Lịch sử và các tượng đài kỷ niệm

Lê Mạnh Hùng

Các tượng đài có cuộc sống của nó. Chắc chắn là pho tượng của Tướng Robert E. Lee tại Charlottesville có một sức sống. Ða số người Mỹ kể cả những đồng liêu Cộng Hòa của Tổng Thống Donald Trump tại Quốc Hội cũng đều chê trách phản ứng chậm trễ của tổng thống trong việc lên án những tên tân-Nazi mà cuộc biểu tình phản đối quyết định gỡ bỏ pho tượng Tướng Lee dẫn đến bạo động khiến cho một phụ nữ bị thiệt mạng.

Thế nhưng ông Trump cũng có một phần nào đúng khi vào hôm Thứ Năm ông gởi một “tweet” than thở rằng việc tháo gỡ những tượng đài tưởng niệm các tướng lãnh phe Confederate miền Nam đã “xé bỏ lịch sử và văn hóa của đất nước vĩ đại của chúng ta.” Vấn đề là lịch sử đó là gì và của ai?

Sử gia người Mỹ Carl Becker viết rằng lịch sử là cái gì mà hiện tại lựa chọn để nhớ về quá khứ. Và những tượng đài kỷ niệm, một trong những biểu tượng của quyền lực, chính là cái mà những người có quyền lực lựa chọn để người ta nhớ về lịch sử như thế nào tại những nơi công cộng.

Thành ra các tượng đài mặc dầu bằng đá cẩm thạch hay đúc bằng kim loại cốt để tồn tại mãi mãi cũng không thể tránh được những thăng trầm của thay đổi lịch sử. Một số bị lật đổ trong một lúc sôi sục nào đó tỷ như pho tượng của ông Saddam Hussein tại Baghdad khi mà quân đội ông tan rã vào năm 2003 hoặc pho tượng của người sáng lập ra cơ quan công an Liên Xô KGB Felix Dzerzhinsky tại ngay trước trụ sở cơ quan này ở Moscow vào năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ. Những tượng đài khác có thể âm thầm bị gỡ ra và đưa vào một nghĩa địa tượng nào đó như tại Ấn với các tượng đài của “British Raj” (Ðế quốc Anh) hay các pho tượng Lenin, Stalin tại Ðông Âu.

Có những pho tượng còn sống nhưng là đề tài của những tranh cãi gay gắt. Các người phản đối tại Nam Phi là những người đi đầu trong phong trào đòi hạ bệ tượng đài kỷ niệm Cecil Rhodes. Chiến dịch “Rhodes must fall” của họ nhắm vào những tên thực dân da trắng thời xưa đã thành công trong việc hạ bệ pho tượng của Rhodes tại khuôn viên trường Ðại Học Cape Town nhưng đã không thành công trong việc hạ bệ một pho tượng tương tự tại trường Ðại Học Oxford.

Ðức được thanh lọc sạch các tượng đài kỷ niệm chế độ Quốc Xã nhờ vào một lệnh rõ ràng của Ðồng Minh chiếm đóng bắt phải tiêu hủy tất cả “các đài kỷ niệm, tượng, tên đường, biểu chương, văn bia có dính dáng đến chế độ Quốc Xã” nhưng Ý thì không và những tượng đài kỷ niệm, kiến trúc ca tụng chế độ Fascist của Mussolini vẫn còn tồn tại và là một điều làm nhức đầu nhà chức trách Ý.

Thế nhưng nhiều tên bạo chúa khác với nhiều máu trên tay của mình hơn là Lee hay Rhodes vẫn còn được vinh danh. Tại Trung Quốc, môt bức tượng của Mao bằng vàng khối trị giá 20 triệu đô la vẫn còn đứng sừng sững tại Thiệu San, quê hương ông cùng với hàng ngàn pho tượng khác ít tốn kém hơn trên khắp đất nước Trung Hoa.

Ở một mức trầm lặng hơn tại Luân Ðôn nhiều pho tượng của các tên khai phá ra đế quốc Anh vẫn còn được đứng nguyên chỗ. Năm 2000, đô trưởng Luân Ðôn Ken Livingstone đề nghị tháo bỏ hai pho tượng đặt tại quảng trường Trafalgar Square vì những tội ác mà họ tạo ra. Hai pho tượng này, một của Sir General Henry Havelock vốn là người đã đàn áp cuộc nổi dậy của những người lính Ấn năm 1851 trong đó làm cho 800,000 người thiệt mạng và một của General Sir Charles Napier người đã có công đàn áp các cuộc biểu tình của công nhân tại Anh và sau đó sang vùng bây giờ là Pakistan để đàn áp các cuộc nổi dậy tại đó. Nhưng mặc dầu ông Livingstone muốn vậy các pho tượng này vẫn còn đứng tại nguyên chỗ vì “chẳng ai biết họ là ai.”

Vấn đề các tượng đài kỷ niệm phe Confederate miền Nam thì gay gắt hơn nhiều so vói việc tháo gỡ các pho tượng tại cựu lục địa. Trên một phương diện nào đó sự ủng hộ hoặc chống đối viêc gỡ bỏ các pho tượng này chính là biểu tượng bề ngoài của một cuộc tranh cãi về bản chất dân tộc Mỹ. Liệu bản chất Mỹ phải dựa trên sự chia sẻ một số giá trị căn bản không liên quan gì đến chủng tộc và nguồn gốc văn hóa hay là phải dựa vào “blood and soil” như khẩu hiệu mà những người tân Nazi đã hô hoán ở Charlottesville?

Cuộc nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc là một cuôc thử thách giữa hai quan điểm đó về bản chất dân tộc Mỹ với các tiểu bang miền Nam chiến đấu để bảo vệ cái bản chất da trắng của họ. Chiến thắng của miền Bắc tưởng là đã đem lại một sự bình đẳng giữa các sắc tộc, nhưng tại miền Nam, sau giai đoạn Tái Thiết (Reconstruction) một loạt các đợt khủng bố của các tổ chức kỳ thị chủng tộc như Ku Klux Klan đã dần dà lật đổ các chính quyền chủ trương cởi mở và đưa miền Nam trở lại tình trạng da trắng độc tôn.

Khi ông Trump lên tiếng bảo vệ những pho tượng kỷ niệm các người lãnh đạo miền Nam như là một phần quan trọng của “lịch sử và văn hóa chúng ta,” ông đã vinh danh giai đoạn đen tối này. Giống như những tượng đài kỷ niệm khác những pho tượng này nói rất nhiều về thời đại mà chúng được dựng lên. Giai đoạn mà hầu hết các pho tượng này được dựng lên xảy ra vào những năm 1890 khi mà chế độ cũ miền Nam được lý tưởng hóa và một chế độ phân biệt chủng tộc gay gắt được thiết lập để giữ những người da đen và những người da mầu khác ở vị thế thấp kém. Các pho tượng này chính là một phần của một cố gắng chính đáng hóa chế độ kỳ thị chủng tộc vốn đã kéo dài cho đến những năm 1960 và chỉ trên nguyên tắc kết thúc khi đạo luật về Quyền Công Dân (Civil Rights Bill) của Tổng Thống Lyndon Johnson được thông qua.

Ðiều đáng buồn là trên nửa thế kỷ kể từ khi đạo luật này ra đời, vẫn có người đòi thách thức nó.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 23 tháng 8 năm 2017