Saturday, April 27, 2024

Biden ‘thoái lui’ ở Gaza?

Hiếu Chân/Người Việt

Nhờ Mỹ không sử dụng quyền phủ quyết, hôm Thứ Hai, 25 tháng Ba, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Hamas sau bốn lần thất bại trước đó. Phản ứng với “phiếu trắng” của Mỹ, Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel lên án Tổng Thống Joe Biden của Mỹ “thoái lui” khỏi lập trường chống Hamas. Thủ tướng của Israel cũng ông hủy bỏ vào phút chót chuyến thăm thủ đô Washington, DC của hai bộ trưởng quan trọng trong nội các chính phủ để thảo luận về kế hoạch tấn công trên bộ vào thị trấn Rafah mà Mỹ không tán thành. Mối quan hệ đặc biệt Mỹ-Israel rõ ràng đang xấu đi và điều đó ảnh hưởng như thế nào tới cuộc chiến tranh ở Trung Đông lẫn cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay?

Bà Linda Thomas-Greenfield (thứ hai từ trái), đại sứ của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, không giơ tay, trong lúc các đại sứ của Anh, Algeria, và Trung Quốc đồng ý với nghị quyết của Hội Đồng Bảo An yêu cầu Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức. (Hình: Angela Weiss/AFP via Getty Images)

Đây là lần thứ hai Mỹ bỏ phiếu trắng tại Hội Đồng Bảo An liên quan tới hành vi của Israel. Năm 2016, chính quyền Tổng Thống Barack Obama đã không dùng quyền phủ quyết để ngăn cản một nghị quyết lên án các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ chiếm của người Palestine ở West Bank.

Tưởng cần nhắc lại rằng, cho đến nay, Mỹ là quốc gia duy nhất ủng hộ toàn diện và mạnh mẽ Israel, nhất là trong cuộc chiến chống Hamas, trả đũa vụ tấn công man rợ mà nhóm cực đoan này thực hiện ngày 7 Tháng Mười năm ngoái, giết chết 1,200 người Israel và bắt đi 234 con tin, trong đó có một số công dân Mỹ. Ngay sau khi Israel phát động chiến tranh trả đũa, Mỹ gia tăng viện trợ vũ khí cho Tel Aviv, bảo vệ Israel trên các diễn đàn quốc tế và đã ba lần dùng quyền phủ quyết bác bỏ yêu cầu của Nga và Trung Quốc tại Hội Đồng Bảo An đòi Israel ngừng tấn công vào Dải Gaza.

Nhưng các chiến dịch tấn công trên bộ của Israel gây ra thảm họa nhân đạo khủng khiếp cho thường dân Palestine và bất kỳ ai có lương tri đều không thể chấp nhận được. Phi cơ Israel liên tục ném bom, bắn phi đạn vào các khu dân cư, trường học, bệnh viện. Bộ binh và xe tăng càn quét từng khu phố, đào cả nghĩa địa để tìm hầm bí mật. Trên các phương tiện truyền thông hầu như ngày nào người ta cũng nhìn thấy cảnh tang tóc ở Gaza, nhà cửa bị biến thành đống đổ nát, phụ nữ và trẻ em tất tả chạy loạn, đói rách xác xơ.

Cứu trợ quốc tế, chủ yếu là lương thực, nước uống và thuốc men, bị chặn lại ở biên giới vì Israel cho rằng Hamas sẽ chiếm và sử dụng hàng cứu trợ cho binh sĩ của họ, đẩy hàng triệu người dân Palestine tới bờ vực chết đói hàng loạt. Cực chẳng đã, cộng đồng quốc tế phải dùng đến cách thả dù hàng cứu trợ từ phi cơ, chuyển hàng bằng đường biển… và đã có nhiều người mất mạng do bị hàng cứu trợ rơi trúng đầu, bị chết đuối khi bơi ra biển vớt hàng cứu trợ…

Chắc chắn Hamas phải chịu phần lớn trách nhiệm trong thảm họa này. Chính Hamas là bên nổ súng tấn công trước và gây ra vụ thảm sát dã man thường dân Do Thái năm ngoái, buộc Israel phải trả đũa. Chiến lược của Hamas sử dụng thường dân và các cơ sở dân sự làm lá chắn sống che giấu những hoạt động quân sự cũng là yếu tố dẫn tới số thương vong khủng khiếp của phụ nữ và trẻ em Palestine. Cho đến nay, gần sáu tháng chiến tranh, Hamas vẫn tiếp tục cầm giữ hàng trăm con tin, dùng họ làm quân bài mặc cả cho một vụ ngừng bắn, chứng tỏ tổ chức này hết sức tàn nhẫn, cần phải bị tiêu diệt.

Nhưng cuộc chiến của Israel đã vượt quá quy mô tự vệ khi phần lớn thương vong là thường dân và cơ sở dân sự bị tàn phá ở quy mô lớn. Ông Netanyahu dường như nghĩ rằng, có sự bảo kê của Mỹ, Israel muốn làm gì thì làm, bất chấp các quy ước chiến tranh và luật nhân đạo. Chính quyền Mỹ phải nhiều lần yêu cầu ông Netanyahu có biện pháp bảo vệ thường dân, chấm dứt ngăn cản việc chuyển hàng cứu trợ và có giải pháp hợp lý cho cuộc xung đột. Mới hôm Thứ Hai, 25 Tháng Ba, trong buổi tiếp ông Yoav Gallant, bộ trưởng Quốc Phòng Israel, ở Ngũ Giác Đài, Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin của Mỹ nhấn mạnh bảo vệ thường dân trong chiến tranh là “nhu cầu đạo đức và mệnh lệnh chiến lược,” yêu cầu Israel tránh làm trầm trọng thêm nữa thảm họa ở Gaza.

Những khuyến cáo của chính quyền Biden dường như bị rơi vào những lỗ tai điếc. Ông Netanyahu thậm chí còn tỏ vẻ bất cần, công khai phản bác những đề nghị của tổng thống Mỹ để chứng tỏ ông không khuất phục sức ép của Washington.

Mới đây nhất, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia khác yêu cầu Israel không tấn công vào Rafah – nơi có hàng triệu người Palestine đang chen chúc trong cảnh khốn cùng. Chính phủ Mỹ và thế giới bên ngoài lo sợ một cuộc tấn công vào Rafah sẽ gây ra cảnh tàn sát không thể nào tưởng tượng nổi vì người tị nạn không còn chỗ nào để trốn tránh bom đạn. Tuy vậy, chính phủ Israel tin rằng Rafah là thành luỹ cuối cùng của bốn trung đoàn Hamas cần phải bị tiêu diệt, cuộc tấn công Rafah là không tránh khỏi. Thủ Tướng Netanyahu còn tuyên bố, nếu Mỹ không hỗ trợ thì Israel sẽ một mình thực hiện cuộc tấn công. Có lẽ đây là giọt nước làm tràn ly, buộc chính phủ Mỹ phải thay đổi thái độ, cứng rắn với ông Netanyahu cho dù Tòa Bạch Ốc vẫn khẳng định, việc Mỹ bỏ phiếu trắng không biểu thị sự thay đổi chính sách của Washington.

***

Do nghị quyết của Hội Đồng Bảo An không có tính ràng buộc về pháp lý nên nó sẽ không mang lại thay đổi trên chiến trường. Sẽ không có một lực lượng gìn giữ hòa bình nào của Liên Hiệp Quốc được cử tới Gaza để giám sát cuộc ngừng bắn dù Tổng Thư Ký Antonio Guterres của Liên Hiệp Quốc nêu rõ rằng việc không thực thi nghị quyết 2728 về ngừng bắn ở Gaza là hành động không thể tha thứ.

Các quan sát viên quốc tế đều tin rằng, ông Netanyahu chẳng những sẽ không ngừng bắn như yêu cầu của nghị quyết mà trái lại sẽ đẩy nhanh cuộc tấn công vào Rafah. Ông có tiêu diệt tận gốc được Hamas như mục đích đã nêu ra không thì chưa rõ, nhưng hành động như vậy chắc chắn sẽ làm cho Israel càng bị cô lập trên trường quốc tế và gây thất vọng thêm nữa cho Washington. Theo nhật báo The Wall Street Journal, nhà đàm phán hòa bình Aaron David Miller của Carnegie Endowment for International Peace nhận xét: “Trò hề của Netanyahu hủy bỏ chuyến đi của các cố vấn và tấn công chính phủ Mỹ chỉ làm cho việc tìm kiếm thỏa thuận giải thoát con tin thêm khó khăn hơn.”

Về phía Washington, để cho Hội Đồng Bảo An thông qua một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Gaza có thể giúp ông Biden giải hòa với một bộ phận trong đảng Dân Chủ từ lâu vẫn phê phán ông không đủ cứng rắn để kiềm chế ông Netanyahu và giúp ông lấy lại cảm tình của khối cử tri Hồi Giáo, cử tri gốc Ả Rập. Nhưng lựa chọn đó cũng gây bất mãn sâu sắc với giới chính trị gia Cộng Hòa và những người ủng hộ Cộng Hòa. Mới đây, khối Cộng Hòa trong Thượng Viện đã mời ông Netanyahu phát biểu qua video tại một cuộc họp kín của khối và tỏ ra ủng hộ hết mình chiến dịch quân sự của ông.

Sau khi bỏ phiếu trắng tại Hội Đồng Bảo An như một tín hiệu đầu tiên, chính quyền Biden chưa cho biết Washington sẽ làm gì kế tiếp nếu Tel Aviv vẫn tiếp tục mâu thuẫn với Washington về cuộc chiến ở Gaza, về hoạt động mở rộng các khu định cư người Do Thái ở West Bank và về giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Ông Biden vẫn còn nhiều công cụ ngoại giao để gia tăng sức ép với Thủ Tướng Netanyahu, chẳng hạn như đình chỉ việc viện trợ vũ khí cho Israel hoặc đơn phương công nhận chính quyền Palestine ở West Bank là đại diện chính thức của người Palestine trong giải pháp hai nhà nước.

Pháp và Anh – hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ – đã lên tiếng khẳng định họ sẽ đơn phương công nhận Nhà Nước Palestine nhưng còn đang thăm dò thái độ của Mỹ. Và trong năm tháng qua, Mỹ đã lặng lẽ cung cấp cho Israel hơn 100 chuyến hàng vũ khí, gồm hàng ngàn hỏa tiễn chính xác, bom cỡ nhỏ, bom phá bong-ke, súng trường tấn công các loại. Trong số này, chỉ có hai chuyến được công bố cho dân chúng biết. Đây là những đòn bẩy mà khi cần ông Biden có thể đem ra dùng.

Ở thời điểm hiện nay, Washington vẫn công khai ủng hộ Israel trong mục đích tiêu diệt tổ chức Hamas, chấm dứt các mối đe dọa, nhưng chưa thuyết phục được Tel Aviv làm theo những khuyến nghị của Mỹ, ưu tiên cho việc giải cứu con tin, bảo vệ thường dân và chấm dứt khổ nạn của người dân ở Gaza. Đây là điều có thể giải tỏa tình thế bị cô lập của Israel trên trường quốc tế. Về lâu dài, xem ra ông Netanyahu khó mà tiếp tục phớt lờ yêu cầu của chính phủ Mỹ, không phải chỉ vì áp lực của ông Biden hay đảng Dân Chủ mà chính là vì lợi ích của chính Israel và hòa bình ở khu vực. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT