Thursday, April 18, 2024

Trump và Tập có thể thỏa hiệp không?

Ngô Nhân Dụng

Các nhà lãnh đạo dự Hội Nghị G-20 tại Buenos Aires, Argentina, sẽ tìm cách tránh không thất bại như cuộc họp APEC vài tuần trước đây tại Papua New Guinea. Khi kết thúc, Hội Nghị Á Châu Thái Bình Dương không đưa ra được một bản thông cáo chung. Lý do chính, là xung đột giữa chính phủ Mỹ và Trung Cộng.

Cho nên, ai cũng chờ coi hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình gặp nhau trong bữa ăn tối ngày Thứ Bảy, 1 Tháng Mười Hai, coi họ có thỏa hiệp được gì với nhau không.

Đây là lần đầu tiên Trump gặp Tập, kể từ lúc cuộc “chiến tranh mậu dịch” bắt đầu. Từ 1970, bang giao giữa hai nước đều do các người lãnh đạo cao nhất quyết định. Ông Nixon với Mao Trạch Đông. James Carter và Ronald Reagan với Đặng Tiểu Bình.

Cả hai ông Tập và Trump chắc đều không muốn thiên hạ coi mình là người chịu trách nhiệm đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng kinh tế mới. Cả hai cùng muốn giảm bớt tình trạng căng thẳng để yên việc bên trong nước họ. Tập Cận Bình biết rằng nếu giao thương Mỹ-Trung bế tắc thì tỷ lệ tăng trưởng của Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) Trung Quốc sẽ giảm bớt 1%. Kế hoạch cải tổ kinh tế của ông Tập sẽ bị trì hoãn 5 tới 10 năm. Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc sẽ lên cao đầu năm tới.

Donald Trump thì sắp phải đối phó với một Hạ Viện do đảng Dân Chủ kiểm soát; cuộc điều tra về Nga can thiệp cuộc tranh cử năm 2016 chưa biết sẽ đi tới đâu. Trong năm tới Trump sẽ khó chú tâm vào vấn đề mậu dịch, khi bắt đầu lo cho cuộc tranh cử năm 2020.

Cho nên, rất nhiều hy vọng hai ông sẽ đạt được một số thỏa hiệp, để cả hai đều có thể tuyên bố đại thắng khi trở về nước.

Vậy họ có thể nhường nhịn nhau những thứ gì?

Tập Cận Bình đã ra lệnh báo đài không hô khẩu hiệu về kế hoạch “Made in China 2025” đẩy các công nghiệp tân tiến lên vượt Mỹ nữa – vì dù sao đó cũng là một giấc mộng xa vời. Bây giờ, ông có thể tuyên bố sẽ mở cửa thị trường Trung Quốc cho hàng hóa và đầu tư ngoại quốc; nâng cao tỷ lệ hạn chế các công ty nước ngoài được mua cổ phần trong các công ty Trung Quốc nhiều hơn.

Tập sẽ không thể bãi bỏ việc bao cấp các doanh nghiệp nhà nước vì đó vẫn là xương sống của nền kinh tế và của chế độ độc tài đảng trị; nhưng ông có thể hứa ngưng trợ cấp cho các công ty quốc doanh ghi tên trên thị trường chứng khoán – là nơi mà họ tranh đua với các xí nghiệp nước ngoài.

Tập Cận Bình cũng sẽ cam kết sẽ tôn trọng bằng sáng chế của các xí nghiệp Mỹ, thi hành những luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí năng (intellectual property); và không ép các công ty Mỹ phải chuyển giao kỹ thuật cho người Trung Quốc khi cùng làm ăn. Để cho ông Trump hài lòng hơn, Tập có thể cam đoan không tấn công các mạng tin học của nước Mỹ – như ông ta thường vẫn quả quyết không bao giờ làm.

Muốn thực hiện các lời hứa đó, hai bên sẽ phải họp bàn với nhau sau, vì hai người lãnh đạo không có thời giờ nói những chuyện cụ thê. Cho nên hứa hẹn thôi cũng là đẹp rồi!

Người đã cảnh cáo trước những hứa hẹn đó là Đại Diện Thương Mại Robert Lighthizer, tương đương với một bộ trưởng ngoại thương. Ông Lighthizer vẫn nói đi nói lại rằng các vị tổng thống Mỹ trước đây đã rơi vào cái bẫy của Trung Cộng, vì họ chỉ hứa hẹn đủ điều, rồi họp hành liên miên, mà kết quả chẳng có bao nhiêu. Tình trạng đó nếu kéo dài đến năm 2020, sẽ làm cho ông Trump có vẻ “yếu,” một điều ông không bao giờ chấp nhận.

Cùng chia sẻ thái độ cứng rắn đó là Giáo Sư Peter Navarro, cố vấn ngoại thương Tòa Bạch Ốc, tác giả cuốn “Chết trong tay Trung Quốc” (Death by China). Trước đây vài tuần, có tin ông Navarro sẽ không được dự phái đoàn đi Buenos Aires! Ông được ghi danh vào phút chót.

Ông John Bolton, cố vấn an ninh, cũng thuộc phái cứng rắn, thì đang lo lắng Trung Cộng sẽ lợi dụng việc giao thương và đầu tư để “ăn cắp” kỹ thuật của Mỹ đem dùng vào mục đích quân sự và ngoại giao.

Phụ họa với lập trường cứng rắn này, hai Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa) và Chris Van Hollen (Dân Chủ) mới thông báo cho Tòa Bạch Ốc biết rằng công ty ZTE của Trung Quốc mới bán cho chính phủ Venezuela một hệ thống quan sát dùng những bộ phận mua của Dell, công ty Mỹ. ZYE năm ngoái đã bị cấm mua hàng diện tử của Mỹ cũng vì vi phạm lệnh cấm vận Iran. Phải nhờ Tập nói chuyện với Trump nên ZTE được tha, nay lại vi phạm lần nữa vì Venezuela cũng đang bị cấm vận!

Ông Trump thường nghiêng về phía phe “diều hâu” trên. Nhưng trong đám tùy tùng của ông lần này sẽ có những người nghiêng về phía ôn hòa, như cố vấn kinh tế Larry Kudlow, Bộ Trưởng Tài Chánh Steven Mnuchin. Họ cố gắng tìm cách đạt được một thỏa hiệp chung cho ông Trump ký.

Ông Trump đã từng thỏa hiệp với Châu Âu và Nhật Bản sau khi ông dọa đánh thuế trên xe hơi nhập cảng vào Mỹ. Nhật Bản đã hứa sẽ đầu tư thêm làm xe hơi ở Mỹ, còn Mỹ hứa sẽ không đòi Nhật mở cửa thị trường nông nghiệp.

Bây giờ, Trump và Tập cũng có thể giao ước một vài điều cụ thể như vậy, để tạo không khí hòa hoãn và dễ giải thích với dân hai nước. Tập Cận Bình sẽ xin Mỹ ngưng không tăng thuế quan trên hơn 4,000 món hàng, trị giá $200 tỷ, đang đánh 10% hiện nay và ông Trup dọa sẽ tăng lên 25% trong Tháng Giêng năm tới. Đổi lại, Tập sẽ bãi bỏ lệnh ngưng mua nông sản Mỹ, như đậu nành và bắp từ các tiểu bang Trung Tây, những nơi đã bỏ phiếu cho ông Trump năm 2016. Ngoài ra, sẽ ký kết mua thêm dầu, khí của Mỹ, trong lúc giá năng lượng dang xuống thấp trên thị trường thế giới.

Ông Tập Cận Bình còn có thể tặng ông Trump một món quà nữa, trong vấn đề Bắc Hàn. Từ khi ông Trump gặp Kim Jong Un ở Singapore, Trung Cộng cũng như Nga đã nới lỏng việc cấm vận với Bắc Hàn. Từ đó tới nay ông Trump vẫn chờ Kim Jong Un hủy bỏ bom nguyên tử, nhưng chưa thấy nhúc nhích. Tập Cận Bình có thể hứa sẽ tạo thêm áp lực với nhà độc tài 34 tuổi này, trước khi Trump gặp lại cậu ta, như ông đã nói gần đây. Tập đã từng hứa như vậy nhiều lần, nhắc lại cũng không mất mát gì thêm!

Trong phái đoàn Mỹ dự tiệc với hai vị nguyên thủ còn có Jared Kushner, con rể ông Trump, một người rất có cảm tình với Bắc Kinh. Ông Kushner đã thu xếp cuộc gặp mặt đầu tiên giữa Trump và Tập ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago, Florida, năm 2017. Bảy tháng sau, Tập đã mời Trump và bà Melania thăm Bắc Kinh, dự quốc yến linh đình, và đóng cửa Tử Cấm Thành trong lúc vợ chồng tổng thống Mỹ vào coi. Đó là do nỗ lực ngoại giao của Jared Kushner. Bà vợ Kushner cũng có nhiều thương hiệu được Bắc Kinh chấp nhận bảo vệ bản quyền.

Những thỏa thuận trên đây, nếu đạt được, dù nhỏ và có tính cách tạm thời, nhưng có thể được coi là dấu hiệu bày tỏ thiện chí của hai bên muốn “ngưng chiến;” chờ hiệp sau phân giải. Thế giới sẽ thở phào nhẹ nhõm. Những người mừng rỡ nhất là 20 vị lãnh đạo trong nhóm G-20. Họ có thể cùng ký trong một tuyên cáo chung kết thúc hội nghị, đề cao thương mại quốc tế.

Ông Trump cho thấy là một người rất dễ có cảm tình với những “người hùng,” như Vladimir Putin, Kim Jong Un, hay Thái Tử Mohammed bin Salman, nước Á Rập Saudi. Trong hội nghị G-20 lần này, ông Trump đã phải từ chối không gặp Vladimir Putin và Mohammed bin Salman, còn Kim Jong Un thì không được dự. Ông chỉ còn một gặp người nắm toàn quyền sinh sát với dân là Tập Cận Bình. Do đó ông có thể thấy nói chuyện thoải mái, vui vẻ hơn và dễ tiến đến một thỏa hiệp hơn.

Dù sao, trông mặt Tập Cận Bình còn dễ chịu hơn khi phải nghĩ tới những bộ mặt Nancy Pelosi, Michael Cohen hoặc Robert Mueller ở nước Mỹ. (Ngô Nhân Dụng)

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT