Saturday, April 27, 2024

Có nên hỗ trợ Đài Loan?

Hiếu Chân/Người Việt

Trong dòng thời sự có một sự kiện ít được chú ý nhưng báo hiệu những điềm xấu: Quân đội Đài Loan cho biết vào chiều muộn hôm Thứ Hai, 19 Tháng Hai, sáu lính Tuần Duyên Trung Quốc đã leo lên một chiếc tàu du lịch Đài Loan chở 11 thủy thủ và 23 hành khách để kiểm tra kế hoạch tuyến đường, giấy chứng nhận và giấy phép của thủy thủ đoàn, và toán lính này rời đi khoảng nửa giờ sau đó, theo Reuters. Trung Quốc liên tục gây áp lực quân sự và kinh tế lên Đài Loan từ sau cuộc viếng thăm Đài Bắc của Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ, California) khi bà là chủ tịch Hạ Viện Mỹ hồi Tháng Tám, 2022, nhưng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh có hành động gây hấn quyết liệt như vậy.

Bà Thái Anh Văn (giữa), tổng thống Đài Loan, xem binh lính huấn luyện tại một căn cứ quân sự ở Tân Trúc vào ngày 6 Tháng Hai. (Hình minh họa: Sam Yeh/AFP via Getty Images)

Trong khi đó, một dự luật viện trợ quân sự khẩn cấp cho các đồng minh của Mỹ đang bị Hạ Viện “treo” lại, sau khi đã được Thượng Viện thông qua tuần trước. Trong khoản viện trợ mới trị giá $95.34 tỷ này, Mỹ sẽ dành khoảng $8 tỷ để hỗ trợ an ninh cho các đối tác Châu Á-Thái Bình Dương ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc mà Đài Loan là nước được hỗ trợ nhiều nhất. Thái độ quay lưng của Hạ Viện Mỹ có thể là một trong những yếu tố thúc đẩy ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, muốn thăm dò phản ứng của Mỹ để thay đổi hiện trạng eo biển Đài Loan, xâm chiếm và sáp nhập hòn đảo này vào lãnh thổ Trung Quốc.

Sau nhiều thập niên đổ tiền muôn bạc vạn hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, ông Tập đang rất sốt ruột muốn thâu tóm Đài Loan trước năm 2027; ông ta chỉ còn chờ xem kết quả cuộc xâm lược của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, ở Ukraine và đánh giá quyết tâm bảo vệ Đài Loan của Mỹ. Tình hình đó đang làm dấy lên cuộc tranh luận: Liệu Đài Loan có đủ quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế để Mỹ phải đứng ra bảo vệ nếu bị Trung Quốc tấn công hay không. Câu trả lời khá rõ ràng: Mỹ không thể để mất Đài Loan vào tay Trung Quốc.

“Thảm họa địa chính trị lớn nhất đối với Mỹ và đồng minh là Trung Quốc xâm chiếm và sáp nhập Đài Loan,” đó là nhận định chuẩn xác mà Tướng Douglas MacArthur đưa ra 74 năm trước, vào Tháng Sáu, 1950, khi ông lãnh đạo lực lượng Mỹ chiếm đóng Nhật sau Đệ Nhị Thế Chiến và ngay sau khi Cộng Sản Trung Quốc chiếm được Hoa Lục. Theo Tướng MacArthur, Đài Loan – mà ông gọi là chiếc hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm – che chắn cho Nhật và Nam Hàn; chiếm được đảo Đài Loan, Trung Quốc sẽ có một bệ phóng để đe dọa an ninh các đồng minh của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Ngày nay, giá trị của vị trí chiến lược của Đài Loan chẳng những không giảm đi mà còn tăng lên nhiều lần do Đài Loan đã trở thành một nền dân chủ toàn diện, một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế thế giới nhờ thủ đắc năng lực sản xuất vi mạch điện tử tân tiến (chip). Nếu Đài Loan rơi vào tay Cộng Sản Trung Quốc, Mỹ có nguy cơ bị đẩy ra khỏi vùng Đông Á cả về quân sự lẫn kinh tế.

Về mặt thể chế, sau khi nhà độc tài Tưởng Giới Thạch qua đời năm 1975, người Đài Loan đã mất 20 năm vật vã để chuyển từ một chế độ chuyên chế sang thể chế dân chủ. Năm 1996, Đài Loan lần đầu tiên tổ chức bầu cử tự do, cử tri trực tiếp bầu tổng thống; bốn năm sau họ bầu một chính trị gia của đảng đối lập, chấm dứt độc quyền chính trị của Quốc Dân Đảng cai trị đảo quốc từ năm 1945. Từ đó đến nay, thể chế dân chủ đâm chồi bén rễ mạnh ở Đài Loan, các đảng chính trị cạnh tranh bằng đường lối chính sách và dù đảng nào thắng thì cuộc chuyển giao quyền lực quốc gia cũng diễn ra một cách suôn sẻ trong hòa bình.

Cử tri Đài Loan đã hai lần bầu một phụ nữ làm nhà lãnh đạo quốc gia và cũng từng bỏ tù một cựu tổng thống vì tội tham nhũng – chuyện mà ngay nước Mỹ cũng chưa làm được. Vì thế không có gì lạ khi tổ chức tư vấn Economist Intelligence Unit xếp Đài Loan ở vị trí thứ tám trong số các “nền dân chủ toàn diện” của thế giới, đứng đầu Châu Á và xếp trên cả các nền dân chủ lâu đời như Mỹ hoặc Anh.

Đáng chú ý là thể chế dân chủ Đài Loan trái ngược hoàn toàn với chế độ toàn trị của Trung Quốc lục địa. Các nhà lý luận Cộng Sản thường lập luận rằng “dân chủ, tự do, nhân quyền” là những tư tưởng nhập cảng từ Tây phương, không phù hợp với văn hóa Á Đông, với “giá trị Châu Á” của người Trung Quốc vốn có những điểm đặc thù riêng. Ở Việt Nam, các quan chức tuyên giáo cũng nhắc đi nhắc lại lý thuyết về đặc thù của Cộng Sản Trung Quốc để biện minh cho sự độc quyền chính trị của đảng Cộng Sản Việt Nam, chống lại các đòi hỏi tự do dân chủ của người dân.

Nhưng phát triển của nền dân chủ Đài Loan phản bác luận điểm đó và chứng minh một cách hùng hồn rằng, dân chủ tự do là những giá trị phổ quát của nhân loại, không phân biệt màu da, sắc tộc, ngôn ngữ hay văn hóa. Thể chế dân chủ tự do hoàn toàn có thể và cần phải thay thế cho chế độ độc tài toàn trị của các nhà nước Cộng Sản. Trong một cuộc thăm dò ý kiến cuối năm ngoái, Taiwan Foundation for Democracy ghi nhận có ba phần tư dân Đài Loan tin rằng, dù còn khiếm khuyết, dân chủ vẫn là thể chế chính trị tốt đẹp nhất, trong đó người dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tín ngưỡng. Thu nhập bình quân đầu người của Đài Loan đã vượt qua Nhật từ năm ngoái 2023.

Sự tồn tại của nước Đài Loan dân chủ còn là nguồn cảm hứng cho các phong trào đấu tranh đòi tự do của người dân Trung Quốc lục địa và các nước Cộng Sản khác. Nếu thể chế dân chủ của Đài Loan bị Cộng Sản Trung Quốc nhấn chìm, trái với ý chí của 24 triệu dân đảo quốc, thì phong trào vận động dân chủ ở Trung Quốc và các nước Châu Á sẽ bị một thất bại chiến lược. Mỹ sẽ không còn mặt mũi nào để thuyết giảng về dân chủ trên toàn cầu một khi đã quay lưng với nền dân chủ Đài Loan.

Về phương diện kinh tế, vi mạch và cơ sở dữ liệu lớn là xương sống của kinh tế thế giới vốn dựa vào những con chip điện tử – ngành công nghiệp chỉ có giá trị sản lượng $600 tỷ mỗi năm nhưng vận hành các sản phẩm và dịch vụ trị giá nhiều chục ngàn tỷ đô la, từ chiếc điện thoại thông minh, xe hơi đến các hệ thống hỏa tiễn chính xác. Đài Loan là nước sản xuất một nửa sản lượng vi mạch bán dẫn của thế giới và chiếm đến 90% nguồn cung cấp các loại chip tân tiến nhất. Công nghiệp bán dẫn của Đài Loan đã và đang thúc đẩy tiến bộ công nghệ toàn cầu, mở ra kỷ nguyên trí khôn nhân tạo và góp phần khai sinh những doanh nghiệp khổng lồ của Mỹ như Apple, Google, Microsoft, Amazon, Nvidia… Chính quyền Joe Biden đang nỗ lực tối đa để vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ và tránh phụ thuộc vào nước ngoài, đã ban hành luật CHIPS và công nghệ, nhưng phải mất nhiều năm nữa mới hy vọng có kết quả.

Nếu Trung Quốc chiếm được Đài Loan và các cơ sở sản xuất bán dẫn của hòn đảo, kinh tế thế giới mà đầu tiên là kinh tế Mỹ, chắc chắn bị đình đốn do mất nguồn cung cấp ổn định các loại vi mạch tối cần thiết và thiệt hại chắc chắn sẽ trầm trọng hơn rất nhiều so với đại dịch COVID-19 hoặc khủng hoảng tài chính 2008. Dù cho Trung Quốc tiếp tục duy trì hoạt động của các nhà máy bán dẫn sau khi chiếm được Đài Loan thì sự gián đoạn nguồn cung vi mạch vẫn xảy ra do thế giới cấm vận Trung Quốc, các cơ sở sản xuất thiếu nguyên liệu và công nghệ nhập cảng, đội ngũ chuyên gia lành nghề tản cư ra nước ngoài…

Sự sụp đổ của công nghiệp bán dẫn Đài Loan do chiến tranh và sau khi hòn đảo bị sáp nhập tất nhiên sẽ gây thiệt hại khủng khiếp cho kinh tế của chính Trung Quốc, nhưng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh sẽ tuyên truyền với người dân của họ rằng đó là cái giá cần phải trả cho sự nghiệp thống nhất đất nước và vươn tới vị trí lãnh đạo hàng đầu thế giới về công nghệ vi mạch tân tiến.

Tồi tệ hơn, thành công trong việc thâu tóm Đài Loan sẽ tạo thuận lợi cho Trung Quốc vươn ra các nước láng giềng. Nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh chủ yếu nhằm mục tiêu xâm chiếm Đài Loan, nên sau khi đạt được mục đích, đội quân được dày công xây dựng đó sẽ không bị lãng phí mà sẽ tiếp tục bành trướng sang các nước khác. Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng, từ Nhật ở phía Đông, Việt Nam và Philippines ở phía Nam tới Ấn Độ ở phía Tây và Nga ở phía Bắc. Giải xong bài toán Đài Loan thì quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cớ tấn công các đối thủ này để thực hiện giấc mộng bá quyền toàn khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương. Đến lúc đó, Mỹ muốn duy trì sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông như hiện nay e rằng cũng khó.

Dù xét về địa chính trị hay theo quan điểm thực dụng (realpolitik) Mỹ cũng không thể để Đài Loan rơi vào tay Trung Quốc; Washington cần hỗ trợ tối đa để Đài Bắc tự bảo vệ hiệu quả nhất. Viện cớ Mỹ cần lo cho an ninh biên giới của mình trước khi lo cho an ninh của một hòn đảo Châu Á xa xôi để trì hoãn hỗ trợ Đài Loan [và Ukraine] như Hạ Viện Mỹ đang làm hiện nay chỉ là những lý lẽ thiển cận và nguy hiểm cho tương lai của chính nước Mỹ. [qd]

MỚI CẬP NHẬT