Saturday, April 20, 2024

Những lựa chọn của Tập Cận Bình

Hiếu Chân/Người Việt

Cuối cùng thì nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phải bãi bỏ chính sách “không COVID” mang đậm dấu ấn cá nhân của ông sau ba năm thực hiện triệt để, giúp Trung Quốc tránh được thiệt hại khủng khiếp về nhân mạng nhưng cũng mang lại nhiều đau khổ cho người dân và làm suy yếu nền kinh tế.

Bệnh nhân COVID-19 nằm ngoài hành lang bệnh viện Tongren ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 3 Tháng Giêng. (Hình minh họa: Hector Retamal/AFP via Getty Images)

Từ Chủ Nhật, 8 Tháng Giêng, người dân Trung Quốc được tự do đi nước ngoài, người ngoại quốc được đến Trung Quốc mà không bị bắt buộc phải cách ly, và các biện pháp phòng ngừa COVID-19 khắc nghiệt được dỡ bỏ. Đại dịch COVID-19 được chính phủ Trung Quốc “giáng cấp” từ loại A (đại dịch, pandemic) xuống loại B (dịch bệnh địa phương, epidemic) không cần các biện pháp kiểm soát đặc biệt.

Cũng trong thời điểm này, nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra hòa dịu hơn với người dân. Trong bài diễn văn mừng năm mới 2023, ông Tập kêu gọi người Trung Quốc đoàn kết và thừa nhận những ý kiến khác nhau trong xã hội. “Chúng ta là một quốc gia lớn. Việc những người khác nhau có những mối quan tâm khác nhau hoặc có quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề là điều tự nhiên,” ông Tập nói và đây có thể coi là sự cáo lỗi lầm hiếm hoi mà công chúng Trung Quốc từng nghe từ nhà lãnh đạo của họ.

Có phải đây là những tín hiệu mới cho thấy Trung Quốc nhận ra sai lầm trong cách quản trị quốc gia và đang thay đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế?

Không hẳn như thế.

Quyết định “quay đầu xe” của đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) có phần do những thiệt hại kinh tế và xã hội do chính sách “không COVID” gây ra trong ba năm 2020-2022, có phần do cuộc biểu tình rộng khắp của người dân và sinh viên Trung Quốc hồi cuối Tháng Mười Một 2022, phản đối các biện pháp phong tỏa khắc nghiệt, đòi mở cửa thông thương với thế giới, thậm chí đòi bãi bỏ kiểm duyệt, đòi đảng và ông Tập phải từ chức.

Lựa chọn hoặc kiên định chính sách “không COVID” hoặc phục hồi tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, cuối cùng ông Tập chọn con đường thứ hai, dù ông nhiều lần nhấn mạnh chống COVID-19 thành công là thắng lợi lớn của đảng CSTQ, là minh chứng cho tính ưu việt của thể chế “xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc” so với thể chế dân chủ tự do hỗn loạn của phương Tây.

Mở cửa và bãi bỏ “không COVID” là đúng nếu như Trung Quốc chuẩn bị đầy đủ cho sự truyền nhiễm của biến chủng Omicron trong một cộng đồng dân cư 1.4 tỷ người chưa được chích ngừa đầy đủ, chưa có miễn dịch cộng đồng cùng với một hệ thống y tế yếu kém. Trong ba năm đóng cửa, Bắc Kinh tiêu tốn hàng trăm tỷ đô là vào các công việc truy dấu vết virus, lập các khu cách ly tập trung, xét nghiệm đại trà hàng chục triệu người gần như hằng ngày và phong tỏa các đô thị hàng triệu dân. Nếu Trung Quốc sử dụng nguồn lực đó để bào chế các loại vaccine hiệu quả hơn, tổ chức chích ngừa toàn dân và nâng cấp hệ thống bệnh viện thì tình hình hiện nay có thể đã khác.

Mặc dù chính quyền Trung Quốc liên tục trấn an “tình hình COVID-19 ở Trung Quốc có thể dự đoán được và trong tầm kiểm soát,” và đưa ra những con số tử vong, số nhiễm bệnh thấp một cách không tưởng tượng được, thực tế chứng minh ngược lại. Truyền thông quốc tế liên tục đưa những hình ảnh đau thương tại các thành phố Trung Quốc, bệnh nhân nằm đầy hành lang các bệnh viện, nhà tang lễ hoạt động hết công suất và nhiều lò hỏa táng dã chiến được dựng lên vội vã vì số người chết mỗi ngày một tăng.

Vài quan chức y tế thật thà cho biết, tỉ lệ người nhiễm COVID-19 ở tỉnh Hà Nam lên tới 90% dân số, còn ở Thượng Hải 70% trong số 26 triệu dân đã bị nhiễm bệnh, theo nhật báo The New York Times ngày 10 Tháng Giêng.

Airfinity, một công ty chuyên phân tích số liệu y tế của Anh ước tính Trung Quốc có 14,700 ca tử vong mỗi ngày vì COVID-19 kể từ ngày 4 Tháng Giêng, và đã có 176,500 ca tử vong kể từ ngày 1 Tháng Mười Hai năm ngoái. Mô hình tính toán của họ dự đoán Trung Quốc sẽ có 1.7 triệu ca tử vong vào cuối Tháng Tư.

Ngay cả Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) vốn bị coi là có thiện cảm với Bắc Kinh cũng không tin số liệu về COVID-19 mà nước này báo cáo và sẽ họp chuyên gia vào ngày 27 Tháng Giêng tới để đánh giá tình hình thực tế và tìm biện pháp đối phó nếu Trung Quốc lại “xuất cảng” mầm bệnh ra thế giới như những ngày đầu đại dịch cách đây ba năm.

Rõ ràng, lựa chọn của ông Tập là một sai lầm chết người.

Nhưng sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng sai lầm trong chính sách chống dịch COVID-19, cùng sự phản kháng của người dân trong phong trào biểu tình vừa qua, sẽ làm sứt mẻ uy tín và quyền cai trị của đảng CSTQ và cá nhân ông Tập Cận Bình. Cũng đừng nên tin vào miệng lưỡi hòa dịu của ông Tập khi thừa nhận có sự khác nhau về quan điểm trong xã hội. Đảng CSTQ rất khéo léo và có rất nhiều kinh nghiệm xử lý khủng hoảng, và từng vượt qua những tình huống trầm trọng hơn trong quá khứ.

Sau các vụ biểu tình, một mặt Trung Quốc bãi bỏ các biện pháp phong tỏa chống COVID-19, nhưng mặt khác bí mật truy lùng những người tham gia, tăng cường giám sát dân chúng bằng mạng lưới máy quay phim tích hợp công nghệ nhận diện, xóa bỏ hàng chục ngàn danh khoản của họ trên các mạng xã hội.

Một thủ đoạn khác của họ là gây căng thẳng ở ngoài để kích động chủ nghĩa dân tộc Đại Hán và đánh lạc hướng mối quan tâm của dân chúng khỏi tình hình dịch bệnh.

Không phải ngẫu nhiên mà việc bãi bỏ các biện pháp phòng chống COVID-19 diễn ra cùng lúc với việc Trung Quốc “lên gân” với các đối tác quốc tế.

Mặc dù Trung Quốc vẫn bắt buộc người nhập cảnh phải chứng minh đã xét nghiệm âm tính với COVID-19, chỉ bãi bỏ việc cách ly bắt buộc, nhưng khi Hoa Kỳ và hơn một chục quốc gia khác thực hiện biện pháp phòng ngừa tương tự với người nhập cảnh từ Trung Quốc thì Bắc Kinh giãy nãy lên và đe dọa “trả đũa.”

Ngày 10 Tháng Giêng, Trung Quốc đình chỉ việc cấp chiếu khán (visa) cho người Nam Hàn và người Nhật, trả đũa việc các nước này đòi hỏi xét nghiệm du khách Trung Quốc.

Với Đài Loan, Trung Quốc một mặt từ chối đề nghị của Đài Bắc giúp Bắc Kinh đối phó với làn sóng nhiễm COVID-19 mới, một mặt gia tăng tập trận quân sự quanh hòn đảo dân chủ này. Từ Chủ Nhật 8 Tháng Giêng, Trung Quốc phái bốn chiến hạm và 57 chiến đấu cơ – gồm cả oanh tạc cơ mang bom nguyên tử – bao vây Đài Loan, trong đó có 28 lượt phi cơ Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến giữa eo biển Đài Loan. Đây là cuộc tập trận hải-không quân lớn nhất của Trung Quốc gần Đài Loan trong nhiều tháng qua.

Vụ tập trận của Trung Quốc được cho là phản ứng với chuyến thăm Đài Bắc của phái đoàn nghị sĩ Quốc Hội Đức và vụ Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, được bầu làm chủ tịch Hạ Viện Mỹ, nhưng cũng có thể nhằm lái sự quan tâm của dân chúng Trung Quốc ra bên ngoài.

Với Hoa Kỳ, Trung Quốc đang có những động tác đáng ngại. Người ta thấy hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của nước này lần đầu tiên lảng vảng gần các căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương, chiến đấu cơ Trung Quốc suýt va chạm với phi cơ tuần thám của hải quân Mỹ trên bầu trời Biển Đông, và vụ ông Ngụy Phương Hòa, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, từ chối nhận điện thoại của ông Lloyd Austin, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, làm cho quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington vốn đã căng thẳng, càng thêm tệ hại, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship) của Bắc Kinh không mới nhưng được thực hiện dồn dập vào lúc nước này đang chật vật đối phó với sự bùng phát COVID-19 là nhằm mục đích gì nếu không phải để đánh lạc hướng mối lo ngại của người dân và gây thêm khó khăn cho các nước bên ngoài?

Cùng với việc mở cửa và gấp rút cấp sổ thông hành cho hàng triệu người Trung Quốc – có khả năng mang mầm bệnh trong cơ thể – đi tới các nước khác, những động tác gây căng thẳng của Bắc Kinh báo hiệu những mối nguy khó lường mà thế giới phải đối mặt từ người khổng lồ bị tổn thương là Trung Quốc dưới sự lèo lái của nhà lãnh đạo hoang tưởng Tập Cận Bình. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT