Cựu Chiến Binh

Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH tưởng niệm 49 năm Quốc Hận

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Đông đảo đồng hương đến dự buổi tưởng niệm 49 năm Quốc Hận, do Thư Viện Việt Nam và Biệt Đội Văn Nghệ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) tổ chức vào chiều Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, tại phòng sinh hoạt Thư Viện Việt Nam, thành phố Garden Grove.

Đông đảo đồng hương đến dự buổi tưởng niệm 49 năm Quốc Hận tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trước giờ khai mạc, một số đồng hương đã đến thắp hương trước bàn thờ di ảnh các tướng lãnh QLVNCH tuẫn tiết trong ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Sau khi sơ lược qua về những kết quả xây dựng Little Saigon của cộng đồng người Việt trên xứ người, nhà báo Du Miên, thành viên ban tổ chức, nói: “Sau 1975, Cộng Sản Việt Nam đã chiếm miền Nam và đày ải Quân, Cán, Chính VNCH trong những trại tập trung đầy khổ nhục. Sau 1975, thủ đô Sài Gòn thân yêu của chúng ta đã bị đổi tên. Nhưng tại hải ngoại, cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản đã hình thành được thủ đô Little Saigon tại Nam California.”

“Tôi chưa thấy một quân đội nào trên thế giới, khi họ thua trận mà vẫn còn gìn giữ được lòng trung thành với tổ quốc như QLVNCH của chúng ta. Bằng chứng là, trong những sinh hoạt cộng đồng của người Việt tị nạn Cộng Sản tại Little Saigon và nhiều nơi khác trên thế giới, chúng ta vẫn còn thấy sự hiện diện những bộ quân phục của QLVNCH, mặc dù đã 49 năm miền Nam bị thất thủ,” ông Du Miên chia sẻ thêm.

Đồng hương niệm hương trước bàn thờ di ảnh các tướng lãnh QLVNCH tuẫn tiết trong ngày 30 Tháng Tư, 1975. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Chương trình văn nghệ được mở đầu với liên khúc “Quyết Chiến Thắng” và “Lửa Bolsa,” do Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH đồng ca.

Bài chiến đấu ca bất hủ “Quyết Chiến Thắng” của Cục Chính Huấn QLVNCH trước 1975, với những ca từ “Một cánh tay đưa lên hàng ngàn cánh tay đưa lên/ Hàng vạn cánh tay đưa lên quyết đấu tranh cho một nền hòa bình công chính/ Đập nát tan mưu toan đầu hàng với quân xâm lăng/ Hòa bình sẽ trong vinh quang, đền công lao bao máu xương hùng anh…”

Nhưng khi ra hải ngoại, có một số người lại hiểu lầm bài này có tựa là “Thề Không Phản Bội Quê Hương.”

Sau đó, chương trình văn nghệ đấu tranh được tiếp nối với những tiếng hát trong biệt đội cùng đồng hương đến dự.

Nhà báo Du Miên phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Sau những lần gối mỏi tìm cuộc vui tàn từng đêm/ Những lần hồn u mê dưới mắt giai nhân một đêm/ Nay đã trôi theo ngày quên/ Từ khi biết sống trọn cho đời lính.” Đó là lời của bài nhạc “Một Người Đi Xa” của nhạc sĩ Trúc Phương cho ra đời vào năm 1967.

Kim Phượng, ca viên của Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH, kể: “30 Tháng Tư, 1975, thì tôi còn nhỏ nên không biết chuyện gì đã xảy ra tại Sài Gòn mà rất nhiều người xôn xao, thành phố như đang hỗn loạn. Sau này, khi ra hải ngoại thì tôi mới biết thương cảm cho những cựu chiến binh QLVNCH, qua những bài nhạc hát cho người lính chiến miền xa, trong đó có bài ‘Một Người Đi Xa.’ Hôm nay, tôi hát bài này để tưởng nhớ đến tâm sự của những người trai trẻ đã bỏ cuộc vui tại thành đô để tòng quân giúp nước.”

Sau khi miền Nam bị thất thủ, rất nhiều người đã bỏ nước ra đi mang theo những niềm đau uất hận. Rồi thời gian không lâu, trên xứ người, những văn nghệ sĩ đã bày tỏ lòng mình qua những tác phẩm nhớ về quê hương, trong đó có bài “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cho ra đời vào năm 1987 tại Little Saigon.

Các nữ ca viên của Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Thu Cúc, một tiếng hát quen thuộc trong Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH đã nghẹn ngào nức nở khi trình diễn bài “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” qua những ca từ: “Đêm nhớ về Sài Gòn/ Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi/ Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi/ Đường im nghe quá khứ trong sâu/ Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau/ Tình lẻ loi canh thâu/ Đêm nhớ về Sài Gòn/ Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa/ Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa/ Ai sầu trong quán úa…

Bà quả phụ Mũ Đỏ Hoàng Tấn Kỳ tặng cho ban tổ chức nhiều đóa hoa hồng, và bà yêu cầu ban tổ chức trao những hoa hồng này cho những cựu quân nhân, và họ sẽ tặng những đóa hoa này cho những phụ nữ bạn đời của họ.

Một việc làm rất có ý nghĩa trong buổi Tưởng Niệm 49 Năm Quốc Hận, vì ngày xưa, các cựu chiến sĩ QLVNCH trong hoàn cảnh tù binh của Cộng Sản, chính những người vợ hiền của họ đã thay chồng nuôi con, và lặn lội qua những đoạn đường đầy gian khổ để thăm chồng trong những trại cải tạo khắp ba miền đất nước.

Nhà thơ lính Trạch Gầm (trái) và vợ Yên Ly. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nhà thơ lính Trạch Gầm bày tỏ sự đau lòng của mình: “Đối với tôi, ngày nào mình còn lưu vong là ngày đó cũng là ngày 30 Tháng Tư. Chúng tôi là những chiến sĩ cầm súng cho đến giờ phút cuối. Nhưng cuối cùng thì chúng tôi bắt buộc phải buông súng để lại biết bao nhiêu hệ lụy sau này.”

Tại chiến trường An Lộc, Tướng Lê Văn Hưng là vị tư lệnh chiến trường với biệt danh là 45. Bài thơ “Kính Dâng 45” của Trạch Gầm, nhằm tưởng nhớ đến vị tướng anh hùng đã tuẫn tiết vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, vì không chấp nhận đầu hàng giặc.

Trích đoạn bài thơ, Trạch Gầm đọc: “Đã đứng dưới cờ cùng anh reo vui/ Đã đứng dưới cờ cùng anh ngậm ngùi/ Giờ anh đã chết hay hồn tôi đã chết/ Mộng chưa thành đời đã buông xuôi/ Chiến dịch nào tôi anh chung vai/ Đoạn đường nào tôi anh mê say/ Trong gian khổ vẫn một lòng mơ ước/ Mang thanh bình về thắp sáng tương lai…”

Từ trái, Ngọc Hân, Thu Cúc và Kim Phượng cùng hát bài “Xin Đời Một Nụ Cười.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Sau đó, Yên Ly, người bạn đời của Trạch Gầm, tiếp tục ngâm bài thơ “Có Bao Giờ Em Khóc Cho Quê Hương” cũng của Trạch Gầm: “Là người Việt, em về thăm đất Việt/ Em nghĩ sao khi thấy một lũ hèn/ Lạy lục bọn Tàu, hại người yêu nước/ Có bao giờ em khóc cho quê hương?”

Trong số đồng hương đến dự, ông Bùi Văn Tẩu, cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 17 Hải Quân VNCH, tâm tình: “Bốn mươi chín năm trên xứ người, chúng tôi là những cựu chiến sĩ QLVNCH không bao giờ quên được nỗi đau mất nước sau cuối Tháng Tư, 1975. Ngày xưa, QLVNCH không hèn nhát, nhưng miền Nam phải bị thất thủ, vì người bạn đồng minh Hoa Kỳ đã bỏ rơi chúng ta. Đó cũng là vận nước đã khiến cho hàng triệu đồng bào phải bỏ nước ra đi. Tưởng Niệm 30 Tháng Tư Đen hằng năm, là để nhắc nhở cho chúng ta không quen nỗi đau thương chung của dân tộc.”

Mũ Đỏ La Trinh Tường hát bài “Tình Thư Của Lính.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cựu quân nhân Phạm Quỳnh nói: “Nhớ lại ngày 30 Tháng Tư, chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động khi các anh em chiến sĩ vẫn còn tinh thần chiến đấu, nhưng cuối cùng rồi chúng tôi phải buông súng một cách tức tưởi. Trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, có nhiều vị tướng của QLVNCH đã tuẫn tiết, vì họ không chấp nhận đầu hàng giặc. Tinh thần chiến đấu và gương hy sinh của họ đã cho các cựu quân nhân chúng tôi rất là khâm phục.”

Các vị tướng đã tuẫn tiết trong ngày 30 Tháng Tư, 1975: Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú và Lê Nguyên Vỹ. [qd]

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Thương Mại Đó Đây

PHỞ THÌN USA

Tiệm Phở Thìn Bolsa 13 Lò Đúc sắp ra mắt PHỞ SƯỜN, khác hẳn với…

8 mins ago
  • Giải Trí

4 bộ phim không thể bỏ lỡ nhân dịp Mother’s Day

Nếu bạn không biết lựa chọn bộ phim nào để coi với gia đình trong…

1 hour ago
  • Hoa Kỳ

Ngày thứ 15 tòa xử Trump vụ chi tiền bịt miệng, trời yên biển lặng báo hiệu một cơn giông sắp tới

Hôm Thứ Sáu, 10 Tháng Năm, thẩm phán nói với các công tố viên rằng…

4 hours ago
  • Xe Hơi

Ai có thể làm chậm lại đà phát triển xe điện ở Mỹ?

Ông Trump hứa sẽ loại bỏ chương trình ủng hộ xe điện của chính phủ…

5 hours ago
  • Bình Luận

‘Nền kinh tế thị trường’ cho Việt Nam: Đừng để mắc lừa!

Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn nước rút phải xác định liệu có công…

7 hours ago
  • Việt Nam

Trung Quốc nói ‘đã xua đuổi’ tàu chiến Mỹ ‘tự do hải hành’ ở Hoàng Sa

Trung Quốc nói “đã theo dõi chặt chẽ” và “đã xua đuổi” khu trục hạm…

7 hours ago

This website uses cookies.