Friday, May 17, 2024

Một thắng lợi chưa đầy đủ của Tổng Thống Trump

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Ngày 15 Tháng Giêng, 2020, văn bản thỏa thuận giai đoạn một về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã được ký kết tại Tòa Bạch Ốc.

Theo thông tin Tòa Bạch Ốc công bố, bản thỏa thuận giai đoạn 1 này dài 86 trang, gồm tám chương từ các quy định về sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc cho đến cam kết của Bắc Kinh để mua ít nhất $200 tỷ hàng hóa, dịch vụ của Mỹ trong hai năm tới, cũng như cam kết không thao túng tiền tệ của Trung Quốc.

Theo thỏa thuận, năm nay Trung Quốc cam kết mua ít nhất $32.9 tỷ hàng sản xuất $12.5 tỷ nông sản, $18.5 tỷ năng lượng và $12.8 tỷ dịch vụ của Mỹ. Năm 2021, nước này tiếp tục tăng mua hàng sản xuất lên $44.8 tỷ, nông sản $19.5 tỷ, năng lượng $33.9 tỷ và dịch vụ $25.1 tỷ.

Đổi lại, Mỹ sẽ không tăng thuế nhập cảng hàng hóa từ Trung Quốc trong thời gian tới, nhưng giữ nguyên việc áp thuế hàng hóa 25% lên $250 tỷ các sản phẩm từ Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ, giảm mức hàng hóa bị đánh thuế từ 1 Tháng Chín, 2019, từ 15% xuống còn 7.5%.

Đây là kết quả của 18 tháng qua, chính quyền Trump đã tiến hành cuộc chiến thương mại căng thẳng làm cả thế giới nín thở theo dõi.

Cuộc chiến thương mại kéo dài thời gian qua đã vấp phải nhiều phản đối trong giới phân tích và dư luận Hoa Kỳ. Nhiều nhà quan sát và các trung tâm phân tích cho thấy người dân Mỹ đang phải chịu thuế quan đáp trả cao hơn, nông dân Mỹ thiệt hại và túi tiền của người tiêu dùng đã bị bóp lại vì chi tiêu dùng tăng cao. Chính phủ Hoa Kỳ đã phải trợ cấp cho nhiều nông dân bị cuộc chiến thương mại và những đòn trả đũa của phía Trung Quốc gây ảnh hưởng.

Nhưng, kết quả đạt được mà bản thỏa thuận với số hàng hóa $200 tỷ, Trung Quốc sẽ phải mua của Hoa Kỳ, mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Cuộc chiến rõ ràng đã giáng một đòn tổng lực mạnh vào nền kinh tế, chính trị của Trung Quốc làm cho nền kinh tế Trung Quốc gặp những khó khăn hết sức lớn lao và lao đao trong thời gian qua. Trước hết, đây là lần đầu tiên, Trung Quốc bị chỉ mặt, vạch tên về những vấn đề đã tồn tại từ xưa nhưng hầu như chưa được chính thức đặt lên bàn đàm phán: dối trá trong thương mại, ăn cắp bản quyền trí tuệ và nhiều vấn đề bất cập khác nhau trong cuộc chơi mậu dịch cũng như nền kinh tế dưới chế độ độc tài.

Những hậu quả nặng nề của cuộc chiến thương mại đã buộc Trung Quốc phải nín nhịn, hạ giọng và chịu hòa hoãn, chấp nhận nhiều vấn đề phía Mỹ đặt ra, điều mà rất khó có thể ai làm được trước một chính quyền kiêu ngạo và độc tài như Bắc Kinh.

Đây được đánh giá là một thành công của Tổng Thống Trump trong ba năm cầm quyền và thực hiện lời hứa của mình khi tranh cử.

Đây cũng là một bước đi tạo nên hy vọng thay đổi cuộc chơi thương mại. Thương mại giữa hai nước sẽ trở nên công bằng hơn và  kinh tế Hoa Kỳ sẽ giảm bớt nhiều thiệt hại khi tiếp nối giai đoạn hai của bản thỏa thuận nhằm giải quyết dứt điểm các bất công, bất cập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ các công ty Mỹ trước những chính sách kinh tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, thắng lợi này của Tổng Thống Trump ở bản thỏa thuận giai đoạn 1 này là chưa đầy đủ và thiếu cơ sở bảo đảm chắc chắn.

Chưa đầy đủ, bởi vì bản thỏa thuận này chỉ mới đặt ra một vài vấn đề nhằm giảm bớt sự thâm hụt cán cân thương mại giữa hai bên Hoa Kỳ và Trung Quốc mà chưa động chạm tới vấn đề cốt lõi của vấn đề quan hệ thương mại Mỹ-Trung là những khoản trợ cấp mà chính phủ Trung Quốc dành cho các ngành công nghiệp nội địa và sự kiểm soát chặt chẽ của họ đối với các đòn bẩy kinh tế quan trọng. Với một nền kinh tế dưới chế độ độc tài, nền kinh tế tự do sẽ chịu nhiều sự chi phối bất công và việc đảm bảo sự công bằng là điều khó xảy ra.

Nhiều vấn đề được đặt ra vẫn chưa được đề cập giải quyết một cách rốt ráo như nạn ăn cắp bản quyền, sở hữu trí tuệ, nạn thao túng tiền tệ… những “sở trường” của người Trung Quốc thời gian qua và hiện tại, chưa có điều gì bảo đảm chắc chắn nó sẽ không còn diễn ra trong tương lai.

Thậm chí, nhiều người cho rằng đó là điều không tưởng, bởi vì nếu loại bỏ những vấn đề đó ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc, thì bản chất nhà nước, chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc sẽ không tồn tại, điều mà đảng Cộng Sản Trung Quốc không bao giờ mong muốn và bằng mọi cách chống lại.

Hẳn nhiên, điều đó sẽ để dành cho bản thỏa thuận giai đoạn 2 được bàn thảo và ký kết.

Điều mà nhiều nhà phân tích, bình luận đánh giá hiện nay, là ngay cả bản thỏa thuận giai đoạn 1 này sau khi được ký kết sẽ được thực hiện ra sao đang đặt ra một câu hỏi lớn. Tất cả chỉ đang là những lời hứa và những cam kết trên giấy và sự thay đổi có thể đến bất cứ khi nào. Trong khi sự bội ước và thất hứa là điều không khó xảy ra và đã không ít lần xảy ra với chính quyền Bắc Kinh.

Những chế tài được đưa ra trong bản thỏa thuận, chưa đủ mạnh mẽ và đủ áp lực để buộc Bắc Kinh thực hiện nghiêm chỉnh những điều đã hứa. Do vậy, không khó để Trung Quốc lại đưa vấn đề trở lại vị trí xuất phát ban đầu của cuộc chiến thương mại.

Nhiều người cho rằng, việc ký kết bản thỏa thuận này là một đòn hưu chiến của Bắc Kinh. Chính quyền Bắc Kinh hầu như không chú ý bàn đến để khắc phục những vấn đề cốt lõi mà do đó cuộc chiến thương mại đã xảy ra. Điều Bắc Kinh hiện đang nỗ lực là một cuộc hưu chiến để tìm những đối tác mới, thị trường mới ra toàn thế giới, kể cả mua nông sản và bán sản phẩm của mình, nhằm thay thế thị trường Hoa Kỳ.

Và khi đã có cơ sở cho một thị trường mới đủ mạnh, đủ sức thay thế thị trường Hoa Kỳ, thì điều rất có thể xảy ra, là những thỏa thuận nói trên, sẽ không còn ràng buộc được Bắc Kinh phải nỗ lực thực hiện. Khi đó, sự trở mặt và bội ước là điều không khó xảy ra.

Ba năm cầm quyền, Tổng Thống Donald Trump đã thực hiện khá nhiều điều mà ông đã hứa khi ứng cử.

Khi lãnh đạo nước Mỹ, ông Trump đã theo đuổi và thực hiện một loạt mục tiêu đặt ra như: nước Mỹ trên hết, một quân đội hùng mạnh, một nền kinh tế vững chắc, thắt chặt an ninh biên giới và hạn chế luồng người di cư…

Dưới thời Donald Trump, nền kinh tế Mỹ được phục hồi. Nền kinh tế Mỹ có mức tăng trưởng GDP trong khoảng 2-3%. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 2.9% – mức cao nhất trong 13 năm qua. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp đang giảm, tiền lương và số lượng việc làm đang tăng lên. Đây là điểm mạnh của ông Trump khi trở thành một ứng cử viên cho chức vụ tổng thống Hoa Kỳ trong kỳ bầu cử năm 2020.

Bản thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc vừa được ký kết, cũng là một thành công của ông Trump trước thềm cuộc bầu cử năm 2020, dù văn bản đó cũng chỉ mới dừng ở mức đem lại một số niềm hy vọng.

Tuy nhiên, với việc thực hiện hầu hết những lời hứa khi ứng cử và gieo thêm những hy vọng mới, rõ ràng, ông đã tạo cho cử tri Mỹ có nhiều dữ liệu để lựa chọn một tổng thống mới trong kỳ bầu cử sắp tới. (J.B Nguyễn Hữu Vinh)

MỚI CẬP NHẬT