Monday, April 29, 2024

‘Biết Trả Lời Sao,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Duy Khánh

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Nếu coi “Biết Trả Lời Sao” của Duy Khánh là một bản “nhạc lính” thì phải nói rằng đây là một trong các bản nhạc lính tuyệt vời và đáng mến nhất.

Nhạc phẩm “Biết Trả Lời Sao” của Duy Khánh. (Hình: Tài liệu)

“Biết Trả Lời Sao” nằm trong số hàng chục ca khúc hay nhất, nổi tiếng nhất và được ái mộ nhiều nhất của nhạc sĩ kiêm ca sĩ Duy Khánh trong suốt hai thập niên 1960 và 1970 tại miền Nam tự do thời Chiến Tranh Việt Nam và mãi cho đến tận bây giờ tại hải ngoại cũng như qua phong trào hát nhạc bolero rần rần, rộ rộ nơi quê nhà Việt Nam hiện nay sau bốn thập niên cấm kỵ.

“Biết Trả Lời Sao” vừa nói lên được tình cảm yêu thương thắm thiết của người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngoài chiến tuyến và những người em gái nhỏ hậu phương, mà cũng vừa nói lên được tình cảm yêu nước, thương nhà của các anh chiến sĩ Cộng Hòa. Hai tình cảm quý giá này lúc nào cũng hòa quyện vào nhau một cách duyên dáng và hết sức dịu êm trong suốt ca khúc với nhạc điệu boléro phong phú và đầy ý tưởng cao đẹp này.

Ca nhạc sĩ Duy Khánh thật ra chẳng xa lạ gì với nền tân nhạc Việt Nam, nhất là trong hai thể loại nhạc tình cảm và “nhạc lính,” được coi là sở trường ít ai sánh nổi của người nghệ sĩ xuất thân từ miền Trung vọng tiếng trong ca khúc bất hủ “Tiếng Sông Hương” của Phạm Đình Chương.

Cái tài tình của các bản nhạc tình và “nhạc lính” do Duy Khánh sáng tác là tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương, đất nước gần như luôn luôn đi chung với nhau. Dường như nếu hai thứ tình cảm này mà tách rời nhau thì cái tính yêu quê hương đó có chút gì không ổn khi đất nước đang bị chiến tranh tàn phá và dân tộc đang ở vào mùa tao loạn. Trong khi đó, nếu cái tình yêu đôi lứa kia mà lấn át đi cái tình yêu quê hương kia thì những người trong cuộc yêu đương đó sẽ đâm ra lúng túng ngay. Cho nên nếu có ai hỏi đến thì câu trả lời hay nhất và dễ thương nhất của bất kỳ ai cũng sẽ là “Biết Trả Lời Sao?”

“Có người gặp tôi, hỏi: ‘Sao lâu rồi không về thăm quê miền Trung?’/ Dù thương vẫn thương nhưng non nước chưa yên lành, quê hương còn nghiêng ngả, biết trả lời sao?”

Để trả lời một câu hỏi là sao chưa thấy anh về thăm lại quê hương miền Trung từ lâu xa vắng thì người chiến sĩ nơi biên cương cảm thấy thật khó mà trả lời cho vẹn tình, vẹn nghĩa khi quê hương, đất nước đang lâm cảnh khói lửa chiến chinh, cho dù người lính có thương, có nhớ cách mấy về em và về quê nhà đi nữa.

“Biết trả lời sao cho em ấm đôi vành môi, khi gió mưa trong đời, mang bao ấm êm xa rồi, gieo bao tiếng ca u hoài, những đêm canh dài, biết trả lời sao?”

Mà thật sự thì người chiến sĩ cũng chẳng biết phải trả lời ra sao cho người em gái nhỏ quê nhà yên lòng, để bớt đi những tiếng ca u hoài trong những đêm gió lạnh, bùi ngùi gợi nhớ thương ai nơi biên ải.

“Nhớ về Thần Kinh với bao tâm tình gửi về thương thương người em/ Giờ xa vẫn xa đi cho nước non quê nhà, thân trai tình đôi ngả, biết trả lời sao?”

Anh luôn nhớ hoài và vẫn gởi về cho người em nhỏ đất Thần Kinh biết bao tâm tình yêu thương lưu luyến, cho nên thật khó cho anh để trả lời sao cho vừa ý em. Vậy thì, xin chớ có buồn mà chi em, sầu mà chi em lúc non sông cần trai hùng…

“Biết trả lời sao khi chinh chiến đang tràn lan, gieo tóc tang điêu tàn, vai mang chí trai tang bồng, quê hương khắc ghi trong lòng/ Đã thương nhau rồi biết trả lời sao?”

Thật không thể nào mà anh có thể trả lời thỏa đáng câu hỏi của em được giữa lúc cuộc chiến đang sôi động trên mọi chiến trường. Cũng vì tình anh yêu em quá chân thành và quá tha thiết đó, em ơi!

“Hôm xưa mình bên nhau, vầng trăng lồng bóng nước sông sâu/ Chung bóng đôi đầu, mong sao duyên mãi xanh màu, mong tình dài thương mến lâu.”

Hồi tưởng lại bao kỷ niệm êm đềm ngày xa xưa với em nay như sống lại người ơi trong ánh mắt, với trăng nước năm xưa còn đây, trăng sáng soi đôi má gầy. Anh chỉ mong ước sao cho tình đôi ta mãi mãi bền lâu, dù cách xa nhau lòng vẫn nhớ nhau hoài, dẫu xa xôi lòng vẫn nhớ nhau hoài, vậy đó em!

“Hôm nay mình xa nhau/ Đường về chiến tuyến gió mưa sâu/ Đôi bóng đôi đầu, cho nhau hai tiếng kinh cầu, xin cuộc đời thương lẫn nhau.”

Bìa nhạc phẩm “Biết Trả Lời Sao” của Duy Khánh. (Hình: Tài liệu)

Đôi ta hãy cầu nguyện cho sớm có ngày đoàn tụ bên nhau và luôn cho tình thương trở lại giữa người với người để cuộc đao binh mau chấm dứt trên quê hương chinh chiến điêu tàn.
“Khi biết rằng đời trai chiến chinh không hẹn trở lại ngày mai chung tình đôi, thì em hỡi em bao nhiêu ước mơ trong đời, như mây chiều trôi nổi, như mộng tàn thôi.”

Một khi em đã hiểu rằng biết bao người trai hùng đã vui ra đi mà không ước hẹn ngày về thì ngày sum họp của đôi ta để cho mộng thắm trao nhau như lần đầu bên lá hoa thì thào cũng chỉ là mộng ước mà thôi, đôi ta còn phải nhờ Trời, Phật phù hộ nữa mới thành tựu đó em!

“Biết trả lời sao đêm đêm núi cao rừng sâu, theo bước chân quân hành, đi cho nước non thành bình, mai đây có ai thương mình, chí trai công thành… Xin trả lời sau.”

Vì đêm lại qua đêm, anh vẫn mãi ra đi theo nhịp bước quân hành trong niềm hy vọng về một ngày mai chiến thắng và chinh chiến tàn trên quê hương yêu dấu. Lúc đó, và chỉ có lúc đó mà thôi, anh sẽ có câu trả lời thật là vừa ý em yêu, em nhé!

***

Duy Khánh (1936–2003), tên thật là Nguyễn Văn Diệp, còn có nghệ danh khác là Tăng Hồng và Hoàng Thanh. Ông nổi danh từ thập niên 1960, ban đầu với những bài hát mang âm hưởng dân ca và “dân ca mới” của Phạm Duy, nhạc về quê hương, về sau ông được xem như là một trong bốn giọng nam của nhạc vàng thời kỳ đầu (tứ trụ nhạc vàng), ba người còn lại là Nhật Trường, Hùng Cường, Chế Linh. Ông còn được biết đến như một nhạc sĩ tài hoa với hơn 30 ca khúc đặc sắc.

Năm 1953, Duy Khánh đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á tại Huế với bài nhạc phẩm “Trăng Thanh Bình” của Lam Phương. Sau đó ông chuyển vào Sài Gòn để theo đuổi nghề ca hát. Từ Sài Gòn, Duy Khánh khởi sự ghi âm đĩa nhựa và đi diễn khắp nơi dưới nghệ danh Hoàng Thanh.

Duy Khánh bắt đầu viết nhạc từ năm 1959, nhạc ông thường nói về tình yêu quê hương, mang hơi dân ca xứ Huế và được đón nhận nồng nhiệt, ngay từ hai sáng tác đầu tay “Ai Ra Xứ Huế” và “Thương Về Miền Trung.” Từ đầu thập niên 1960 cho đến năm 1975, Duy Khánh còn lập nhóm chủ trương xuất bản tờ nhạc mang tên “1001 Bài Ca Hay” quy tụ được nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng thời điểm đó như Trần Thiện Thanh, Nhật Ngân, Hoài Linh, Lam Phương, Trúc Phương…

Năm 1965, nhạc sĩ kiêm ca sĩ Duy Khánh đã cùng với nữ danh ca Thái Thanh thu thanh bản trường ca “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy. Sau đó, cặp song ca này cùng hát bản trường ca “Mẹ Việt Nam” nữa.

Sau khi chia tay với hai bà vợ cũ, vào năm 1970, Duy Khánh thành hôn với người vợ thứ ba là Thúy Hoa, và họ có với nhau ba người con.

Sau biến cố Tháng Tư, 1975, Duy Khánh ở lại Việt Nam và bị cấm hát trong một thời gian dài. Ông thành lập đoàn nhạc Quê Hương, quy tụ các nhạc sĩ Châu Kỳ và Nhật Ngân cùng ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến…

Duy Khánh trên sông Hương. (Hình: Tài liệu)

Duy Khanh sang Hoa Kỳ vào năm 1988, rồi hát cho Trung Tâm Làng Văn, và xuất hiện trên một số cuốn video của Trung Tâm Asia. Sau đó, ông thành lập Trung Tâm Trường Sơn, tiếp tục ca hát và dạy nhạc cho đến khi qua đời. Ông mất vào Tháng Hai, 2003, tại bệnh viện Fountain Valley ở Orange County, California, hưởng thọ 66 tuổi.

Các sáng tác nổi tiếng và được rất nhiều người ưa chuộng của nhạc sĩ Duy Khánh bao gồm “Ai Ra Xứ Huế,” “Anh Về Một Chiều Mưa,” “Bao Giờ Em Quên,” “Biết Trả Lời Sao,” “Lối Về Đất Mẹ,” “Sầu Cố Đô,” “Thư Về Em Gái Thành Đô,” “Thương Về Miền trung,” “Trăm Năm Bến Cũ,” “Trường Cũ Tình Xưa.” “Vùng Quê Tương Lai,” “Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê.” (Vann Phan) [qd]


Nhạc phẩm “Biết Trả Lời Sao” của Duy Khánh

Có người gặp tôi, hỏi: “Sao lâu rồi không về thăm quê miền Trung?”
Dù thương vẫn thương nhưng non nước chưa yên lành,
quê hương còn nghiêng ngả, biết trả lời sao?

Biết trả lời sao cho em ấm đôi vành môi,
khi gió mưa trong đời,
mang bao ấm êm xa rồi,
gieo bao tiếng ca u hoài,
những đêm canh dài, biết trả lời sao?

Nhớ về Thần Kinh với bao tâm tình gửi về thương thương người em.
Giờ xa vẫn xa, đi cho nước non quê nhà,
thân trai tình đôi ngả, biết trả lời sao?

Biết trả lời sao khi chinh chiến đang tràn lan,
gieo tóc tang điêu tàn,
vai mang chí trai tang bồng,
quê hương khắc ghi trong lòng.
Đã thương nhau rồi biết trả lời sao?

Đ.K.:
Hôm xưa mình bên nhau,
vầng trăng lồng bóng nước sông sâu.
Chung bóng đôi đầu,
mong sao duyên mãi xanh màu,
mong tình dài thương mến lâu…

Hôm nay mình xa nhau.
Đường về chiến tuyến gió mưa sâu.
Đôi bóng đôi đầu,
cho nhau hai tiếng kinh cầu,
xin cuộc đời thương lẫn nhau.

Khi biết rằng đời trai chiến chinh không hẹn trở lại ngày mai chung tình đôi,
thì em hỡi em bao nhiêu ước mơ trong đời,
như mây chiều trôi nổi,
như mộng tàn thôi.

Biết trả lời sao đêm đêm núi cao rừng sâu,
theo bước chân quân hành,
đi cho nước non thanh bình,
mai đây có ai thương mình,
chí trai công thành…
Xin trả lời sau.


 

MỚI CẬP NHẬT