Friday, April 26, 2024

California và tham vọng chăm sóc y tế toàn dân

Hiếu Chân/Người Việt

California đang có tham vọng trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân. Một dự luật có tên “Bảo Đảm Chăm Sóc Y Tế Cho Mọi Người” (Guaranteed Health Care for All), có mã hiệu “Assembly Bill” 1400 (AB-1400), đã được Ủy Ban Y Tế Hạ Viện California thông qua vào tối Thứ Ba, 11 Tháng Giêng, chặng đầu trên con đường trở thành luật. Nhưng tương lai của nó như thế nào thì hãy còn khá bấp bênh.

California muốn trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân. Trong hình, mọi người xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở Rosemead, California, vào ngày 5 Tháng Giêng. (Hình minh họa: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

“Y tế toàn dân,” tiếng Anh gọi là “universal healthcare,” là một hệ thống bảo hiểm y tế trong đó mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe khi cần thiết, bất cứ ở đâu, mà không phải thanh toán hóa đơn chữa bệnh. Hệ thống y tế toàn dân được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đánh giá là “ý tưởng mạnh mẽ nhất mà ngành y tế công cộng đề ra nhằm hợp nhất các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cung cấp các dịch vụ đó một cách toàn diện và đầy đủ.” Một trong những “mục tiêu phát triển bền vững” của Liên Hiệp Quốc là xây dựng hệ thống y tế toàn dân ở tất cả các nước thành viên vào năm 2030.

Trong hệ thống y tế toàn dân, đa số các quốc gia sử dụng nguồn tài chính công của chính phủ để thanh toán chi phí chăm sóc y tế, gọi là phương thức “một người trả tiền” (single-payer), một số nước kết hợp nguồn tài chính công với công ty bảo hiểm tư nhân, gọi là phương thức “nhiều người trả tiền” (multi-payer). Hệ thống “một người trả tiền” có ngân quỹ từ tiền đóng thuế của công dân, đóng góp của các tổ chức xã hội và các nhà từ thiện, được cho là phương thức có ưu điểm hơn cả.

Vì sao California muốn đi trước?

Hoa Kỳ là nước công nghiệp phát triển duy nhất trên thế giới không có hệ thống y tế toàn dân mà thay vào đó là một thị trường bảo hiểm y tế hết sức phức tạp và đắt đỏ. Người dân, ngoài tiền thuế, còn phải mua bảo hiểm của các công ty bảo hiểm y tế tư nhân; tiền đóng hàng tháng do người lao động trả một phần, người chủ sử dụng lao động trả một phần.

Nếu là người sống dưới ngưỡng nghèo khó thì được hưởng chương trình y tế miễn phí của chính phủ (Medicaid, MediCal), người có thu nhập thấp thì được chính phủ hỗ trợ một phần phí bảo hiểm theo luật Obamacare; người cao niên thì được hưởng Medicare – một chương trình của chính phủ liên bang, trong đó người cao niên được hỗ trợ một số dịch vụ căn bản từ tiền Medicare mà họ đã đóng khi còn đi làm việc, một số dịch vụ khác phải mua bằng tiền túi. Hệ thống hiện nay của Mỹ là thị trường được “nhiều người trả tiền,” bệnh nhân, công ty bảo hiểm, người sử dụng lao động và chính quyền đều phải đóng góp vào sự vận hành của hệ thống này.

Tuy có nhiều chương trình y tế như vậy nhưng do chi phí cao, đến nay vẫn có rất nhiều người dân Mỹ không có bảo hiểm y tế, tạo một gánh nặng cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe khi bệnh nhân không có đủ tiền trả mà cũng không có cơ quan bảo hiểm thanh toán. Chi phí chăm sóc y tế cũng là nguyên nhân lớn nhất sinh ra tình trạng nợ nần và phá sản của người dân Mỹ.

Và California muốn đi bước đột phá, xây dựng hệ thống y tế toàn dân đầu tiên ở Mỹ với dự luật AB-1400 do Dân Biểu Ash Kalra (Dân Chủ-San Jose) đệ trình và vừa được thông qua ở Ủy Ban Y Tế Hạ Viện với số phiếu 11 thuận 3 chống. Nếu AB-1400 được thông qua thành luật, California sẽ có một hệ thống bảo hiểm y tế riêng, gọi là CalCare, sử dụng ngân quỹ y tế của tiểu bang, do một ban điều hành phụ trách, chi trả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của toàn thể công dân trong tiểu bang theo phương thức “một người trả tiền.” Hệ thống CalCare nếu ra đời sẽ thay thế các chương trình bảo hiểm tư nhân và tác động đến các hệ thống bảo hiểm y tế của liên bang như Medicare. Khi đó, mọi người dân California bị đau ốm đều có thể đến thăm khám và điều trị ở các cơ sở y tế mà không lo chuyện thanh toán hóa đơn. Người lao động và các chủ công ty cũng không còn phải lo tiền bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên.

Ông Ash Kalra, tác giả của dự luật AB-1400, cho biết: “Có vô số nghiên cứu cho chúng ta biết hệ thống chăm sóc sức khỏe một người trả tiền là điều hợp lý nên làm, là một chính sách chăm sóc sức khỏe thông minh hơn cần tuân theo và là một mệnh lệnh đạo đức nếu chúng ta quan tâm đến cuộc sống con người.”

Thống Đốc California Gavin Newsom (Dân Chủ) đồng ý như vậy. “Tôi nghĩ rằng hệ thống lý tưởng là hệ thống một người trả tiền. Tôi đã đồng ý với điều đó trong hơn một thập niên,” ông Newsom nói tại một cuộc họp báo hôm Thứ Hai nhưng cho biết ông chưa có cơ hội xem xét dự luật đang được cơ quan lập pháp bàn bạc.

Tăng thuế – trở ngại lớn

Tuy nhiên để có ngân quỹ thực hiện CalCare, California phải tăng thuế lên các cá nhân và công ty giàu có; và đây là “điểm nghẽn” chính làm cho ý tưởng hệ thống “y tế toàn dân” California gặp phải sự phản đối mạnh mẽ.

Song song với việc thảo luận dự luật AB-1400 ở Ủy Ban Y Tế, trong tuần qua Hạ Viện California cũng xem xét một dự luật liên quan, gọi là Assembly Constitutional Amendment 11, tức là Tu Chính Hiến Pháp số 11, gọi tắt là ACA 11, cho phép chính quyền tiểu bang tăng thuế lên một số cá nhân và công ty.

Theo phân tích của Hiệp Hội Người Đóng Thuế California (California Taxpayers Association), tiểu bang cần tăng thu thuế hằng năm thêm ít nhất $163 tỷ để chi trả cho cuộc cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe. Còn theo tính toán của Trung Tâm Lao Động thuộc Đại Học California, hệ thống y tế “một người trả tiền” sẽ tiêu tốn khoảng $222 tỷ mỗi năm. Để so sánh, nên lưu ý dự toán ngân sách của chính quyền California (state budget) trong năm tài chính 2022-2023 là khoảng $286 tỷ.

Nhật báo Los Angeles Times dẫn thông tin từ dự thảo ACA 11 cho biết, nếu dự luật này được thông qua thì sẽ có một sắc thuế mới 2.3% gọi là GRT (gross receipts tax), áp lên khoản doanh thu trên mức $2 triệu của một doanh nghiệp; doanh nghiệp có trên 50 người lao động sẽ đóng thêm một mức thuế thu nhập dựa trên sổ lương (payroll tax), bằng 1.25% của tổng số tiền lương. Thuế thu nhập cá nhân cũng tăng ở những người có thu nhập hằng năm trên $149,509 – số thu nhập trên mức đó sẽ phải chịu thêm 0.5% thuế, tăng dần lên 2.5% cho thu nhập trên $2,5 triệu. Tổ chức chuyên nghiên cứu về thuế Tax Foundation tính ra để có thêm $163 tỷ mỗi năm chi trả cho hệ thống y tế toàn dân, bình quân mỗi gia đình ở California phải đóng thêm $12,250 tiền thuế; gia đình nghèo, thu nhập dưới mức $149,000 tất nhiên không phải chịu khoản thuế tăng thêm.

Dự luật ACA 11 liên quan đến sửa đổi hiến pháp nên theo luật, nó phải được hai phần ba số nghị sĩ, dân biểu của cơ quan lập pháp tiểu bang bỏ phiếu thuận, sau đó còn phải được đưa ra “trưng cầu dân ý” để cử tri California có quyết định cuối cùng, có thể là vào năm 2024.

Ai ủng hộ, ai phản đối

Trong quá khứ California đã cố gắng và đã thất bại trong việc thay thế thị trường bảo hiểm y tế tư nhân bằng chương trình y tế toàn dân. Cử tri đã bác bỏ một dự luật như vậy vào năm 1994 và năm 2017 các nhà lập pháp tiểu bang cũng đã thất bại trong việc tìm tài trợ cho hệ thống y tế toàn dân dù dự luật đã được Thượng Viện tiểu bang bỏ phiếu thuận.

Ở liên bang Hoa Kỳ, những nỗ lực nhằm tạo ra dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân cũng không có sức hút mặc dù được các nhà lập pháp cấp tiến nổi tiếng thúc đẩy như ứng cử viên tổng thống năm 2020, Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont). Các cơ quan lập pháp của các tiểu bang Vermont và New York cũng đã cố gắng và đã thất bại trong việc tạo ra các kế hoạch chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Lần này, một số nhà lập pháp California đã tách đề nghị lập hệ thống y tế toàn dân CalCare thành hai dự luật riêng biệt, dự luật AB-1400 về cải cách hệ thống y tế và dự luật ACA 11 về sửa đổi hệ thống thuế. Nhưng cả hai dự luật đều có những người ủng hộ và phản đối.

Các công ty bảo hiểm y tế, các bác sĩ và nhóm doanh nghiệp phản đối mạnh dự luật AB-1400 vì cho rằng nó quá tốn kém cho ngân sách; bác sĩ và nhân viên y tế sẽ được trả lương thấp hơn và người bệnh phải chờ đợi lâu hơn mới tiếp cận được dịch vụ y tế. Dân Biểu Marie Waldron, lãnh đạo khối Cộng Hòa Thiểu Số trong Hạ Viện tiểu bang, nói với đài ABC News: “Nếu chương trình chăm sóc sức khỏe do chính phủ điều hành trở thành luật, hàng triệu người California sẽ rời bỏ tiểu bang này – hoặc để tránh các khoản thuế mới lên tới $163 tỷ mỗi năm hoặc để tránh những cuộc chờ đợi mỏi mòn để được khám chữa bệnh.”

Các nhóm doanh nghiệp, do Phòng Thương Mại California dẫn đầu, cho rằng hệ thống y tế toàn dân là quá tốn kém và đắt đỏ tới mức tăng thuế cũng không đủ để bù chi phí hoạt động. Ông Preston Young, cố vấn chính sách của Phòng Thương Mại California, nhận định, bãi bỏ hoàn toàn hệ thống hiện hành vào lúc đại dịch đang đe dọa và tăng thuế hàng năm hàng trăm tỷ đô la không phải là giải pháp, thậm chí còn có thể gây hại cho nền kinh tế và thị trường lao động.

Trong khi đó các nghị sĩ ủng hộ dự luật cho rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện nay chỉ làm lợi cho các công ty bảo hiểm y tế mà gây thiệt thòi cho bệnh nhân và người dân California nói chung. Những người ủng hộ kế hoạch nói rằng mặc dù tăng thuế, nhưng các công ty và cá nhân người lao động sẽ không còn phải đóng tiền hằng tháng cho công ty bảo hiểm y tế tư nhân – bù qua sớt lại người dân vẫn có lợi hơn về tài chính. Thêm nữa, một hệ thống do nhà nước điều hành sẽ bao gồm nhiều lợi ích hơn, chi phí rẻ hơn bằng cách loại bỏ yếu tố lợi nhuận của các công ty bảo hiểm.

Hiệp Hội Y Tá California (California Nurses Association) cuối tuần qua đã tổ chức biểu tình ủng hộ dự luật chăm sóc sức khỏe toàn dân. Cathy Kennedy, chủ tịch Hiệp Hội Y Tá California, nói với báo The Guardian (Anh): “Là y tá, chúng tôi đã thấy bệnh nhân bị trì hoãn hoặc từ chối chăm sóc vì họ không đủ khả năng chi trả. Hệ thống chăm sóc sức khỏe vì lợi nhuận này đang được trả giá bằng mạng sống, tất cả chỉ để một số giám đốc điều hành công ty bảo hiểm được đầy túi.”

Cái giá chính trị của đảng Dân Chủ

Nhìn chung, việc phản đối hay ủng hộ dự luật về y tế toàn dân California hiện diễn ra theo lằn ranh đảng phái: người Dân Chủ ủng hộ và đối lập là những người Cộng Hòa. Cả hai bên đều nỗ lực vận động cho lập luận của mình. Nhưng việc đưa ra kế hoạch cải tổ y tế và tăng thuế vào thời điểm cả nước chuẩn bị bầu cử Quốc Hội giữa nhiệm kỳ có thể là một bất lợi cho đảng Dân Chủ cầm quyền ở California. Nhiều cử tri lo lắng về viễn cảnh tăng thuế theo ý tưởng của đảng Dân Chủ có thể xoay ra ủng hộ các ứng cử viên đối lập, làm sụp đổ vị thế đa số mong manh của đảng Dân Chủ trong Hạ Viện Hoa Kỳ.

Và đó là chuyện mà các chiến lược gia Dân Chủ ở California phải tính tới và sớm có biện pháp quảng bá sâu rộng để trấn an nỗi lo lắng của cử tri. [qd]

MỚI CẬP NHẬT