Friday, April 26, 2024

Cuộc chiến Mỹ-Trung về vi mạch bán dẫn lan rộng

Hiếu Chân/Người Việt

Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc chung quanh công nghệ sản xuất vi mạch bán dẫn, thường gọi là “chip,” đã nóng lên và lan rộng, lôi kéo một số quốc gia khác.

Tổng Thống Joe Biden phát biểu nhân dịp động thổ xây dựng nhà máy sản xuất “chip” tại Johnstown, Ohio, hôm 9 Tháng Chín. (Hình minh họa: Andrew Spear/Getty Images)

Thông tin mới nhất là chính phủ Trung Quốc đầu tuần này đã nộp đơn lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization – WTO) kiện chính sách của chính quyền Joe Biden hạn chế xuất cảng “chip” tân tiến, công nghệ và thiết bị chế tạo “chip” sang Trung Quốc. Bộ Thương Mại Trung Quốc tố cáo Mỹ sử dụng quan điểm mơ hồ về an ninh quốc gia để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn, thực hiện chính sách bảo hộ trái với luật thương mại quốc tế và gây rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, cho dù Trung Quốc có thắng vụ kiện – dự kiến sẽ kéo dài nhiều năm – thì WTO cũng không thể buộc Mỹ phải thay đổi chính sách.

Đồng thời với việc kiện tụng, Bắc Kinh vừa công bố gói trợ cấp và đầu tư cho ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước lên tới 1,000 tỷ nhân dân tệ ($144 tỷ) – một bước dài tới sự tự chủ về vi mạch và đối phó với chính sách kiềm chế của Mỹ. Được hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước Trung Quốc, các công ty vi mạch của nước này đang cấp tập xây dựng hoặc mở rộng nhà máy, mua sắm thiết bị và mời mọc chuyên gia từ Nam Hàn, Đài Loan để đẩy mạnh sản xuất chất bán dẫn nội địa, thay thế sản phẩm nhập cảng có giá trị tới $400 tỷ mỗi năm, nhiều hơn cả dầu khí.

Xem ra, Bắc Kinh đã sẵn sàng cho một cuộc đấu tay đôi với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn – cột trụ của nền kinh tế trong thời đại mới.

Cuộc đấu thực ra đã bắt đầu từ lâu. Vi mạch là linh hồn của mọi thứ hàng hóa hiện đại, từ đồ chơi của trẻ em đến những hệ thống vũ khí tinh vi nhất. Mỹ là nước đi đầu trong công nghệ bán dẫn dù gần đây việc sản xuất chất bán dẫn được chuyển dần sang các nước Nam Hàn, Đài Loan nhưng phần thiết yếu, nhất là thiết kế vi mạch tân tiến, vẫn nằm trong tay các công ty Mỹ. Trung Quốc từ lâu đã nhận ra rằng Bắc Kinh phải sớm tự chủ được vi mạch bán dẫn, nếu cứ phụ thuộc vào nguồn vi mạch nhập cảng thì sớm muộn cũng sẽ có ngày Trung Quốc bị bắt chẹt.

Trung Quốc còn nhận ra và khai thác một đặc điểm của công nghệ vi mạch là tính lưỡng dụng: Sản phẩm vi mạch tân tiến vừa có thể dùng cho các hàng hóa tiêu dùng vừa cần thiết cho việc chế tạo vũ khí tinh xảo. Trung Quốc phải tự chủ công nghệ bán dẫn một phần vì phát triển kinh tế, phần khác vì nhu cầu hiện đại hóa quân đội. Trong kế hoạch đầy tham vọng “Made in China 2025,” Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tự chủ được 10 lĩnh vực công nghệ quan trọng nhất, trong đó công nghệ bán dẫn xếp đầu bảng. Mưu đồ chiếm Đài Loan cũng có thể được kích thích vì nhu cầu vi mạch của Bắc Kinh bởi vì hòn đảo này có tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company – TSMC) nổi tiếng, cung cấp tới 54% các loại vi mạch tân tiến nhất của thế giới.

Tham vọng của Trung Quốc đã vấp phải phản ứng gay gắt của Mỹ. Ngay từ năm 2018, chính quyền Tổng Thống Donald Trump đã đưa vào “sổ đen” 11 công ty Trung Quốc khai thác tính lưỡng dụng của vi mạch điện tử để phát triển vũ khí, cấm người Mỹ bán vi mạch tân tiến cho các công ty. Con số công ty trong sổ đen lên tới 48 đơn vị vào năm 2019, trong đó có tập đoàn viễn thông Hoa Vĩ (Huawei); và lên tới 108 đơn vị vào năm 2020, trong đó có công ty hàng đầu về sản xuất vi mạch của Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC).

Chính quyền Joe Biden tiếp tục duy trì cuốn sổ đen để lại từ thời Trump nhưng đồng thời có cách tiếp cận khác, toàn diện hơn với quyết tâm chặn đứng tham vọng bá chủ về vi mạch của Bắc Kinh.

Một mặt, ông Biden vận động Quốc Hội Hoa Kỳ cho ra Dự Luật “CHIPS and Science Act,” ban hành ngày 8 Tháng Tám, cung cấp khoảng $280 tỷ cho nghiên cứu và thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn ngay tại Mỹ. Số tiền $54 tỷ cho chất bán dẫn chỉ có tác dụng “mồi,” phần lớn tiền đầu tư các nhà máy bán dẫn sẽ do các tập đoàn tư nhân bỏ ra. Tuần trước, Tổng Thống Biden đến dự lễ khởi công nhà máy thứ hai của TSMC tại Arizona, nâng số vốn đầu tư của TSMC tại tiểu bang này lên $12 tỷ trong số $40 tỷ cam kết. Trước đó, ông Biden cũng tham dự sự kiện tương tự của tập đoàn Intel và có tin tập đoàn Samsung của Nam Hàn sẽ đầu tư tới $200 tỷ vào 11 nhà máy bán dẫn tại Mỹ.

Mặt khác, chính quyền Biden liên tục đưa ra những quy định chặt chẽ hạn chế việc xuất cảng sang Trung Quốc không chỉ những sản phẩm vi mạch tân tiến của Mỹ mà cả những thiết bị, phần mềm dùng cho việc sản xuất các vi mạch đó. Ngày 7 Tháng Mười, Bộ Thương Mại Mỹ công bố các lệnh hạn chế xuất cảng mới, cấm các công ty Mỹ bán thiết bị sản xuất vi mạch tân tiến cho khách hàng Trung Quốc mà không có giấy phép đặc biệt, cấm các công ty Mỹ hỗ trợ Trung Quốc nghiên cứu và sản xuất các loại vi mạch dùng trong công nghệ trí khôn nhân tạo vào máy điện toán siêu nhanh. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính phủ Mỹ cấm người Mỹ – cả công dân Mỹ và thường trú nhân – làm việc cho các dự án vi mạch tân tiến của Trung Quốc. Bà Gina Raimondo, bộ trưởng Thương Mại Mỹ, hồi Tháng Sáu đưa ra tuyên bố lạnh người rằng, nếu cần thiết Mỹ có thể buộc đóng cửa bất cứ nhà máy sản xuất chất bán dẫn nào ở Trung Quốc vì một lẽ đơn giản tất cả các vi mạch chế tạo ở Trung Quốc và thế giới đều được làm bằng dụng cụ hoặc phần mềm thiết kế của Mỹ.

Chính sách cứng rắn của chính quyền Biden ảnh hưởng tới nhiều nước khác. Nếu các công ty ngoại quốc tiếp tục cung ứng cho Trung Quốc thì có thể họ sẽ bị Mỹ trừng phạt. Hòa Lan ở Châu Âu nắm được một công nghệ quan trọng. Đó là công ty ASML Holding NV của Hòa Lan, nhà chế tạo độc quyền loại máy quang khắc “lithography” dùng tia cực tím EUV tối cần thiết cho việc sản xuất chất bán dẫn. Hồi giữa tháng trước, sau khi được Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc nài nỉ, Thủ Tướng Mark Rutte của Hòa Lan nói Mỹ không nên mong đợi Hòa Lan sẽ làm theo Washington, hạn chế xuất cảng sang Trung Quốc loại máy “lithography” này.

Các giới chức cao cấp của Bộ Thương Mại Mỹ lập tức bay sang Hòa Lan và Nhật để đàm phán. Đầu tuần này, cả Hòa Lan và Nhật đều khẳng định sẽ thực hiện chính sách hạn chế của Mỹ. Một liên minh các nhà sản xuất thiết bị chế tạo vi mạch gồm năm công ty: Applied Materials, Lam Research Corp, KLA Corp. (đều ở California), Tokyo Electron Ltd (Nhật), và ASML Holding NV sẽ ra đời trong vài tuần tới để kiểm soát chặt việc mua bán loại thiết bị tối tân này, theo tin từ Bloomberg. Từ nay, Trung Quốc sẽ khó có thể mua được những thiết bị tân tiến để trang bị cho các nhà máy bán dẫn của họ.

Chính sách của ông Biden kiềm chế ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc có hiệu ứng phụ là buộc các công ty vi mạch phải tìm cách chuyển cơ sở sang các nước lân cận như Ấn Độ và Việt Nam. Làn sóng rời bỏ Trung Quốc của các công ty Mỹ, Nam Hàn, Đài Loan đang mang lại lợi thế cho Việt Nam. Nhưng với nền giáo dục lạc hậu và thể chế chính trị bám chặt vào Trung Quốc, Việt Nam sẽ không được hưởng nhiều lợi ích từ xu thế dịch chuyển này.

Tại đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc cuối Tháng Mười vừa qua, ông Tập có 40 lần dùng từ “công nghệ” để nhấn mạnh tới mục tiêu tự chủ về công nghệ. Ông khẳng định Trung Quốc sẽ “chiến thắng trên mặt trận” công nghệ cốt lõi bằng sự can thiệp và tài trợ lớn của nhà nước. Nhưng việc bộc lộ quá sớm tham vọng bá chủ của Trung Quốc, đẩy Hoa Kỳ vào thế đối đầu đang khiến cho chiến thắng công nghệ đó đang ngày càng xa tầm tay của ông Tập. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT