Friday, May 17, 2024

Tòa có cứu được Trump?

Hiếu Chân/Người Việt

Cuộc điều tra hành vi cất giữ tài liệu của chính phủ Hoa Kỳ tại khu dinh thự kiêm câu lạc bộ Mar-a-Lago của cựu Tổng Thống Donald Trump lại vướng vào một cuộc tranh tụng mới giữa Bộ Tư Pháp và bà Aileen Cannon, chánh án tòa liên bang khu vực Nam Florida.

Khi khám xét nhà cựu Tổng Thống Donald Trump ở Mar-a-Lago, FBI đã thu giữ hơn 11,000 trang tài liệu, trong đó có hơn 100 tài liệu được đánh dấu phân loại, bao gồm 18 tài liệu được đánh dấu tuyệt mật, 54 tài liệu mật; 31 bí mật và 11,179 tài liệu, hình ảnh không có dấu phân loại. Trong hình, cựu Tổng Thống Donald Trump tại Wilkes-Barre, Pennsylvania, hôm 3 Tháng Chín. (Hình minh họa: Spencer Platt/Getty Images)

Diễn biến mới nhất là hôm Thứ Năm, 8 Tháng Chín, Bộ Tư Pháp đã yêu cầu bà thẩm phán tạm ngừng một phần phán quyết mà bà đưa ra hôm 5 Tháng Chín theo đề nghị của phía ông Trump. Bà Cannon quyết định Bộ Tư Pháp tạm thời không được sử dụng các tài liệu thu được ở nhà ông Trump trong cuộc điều tra của họ.

Quyết định ấy có có cứu được ông Trump khỏi cuộc điều tra hình sự của chính phủ hay không?

Từ xung đột Trump – Bộ Tư Pháp…

Như truyền thông đã loan tin rầm rộ hơn một tháng qua, Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) đã khám xét dinh thự riêng của ông Trump sau khi được một thẩm phán liên bang ở Florida cho phép. Tại cuộc khám xét, FBI đã thu giữ hơn 11,000 trang tài liệu, trong đó có hơn 100 tài liệu được đánh dấu phân loại, bao gồm 18 tài liệu được đánh dấu tuyệt mật, 54 tài liệu mật; 31 bí mật và 11,179 tài liệu, hình ảnh không có dấu phân loại.

Bộ Tư Pháp cho rằng các tài liệu mật này là tài sản của chính phủ Hoa Kỳ, ông Trump lấy và đưa chúng về nhà riêng là vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật an ninh quốc gia. Một cuộc điều tra hình sự đang được thực hiện để tìm bằng chứng chứng minh hành vi đó vi phạm các đạo luật quan trọng như luật chống gián điệp, luật về hồ sơ của tổng thống và cản trở cơ quan thực thi pháp luật.

Cựu Tổng Thống Trump tất nhiên phản đối rất gay gắt. Ông Trump và đội ngũ pháp lý của ông đã đưa ra nhiều lý do thất thiệt để phản đối vụ khám xét, chẳng hạn như ông nói ông đã giải mật toàn bộ các hồ sơ đó, việc các tài liệu có ở nhà ông là do nhân viên lưu trữ bị nhầm lẫn khi đóng gói đồ đạc; thậm chí ông tố cáo FBI “cấy bằng chứng giả” tại nhà ông… Khi những lời biện hộ này được chứng minh sai sự thật, ông lên mạng xã hội Truth Social lên án vụ khám xét là trò lừa đảo của FBI và của Biden, tố cáo FBI là “con quái vật” hãm hại ông. Ông cũng đã phát đơn kiện ngược lại Bộ Tư Pháp về vụ khám xét.

…đến bất đồng quan điểm giữa tư pháp và hành pháp

Nhưng tuần này, nhóm ông Trump giành được một thắng lợi pháp lý quan trọng khi Chánh Án Aileen Cannon quyết định sẽ bổ nhiệm một giám sát viên độc lập xem xét các hồ sơ tài liệu mà FBI đã thu giữ, và Bộ Tư Pháp không được sử dụng các hồ sơ đó cho đến khi trọng tài viên độc lập hoàn thành công việc.

Theo phán quyết, giám sát viên độc lập sẽ được cấp quyền xem xét, xác định và tách ra những tài liệu mà ông Trump có quyền sở hữu do “đặc quyền hành pháp” hoặc do đặc quyền luật sư-thân chủ hoặc chỉ thuần túy là tài liệu cá nhân.

Quyết định của bà Cannon dựa trên quan điểm rằng cựu Tổng Thống Trump có “đặc quyền hành pháp” đối với một số hồ sơ của chính phủ, và các hồ sơ đó phải được trả lại cho ông Trump.

Quan điểm gây tranh cãi của bà Cannon bị giới luật gia cho là đối xử ưu ái với ông Trump và làm gián đoạn một cuộc điều tra hình sự trước khi có bản án buộc tội. Quan điểm đó cũng trái với cách nhìn nhận của Bộ Tư Pháp rằng “đặc quyền hành pháp” chỉ dành cho người đang tại vị ở Tòa Bạch Ốc, và đã mất hiệu lực khi ông Trump rời nhiệm sở.

Trên đài Fox News hôm Thứ Ba, ông William Barr, cựu bộ trưởng Tư Pháp trong chính phủ Trump và từng là người thân cận của ông Trump, nói rằng phán quyết của bà Cannon là “có khiếm khuyết trầm trọng” và ông thúc giục Bộ Tư Pháp kháng cáo. “Tôi nghĩ, quan điểm [của chánh án] là sai và tôi nghĩ chính phủ nên kháng cáo. Nó có khiếm khuyết nghiêm trọng về nhiều mặt,” ông Barr nói.

Quyết định của Chánh Án Cannon đã đẩy Bộ Tư Pháp vào thế khó xử: Nếu chấp hành quyết định của tòa thì cuộc điều tra hình sự có thể bị gián đoạn và có nguy cơ bị đóng băng; còn nếu kháng cáo thì tiến trình phân định đúng sai sẽ kéo dài nhiều tháng vào lúc Bộ Tư Pháp đang tìm cách cân bằng giữa việc đẩy nhanh cuộc điều tra và hạn chế sự lạm quyền của ngành hành pháp như ông Trump cáo buộc.

Tòa không cứu được Trump

Trên mạng Truth Social, ông Trump ca ngợi bà Cannon, 41 tuổi – một thẩm phán do ông bổ nhiệm trong những ngày cuối của nhiệm kỳ khi ông đã bị thua phiếu ông Joe Biden – là “một thẩm phán sáng chói và dũng cảm mà phán quyết của bà vang dội khắp cả nước.”

Nhưng nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, bà Cannon chỉ có thể làm chậm lại chứ không thể chuyển hướng cuộc điều tra ông Trump. Khả năng tòa án “cứu” được ông Trump trong vụ tài liệu mật là rất khó, nếu không nói là không thể, cho dù trước khi rời nhiệm sở, ông Trump đã bổ nhiệm hơn 200 thẩm phán tòa liên bang và đề cử ba thẩm phán Tối Cao Pháp Viện để tạo thuận lợi cho những cuộc tranh tụng của ông sau này.

Tại sao như vậy? Trước hết, phán quyết của bà Cannon chỉ tác động tới các hồ sơ được FBI thu giữ trong vụ khám xét ngày 8 Tháng Tám mà không liên can tới các hồ sơ mà ông Trump và nhóm pháp lý của ông đã tự nguyện trả lại trước đó. FBI cho biết đã xác định được 184 tài liệu có dấu phân loại mật trong 15 hộp tài liệu được Văn Khố Quốc Gia thu hồi vào Tháng Giêng và trong một phong bì mà nhóm ông Trump nộp trong chuyến thăm của FBI tới Mar-a-Lago hồi Tháng Sáu.

Phán quyết cũng không liên can tới cuộc điều tra hành vi cản trở công lý của Trump khi ông ta năm lần bảy lượt từ chối trả lại hồ sơ cho chính phủ dù đã có trát đòi của đại bồi thẩm đoàn. Việc thu giữ hơn 100 tài liệu đã phân loại mật trong vụ khám xét chứng minh những lời ông Trump nói về “hoàn toàn hợp tác” với chính quyền trong vụ này là dối trá.

Hơn thế nữa, ba đạo luật được Bộ Tư Pháp viện dẫn làm căn cứ pháp lý cho cuộc điều tra của họ quy định việc mang về nhà riêng các hồ sơ về an ninh quốc gia của chính phủ là bất hợp pháp, cho dù các hồ sơ đó có thuộc loại mật hay không. Trong số hồ sơ thu được ở nhà ông Trump, FBI còn tìm thấy một tài liệu về năng lực quốc phòng của một nước ngoại quốc, gồm cả võ khí nguyên tử của quốc gia này, theo một số nguồn tin thông thạo của tờ Washington Post.

Cuối cùng, trong những hồ sơ mật thu được có những tài liệu “nhạy cảm” đến mức nhiều giới chức an ninh cao cấp quốc gia cũng không được xem, nếu không có sự cho phép từ giới chức cao cấp nhất, gồm tổng thống, bộ trưởng. Một trọng tài viên độc lập do tòa bổ nhiệm sẽ không được phép xem các tài liệu đó nếu không được cấp quy chế an ninh tối đa.

Chính vì vậy, trong đề nghị gửi tới Chánh Án Cannon hôm 8 Tháng Chín, các luật sư của Bộ Tư Pháp yêu cầu chánh án cho phép các điều tra viên tiếp tục sử dụng “các hồ sơ mật – một bộ hơn 100 tài liệu riêng rẽ” mà không giao chúng cho trọng tài viên độc lập xem xét nhằm bảo đảm cuộc điều tra không bị gián đoạn. Chính phủ và công chúng “sẽ bị tổn hại không đền bù được nếu cuộc điều tra hình sự những hành vi gây rủi ro cho an ninh quốc gia” bị đóng băng hoặc bị đình hoãn, đơn kháng cáo của Bộ Tư Pháp viết.

Bà Cannon lệnh cho nhóm pháp lý của ông Trump phải trả lời các đề nghị của Bộ Tư Pháp chậm nhất vào Thứ Hai tuần tới. Đơn nộp lên tòa của Bộ Tư Pháp cho biết nếu đề nghị của họ không được chấp nhận, Bộ Tư Pháp sẽ tiếp tục kháng cao lên Tòa Phúc Thẩm Liên Bang Khu Vực 11 ở Atlanta, Georgia, dù biết tiến trình kiện tụng sẽ mất nhiều thời gian và kết quả không thể đoán trước vì tòa này có 11 thẩm phán thì trong đó có bảy người có quan điểm bảo thủ và do ông Trump bổ nhiệm.

Tranh chấp sẽ còn kéo dài nhưng cửa thắng của ông Trump càng lúc càng hẹp. [qd]

MỚI CẬP NHẬT