Friday, April 26, 2024

Biển Đông, Trung Quốc và Tổng Thống Biden

Hiếu Chân/Người Việt

Chỉ trong tuần qua, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt hành động gây hấn ở khu vực Biển Đông và “vỗ mặt” chính phủ mới của Hoa Kỳ. Nhiều vị trí thức ở Việt Nam cho rằng, sở dĩ Bắc Kinh hùng hổ như vậy là do ông Joe Biden được cử tri bầu làm tổng thống Hoa Kỳ thay vì ông Donald Trump tiếp tục ngự trị trong Tòa Bạch Ốc. Có thật vậy không?

Chính phủ CSVN coi những người dân yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược là kẻ thù, bắt bớ, tra tấn và trừng phạt họ. Chỉ cần mặc áo có chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam,” có logo “No-U” đi ngoài phố là đủ để bị an ninh chìm nổi đánh đập, bắt bớ và kết tội “phản động.” (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Ngày 20 Tháng Giêng chỉ vài giờ sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, Trung Quốc công bố cấm vận 28 quan chức cao cấp của chính phủ Donald Trump vừa mãn nhiệm, trong đó có những chính trị gia nổi bật như cựu Ngoại Trưởng Mike Pompeo, cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Robert O’Brien, cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia đã nghỉ việc John Bolton, cựu Phó Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Matt Pottinger, Cố Vấn Kinh Tế Peter Navarro…

Hai ngày sau Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký ban hành Luật Hải Cảnh mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1 Tháng Hai, cho phép lực lượng cảnh sát biển nước này sử dụng vũ khí tấn công tàu bè nước ngoài và phá dỡ các kiến trúc của nước khác trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.

Rồi trong những ngày cuối tuần, Trung Quốc cấp tập đưa oanh tạc cơ, phi cơ chiến đấu xâm nhập không phận Đài Loan, buộc Đài Loan phải đưa phi cơ lên xua đuổi và đặt các hệ thống hỏa tiễn phòng không vào tình trạng sẵn sàng khai hỏa.

Chưa hết, ngày 25 Tháng Giêng, Cục Hải Sự Trung Quốc đưa ra thông báo cấm tàu bè quốc tế qua lại vùng biển gần bán đảo Lôi Châu trong vịnh Bắc Bộ từ ngày 27 đến ngày 30 Tháng Giêng, thực hiện cuộc tập trận Hải Quân lớn với ý đồ đe dọa trong lúc đảng CSVN họp bầu lãnh đạo khóa mới.

Những hành động gây hấn đó của Bắc Kinh ở Biển Đông không mới nhưng vấn đề đáng bàn là ở chỗ, nhiều người Việt ở trong nước, nhiều người được coi là trí thức như luật sư, bác sĩ, nhà báo… theo dõi thời sự, có thông tin và hiểu biết hơn người bình dân, lập tức suy diễn những bước phiêu lưu đó của Trung Quốc là do ông Joe Biden lên làm tổng thống Mỹ.

Không có một căn cứ xác đáng nào nhưng những người này cố tình liên kết hành động gây hấn của Trung Quốc với cuộc chuyển giao quyền lực ở Mỹ và quy trách nhiệm cho Tổng Thống Biden, cứ như vì ông Biden lên mà Trung Quốc được thể lộng hành! Lập luận này được củng cố từ những thông tin không có căn cứ rằng ông Joe Biden là người “khấu đầu” trước Trung Quốc, gia đình ông có quan hệ làm ăn với Bắc Kinh và thu lợi nhiều triệu đô la! Lập luận này cũng nhằm thỏa mãn tâm lý sùng bái ông Trump sau khi ông này đã bị người dân Mỹ phế truất bằng lá phiếu. Họ cho rằng, nếu ông Donald Trump tiếp tục ngồi trong Tòa Bạch Ốc thì Trung Quốc sẽ không dám có những hành động như vậy!

Có thể thông cảm nỗi bất bình của những người này trước hành động gây hấn của Trung Quốc và mối nguy mà Bắc Kinh đặt ra cho Hà Nội nhưng khó có thể phủ nhận lối suy nghĩ của họ thật kỳ quặc. Một mặt nó xa rời những dữ kiện thực tế và lịch sử, mặt khác nó phản ánh cái tâm lý nô lệ, nhược tiểu, muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc bằng thế lực của Mỹ, của Tổng Thống Donald Trump mà không thấy rằng, ông Trump, ông Biden hay bất kỳ tổng thống Mỹ nào cũng không “đánh Trung Quốc” thay cho Việt Nam cả.

***

Về mặt lịch sử, tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã có từ rất lâu trước khi đảng Cộng Sản và Mao Trạch Đông lập ra nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa năm 1949. Họ như con thú rình mồi liên tục, giương cặp mắt cú vọ theo dõi tình hình từ năm này qua năm khác, khi phát hiện cơ hội họ lập tức ra tay để biến không thành có.

Năm 1956, lợi dụng lúc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mới thành lập còn non yếu lại phải lo ổn định cho gần một triệu người di cư từ Bắc vào Nam, Trung Quốc chiếm các đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, lợi dụng việc Quốc Hội Hoa Kỳ ra nghị quyết buộc quân đội Mỹ chấm dứt hoàn toàn các hoạt động chiến đấu tại Đông Dương sau khi Hoa Kỳ ký kết Hiệp Định Paris vào Tháng Giêng, 1973, và quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải căng sức đối phó với cuộc tấn công tổng lực của quân Bắc Việt trên toàn miền Nam, Trung Quốc tấn công các đảo phía tây Hoàng Sa trong cuộc hải chiến đẫm máu với Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1988, lợi dụng lúc Việt Nam bị sa lầy trầm trọng ở Cambodia, bị cô lập trên trường quốc tế và nạn đói hoành hành trong nước, Trung Quốc chiếm bảy đảo đá ở Trường Sa, trong đó có đảo Gạc Ma. Nếu như vào năm 1949, Trung Quốc không có mảnh đất cắm dùi ở Biển Đông thì tới cuối thập niên 1980, Bắc Kinh đã có chân đứng ở cả Hoàng Sa và Trường Sa!

Tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc được đẩy mạnh từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền tối cao ở Trung Quốc năm 2012. Sau vài thập niên phát triển kinh tế, khoa học công nghệ và hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc bắt đầu thực hiện mộng bá chủ khu vực: tranh giành chủ quyền quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông với Nhật Bản, xung đột quân sự với Ấn Độ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, chèn ép thương mại Nam Hàn, Úc, Philippines, Nhật Bản…

Trên Biển Đông, Trung Quốc đưa “đường lưỡi bò” huyễn hoặc bao trùm 90% diện tích Biển Đông vào bản đồ, sách giáo khoa, sổ thông hành Trung Quốc, thành một thứ “lợi ích cốt lõi” (core interest) mà Bắc Kinh quyết giành bằng được, bất chấp vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng đã được Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển (UNCLOS) công nhận mà Trung Quốc là một thành viên ký kết.

Trên thực địa, ngoài việc đầu tư lớn để nâng cấp quân đội, đóng hàng không mẫu hạm, ông Tập Cận Bình cho bồi đắp các đảo và đá chiếm được ở Hoàng Sa và Trường Sa, lập các căn cứ quân sự to lớn có đủ bến cảng và đường băng cho phi cơ chiến đấu không chỉ để đe dọa các nước láng giềng nhỏ bé hơn mà còn nhằm ngăn chặn Hải Quân Hoa Kỳ và các cường quốc khác tiếp cận lãnh thổ Trung Quốc khi xảy ra chiến sự.

Chủ Tịch Tập Cận Bình còn cho nâng cấp và mở rộng lực lượng cảnh sát biển mà Bắc Kinh gọi là Hải Cảnh, biến một đơn vị chấp pháp dân sự vốn thuộc Cục Hải Dương Nhà Nước thành một lực lượng bán quân sự được trang bị tối tân, trực thuộc Quân Ủy Trung Ương của quân đội Trung Quốc. Đến năm 2019, Hải Cảnh Trung Quốc có khoảng 130 tàu từ 1,000 tấn trở lên, tăng hơn ba lần tổng số tàu năm 2012. Hải Cảnh Trung Quốc cũng có các con tàu trọng tải hơn 10,000 tấn, được trang bị pháo 76mm – tức là lớn hơn các tàu Hải Quân lớn nhất mà Philippines và Indonesia có được – hai nước này nằm trong số các nước có xung đột về yêu sách lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông. Cảnh sát biển Trung Quốc không chỉ tuần tra ven bờ mà đi sâu vào lãnh hải của các nước láng giềng, bảo vệ các tàu thăm dò, các giàn khoan dầu khí của Trung Quốc, xua đuổi và trấn áp ngư dân các nước, phối hợp hoạt động với “dân quân biển” – tức là ngư dân được huấn luyện và trang bị vũ khí như quân du kích mà số lượng lên tới hàng triệu người…

Trung Quốc càng phát triển, càng giàu mạnh thì càng hung hăng đe dọa các nước lân bang, phá vỡ hòa bình và ổn định của khu vực vì quyền lợi ích kỷ của họ. Chưa có một thế lực nào, kể cả Hoa Kỳ, có thể ngăn chặn hiệu quả mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh mà không có rủi ro kích hoạt một cuộc chiến tranh thế giới mới.

***

Tuy vậy, trái với hiểu biết của một số người Việt, Hoa Kỳ là cường quốc duy nhất đã không làm ngơ trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Năm 2010 tại hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN ở Hà Nội, đáp lại quan điểm của Bắc Kinh rằng Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, phản đối sự can thiệp của bên ngoài, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ khi ấy là bà Hillary Clinton đã tuyên bố “Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương; tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông là ‘lợi ích quốc gia’ (national interest) của Hoa Kỳ và Washington sẽ có biện pháp để quyền tự do đó được tôn trọng.” Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc khi ấy là Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) tức giận bỏ ra khỏi phòng họp.

Ông Tập Cận Bình lợi dụng lúc nước Mỹ đang sa lầy vào cuộc chiến tranh kéo dài, hao người tốn của ở Afghanistan và Iraq để thực hiện âm mưu bồi đắp các đảo đá ở Trường Sa, sau khi long trọng cam kết trong cuộc họp báo chung với Tổng Thống Barack Obama tại Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc ngày 25 Tháng Chín, 2015, rằng Trung Quốc không bao giờ quân sự hóa các đảo này mà chỉ lập các trạm trú chân cho tàu thuyền đánh cá và phục vụ cứu hộ cứu nạn!

Khi phát hiện dã tâm thực của họ Tập, chính quyền Obama lập tức đề ra chiến lược “xoay trục sang châu Á” (pivot) Tháng Mười Một, 2011, điều chỉnh lại sự phân bố quân đội, đưa 60% lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ từ Châu Âu và Trung Đông về trú đóng tại Tây Thái Bình Dương, từ Guam đến Nhật Bản, để đề phòng Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh đàm phán và ký kết Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hình thành khối kinh tế-thương mại tự do ngăn chặn ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc.

Từ đó đến nay, các hạm đội Mỹ liên tục ra vào Biển Đông với tần suất ngày càng nhiều, có khi tập trung đến ba biệt đội hàng không mẫu hạm, trong các cuộc hành quân bảo vệ tự do hàng hải (FONOPs). Không ít lần các chiến hạm này đi các đảo mà Bắc Kinh đã quân sự hóa như một thông điệp bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Những hành động quyết đoán đó của Mỹ tuy không ngăn chặn được hoàn toàn mưu đồ bành trướng của Trung Quốc nhưng đã buộc Bắc Kinh phải suy tính cẩn thận trước khi leo thang gây hấn. Nếu không có những chính sách cứng rắn của Washington, chắc hẳn Biển Đông từ lâu đã trở thành cái ao nhà của Trung Quốc.

Tổng Thống Donald Trump lên cầm quyền ở Mỹ vào lúc những chính sách và thủ đoạn hung hăng của Chủ Tịch Tập Cận Bình, cả đối với dân chúng trong nước lẫn quan hệ đối ngoại với bên ngoài, đã làm cho tấm mặt nạ “trỗi dậy hòa bình” của Bắc Kinh rơi xuống, Trung Quốc hiện nguyên hình là một thế lực hắc ám, thiện cảm của người dân thế giới dành cho Trung Quốc biến mất, nhường chỗ cho sự hoài nghi và thù nghịch.

Trong giới chính trị Hoa Kỳ, nếu chọn ra một lĩnh vực mà hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa – vốn luôn đối kháng nhau – có sự đồng thuận cao thì đó chính là chính sách chống lại Trung Quốc, coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược cả về kinh tế, khoa học kỹ thuật lẫn quân sự. Tất cả các luật, nghị quyết trừng phạt Trung Quốc, liên quan đến các vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông, xuất cảng công nghệ, lao động… đều được Quốc Hội Mỹ thông qua với số phiếu thuận gần như tuyệt đối.

Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng Thống Trump đẩy xu thế chống Trung Quốc trong chính trị Mỹ lên một bước mới. Ngay trong năm đầu tiên ông Trump cầm quyền, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ đã vạch ra chiến lược an ninh quốc gia mới và khung chiến lược đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trọng tâm là mở rộng hợp tác với các nền dân chủ Châu Á (Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Ấn Độ) để đối phó với Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự, công nghệ lẫn nhân quyền.

Tháng Bảy, 2020, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông, bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong cái gọi là “đường lưỡi bò” chín đoạn, yêu cầu tuân thủ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển; trừng phạt các công ty và cá nhân Trung Quốc có vai trò trong việc quân sự hóa các đảo hoặc đe dọa và ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí của các nước ven Biển Đông diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Không ai phủ nhận rằng chính phủ Trump đã có những biện pháp cứng rắn với Bắc Kinh, nhất là sau khi dịch COVID-19 xuất phát từ Trung Quốc gây thảm họa cho toàn thế giới. Nhưng giới phân tích, và cả một số quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ, đều không hài lòng với cách làm “giật cục,” thiếu một đường lối nhất quán của Tổng Thống Trump trong việc đối phó với Trung Quốc. Ông Trump hầu như không thực thi khung chiến lược mà bộ tham mưu của ông đã đề ra, luôn lẫn lộn giữa chính sách quốc gia và quan hệ cá nhân giữa ông và ông Tập và đặc biệt ưu tiên cho chiến tranh thương mại lấn lướt các lĩnh vực khác. Đôi khi, những hành động tùy tiện và thiếu cân nhắc của ông Trump đem lại lợi ích rất lớn cho ông Tập Cận Bình, chẳng hạn như việc ông quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp Định TPP ngay trong tuần đầu tiên làm tổng thống, đe dọa rút quân đội Mỹ khỏi Nhật Bản và Nam Hàn nếu hai nước không tăng phần đóng góp chi phí duy trì các căn cứ quân sự, đánh thuế cao lên các sản phẩm thép nhập cảng từ hai nước này…

Hậu quả là những biện pháp cứng rắn của ông Trump mấy năm qua chẳng những không khiến Trung Quốc suy yếu đi mà còn làm cho ông Tập thêm quyết đoán, thêm chuyên chế trong chính sách đàn áp ở Tây Tạng, Tân Cương và Hồng Kông, trong xung đột với Canada, Ấn Độ và Úc, trong leo thang gây hấn ở Biển Đông. Ông Tập cho quân xâm nhập và quấy nhiễu ở bãi Tư Chính trong thềm lục địa Việt Nam, buộc Việt Nam phải chấm dứt hợp đồng với các tập đoàn dầu khí nước ngoài dù phải bồi thường hàng trăm triệu đô la.

Rõ ràng trong bốn năm qua, với khẩu hiệu “America First,” Tổng Thống Trump đã làm cho vị thế của Hoa Kỳ bị suy giảm, tạo khoảng trống quyền lực mà Bắc Kinh nhanh chóng lấp vào. Điều đó thấy rất rõ ở Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả vấn đề Biển Đông. Cho rằng chỉ có ông Trump mới chống Trung Quốc, làm lợi cho Việt Nam là một sự ngộ nhận rất đáng tiếc.

***

Việt Nam là nạn nhân trực tiếp của mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh: ngư dân Việt Nam bị xua đuổi, bị đâm chìm tàu, bị bắt giam đòi tiền chuộc; các công ty dầu khí thăm dò và khai thác trong thềm lục địa Việt Nam bị đe dọa và chèn ép phải bỏ cuộc, giáng đòn chí mạng vào kinh tế Việt Nam.

Trong lúc Bắc Kinh tích cực bành trướng trên Biển Đông hàng chục năm qua như vậy thì Hà Nội phản ứng như thế nào? Bị trói trong cái vòng kim cô “16 chữ vàng, bốn tốt,” trong cái quan hệ “đồng chí” giữa hai đảng Cộng Sản, Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng phản đối mạnh mẽ khi Trung Quốc hết lần này đến lượt khác chà đạp lên chủ quyền và quyền lợi kinh tế của mình. Tất cả những việc mà Hà Nội làm là cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lên đài truyền hình “bày tỏ quan ngại,” trăm lần như một. Thậm chí một việc đơn giản và theo thông lệ trong bang giao quốc tế là triệu tập đại sứ Trung Quốc đến Bộ Ngoại Giao để phản đối Hà Nội cũng chưa bao giờ dám làm!

Khi Philippines nộp hồ sơ lên Tòa Trọng Tài Quốc Tế về Luật Biển kiện Trung Quốc, đòi bác bỏ đường lưỡi bò bất hợp pháp thì Việt Nam không dám tham gia cùng Philippines hay là bên có quyền lợi liên quan mà chỉ dự tòa với tư cách “quan sát viên.” Những lời kêu gọi chính phủ Việt Nam khởi kiện Trung Quốc như Philippines đã làm của giới luật gia, trí thức trong và ngoài nước đều như rơi vào những lỗ tai điếc! Để khuyến khích ngư dân bám biển làm các “cột mốc chủ quyền sống” đối đầu với hải cảnh Trung Quốc, Hà Nội phát cho họ hình ông Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng, thật quái đản!

Điều tồi tệ và phi lý hơn nữa là chính phủ CSVN coi những người dân yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược là kẻ thù, bắt bớ, tra tấn và trừng phạt họ một cách dã man bằng những bản án hết sức khốc liệt. Chưa cần phải xuống đường biểu tình hô khẩu hiệu phản đối Trung Quốc, chỉ cần mặc áo có chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam,” có logo “No-U” đi ngoài phố, chỉ cần đến thắp hương tưởng niệm các nghĩa sĩ Hoàng Sa, Gạc Ma ở tượng đài Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn, tượng Lý Thái Tổ ở Hà Nội là đã đủ để bị an ninh chìm nổi đánh đập, bắt bớ và kết tội “phản động.” Yêu nước, chống xâm lược lại bị kết tội trong khi câu kết với kẻ thù thì được tôn vinh – chuyện quái đản đó buồn thay lại xảy ra như cơm bữa ở Việt Nam! Lâu dần nó triệt tiêu lòng ái quốc của người dân, khiến họ chỉ biết cúi mặt làm ăn mà vô cảm, dửng dưng với sự tồn vong của đất nước, của biển đảo quê hương.

Nếu có ai đó phải chịu trách nhiệm về những hành động xâm lược ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông thì đó phải là đảng CSVN đã vì quyền lợi ích kỷ của mình mà cam tâm khuất phục kẻ thù, nhu nhược và đớn hèn để từng mảnh giang sơn rơi vào tay giặc, chứ không phải là ông tổng thống Hoa Kỳ cách xa hơn nửa vòng trái đất.

Chính phủ CSVN coi những người dân yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược là kẻ thù, bắt bớ, tra tấn và trừng phạt họ. Chỉ cần mặc áo có chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam,” có logo “No-U” đi ngoài phố là đủ để bị an ninh chìm nổi đánh đập, bắt bớ và kết tội “phản động.” (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Ông Joe Biden trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ có thể là một cơ hội nếu Hà Nội biết nắm lấy, biết điều chỉnh chính sách để phù hợp với môi trường chính trị mới, thay vì đổ lỗi cho ông vì các hành động gây hấn của Trung Quốc mà ông chẳng hề liên can.

Ông Biden mới lên cầm quyền chưa đầy tuần lễ, mọi chuyện còn ở thời tương lai, nhưng đã có những căn cứ cho thấy chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc nhưng với cách hành xử khác với ông Trump. Ông Biden sẽ không đơn thương độc mã đấu với ông Tập Cận Bình mà sử dụng sức mạnh tổng hợp của một khối liên minh các nền dân chủ Châu Á, và không có chuyện ông đặt quan hệ với cá nhân ông Tập lên trên lợi ích chiến lược của nước Mỹ.

Ông Biden không xa lạ với ông Tập Cận Bình và đội ngũ tham mưu của ông cũng là những người từng trải. Ông Antony Blinken, người vừa được Thượng Viện chuẩn thuận làm ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm Thứ Ba, 26 Tháng Giêng, từng là thứ trưởng Ngoại Giao dưới thời Obama, đã cam kết với Quốc Hội rằng ông sẽ duy trì cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc và củng cố quan hệ với các đồng minh.

Ông Kurt Campbell, người điều phối chính sách Châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Biden, hàng chục năm trước đã cổ xúy cho chính sách đối kháng Trung Quốc; được gắn biệt danh “ông Xoay Trục” (Mr. Pivot) sau khi ông đề xướng chiến lược xoay trục sang Châu Á của chính quyền Obama.

Ông Jake Sullivan, cố vấn An Ninh Quốc Gia của ông Joe Biden, tuy không phải là chính khách “diều hâu,” nhưng là người được cho là có khả năng xây dựng những liên minh chiến lược để ứng phó với ảnh hưởng của các chính thể độc tài từ Nga, Iran đến Trung Quốc và Bắc Hàn. Chính ông Sullivan mới đây đã thừa nhận công khai rằng đường lối cứng rắn đối với Bắc Kinh của chính quyền Tổng Thống Trump là đúng và ông sẽ tiếp tục theo đuổi đường lối đó với một cách tiếp cận mới.

Ngay trong thời điểm nhận chuyển giao quyền lực, đội ngũ đối ngoại của chính quyền Biden đã có những động tác đầu tiên khiến Bắc Kinh tức giận; báo hiệu một thời kỳ đấu tranh căng thẳng giữa hai nước. Trong các cuộc điện đàm đầu tiên với chính phủ Nhật Bản, Nam Hàn, chính quyền Biden đã tái khẳng định cam kết hợp tác quân sự bảo vệ chủ quyền của Nhật Bản tại quần đảo Senkaku, bảo vệ an ninh Nam Hàn đồng thời gửi công hàm phản đối hành động đe dọa của Trung Quốc đưa oanh tạc cơ và chiến đấu cơ xâm phạm vùng trời Đài Loan những ngày cuối tuần qua.

Đại diện Đài Loan được mời dự lễ đăng quang của Tổng Thống Biden là chuyện chưa có tiền lệ, làm cho Bắc Kinh nổi nóng. Hai ngày sau khi chính quyền mới nhậm chức, Hải Quân Hoa Kỳ đã cử mẫu hạm Theodore Roosevelt và đội hộ tống đi vào Biển Đông, áp sát đảo Scarborough của Philippines nhưng đang bị Hải Cảnh Trung Quốc chiếm giữ, phát đi thông điệp cảnh báo Bắc Kinh không nên lợi dụng lúc Hoa Kỳ đang bận rộn với công việc đối nội để gây hấn. Cơ cấu bộ máy đối ngoại và những hành động dứt khoát của chính quyền Biden cho thấy, cho rằng ông Joe Biden sẽ nhu nhược với Bắc Kinh là một ngộ nhận nữa, sai lầm không kém!

***

Tuy vậy, đừng trông mong Tổng Thống Biden, Hoa Kỳ hoặc bất kỳ cường quốc nào khác “đánh Trung Quốc” để giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Điều đó chỉ là ảo vọng khi bản thân chính quyền Hà Nội chưa quyết tâm bảo vệ quyền lợi của mình. Hành động cứng rắn với Trung Quốc của Mỹ hoặc các quốc gia khác là vì quyền lợi của nước họ, vì sự tôn nghiêm của luật pháp quốc tế; nếu điều đó có lợi cho Việt Nam hay các nước nhỏ khác thì đó chỉ là hiệu ứng phụ, gián tiếp chứ không phải là hành động ra tay cứu độ hay hào phóng của các cường quốc.

Để giữ gìn không gian sinh tồn mà tổ tiên để lại ở Biển Đông trước thủ đoạn bành trướng của Trung Quốc, Việt Nam nhất thiết phải tự cường, tự lực ở cả đối nội và đối ngoại. Đối ngoại, Việt Nam cần cân nhắc thời điểm và luận cứ để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, sau khi đã có “án lệ” từ vụ kiện của Philippines. Kế tiếp, Việt Nam nên tranh thủ lúc chính phủ Biden chủ trương củng cố các liên minh dân chủ đối đầu với độc tài để nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ từ “đối tác toàn diện” hiện nay lên tầm “đối tác chiến lược” và nghiên cứu khả năng ký kết hiệp định tương trợ an ninh với Mỹ, theo đó nếu một nước thứ ba xâm lấn lãnh thổ của nước này thì cũng xem như là xâm lấn chủ quyền nước kia và bảo vệ lẫn nhau. Hoa Kỳ đã có những hiệp ước tương tự với Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines và Việt Nam hoàn toàn có thể là nước kế tiếp. Thay vì trông mong và trách cứ các chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam nên chủ động nắm lấy thời cơ để bước ra khỏi “phía sai lầm của lịch sử” (wrong side of history).

Cuối cùng, giữ nước là sự nghiệp của toàn dân chứ không phải là chuyện riêng của “đảng và nhà nước,” “có đảng và nhà nước lo” như tuyên truyền của Hà Nội. Đảng Cộng Sản và chính phủ Việt Nam không bao giờ ngăn cản được cuộc xâm lăng của Trung Quốc nếu không huy động được sự ủng hộ, hy sinh của toàn dân tộc và đồng bào ở nước ngoài. Muốn huy động được toàn dân, trước tiên đảng Cộng Sản cầm quyền phải trả lại cho dân Việt Nam quyền yêu nước và các quyền tự do căn bản của họ, không thể tiếp tục coi nhân dân là “thế lực thù địch” để trấn áp và bóc lột, chỉ vì quyền lực và quyền lợi của một nhóm người. Tiếc thay, những gì đang diễn ra ở Việt Nam trong những ngày mà đảng Cộng Sản tổ chức Đại Hội 13 này cho thấy đảng vẫn cố chấp, vẫn bám chặt vào cái ghế quyền lực “cướp” được của nhân dân hơn 70 năm trước mà chưa hề có dấu hiệu tỉnh ngộ, cải tổ chính trị một cách thực chất để cứu nước. [qd]

MỚI CẬP NHẬT