Thursday, April 25, 2024

Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến VNCH kỷ niệm 68 năm thành lập

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vừa tổ chức kỷ niệm 68 năm ngày thành lập tại nhà hàng Paracel Seafood, thành phố Westminster, vào sáng Chủ Nhật, 2 Tháng Mười.

Quang cảnh tổ chức với bài nhạc “Cờ Ta Bay Trên Thành Phố Quảng Trị Thân Yêu.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

TQLC Nguyễn Trung Việt, tổng hội trưởng Tổng Hội TQLC VNCH Hải Ngoại, kể lại lịch sử của Binh Chủng TQLC và những chiến thắng oai hùng tại chiến trường Việt Nam trước 1975.

“Tổng Hội TQLC luôn tạo sự đoàn kết nội bộ và giữ mối liên lạc chặt chẽ với các hội đoàn bạn, gia tăng ngân khoản yểm trợ các thương phế binh và quả phụ tại quê nhà. Có thực hiện như thế được hay không là do tất cả Mũ Xanh của chúng ta quyết định,” ông Việt nói.

TQLC Võ Thanh Sang, hội trưởng Hội TQLC Nam California, thay mặt ban tổ chức ngỏ lời chào mừng và cảm ơn mọi người đến dự.

Cựu Đại Tá TQLC Cổ Tấn Tinh Châu phát biểu: “Sự ra đời của Binh Chủng TQLC là một sự kiện lịch sử trọng đại của Quân Lực VNCH. Đó cũng là khát vọng và tâm nguyện của biết bao thế hệ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh cho đất nước. Với lòng yêu nước và cang cường, đây là phương châm luôn bùng cháy trong tâm hồn của người chiến sĩ đã được duy trì kể từ khi đoàn quân Mũ Xanh xuất hiện.”

Bà quả phụ cố Trung Tướng Lê Nguyên Khang (thứ tư từ trái) cắt bánh sinh nhật Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến 68 năm. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Trong chặng đường trên 20 năm chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành của Binh Chủng TQLC từ trong chiến tranh, những mất mát, đau thương và sự hy sinh là biết bao câu chuyện huyền thoại về người lính đã trở thành bất tử. Xương máu của các anh đã hòa cùng quê hương, đất nước. Nhưng tên tuổi và tấm gương dũng cảm để bảo vệ chủ quyền tổ quốc của các anh là những thiên sử anh hùng bất diệt,” ông Tinh Châu chia sẻ thêm.

Bà quả phụ cố Trung Tướng Lê Nguyên Khang, cựu tư lệnh Binh Chủng TQLC, tâm tình: “Thời gian trôi qua quá nhanh, kể từ ngày đau thương mất nước, tất cả anh em chiến sĩ Quân Lực VNCH bị bức tử, trong đó có biết bao nhiêu đồng đội đã nằm xuống vì quê hương dân tộc. Nhưng chúng tôi rất hãnh diện vì các anh đã chiến đấu rất cang cường để bảo vệ tự do, dân chủ cho mãnh đất miền Nam. Vì thế, dân tộc Việt Nam lúc nào cũng vinh danh và biết ơn những chiến sĩ anh hùng của Quân Lực VNCH.”

Thủy Quân Lục Chiến Võ Thanh Sang, hội trưởng Hội Thủy Quân Lục Chiến Nam California, phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bác Sĩ Trung Chỉnh, cựu bác sĩ của Tiểu Đoàn Quân Y TQLC, kể: “Tôi gia nhập vào Binh Chủng TQLC vào ngày 1 Tháng Tư, 1972, đúng lúc khởi đầu cuộc chiến tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Lúc đó, tôi phục vụ trong đơn vị Tiểu Đoàn 6 TQLC dự trận đánh Phượng Hoàng vào ngày 6 Tháng Tư, 1972. Sau đó, tôi được thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 1 TQLC và đã tham chiến trận đánh Quảng Trị. Trận này có rất nhiều anh em thương binh TQLC và cũng có nhiều người đã tử thương. Trung Đội Quân Y của chúng tôi may mắn là chỉ có một số ít các anh em Quân Y bị thương, chớ không có ai bị tử thương cả.”

Trong số quan khách đến dự, Nghị Viên Tài Đỗ của thành phố Westminster cho hay: “Đáp lời mời của ban tổ chức, chúng tôi đến đây để ủng hộ tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ quê hương của các chiến sĩ TQLC và tất cả những cựu chiến sĩ Quân Lực VNCH. Trong thời chiến, tại đất nước mình thì tôi còn rất nhỏ nên không có đi lính, nhưng ông anh lớn của tôi là cựu sinh viên sĩ quan Khóa 3/72 Trường Bộ Binh Thủ Đức, và anh cũng là cựu chiến sĩ của Binh Chủng Biệt Động Quân.”

Chiến hữu Nguyễn Đức Tiến, hội trưởng Hội Lực Lượng Đặc Biệt Nam California, nói: “Trong thời chiến, Binh Chủng TQLC cũng như những quân, binh chủng khác đều có chung nhiệm vụ là chống Cộng Sản để bảo về lãnh thổ cùng sự yên bình của đồng bào miền Nam VNCH, và tinh thần ‘Huynh đệ chi binh’ lúc nào cũng bất diệt.”

Các phụ nữ trong gia đình Thủy Quân Lục Chiến. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Chương trình văn nghệ rất sống động qua nhiều bài chiến đấu ca của Quân Lực VNCH, do ban văn nghệ “chủ nhà” TQLC đảm trách, với sự đóng góp của nhiều ban văn nghệ của các quân, binh chủng và hội đoàn bạn, qua sự điều hợp của cựu Y Sĩ Thiếu Tá TQLC Trương Minh Cường.

Theo ban tổ chức, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã ký nghị định thành lập Binh Chủng TQLC ngày 1 Tháng Mười, 1954. Đệ Nhất Tiểu Đoàn Bộ Binh Hải Quân (1er Bataillon de L’ infanterie Marine) đầu tiên được thành lập từ những Đại Đội Biệt Kích dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan Pháp, đồn trú tại căn cứ gần Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Cũng vào thời gian đầu này, Trung Tá Lê Quang Trọng được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng đầu tiên của Binh Chủng TQLC. Các tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1 TQLC gồm có Thiếu Tá Souquet (1954); Đại Úy Bùi Phó Chi (1955); Trung Úy Ngụy Văn Thành (1956); Đại Úy Nguyễn Văn Tài (1958); Đại Úy Lê Nguyên Khang (1960); Trung Úy Tần Văn Nhựt (1960); Đại Úy Tôn Thất Soạn (1964), và còn nhiều vị khác.

Khởi đầu Lực Lượng TQLC chỉ có sáu Đại Đội Giang Thuyền, năm Đại Đội Yểm Trợ Tác Chiến, và một chiến thuyền huấn luyện. Đến Tháng Năm, 1955, Trung Tá Lê Quang Trọng thiết lập bản doanh và Bộ Chỉ Huy TQLC chính thức tại trại Cửu Long, Thị Nghè. Sau đó, trại này được dời về 15 Lê Thánh Tôn, Sài Gòn.

Hoạt cảnh vinh danh các hiền thê Thủy Quân Lục Chiến. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Năm 1956, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bổ nhiệm Thiếu Tá Phạm Văn Liễu làm chỉ huy trưởng Binh Chủng TQLC, đó là vị chỉ huy trưởng thư hai của binh chủng này, và nâng binh chủng thành Liên Đoàn TQLC.

Lực lượng này được tăng thêm ba đơn vị, gồm Tiểu Đoàn 2 Bộ Binh TQLC, Đại Đội Trọng Pháo 106 ly, Đại Đội Chỉ Huy và Công Vụ Liên Đoàn. Thời gian này, các Tiểu đoàn trưởng của Tiểu Đoàn 2 lần lượt là Đại Úy Nguyễn Kiên Hùng (1956), Đại Úy Hoàng A Sam (1956), Đại Úy Lê Nguyên Khang (1957). Đến Tháng Năm, 1960, Thiếu Tá Lê Nguyên Khang được bổ nhiệm chức vụ chỉ huy trưởng Liên Đoàn TQLC, và các Đại Đội Thủy Bộ, Đại Đội Vận Tải, Đại Đội Truyền Tin, Đại Đội Quân Y được ra đời.

Sau ngày Cách Mạng 1 Tháng Mười Một, 1963, Đại Tá Lê Nguyên Khang được tái bổ nhiệm chỉ huy trưởng Liên Đoàn TQLC. Lúc này, Binh Chủng TQLC chính thức tách rời Quân Chủng Hải Quân và Lực Lượng Tổng Trừ Bị của Bộ Tổng Tham Mưu, Quân Lực VNCH. Ngày 1 Tháng Mười, 1965, Liên Đoàn TQLC được cải danh thành Lữ Đoàn TQLC và danh xưng của chỉ huy trưởng cũng được đổi thành Tư Lệnh TQLC.

Thủy Quân Lục Chiến Nguyễn Tiến Tân (trái) và Bác Sĩ Thủy Quân Lục Chiến Trung Chỉnh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ngày 1 Tháng Mười, 1968, đúng vào ngày sinh nhật của Lữ Đoàn TQLC lần thứ 14, cũng là ngày Lữ Đoàn được nâng lên cấp Sư Đoàn TQLC. Các đơn vị yểm trợ cũng tăng cấp thành các Tiểu Đoàn Yểm Trợ Thủy Bộ, Tiểu Đoàn Truyền Tin, Tiểu Đoàn Quân Y, và Tiểu Đoàn Công Binh. Sau đó, Sư Đoàn TQLC đã thành lập được Lữ Đoàn Thứ Tư nâng tổng số quân nhân của Sư Đoàn TQLC lên đến gần 20,000 người.

Ngày 9 Tháng Tư, 1975, Sư Đoàn TQLC được Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH tăng phái hành quân cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, với nhiệm vụ phòng thủ vòng đai Đông Bắc Sài Gòn, khu vực Biên Hòa và Long Bình.

Các Cọp Biển TQLC đã giữ vững phòng tuyến cuối cùng này, và họ chỉ buông súng theo lệnh của tân Tổng Thống Dương Văn Minh, tư lệnh Quân Lực VNCH vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, đánh dấu trang sử cuối cùng của Binh Chủng TQLC Quân Lực VNCH, sau hơn 20 năm chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do của miền Nam Việt Nam. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT