tỉ lệ thất nghiệp tăng thêm 6.3%, đỉnh điểm là Tháng Tư, 2020 có đến 14.7% lực lượng lao động bị mất việc, thâm hụt thương mại tăng 40.5%, nợ công quốc gia tăng gấp rưỡi, từ $14,400 tỷ lên $21,600 tỷ.

Tiếp quản chính quyền từ ông Trump đầu năm 2021, ông Biden phải đối mặt với dự báo ảm đạm của giới chuyên gia rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái, thậm chí sụp đổ, trước khi tình hình được cải thiện. Di hại của đại dịch COVID-19 như sự gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa và năng lượng toàn cầu, rồi cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine Tháng Hai, 2022, đẩy giá cả hàng hóa tăng vọt, lạm phát lên đến đỉnh vào Tháng Sáu, 2022 ở mức 9.1%, cao nhất hơn 40 năm qua, làm cho hầu hết người tiêu dùng Mỹ “méo mặt” khi đổ xăng, vào chợ mua sắm hoặc đi ăn nhà hàng.

Nhưng kinh tế Mỹ chẳng những không suy thoái như nhiều nền kinh tế phát triển khác mà còn tăng trưởng vững chắc. Năm 2023 vừa qua, GDP của Mỹ tăng tới 3.1%, tạo thêm 2.9 triệu việc làm mới (tính chung trong ba năm cầm quyền của ông Biden kinh tế Mỹ có thêm 14 triệu việc làm, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 3.7%), lạm phát được kiểm soát và đưa về mức gần 2%, một số mặt hàng như xăng dầu đã giảm xuống mức $3 mỗi gallon, cao hơn một chút so với thời trước đại dịch, theo số liệu của Bộ Năng Lượng Mỹ. Thu nhập thực tế của người lao động trung lưu Mỹ, sau khi trừ lạm phát, tăng thêm 2.8% trong khi thu nhập của người dân các nước G-7 đứng yên hoặc suy giảm.

Một số đạo luật lưỡng đảng do Tổng Thống Biden đề nghị và được Quốc Hội thông qua đã đặt nền tảng vững chắc cho sự khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ của quốc gia, khôi phục ngành công nghiệp chế tạo các sản phẩm tân tiến như chip bán dẫn, xe điện, tạo ra nhiều cơ hội làm việc với mức lương cao cho người lao động. Tuy vậy, trong đoản kỳ, các đạo luật đó chưa mang lại sự thay đổi đáng kể cho cuộc sống người dân.

Chính sách kinh tế của ông Biden cũng có nhiều điểm tối. Lạm phát được kiềm chế nhưng thâm hụt thương mại vượt qua ngưỡng $1,000 tỷ mỗi năm (năm 2023 là $1,065 tỷ), nhiều hơn đáng kể so với mức $850-900 tỷ thời ông Trump. Nợ công của Mỹ hiện ở mức $34,230 tỷ, tăng thêm $12,630 tỷ so với cuối thời ông Trump gây lo ngại cho sự bền vững của ngân sách quốc gia và bất đồng quan điểm giữa Dân Chủ và Cộng Hòa trong Quốc Hội về chi tiêu ngân sách đã đôi lần dẫn tới nguy cơ chính phủ liên bang phải đóng cửa.

Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ổn định nhưng do những mảng sáng tối đan xen như vậy, người dân chưa thật sự yên tâm và chỉ có 35% cử tri đánh giá cao thành tích điều hành kinh tế của chính phủ.

Làn sóng người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới phía Nam – đề tài tấn công của đảng Cộng Hòa – đã không được chính quyền Biden giải quyết một cách rốt ráo, một phần do sự cản trở của đảng Cộng Hòa nắm đa số Hạ Viện. Chính quyền Biden đã nỗ lực giải quyết vấn đề từ gốc như hỗ trợ phát triển kinh tế cho các nước nghèo ở Trung và Nam Mỹ để kéo giảm số người ra đi tìm cơ hội ở Mỹ, mở thêm những con đường nhập cư vào Mỹ một cách hợp pháp nhưng cách làm đó không hiệu quả. Gần đây Trung Quốc chẳng hạn đã nổi lên thành nguồn cung cấp nhiều người vượt biên vào Mỹ nhất dù Trung Quốc chẳng phải là nước nghèo và nằm cách xa nửa vòng trái đất. Không thể ngăn chặn người nhập cư một cách tàn nhẫn như cách làm của ông Trump nhưng cũng không thể thả lỏng như hiện nay. Chính quyền Biden nhất thiết phải thay đổi chính sách nhập cư và giải quyết khủng hoảng an ninh biên giới.

Về đối ngoại, ông Biden có công vực dậy các liên minh của Mỹ ở Châu Âu và Châu Á, ngăn ngừa và chặn đứng mưu toan bành trướng của các nhà độc tài Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Tuy vậy, sự ủng hộ vô điều kiện của chính quyền Biden cho chính phủ cực hữu Israel của Thủ Tướng Benjamin Netanyahu – kẻ đang gây thảm họa nhân đạo khủng khiếp cho thường dân Palestine – đang hủy hoại uy tín của ông Biden trong các cộng đồng người Ả Rập, người Hồi Giáo ở Mỹ và cả thành phần cử tri trẻ, cấp tiến ngay trong đảng Dân Chủ. Nếu ông Trump đang cầm quyền thì sự ủng hộ của Mỹ cho nhà nước Israel có thể còn mạnh hơn ông Biden nhiều nhưng ít ai để ý điều đó.

Tóm lại, về phương diện chính sách, có nhiều điều thú vị để so sánh giữa ông Biden và ông Trump. Một điểm lợi cho ông Trump là nhiều người Mỹ mau quên những thảm họa đã qua như đại dịch COVID-19 làm hơn 1.1 triệu người thiệt mạng – một phần do cách ứng phó lúng túng và bất nhất của chính quyền. Từ đó, người ta coi nhẹ mối nguy mà ông Trump đặt ra cho nền dân chủ. Thêm nữa, công luận trong xã hội dân chủ, nhất là giới trí thức và truyền thông, có thói quen soi mói, phê phán nhà cầm quyền và đứng về phe đối lập. Đây lại là một điểm bất lợi cho ông Biden. Mấy ngày qua công chúng và truyền thông tập trung chú ý quá mức vào tuổi già của ông mà có phần coi nhẹ tuổi tác của ông Trump là một ví dụ tiêu biểu.

Chỉ còn hơn tám tháng nữa cử tri sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử cần sự suy nghĩ thấu đáo. Vấn đề quan trọng không phải là tuổi tác của ứng cử viên mà ai là người có tư cách, có các chính sách tốt để duy trì nền dân chủ, vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới và làm cho đất nước tốt đẹp hơn. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT