Tuesday, April 16, 2024

Nửa thế kỷ Hiệp Định Paris và sự phản bội của Kissinger

Hiếu Chân/Người Việt

Đã tròn nửa thế kỷ ngày Hiệp Định Paris ký kết giữa bốn bên: Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tức Cộng Sản Bắc Việt (CSBV), và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (Việt Cộng) ngày 27 Tháng Giêng, 1973.

Phái đoàn Hoa Kỳ (phải) và Cộng Sản Bắc Việt trao đổi về Hiệp Định Paris ở Saint-Nom-la-Breteche, Pháp, ngày 13 Tháng Giêng, 1973. Ông Kissinger (đeo kính) ngồi thứ ba từ phải. (Hình: AFP via Getty Images)

Hòa đàm Paris đã bắt đầu từ năm 1968, nhưng hiệp định là kết quả cuộc thương lượng bí mật giữa ông Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Richard Nixon, và phái đoàn CSBV do ông Lê Đức Thọ, ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) cầm đầu. Phía VNCH bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán bí mật do có quan điểm hoàn toàn trái ngược với ý đồ của ông Kissinger.

Hiệp Định Paris 1973 có chín chương và 23 điều. Nội dung chính là Hoa Kỳ rút toàn bộ quân đội ra khỏi miền Nam trong vòng 60 ngày, chấm dứt hoạt động quân sự chống miền Bắc, đổi lại CSBV trả tự do cho tất cả tù binh Mỹ cũng trong 60 ngày. Trong khi đó CSBV vẫn tiếp tục được duy trì 140,000 bộ đội ở miền Nam – trái với lập trường của VNCH là các lực lượng bên ngoài (Hoa Kỳ và Bắc Việt) đều phải rút ra khỏi miền Nam cùng lúc. Một hiệp định như vậy rõ ràng là “án tử” cho VNCH, đặt căn cứ cho cuộc thôn tính miền Nam của các lực lượng cộng sản trong hơn hai năm sau đó. Đảng CSVN đánh giá Hiệp Định Paris là một “thắng lợi vĩ đại,” năm nào cũng tổ chức ăn mừng và tuyên truyền rầm rộ, nhưng thực chất thắng lợi của cộng sản là do quyết định của ông Henry Kissinger.

Mục đích chính của ông Kissinger tại hòa đàm Paris là rút hết quân Mỹ “trong danh dự” và để đạt được điều đó ông sẵn sàng nhượng bộ cộng sản tối đa. Bản thân ông Kissinger biết rõ sự nhân nhượng ấy gần như là một sự phản bội” (sell-out) như bản ghi cuộc đối thoại Nixon-Kissinger ngày 14 Tháng Mười Hai, 1972 mới được giải mật cho thấy, nhưng ông ấy vẫn theo đuổi. Cuộc đối thoại này cũng tiết lộ ông Kissinger và ông Nixon biết Hiệp Định Paris không phải là “một văn kiện hòa bình mà là văn kiện cho một cuộc chiến tranh vĩnh viễn ở miền Nam Việt Nam, là Hoa Kỳ giúp áp đặt một chính phủ cộng sản lên người dân miền Nam Việt Nam trái với ý chí của họ.”

***

Theo Giáo Sư Stephen Young, cựu khoa trưởng Khoa Luật, đại học Hamline University ở Minnesota, trong cuốn sách sắp phát hành “Sự phản bội của Kissinger: Hoa Kỳ thua cuộc chiến Việt Nam như thế nào,” ý đồ đi với cộng sản của ông Kissinger đã có từ lâu nhưng ông cố che giấu, cả với Tổng Thống Nixon.

Ngày 9 Tháng Giêng, 1971, ông Kissinger tiết lộ với đại sứ Liên Xô tại Hoa Kỳ là ông Anatoly Dobrynin một kế hoạch để cho Hà Nội được duy trì quân đội ở miền Nam sau khi ký Hiệp Định Paris. Sau đó nữa, Hà Nội có thể tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược mà Hoa Kỳ sẽ không phản đối. Báo cáo của ông Kissinger cho Tổng Thống Nixon về cuộc gặp Đại Sứ Dobrynin đã không đề cập đến những điều ông tiết lộ về tương lai của miền Nam Việt Nam. Nhưng ông Dobrynin đã báo cáo với Moscow nội dung cuộc trò chuyện cùng nhận định: “Kissinger đã đưa ra một ý kiến khá kỳ lạ rằng cuối cùng [miền Nam] sẽ không còn là mối quan tâm của họ, của người Mỹ, mà là của chính người Việt Nam nếu một lúc nào đó sau ngày Hoa Kỳ rút quân họ lại chiến đấu với nhau một lần nữa.”

Cuối Tháng Giêng, 1971, đại sứ Liên Xô tại Hà Nội chuyển cho thủ tướng CSBV báo cáo của ông Dobrynin kèm theo chỉ thị của Moscow: “Nếu Hoa Kỳ cam kết rút toàn bộ lực lượng trong một thời hạn nhất định và có thể không yêu cầu rút đồng thời các lực lượng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khỏi miền Nam Việt Nam thì Bắc Việt phải cam kết tôn trọng lệnh ngừng bắn trong thời gian Hoa Kỳ rút quân cộng với một một thời gian nhất định, không quá dài… Nếu sau đó lại nổ ra chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam thì cuộc xung đột đó sẽ không còn là chuyện của Hoa Kỳ nữa.”

Sau khi được Moscow chỉ dẫn, CSBV đã sử dụng một cựu quan chức thuộc địa của Pháp, ông Jean Sainteny, để thông báo cho ông Kissinger trong bữa ăn trưa ngày 25 Tháng Năm, 1971 rằng Hà Nội chấp nhận đề nghị của ông. Ông Kissinger báo cáo với ông Nixon rằng ông đã gặp ông Sainteny nhưng không nói chi tiết nội dung cuộc trò chuyện.

Ngày 31 Tháng Năm, 1971, trong cuộc gặp bí mật với ông Lê Đức Thọ tại Paris, ông Kissinger đưa ra đề nghị CSBV không cần phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam và kết thúc bài phát biểu của mình bằng câu nói: “Khi các lực lượng Hoa Kỳ cuối cùng rút đi, tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam sẽ phải được giao cho người Việt Nam.” Ông Kissinger đã không báo cáo đề nghị này với ông Nixon.

Tháng Bảy, 1971, ông Kissinger bí mật đến Bắc Kinh gặp Thủ Tướng Chu Ân Lai để sắp xếp cho chuyến đi lịch sử của Tổng Thống Nixon gặp Chủ Tịch Mao Trạch Đông. Nhân tiện, ông Kissinger nói với ông Chu Ân Lai đề nghị mà trước đó ông tiết lộ với đại sứ Dobrynin. Trang số 5 trong tài liệu tóm tắt của ông Kissinger chuẩn bị cho cuộc gặp với ông Chu có đoạn: “Thay mặt Tổng Thống Nixon, tôi muốn trân trọng bảo đảm với thủ tướng rằng Hoa Kỳ sẵn sàng thực hiện một cuộc dàn xếp sẽ thực sự giao sự phát triển chính trị của Việt Nam cho người Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng rút toàn bộ lực lượng vào một ngày ấn định và để cho thực tế khách quan định hình tương lai chính trị đó.”

Ông Kissinger đã không báo cáo với Tổng Thống Nixon cam kết của ông với những người Cộng Sản Trung Quốc. Ở lề trái của trang đó, ông Kissinger viết: “Chúng tôi muốn có một khoảng thời gian hợp lý.”

***

Điều trái khoáy là thỏa thuận để CSBV tiếp tục duy trì lực lượng ở miền Nam Việt Nam được ông Kissinger thông báo rất sớm tới Moscow, Bắc Kinh, và Hà Nội trong khi chính quyền Hoa Kỳ chưa hay biết gì cả. Trong suốt năm 1971, Tổng Thống Nixon vẫn trình bày công khai quan điểm của Hoa Kỳ là các lực lượng Hoa Kỳ và CSBV đều phải rút ra khỏi miền Nam, để cho người dân miền Nam quyết định tương lai của họ qua đàm phán. Lập trường của ông Nixon đã nhiều lần được đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, ông Ellsworth Bunker, thông báo cho chính phủ VNCH để thuyết phục Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cử phái đoàn tham gia hội nghị Paris.

Chính phủ VNCH và ông Nixon không biết đầy đủ về thủ đoạn tráo trở của ông Kissinger cho đến Tháng Mười, 1972, sau khi ông Kissinger được CSBV đồng ý về văn bản của hiệp định và trình bày dự thảo ấy cho hai tổng thống Thiệu và Nixon. Đến thời điểm đó, ông Nixon không thể rút lại sự nhượng bộ của ông Kissinger nữa. Phải ký Hiệp Định Paris nhưng ông Nixon đã cố gắng một cách tuyệt vọng để vừa sửa đổi dự thảo hiệp định theo cách có thể gia tăng khả năng chống cự của VNCH vừa thúc đẩy Quốc Hội Mỹ phê duyệt các khoản viện trợ quân sự mới. Vụ tai tiếng Watergate sau đó chấm dứt vai trò của ông Richard Nixon, kết thúc luôn nỗ lực vừa quá ít ỏi vừa quá muộn màng của ông.

***

VNCH đã là lịch sử, là quá khứ không thể quay lại, nhưng sự phản bội của ông Kissinger đã không bị truy cứu mà lại biến thành một cách ứng xử quen thuộc của ngoại giao Hoa Kỳ. Vì lợi ích riêng họ dễ dàng khấu đầu trước các thế lực độc tài bất chấp số phận các dân tộc và uy tín của chính Hoa Kỳ. Do cách ứng xử này mà 50 năm sau Hiệp Định Paris, phong trào dân chủ trên thế giới bị tổn hại sâu sắc. Các nước nhỏ không muốn đi vào con đường tăm tối của chủ nghĩa cộng sản nhưng cũng không thể hoàn toàn tin vào sự hợp tác của Hoa Kỳ để có rủi ro bị biến thành một VNCH khác. Vụ Hoa Kỳ đàm phán với Taliban sau lưng chính phủ hợp pháp ở Kabul trong thời gian cuối của chính quyền Donald Trump rồi quyết định rút khỏi Afghanistan là một minh chứng, là sự lặp lại hoàn hảo thủ đoạn tráo trở mà ông Kissinger thực hiện với miền Nam Việt Nam 50 năm trước.

Sau Việt Nam, ông Kissinger còn nhiều lần tráo trở nữa. Ông tán dương cuộc tàn sát của đảng Cộng Sản Trung Quốc đối với sinh viên biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn vào Tháng Sáu, 1989 và cản trở Tổng Thống George H.W. Bush trừng phạt Bắc Kinh. Hiện nay, dù 99 tuổi, ông Kissinger vẫn thường xuyên đưa ra những ý tưởng quái dị về ngoại giao quốc tế khó chấp nhận được. Mới đây nhất, ông khuyến cáo chính phủ Ukraine phải đồng ý nhượng lãnh thổ Tổng Thống Vladimir Putin của Nga để chấm dứt chiến tranh – một quan điểm được ông Trump và ủng hộ viên MAGA của ông tán thành nhưng Ukraine cực lực bác bỏ.

Ông Kissinger chủ trương một học thuyết ngoại giao thực dụng, sẵn sàng thỏa hiệp với độc tài miễn có lợi, trái ngược với hệ giá trị tự do dân chủ của Hoa Kỳ. Nước Mỹ cần gột rửa những quan điểm thực dụng đó để lấy lại niềm tin của cộng đồng thế giới và thoát ra khỏi hội chứng của cuộc chiến Việt Nam. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT