Tuesday, March 19, 2024

Những đoạn đường thế hệ trẻ miền Nam thời chinh chiến đã đi qua

Lê Hoàng Nguyên

Tình bạn

Năm 1954 mới di cư vào Saigon, hầu như các gia đình Công Giáo, chỗ nào nhà thờ có cha xứ là họ đến tụ tập xung quanh, ít nhất bước đầu có chỗ dựa về tinh thần. Gia đình Hùng, Cường, Hạnh… cũng không ngoài thông lệ đó. Khu Trương Minh Giảng hồi đó còn hoang dã. Cách đường Hiền Vương khoảng 500 thước là cầu Trương Minh Giảng, cạnh cầu là đống rác khổng lồ, sau người ta dẹp đống rác xây thành chợ TMG. Ngoài mấy căn nhà lá đơn sơ trong bãi trống, chạy dài tới lăng Cha Cả. Lúc đầu đa số dân ngoài Bắc định cư tại đây sống bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt rau, nhiều nhất vẫn là rau muống. Chẳng bao lâu khu TMG có xóm đạo Bùi Phát sầm uất nhất. Hùng, Cường, Hạnh thân nhau vì cùng trong ca đoàn nhà thờ và cùng xóm. Cường đệm guitar rất hay, Hùng và Hạnh là giọng ca chính trong ban thánh ca. Hễ có sinh nhật của người nào trong ban thánh ca, anh em đều tham dự đông đảo. Sinh nhật thứ 17 của Hạnh, Hùng tặng Hạnh một bông hồng nhung và con búp bê nhỏ xíu có đôi cánh thiên thần, Hùng nhìn Hạnh bằng đôi mắt trìu mến rồi nói:

-Ðây là thiên thần (hộ mạng) hãy luôn luôn mang theo bên mình.

-Cám ơn anh Hùng cho món quà rất đặc biệt (giọng nói run run, cảm động).

Mọi người tham dự đều hát cho vui, riêng Hùng hát bài Thương Hoài Ngàn Năm:

“Ngàn năm thương hoài một bóng người thôi
 Tình đã thôi rồi mộng khó nhạt phai

Ra đi ôm trọn niềm thương

Thương hoài ngàn năm còn đó
Ðá mòn mà tình có mòn đâu
Tình đầu là tình cuối người ơi
Tình ấy chỉ đến một lần, tâm tư thương hoài ngàn năm.”

Tiệc sinh nhật chấm dứt mọi người vui vẻ ra về.

Hùng học đệ tam, Cường học đệ tứ trường Chu Văn An. Năm 1958.

Không thấy Cường đi xem lễ ngày Chúa Nhật, Hùng lại nhà Cường hỏi thăm, bố mẹ Cường cho biết:

-Em nó hồi này đi làm việc ở tỉnh xa, lâu lâu mói về thăm gia đinh.

Bẵng đi một thời gian dài, Hùng và Hạnh xem ciné về, tạt vào quán bên đường uống nước, gặp em Cường ngồi trong quán, Hùng lân la lại chỗ em Cường để hỏi thăm mới hay Cường bỏ học đi chơi đàn cho ban nhạc trẻ lưu diễn các tỉnh miền Nam. Cường yêu một cô ca sĩ trong ban nhạc, hai người lập tổ uyên ương không được bao lâu thì cô ca sĩ bỏ Cường làm vợ bé ông đại gia, Cường thất tình, đăng đủ thứ lính có mặt khắp 4 vùng chiến thuật, đánh trận thì ít trong quân lao thì nhiều, đơn vị hiện tại là lính dù.

Nhập ngũ

Năm 1965 Hùng bị động viên theo học khóa Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức. Tháng đầu SVSQ không được đi phép về Saigon, cuối tuần Hạnh đến thăm Hùng tại cổng trại trường Thủ Ðức. Hạnh nhìn Hùng đen, gầy nên mắt rưng rưng lệ, Hùng cầm tay Hạnh giọng trìu mến:

-Trong này giang nắng suốt ngày ngoài bãi tập nên người đen rắn chắc, nhưng anh rất khỏe.

Rồi vòng hai cánh tay ôm chặt Hạnh vào lòng tính hôn, Hạnh đẩy Hùng ra và nói:

-Ở đây đông người làm vậy kỳ quá.

Ngày mãn khóa Hạnh đến tham dự được Hùng cho biết đã tình nguyện gia nhập binh chủng Nhẩy Dù. Nghe vậy Hạnh giẫy nẩy và nói:

-Nghe người ta nói đi lính dù nguy nguy hiểm lắm.

-Mỗi người đều có số mạng, giầy còn có số nữa mà em, lo chi cho tóc mau bạc!

Binh Chủng Dù

Những tháng học nhẩy dù thức dạy 5 giờ sáng chạy đoạn đường dài 10 cây số. Căng thẳng là nhẩy chuồng cu, dây tử thần, không áp dụng đúng cách chỉ dẫn dễ gây ra tai nạn. Kết thúc khóa học là nhẩy sô đêm làm các học viên lên ruột.

Trước khi đáo nhận đơn vị, Hùng được nghỉ 3 ngày phép, anh tới trường Hạnh đang dạy học, nói Hạnh xin phép nghỉ ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy để có nhiều thời giờ đi chơi. Hạnh xinh xắn đoan trang thùy mị, nhiệt tình trong mọi công tác, nhất là giọng ca chính của trường nên được đồng nghiệp ai cũng mến.

Sau khi ở văn phòng hiệu trưởng ra, Hạnh khoe với Hùng:

-Em nhờ thầy hiệu trưởng dạy giùm, ông vui vẻ nhận lời ngay, ông nói:

-Bồ của cô là lính Dù trông oai ghê.

Chiều hôm đó Hùng đưa Hạnh lại rạp Rex coi phim Love Story sau đó lại nhà hàng Moulin Rouge ở đường Trần Hưng Ðạo có món chả giò nổi tiếng Saigon. Sáng hôm sau Hùng đưa Hạnh vào hẻm Casino ăn bún ốc rồi đến rạp Eden (Catinat) xem phim Romeo et Juliette, Rạp này trên lầu chia ra từng lô 4 người, hai người ngồi riêng rẽ, (tiện cho các cặp nhân tình) phim vừa chấm dứt, Hùng vào toilet lău miệng vì dính môi son của Hạnh. Trên đường chở Hạnh về Hùng hỏi Hạnh:

-Phim có hay không em?

-Phim rất hay, nhưng cốt truyện buồn… tại anh không xem cứ mải… đôi lúc em bị gián đoạn rồi cấu nhẹ tay Hùng giọng hờn trách.

-Em bắt đền anh đấy.

-Thôi, tối nay anh đưa em đi phòng trà Ðêm Mầu Hồng (đường Hàm Nghi) nghe ban Thăng Long trình diễn được không?

-Vậy anh chở em tới nhà cô bạn thân, nó thích nghe nhạc dễ sợ.

Chín giờ thiếu 15, Hùng đứng xớ rớ trước phòng trà, thấy Hạnh chở cô bạn ngồi sau xe Honda, Hùng giơ tay vẫy chào hai người. Hạnh gửi xe xong giới thiệu bạn mình với Hùng

-Ðây là chị Nga dạy cùng trường em, còn đây là anh Hùng bồ ruột.

Hùng nói: “Hân hạnh được biết chị,” rồi tiếp:

-Sắp đến giờ trình diễn, mình vào kiếm bàn ngồi kẻo hết chỗ.

Một lúc sau người bồi bàn mang 3 ly cam vắt tới, Hùng đưa anh ta mảnh giấy và ít tiền típ. Trong 3 người, Nga là người nghe say sưa nhất. Nga hết lời khen và nói với Hùng:

-Lần đầu em mới đến phòng tra này, toàn ca sĩ nổi tiếng hát những bản nhạc cùng trang lứa mình thích.

Sau khi Lệ Thu, Khánh ly, Sĩ Phú đến lượt Thái Thanh hát bài Thương Hoài Ngàn Năm (do tờ giấy Hùng yêu cầu). Hạnh nhìn Hùng với đôi mắt long lanh trìu mến và nắm chặt tay Hùng tỏ lòng cám ơn.

Hai tiếng ngồi nghe những bản nhạc trữ tình không biết chán. Nga nhìn đồng hồ thấy 11 giờ khuya, nên đề nghị:

-Trời hơi muộn, chúng mình về để dịp khác đi xem tiếp.

Sau khi đưa Nga về tận nhà. Trời về khuya càng lạnh, Hạnh ngồi sau xe ôm chặt eo Hùng cho ấm. Hùng ngừng xe gần cửa nhà Hạnh, chó hàng xóm sủa inh ỏi, đèn nhà Hạnh bật sáng, Hạnh nói với Hùng:

-Chắc mẹ em chờ em về để mở cửa?

Hùng hôn nhẹ trên trán Hạnh để từ giã

Tiếng cánh cửa mở, Hùng nghe rõ tiếng mẹ Hạnh trách: “Sao con về khuya thế?”

Sáng Chủ Nhật, sau khi ở nhà thờ ra, không còn phim nào để xem, Hùng đưa Hạnh lại thăm một số bạn cùng khóa Nhẩy Dù. Vào nhà Khanh đã thấy Bình và Khiêm đang loay hoay dọn lên bàn một đĩa thịt vịt quay chặt sẵn, thịt phá lấu, đĩa đồ chua và chai Henessy. Hùng giới thiệu các bạn với Hạnh:

-Ðây là anh Khanh, Khiêm, Bình, còn đây cô giáo Hạnh.

Khanh: “Nhân tiện hai bạn đến đột xuất xin mời chị nhậu với tụi này cho vui.”

Hạnh:

-Cám ơn các anh để anh Hùng thủ tiếp các anh được rồi, nếu anh Hùng xỉn, tôi xin làm tài xế đưa về.

Hùng:

-Bốn thằng có một chai thấm thía gì, và tiếp:

-Mời các bạn nâng ly, chúc ngày mai nhận đơn vị gặt hái nhiêu điều tốt lành. Khanh gọi người em gái trong bếp ra tiếp chuyện Hạnh.

Xế trưa, bữa nhậu tàn. trước khi chia tay mọi người dặn nhau ngày mai có mặt trước 8 giờ sáng tại hậu cứ TÐ9ND đóng bên cạnh BTL/SÐ/ND (trại Hoàng Hoa Thám).

Sau khi lãnh đầy đủ quân trang, quân dụng, Hùng, Khanh. Khiêm, Bình được đua ra phi trường TSN đáp phi cơ C.130 ra nơi TÐ đang đóng quân tại bờ sông Thạch Hãn, gần thị xã Quảng Trị. Bốn tân sĩ quan được hướng dẫn vào trình diện TÐT, nhân tiện BCH/TÐ đang họp, thiếu tá TÐT nói:

-Ðơn vị như một đại gia đình, sống chết luôn luôn có nhau, đùm bọc, nâng đỡ quan tâm đến từng thành viên trong đơn vị, nhưng, vẫn duy trì kỷ luật để họ không trở thành kiêu binh, mỗi ÐÐ được bổ sung một sĩ quan, nhắc các ÐÐT kèm riết bốn sĩ quan mới một thời gian cho cứng cáp.

Hùng được nhận vào ÐÐ 92 anh Thành làm ÐÐT, anh Thành là Bắc Kỳ di cư (1954) trước đây là đồng môn CVA. Hùng gặp Thành nên ngày đầu không bị lẻ loi, bỡ ngỡ. Thành dẫn Hùng đi giới thiệu, làm quen các sĩ quan trong ÐÐ. Thành nói:

-Theo chỉ thị của TÐT anh phải nằm tại BCH/ÐÐ một thời gian để học hỏi, hiểu biết thực tế hoạt động của đơn vị, rút ra được những kinh nghiệm chiến đấu.

Hùng ăn cơm chung với Thành, sau bữa cơm, Thành lấy phóng đồ bố trí phòng thủ của ÐÐ và TÐ cho Hùng biết, và nói:

-Sẩm tối tôi đưa anh đi thám sát vị trí phòng thủ của ÐÐ. Những ngày kế tiếp, Thành hướng dẫn Hùng cách gài mìn claymore, chấm tọa độ tiên liệu Phao Binh… phản ứng cấp thời khi bị tấn công hay bị phục kích bất ngờ, kỹ thuật hành quân cấp ÐÐ-Trg/Ð…

Một tuần sau xe GMC chở TÐ đến Ðông Hà, quận này ráp danh quận Gio Linh. Sẩm tối, TÐ mới tới nơi, vừa đóng quân xong chưa đào hố cá nhân đã bị pháo 122 ly của VC chào đón. Lần đầu Hùng nghe đạn pháo địch nổ long trời, lở đất, phản ứng tự nhiên, Hùng nằm xuống đất, hai tay giữ chặt nón sắt, tim đập mạnh hồi hộp, trong khi đó Thành vẫn bình tĩnh đứng cầm máy PRC 25 dặn dò các đứa con canh phòng cẩn mật. Cuộc hành quân cấp chiến đoàn mục đích bảo vệ cho toán chuyên viên Mỹ thiết lập hàng rào điện tử Mc Namara trong vùng phi quân sự (vĩ tuyến 17) hệ thống này dùng để phát hiện người và xe cộ chở vũ khí xâm nhập từ phía Bắc Việt.

Trước lúc xuất quân TÐT cho các ÐÐT biết mình đánh lừa địch bằng cách xuất phát từ chợ Ðông Hà, thay vì đi về hướng Bắc, TÐ men dọc bờ Nam sông Ðông Hà vào căn cứ Hải Quân cửa Việt ở đó có tầu của HQ Mỹ đón đưa qua bờ Bắc cửa Việt. Ðể tránh đài quan sát của địch, TÐ xuất phát lúc 1 giờ khuya vậy mà địch vẫn bắn đuổi theo, đôi lúc làm ngưng trệ cuộc tiến quân. Chứng tỏ địch cho tiền sát viên bám sát các đơn vị hành quân. Giọng nói của một ÐÐT vang trong máy:

-Báo Bắc Hải (danh hiệu cua TÐT) tôi bị chúng ném đá trước mặt 3 thước (vì biết VC đang kiểm thính, nên lừa địch) VC tưởng bắn trúng đích, nên cứ bắn liên tục cách xa đơn vị 3 CS. Các đơn vị hành quân làm xong nhiệm vụ yểm trợ an ninh cho toán chuyên viên Mỹ, bèn rút nhanh ra khỏi vùng phi quân sự để tránh tổn thất vì đạn pháo địch. Qua cuộc hành quân, Hùng rút ra được một số kinh nghiệm trên chiến trường: Trong lúc hữu sự, cấp chỉ huy phải luôn luôn bình tĩnh, nhiều sáng kiến thích hợp cho từng trường hợp mới mong bảo tồn nhân mạng, mang chiến thắng cho đơn vị.

Hơn hai tháng đơn vị Hùng đóng quân tại vùng hỏa tuyến, luôn luôn đối mặt với kẻ thù gian ác. Có ra chiến trường mới nhận thức được trách nhiệm nặng nề của cấp chỉ huy. Hàng tuần đọc thư của Hạnh, nên đầu bớt căng thẳng. Mỗi lần viết thư cho Hạnh, Hùng chỉ nói đến sự nhớ nhung khi hai người xa cách nhau, phong cảnh cố đô Huế, Quảng Trị và gian truân của người lính trận, tuyệt đối không đả động đến sự nguy hiểm khi xông pha vào lửa đạn quân thù. Mấy lần bị thương nhẹ, Hùng điều trị tại Quân Y Viện Huế. Vết thương lành lặn, Hùng lại trở về đơn vị. Sau mấy tháng nằm gai nếm mật

Cùng mọi người trong ÐÐ, lúc này Hùng đủ lông, đủ cánh, nên ÐÐT Thành đưa Hùng xuống làm trung đội phó của trung đội trưởng Dưỡng, phải nói ngay trung đội anh là mũi nhọn của ÐÐ nói riêng, TÐ nói chung, ngoài mặt trận anh rất gan dạ, anh rất yêu thương, nâng đỡ, quan tâm đến thuộc cấp. Chính đức tính của anh Dưỡng đã ảnh hưởng sâu đậm đến việc chỉ huy của Hùng sau này.

Ba tháng hành quân liên tục tại VICT, tiểu đoàn được nghỉ phép một tháng tại hậu cứ Saigon, và bổ sung quân số. Hùng mua theo các bạn nào nón bài thơ, kẹo mè xửng (đặc sản của Huế) về tặng Hạnh. Hùng đứng ngoài cổng trường đón Hạnh để đưa quà. Nhìn thấy Hùng, Hạnh cười vui vẻ:

-Anh chờ em lâu chưa?

-Một phút là một thế kỷ – nói xong Hùng đưa quà cho Hạnh, và tiếp:

-Thôi chúng mình kiếm quán nước ngồi nói chuyện.

-Sao anh khéo mua quà vậy?

-Thật ra anh thấy mấy bạn mua anh mua theo chứ…

-Hạnh nhìn Hùng bằng đôi mắt đăm chiêu, trìu mến, và nói:

-Mới có mấy tháng xa nhau nhìn anh khác hẳn, người gầy rộc đi, trông hom hem, già thấy rõ? Chắc hành quân vất vả lắm sao?

-Lội rừng, lội suối, dầm mưa dãi nắng suốt ngày, nhiều đêm nhìn hỏa châu rơi, nghĩ đến em làm anh mất ngủ.

-Thôi ông ơi! Bầy đặt nhớ với nhung làm người ta cảm động rơi nước mắt…

Sau câu nói của Hạnh, hai người cười vui vẻ. Hùng cầm tay Hạnh trịnh trọng nói:

-Anh nghỉ phép một tháng lận, bữa nào rảnh anh lại nhà thăm ba mẹ em có tiện không?

-Ðể em sắp xếp báo cho anh biết sau. Mấy đứa em nhìn thấy em đi với anh, tụi nó mách mẹ em, em đi chơi với lính Dù, mẹ em hỏi em có thật như vậy không? Em cười trừ.

Tình yêu hai người càng ngày càng gắn bó, có lần Hạnh nói với Hùng bằng giọng thiết tha:

-Anh có bao giờ sợ mất em không? Nếu sợ, tại sao không thu xếp làm đám hỏi, để danh chính ngôn thuận, mỗi lần đến nhà rủ em đi chơi?

-Anh không sợ vì đọc trong mắt em, anh thấy rõ tâm hồn em, anh chỉ sợ anh làm dang dở đời em… vả lại lúc này chưa thuận tiện…

Nghỉ phép xong, đơn vị lại trở ra vùng ICT tăng phái cho SÐIBB. Là đơn vị tăng phái, nên được SÐ tận dụng, chỗ nào mặt trận nặng là có mặt TÐ (nhiệm vụ nào cũng hoàn tất). Tại VICT không chỗ nào thiếu dấu giầy Saut của TÐ9ND. Hai sư đoàn tổng trừ bị(ND-TQLC) luân phiên hết lữ đoàn này tăng cường cho vùng 1-2-3 CT lại thay thế lữ đoàn khác.

Cuối năm 1967, TÐ được lệnh bố trí sát thị xã Quảng Trị. Qua kinh nghiệm, VC hay lợi dụng thời gian hưu chiến để tấn công vào đơn vị, cơ sở quân đội VNCH trấn giữ, nhất là dịp Tết Nguyên Ðán. Mật lệnh lữ đoàn Dù ban xuống nhắc các TÐ luôn luôn cảnh giác cao độ vì có thể VC tấn công, nên cho các ÐÐ tuần tiễu, đào công sự chiến đấu, đặt mìn claymore, mìn chiếu sáng. Lần đầu tiên Hùng ăn tết ngoài mặt trận. Chiều 30 tết, mọi người ăn uống no say, Hùng men ruợu ngất ngây cùng các bạn nâng ly hát bài Ly Ruợu Mừng.

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
….
Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình

Hát khúc hoàn ca thắm tươi đời lính

Ngày ấy quê hương yên vui, đợi anh về trong chén tình đầy vơi

Buổi văn nghệ tự phát kéo tới 8 giờ tối, mọi người về vị trí đóng quân ngũ. Khoảng 3 giờ khuya ngày mùng 1 Tết, tiếng súng địch nổ rền vào vị trí đóng quân của ÐÐ92, mọi người lăn xuống hố bắn trả mãnh liệt về phía địch, ẩn nấp trong cánh rừng mù sương. Nghe trong máy báo ÐÐ94 đóng tại khuôn viên nhà thờ Chi Bửu bị VC tràn ngập, ÐÐT và hai sĩ quan cùng cố vấn Mỹ bị tử thương, lệnh BCH/TÐ bắt ÐÐ92 rút về giải vây cho TÐ. Ðại đội di chuyển trên QLI đến ngã tư nhà thờ La Vang bị địch từ xóm nhà bên trái, bắn ra vũ bão, TR/Ðội trưởng Dưỡng hô to cho các binh sĩ xung phong bắn xối xả vào các căn nhà VC ẩn núp, Hùng dắt tiểu đội bọc hậu, dùng lựu đạn tiêu diệt các ổ kháng cự, chẳng mấy chốc ÐÐ làm chủ tình hình, bắt tay với tiểu đoàn, TÐ thừa thắng xông lên đánh dạt VC ra khỏi thị xã Quảng Trị.

Sau khi thu lượm chiến trường, vừa súng của bạn và súng đủ loại của VC. Ngoài số địch bị chết, ÐÐ bắt sống 10 tên tù binh, tổn thất của TÐ vừa SQ, BS 16 người. Dân chúng thị xã vui mừng mang bánh, mứt tặng các anh hùng Mũ Ðỏ.

Sáng mùng 3 Tết, TÐ được trực thăng Chinook bốc cắp tốc vào giải vây thành nội Huế, vì VC chiếm hết các cổng thành. chúng bố trí trên bờ tường cao kiên cố, ngoại trừ đồn Mang Cá do Ð/Tá Ngô Q Trưởng TL/SÐIBB, quyết tâm cố thủ cùng một số binh sĩ văn phòng, và hàng ngàn thương binh.

TÐ 9/Dù đổ quân ngay sân bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong đồn Mang Cá, bắt tay với BTL/SÐIBB làm anh em binh sĩ BTL/SÐ lên tinh thần, vì được tăng viện TÐ/Dù thiện chiến. Sáng ngày 5, TÐ9D xuất phát tái chiếm phi trường Tây Lộc từ đó tiến về chiếm cửa Chánh Tây. Qua tin tức được biết TÐ2D và TÐ7D sau ba ngày quần thảo ác liệt với VC trong nội thành, hai TÐ thiệt hại nửa quân số, nên chiến trường tại đây có phần lắng dịu. Ðánh tụi VC trong nội thành thật vất vả, vì chúng chiếm các cao ốc, ngã tư đặt súng thượng liên, binh sĩ phải đục tường, leo cửa sổ để tiến. Khi đến gần bờ thành, trời sẩm tối. TÐ dừng quân, quan sát trên bờ thành VC vác súng AK đi tới lui canh gác. Chờ tối đen, TÐ lựa một số khinh binh thiện chiến, gan lì, leo lên tường đánh cận chiến bằng lưỡi lê, chiếm một góc cổng thành, làm đầu cầu cho ÐÐ vượt bờ thành, đồng loạt hô xung phong rồi bắn xối xả làm địch trở tay không kịp, lối đánh liều mạng, tất nhiên phải chấp nhận thiệt hại hơi cao, nhưng không còn lựa chọn nào hơn. Chiếm xong cửa Chánh Tây, TÐ bàn giao cho SÐ1BB trấn giữ, TÐ tiếp tục đánh chiếm cửa Ðông Ba, Thượng Tứ, Chính Nam. Một tháng đánh nhau với VC, giành từng căn phố. TÐ9D thiệt hại tới 80% quân số. Khanh tử trận trong trận này Hùng bị mảnh súng cối ghim nhiều chỗ trên lưng, đặc biệt bị mất chiếc răng hàm bên má trái.

Giải tỏa xong VC tại Huế, TÐ về hậu cứ Saigon nghỉ xả hơi, chữa bệnh, bổ sung quân số. Trong khi nằm điều trị tại bệnh xá Ðỗ Vinh, Hùng không báo cho gia đình biết để mẹ Hùng khỏi lo, nhất là Hạnh. Nửa tháng sau bệnh lành lặn, Hùng một mình lại nhà Khanh chia buồn với ba má Khanh, thắp nhang vái bạn.

Hùng lại thăm Hạnh tại nhà nàng, thấy người Hùng nước da xanh, Hạnh ân cần hỏi:

-Nhìn cái sẹo ở má anh, biết anh mới bị thương. Hàng đêm em theo dõi trên đài truyền hình, các phóng viên quay cảnh binh sĩ Dù tái chiếm Cổ Thành Huế, họ đánh ác liệt giành từng căn nhà với VC trông không khác cảnh trong phim ciné. Nhưng vinh quang nào cũng phải trả giá!

Những ngày hai người gần nhau vui vẻ bao nhiêu, lúc chia tay bịn rịn bấy nhiêu. Trận đánh tết Mậu Thân ở Huế làm TÐ hao hụt 2/3 quân số nên được bổ sung đầy đủ, TÐ phải đi TTHL hấp lại toàn bộ. Trung đội Trưởng Dưỡng lên làm ÐÐT thay thế ÐÐT Thành làm TÐP/TÐ9ND, Hùng thay thế Dưỡng nắm trung đội trưởng. TÐ lại lên đường tham dự các mặt trận Tây Ninh, Hố Bò, Gò Nổi, mật khu Ðỗ Xá, Bời lời, chiến khu Ð, Pheiku, Kontum… Khắp 4 VCT đều có vết giầy sô của TÐ9ND.

Ðầu năm 69, Hùng thuyên chuyển về TÐ6ND, nằm ÐÐT. Ngày rời đơn vị TÐT nói:

-Cậu đi đơn vị khác, tôi rất tiếc, vì quyền lợi cá nhân vả lại vẫn trong binh chủng Dù, nên tôi không giữ cậu lại. Chúc đáo nhận đơn vị mới gặt được nhiều thắng lợi, và may mắn.

Khi chia tay các bạn và binh sĩ thuộc quyền, lòng Hùng bịn rịn, tay ôm chặt từng người không muốn rời.

Tiểu Ðoàn 6 Nhẩy Dù

Hùng trình diện TÐT/TÐ6ND xong, khi quay ra gặp Cường đứng xớ rớ ở bàn giấy ban quân số, Hùng gọi:

-Cường, mày có nhận ra tao không?

-Hùng chứ ai? Ði lính lâu chua mà mang lon tr/úy?

-Mới có 3 năm, còn mày ở TÐ này bao lâu?

-2 năm thôi ông ơi.

Hùng hỏi Cường:

-Mày có bận gì không? Nếu không tụi mình xuống câu lạc bộ làm mỗi thằng vài chai bia.

Vừa uống vừa hàn huyên. Cường là người hiểu biết, luôn luôn giữ quân phong, quân kỷ, khi không có ai ngồi cạnh thì Cường còn gọi Hùng mày mày, tao tao, có người khác, Cường “Thưa trung úy đàng hoàng.”

Ðôi khi nghe Cường xưng hô “thưa”… Hùng nghe hơi ngượng tai nhưng, trong quân đội phải có kỷ luật mới chỉ huy được.

Trong thời gian nghỉ, Hùng đi thăm các sĩ quan ở ÐÐ khác, sau đó mới sinh hoạt với ÐÐ mình, anh ân cần hỏi han hoàn cảnh từng người trong ÐÐ, ghi trong sổ tay…

TÐ được lệnh hành quân mật khu Ðỗ Xá (Quảng Ngãi) Phi cơ C130 chở TÐ từ Vũng Tầu bay thẳng ra phi trường Quảng Ngãi. Cuộc HQ này gồm có cả TÐ9D, TQLC, BÐQ, Trung đoàn 22BB, Pháo binh, Thiết Giáp tham dự. TÐ/Dù dùng chiến thuật Diều Hâu. ÐÐ Hùng được trực thăng bốc đổ quân ngay trên đầu địch làm VC trở tay không kịp, tiến chiếm hết mục tiêu này đến mục tiêu khác cứ thế tiếp tục truy kích quân địch trong10 ngày, đánh dạt chúng vào tận sâu mật khu. Ngoài một số kho dự trữ của chúng bị thiêu hủy, tịch thu súng đạn đủ loại, Khai thác tài liệu và lời khai của tù binh VC, được biết kế hoạch của chúng đưa một trung đoàn thuộc SÐ308 phối hợp với chủ lực quân cùng du kích địa phương đánh phá, triệt hạ dần các đồn bóp quận lỵ thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Trong trận này tương đối đỡ hao quân. TÐ nghỉ 3 ngày tại thị xã Quảng Ngãi, Hùng gặp lại các sĩ quan ÐÐ92/TÐ9/ND kéo nhau đến quán nhậu bí tỉ. Nghỉ xả hơi 3 ngày xong, TÐ được lệnh lên Kontum giải tỏa quốc lộ từ Kontum về Pleiku. Vùng này rừng rậm rạp, nhiều muỗi, hai mươi ngày sau mới khai thông quốc lộ. Trong cuộc HQ này một số SQ và BS bị sốt rét nặng, Hạ si mang máy truyền tin cho Hùng bị thương nặng. TÐ trở về hậu cứ(Vũng Tầu) dưỡng quân, bổ sung cho đủ cấp số.

Hùng nói với Cường:

-Tao muốn mày đi HQ với tao, cho có bạn, nếu chịu tao lên TÐT xin đích danh mày.

-Mày muốn tao thế chân anh mang máy truyền tin?

-Ðúng vậy, nói trước vất vả và gay lắm đấy.

-Ai sao mình vậy, chết có số cả, chứ mang tiếng là lính Dù mà ru rú tại văn phòng chán thấy mồ.

Hùng đề nghị TÐT chịu ngay, ông còn nói:

-Cậu chọn thằng Cường là đúng quá, tôi thấy nó nhanh nhẹn, tháo vát.

-Thú thật với thiếu tá ngoài đời nó vừa là bạn vừa đồng môn Chu Văn An. Chỉ vì cái tật ham chơi đàn bỏ học theo ban nhạc trẻ đi trình diễn khắp tỉnh miền Nam, thất tình bèn vào lính, nó với tôi có nhiều điểm giống nhau. Tính tình nghệ sĩ nhưng thích xông pha vào lửa đạn nên chọn binh chủng (thiên thần Mũ Ðỏ) phục vụ.

TÐT nói:

-À sắp đến ngày kỉ niệm thành lập TÐ cậu và thằng Cường phụ trách phần văn nghệ?

-Thiếu tá khỏi lo, tổ chức văn nghệ là nghề của tôi với nó.

-Vậy kỳ này tôi mời tất cả các đơn vị trưởng ở Vũng Tầu tới dự.

Hùng nói cho Cường biết:

-TÐT giao cho tao với mày tổ chức văn nghệ nhân dịp ngày thành lập đơn vị mày tính sao?

-Yên tâm tao quen ban nhạc Thiếu Sinh Quân chỉ cần thiếu tá mình phôn cho cho ông đơn vị trưởng bên đó một tiếng là xong ngay, ca sĩ có mấy em nữ sinh ngoài Vũng Tầu hát được lắm, tao ới một cái là họ có mặt ngay.

Hùng:

-Tao sẽ về Saigon kéo Hạnh và bạn cô ta đến hát cho xôm tụ.

Bữa tiệc hôm nay ngoài các đơn vị trưởng còn có vợ con binh sĩ tham dự đông đảo, náo nhiệt.

Chương trình buổi hội thật là đa dạng: nào là tân cô nhạc, độc tấu tây ban cầm, kể chuyện vui đời lính chiến. Hùng điều khiển chương trình, mở đầu Hùng hát bài (Em Gắng Chờ):

“Trên bến năm xưa ngày nào
Em tiễn đưa anh nghẹn ngào
Nhìn nhau bâng khuâng nao nao ôi buồn sao

Vai súng hiên ngang hẹn cùng người cũ

Chiều chiều ngoài biên cương
Nhìn ra khơi ngàn sóng biếc mơ đến em
Bên bến sông buồn trông chờ
Hẹn thầm rằng xa xôi tình đôi ta dù chia phôi
Vững lòng chờ anh em nhé nối duyên tình xưa

Niềm vui dâng cao trong câu thanh bình ca
Quên tháng năm qua đợi chờ
Tay nắm tay nhau hẹn hò
Chung đắp xây lại cuộc đời thái hòa… ”

Sau đó lần lượt các sĩ quan trong TÐ, Hạnh, Nga và các nữ sinh hát:

Phiên gác đêm xuân, Tình người lính chiến, Mộng lành, Bao giờ biết tương tư,… xen kẽ Cường độc tấu tây ban cầm, Hạ Sĩ Xê 6 câu vọng cổ. Mỗi lần chấm dứt tiết mục mọi người vỗ tay hoan hô, náo nhiệt nhất vẫn là vợ con binh sĩ. Chương trình tiếp diễn đến 11 giờ đêm, đại tá-thị trưởng Vũng Tầu lên nói vài lời cảm tưởng:

-Ðã lâu không nghe các ca sĩ chuyên nghiệp trình diễn, mặc dù hôm nay toàn ca sĩ nghiệp dư, cây nhà lá vườn quen hô “Xung Phong” nhưng giọng hát rất ngọt ngào, trữ tình không thua ca sĩ nhà nghề. Tôi xin ủng hộ 20 ngàn cho bữa tiệc này, tiếng hoan hô vang cả góc trời. Cuộc vui kéo dài đến 12 giờ khuya thì chấm dứt, mọi người ra về lòng hoan hỉ. Cường lái xe đưa Hạnh, Nga ra phòng ngủ ngoài bãi trước nghỉ đêm. Lúc chia tay Hạnh nói:

-Chuyện chúng mình anh tính sao? Bộ bắt em chờ anh đến già hở?

-Anh viết thư cho mẹ anh chuẩn bị mọi thứ, kỳ phép tới anh sẽ làm đám hỏi em. Hạnh giọng nũng nịu:

-Sao bây… giờ anh mới cho em biết?

-Anh muốn làm em bất ngờ, nói xong Hùng siết chặt Hạnh trong vòng tay hôn say đắm làm Hạnh muốn ngộp thở.

-Anh ở lại đây với em được không?

-Hẹn lần sau… chúc em ngủ ngon nhiều mộng lành…

Sáng hôm sau Hùng rủ Cường lái xe Jeep đón Hạnh, Nga cùng đi ăn sáng.

Gặp Hạnh và Nga Hùng nói:

-Sao tối hôm qua hai quý vị ngủ ngon không?

Nga nói:

-Hai đứa mãi nói về đêm văn nghệ, trằn trọc mãi mới ngủ được.

Hùng nói với Cường:

-Mày là thổ công ở đây cho toàn quyền sắp chương trình đưa quí khách ngoạn cảnh Vũng Tầu.

Cường “làm gì thì làm trước tiên phải dằn cái bao tử cho ổn xong tôi hướng dẫn quí vị thăm dinh Bảo Ðại, lên đài Hải Ðăng trên núi Lớn dùng ống nhòm quan sát cảnh ngoài khơi Vũng Tầu, xuống bãi giữa tắm, rồi trở lại phố chợ thưởng thức món hải sản Vũng Tầu, mua mắm ruốc bà Giáo Thảo về làm quà. thế là hết ngày.”

Hùng:

-Mày tính gọn quá.

Mọi người cởi quần áo xuống tắm, Hạnh nhìn trên thân thể Hùng nhiều vết sẹo còn hồng chứng tỏ vết thương mới lành, lòng đau xót trách Hùng:

-Anh bị thương nhiều lần sao không cho em biết để đi thăm?

-Em đến thăm thấy anh băng bó khắp người em nước mắt ngắn dài làm anh nản chí.

Khoảng 2 giờ chiều Hạnh, Nga lên xe về Saigon, Hùng lái xe Jeep chạy theo xe Hạnh đến ngã tư Giếng Nước quẹo phải về hậu cứ TÐ6D cách ngã tư một cây số. TÐT gọi các ÐÐT lên hỏi ý kiến về số tiền 20 ngàn ông thị trưởng tặng. Hùng đề nghị:

-Nên mua quà ủy lạo các thương bệnh binh của TÐ.

TÐT giải quyết như vậy có tình có lý.

Ngày vui qua mau, các lữ đoàn Dù thay phiên trấn giữ vùng hỏa tuyến hoặc kéo nhau giải vây cho Kontum, Pleiku. TÐ về hậu cứ vào buổi chiều, tối có lệnh sáng sớm ngày mai TÐ lên đường tham dự HQ vùng bến Cát Bình Duơng, nhiệm vụ của TÐ tấn công một làng ven rừng.

TÐ được trực thăng vận đổ quân xuống bãi đáp, các ÐÐ dàn hàng ngang cách chân làng 200 thước thì bị hỏa lực địch từ trong làng bắn ra rất ác liệt, các ÐÐ không sao tiến quân nổi, Hùng ngồi cạnh Hạ Sĩ Xê xạ thủ khẩu M. 60 nghe tiếng đạn súng cối rớt, Hùng đẩy Xê ngã xuống bờ ruộng nằm đè lên trên, quả đạn rơi cách khẩu đại liên 2 thước, làm khẩu súng văng đi xa bất khiển dụng, mảnh đạn chỉ làm rách lớp vài bên ngoài áo giáp của Hùng. Cố vấn Mỹ gọi 2 phi tuần gunship thay phiên bắn vào mục tiêu địch, sau đó phi cơ A37 của KQVN đến thả bom Napalm lúc đó hỏa lực địch dịu lại, Hùng ra lệnh cho mọi người đeo mặt nạ rồi phóng dàn hơi cay E8 vào vị trí phòng thủ địch, Hùng hô xung phong các binh sĩ đồng loạt đứng lên vừa chạy vừa bắn xối xả vào vị trí địch, Hạ Sĩ Xê chạy trước tay cầm lựu đạn tiêu diệt ổ thượng liên của địch rồi giơ cao khẩu thượng liên lên trời làm cả ÐÐ lên tinh thần, thanh toán từng chốt kiềng của địch, hơn 2 tiếng sau mới nhổ hết, trên đà chiến thắng Hùng cho ÐÐ mình đánh tạt sang hông phải giải tỏa áp lực địch cho BCH/TÐ. Ba tiếng sau TÐ đánh bật VC ra khỏi khu vực làng, chúng kéo nhau tháo chạy vào rừng, vì trời tối nên chỉ thu những chiến lợi phẩm trên mặt đất chưa kiểm soát các địa đạo chằng chịt, chứng tỏ địch ở đây cấp TÐ trở lên, sau đó TÐ rút khỏi làng đóng quân cách làng một cây số, Hùng đề nghị TÐT cho anh để lại trong làng hai trung đội, rút trong ÐÐ những binh sĩ gan dạ, thiện chiến, anh đích thân chỉ huy, vì biết VC Thể nào cũng trở lại lấy xác đồng đội. Hùng bố trí con cái mình ở những nơi trọng điểm. Các con đường mòn từ rừng vào làng Hùng cho đặt mìn claymore, gài lựu đạn vào xác VC, im lặng vô tuyến, cấm hút thuốc các trung đội còn lại nằm ngoài làng sẵn sàng tiếp ứng. Hùng yêu cầu TÐ cho bắn chiếu sáng khi tiếng súng trong làng khai hỏa.

Ðúng như dự đoán, khoảng 12 giờ khuya, từng toán VC vác súng đi khơi khơi như chỗ không người, vừa đi vừa nói chuyện không biết tử thần đang chờ đưa hồn chúng về với Bác và Ðảng. Qua ánh hỏa châu, từng loạt đạn M60, M16 đốn ngã thân hình chúng nhẩy dựng, quần quại, rên la đau đớn, những tên còn sống sót chạy vào tử lộ bị mìn claymore quét sạch. VC ỉ y chỉ có chúng mới giám tấn công ban đêm không ngờ lính Dù dám liều như vậy. Sau 20 phút khai hỏa tiêu diệt gọn tụi VC, Hùng báo cho TÐT:

-Hồng Hà-Hồng Hà, Hắc Ðiểu gọi.

-Hồng Hà nghe.

-Báo Hồng Hà tôi đã rang hết lũ chuột trong chảo mỡ xôi.

-Rất vui, bảo trọng con cái tuyệt đối.

-Xin Hồng Hà cho đại Hồ Cầm tấu khúc biệt ly dọc ven rừng.

-Thỏa mãn yêu cầu tối đa.

Hùng lệnh cho các đứa con rút về chỗ TÐ đóng quân nghỉ đêm. Sáng sớm hôm sau TÐ dàn hàng ngang tiến trở lại làng lục soát địa đạo, xác VC ôm súng nằm chết trong hầm, nhiều đứa 15, 16 tuổi trông thật thương tâm, mấy tên tù binh bị bắt chiều hôm qua cũng trạc tuổi trên, chúng cho biết đang sống với gia đình tại Quảng Bình, Nghệ Tĩnh còn đi học bị lùa đi bộ đội, trên đường đi vào Nam được chỉ qua về cách nạp đạn bóp cò, ngoài ra không được huấn luyện gì hết.

Trong trận này TÐ6D thu chiến lợi phẩm trên 100 vũ khí đủ loại nào súng cối, đại liên 57 phòng không, B 40. AK47, K54. Tin chiến thắng bay về Saigon phóng viên báo chí trong nước và ngoại quốc xuống quay phim chụp hình phỏng vấn, tướng TL/SÐ/D đến gắn huy chương, thăng cấp cho các sĩ quan có công trạng: Thiếu táTÐT lên trung tá, Hùng lên Ð/Úy thực thụ… riêng ÐÐ Hùng, anh đích thân đề nghị trong đó Cường lên HSI, Xê lên HSI kèm huy chương ADBT sao đồng. Nói về Xê anh là người miền Nam, tính tình chân chất, có óc khôi hài, đôi khi TÐ hành quân cực nhọc được nghỉ dưỡng quân vài ngày trong vùng trách nghiệm, người nào cũng mệt lả anh cao hứng hát:

-Mấy tuần rồi không thấy cái (hĩm) ra sao, hoặc:

– Xưa hôn em một lần rồi ho lao gần chết.

Anh em trong ÐÐ cười sặc sụa quên hết mệt, có một điều là khi hành quân lâu không được về với vợ, Xê uống ruợu say xách súng bắn bậy làm Hùng hơi khó chịu, đợi khi nào thuận tiện Hùng sẽ nói để Xê sửa sai.

TÐ trở về hậu cứ làm tiệc chiến thắng, ăn uống no say, đàn hát vui vẻ. Uống xả láng nên người nào cũng đừ. Hùng nằm trong văn phòng ÐÐ, Xê mò lại giọng lè nhè:

-Cám… ơn ông thầy cứu em khỏi lưỡi hái tử thần còn thăng cấp

-Cậu bỏ xương máu lập chiến công thì phải tưởng thưởng xứng đáng, rồi tiếp:

-Cậu xỉn quá rồi về ngủ với cái (hĩm) đi, giữ gìn sức khỏe để mai này HQ tiếp, nhớ đừng bắn bậy nữa.

-Em hứa với… ông… thầy k. . h. . ô. . n. . g bao giờ em vi phạm nữa.

Ở mặt trận ít khi được ngủ đẫy giấc, tối nay vừa vui vừa xỉn nên Hùng ngủ một giấc đến 8 giờ sáng. Hùng lấy xe Jeep chở Cường về Saigon dự đám hỏi của mình. Hạnh vừa ra khỏi trường thấy Hùng đứng trước xe Jeep đón Hạnh.

Cười vui vẻ và hỏi Hùng:

-Anh chờ em lâu chưa?

-Khoảng 5 phút thôi

Mấy tuần nay em ngóng anh hoài không thấy anh về làm em sốt ruột. Mới thăng cấp hở anh? Chiều nay anh khao gì để rửa lon chứ?

-Chuyện nhỏ, rồi phân trần:

-Lẽ ra anh về từ tuần trước lận, nhưng TÐ vừa về tới hậu cứ vào chiều, tối đã có lệnh sáng sớm mai HQ gấp nên hôm nay về, nói với Hạnh xong hùng quay đầu về phía tài xế:

-Cậu mang xe về đậu trước cửa nhà tôi, nhớ mang máy vào nhà kẻo TÐ gọi không ai trả lời.

-Thưa đại úy vâng.

Ngồi trong quán ăn hùng cho Hạnh biết;

-Chúa Nhật này gia đình anh mang lễ vật sang làm đám hỏi em. Vậy đúng yêu cầu của em nhé.

Nét mặt Hạnh tươi hẳn lên rồi bóp mạnh tay Hùng tỏ lòng cám ơn.

Từ ngày nhìn thấy nhiều vết sẹo trên thân thể Hùng, Hạnh rất lo lắng cho sinh mạng Hùng, nhân dịp đám hỏi, Hạnh sẽ xếp Hùng ngồi chung bàn với người bác làm ở Tổng Cục Quân Huấn BTTM để hai người trò chuyện thân mật. Họ nhà gái ngồi đông đủ thì gia đình Hùng mang lễ vật vào nhà, sau khi giới thiệu thủ tục xong, Hạnh đưa Hùng lại chỗ người bác để giới thiệu Hùng:

-Thưa bác đây là anh Hùng ÐÐT thuộc TÐ6ND còn bác Lộc con dì con già với mẹ em, bác làm trưởng phòng du học ở TCQH/BTTM. Hạnh vào đề ngay:

-Bác xem có khóa học nào để anh ấy có thể chuyển ngành sang chuyên môn chứ ở đơn vị Dù hành quân liên miên vào chỗ nguy hiểm không à.

-Các cậu này còn trẻ thích xông pha ngoài mặt trận quen rồi, họ không thích ngồi trong bàn giấy tù túng, còn muốn thì tổng cục đang tuyển thí sinh cho học khóa quân chánh, văn thư đa gửi thông báo các đơn vị rồi để bác gửi mẫu đơn cho cháu.

Hùng: -Cám ơn bác trước.

Hùng cầm đơn đưa lên TÐT ký, đọc đơn của Hùng xong ông nói:

-Cậu tính bỏ tôi và bạn bè hay sao?

Nghe TÐT nói vậy, Hùng phân vân… rồi lấy đơn lại. Về phòng ÐÐ gặp Cường đang lau súng, Cường thấy nét mặt Hùng đăm chiêu bèn hỏi:

-Bộ TÐT không ký chuyển đơn cho mày à?

-Không hẳn như thế, Ông chỉ nói tao bỏ ông và bạn bè, nên tao…

-Ông nói rất chí tình, mày bỏ bạn bè trong đó có cả tao.

Nghe Hùng thở dài, Cường biết bạn mình đang suy nghĩ mung lung nên nói:

-Tại mày lo nghĩ thái quá chứ TÐT, TÐP của mình rồi một số ÐÐT có vợ con hà rầm, chết có số cả. Kỳ dưỡng quân tới, mày làm đơn xin phép nghỉ một tháng cưới vợ cho xong, còn việc khác tính sau. Bây giờ xuống CLB làm mỗi thằng vài chai cho đỡ khát.

Cuối năm 1970, khu vực miền Nam chiến trận tạm lắng dịu vì các cuộc HQ hỗn hợp Mỹ Việt đánh sang Miên, đẩy hai SÐ5 và SÐ7 chính quy VC đến tận biên giới Lào, phá huy các kho dự trữ quân trang quân dụng của địch nằm trên đất Miên.

Trận Hạ Lào Lam Sơn 719

Ðầu Tháng Hai, 1971 hai SÐ tổng trừ bị kéo hết quân trải ra trấn giữ dọc bờ sông Thạch Hãn đến thị xã Quảng Trị ngoài ra còn có LÐ1/BÐQ, Thiết đoàn 7-11/KB và một số TÐBB thuộc SÐ1BB trấn đóng ngoài vòng đai thị xã Quảng Trị. Ngày 8/2/71 là ngày chính khai diễn cuộc HQ Lam Sơn 719 trước đó hai ngày, đài BBC và VOA nói rõ QLVNCH sẽ đưa SÐ/D và TQLC là mũi tấn công chính sang Lào. Dân ở chợ Gio Linh, Ðông Hà đồn ầm lên QÐMN sẽ đánh sang Lào. Nhiệm vụ SÐ/D thiết lập các căn cứ hỏa lực dọc trên đường số 9 để yểm trợ cho mũi tiến quân trên đường số 9 tới Tchepon (gồm LÐ1ND và thiết đoàn 1/KB). LÐ3/D gồm 3 TÐ2-3 và 6. LÐT/LÐ3/D là Ð/Tá Nguyễn Văn Thọ.

BCH/LÐ đóng tại căn cứ yểm trợ hỏa lực 31(cao điểm 456), 2 ÐÐ của TÐ3/D phòng thủ căn cứ và một pháo đội 105 ly của TÐ3PB/D còn lại 2 ÐÐ/TÐ3/D cùng một ÐÐ/TS của lữ đoàn Dù được tung ra ngoài căn cứ tuần tiễu.

Các ÐÐ này báo cáo chạm địch khá ác liệt, và khám phá các kho bí mật của địch dự trữ rất lớn lương thực, quân trang, đạn dược. xăng, xe đạp cả 3000 chiếc(dùng vận chuyển hàng hóa). Tất cả các kho đều bị ta thiêu hủy.

Trước ngày TÐ6/D nhập trận, Tr/Tá TÐT nhắc nhở các ÐÐT phải hết sức cố gắng mới mong hoàn tất nhiệm vụ, vì địa thế bên Lào rất hiểm trở, rừng rậm núi đồi trùng trùng điệp điệp nhất là các kho dự trữ nằm cạnh đường mòn HCM, Yết hầu tiếp vận vào chiến trường MN, nên địch bằng mọi cách bảo vệ, một điều quan trọng nữa là không có cố vấn Mỹ theo để xin yểm trợ phi pháo mọi thứ tự mình lo liệu.

Ngày 13 Tháng hai, 1971, TÐ6D đổ quân bằng trực thăng xuống rặng núi Tây Bắc, thiết lập CCHL 32 để chế ngự thung lũng chạy theo hướng đông nam dẫn thẳng đến CCHL 31. Mặc dù được B52 trải thảm bom, trước khi TÐ6D đổ quân, tưởng nơi đây trở thành thung lũng chết, tuy nhiên địa thế ở đây nhiều hang động, là nơi trú ẩn tốt cho người và vũ khí hạng nặng của địch. ÐÐ Hùng vừa nhẩy xuống sườn núi được 2 trung đội bị súng phòng không bắn chéo cánh sẻ, nổ ròn như pháo bông, tiếp pháo đủ loại hàng trăm quả đạn rơi ngay vị trí đổ quân, chúng quyết tâm tiêu diệt các trực thăng đổ quân của TÐ6D nên các ÐÐ còn lại phải đổ quân phân tán mỏng vượt xa tầm sát hại bởi đạn pháo địch.

Người lính Dù có thiện chiến đến mấy cũng khó có thể tránh nổi một giàn hỏa lực hùng hậu chờ sẵn như vậy. Hùng chạy trước nhào vào hang động Cường đeo máy PRC 25 chạy theo sau, một quả đạn nổ phía sau hất Cường ngã sấp mặt xuống đất nhưng mặt chỉ bị trầy trụa sơ sơ, máy truyền tin bị ghim đầy mảnh không còn sử dụng được. Trong khi đó pháo đủ loại vẫn nổ liên tục, thỉnh thoảng một quả đạn rơi gần chỗ Hùng ẩn nấp làm đất, đá văng tung tóe mù mịt. Không còn phương tiện nào để liên với các trung đội và BCH/TÐ mình. Hùng nói với Cường:

-Chỉ còn cách dùng lựu đạn mở đường máu xuống chân núi.

Hùng và Cường khênh xác mấy anh lính Dù chết ngoài cửa hang mang vào trong, tháo hết lựu đạn của họ giắt đầy vào dây ba chạc của mình. Trời tối đa lâu, tiếng pháo địch vừa ngưng, tiếng xung phong của bộ đội địch vang dội núi đồi, tiếng súng chống trả của đơn vị Dù rời rạc, lẻ tẻ chứng tỏ lực luợng Dù không còn bao nhiêu người Lợi dụng đêm tối, Hùng và Cường len lỏi xuống núi. Chỗ nào có tiếng VC hô: “ Hàng thì sống chống thì chết. ” Bị Hùng và Cường tung lựu đạn tiêu diệt gọn. Mò mẫm, len lỏi gần sáng hai người mới tới chân núi nghe tiếng tên chỉ huy VC ra lệnh cho toán xung kích:

-Các đồng chí kiểm tra thật kỹ lưỡng nhổ hết cỏ không để sót một cọng.

Cường, Hùng mỗi người 2 quả lựu đạn tung vào vị trí tên chỉ huy VC, tiếng nổ chát chúa, tiếng rên la quần quại của đồng bọn, đám binh sĩ VC bảo vệ BCH bắn loạn xạ mọi hướng.

Chẳng may Hùng bị thương gần mắt bên trái, máu ra xối xả ướt hết mặt, hai người cố lết ra một quãng xa. Cường dùng băng cá nhân băng vết thương cho Hùng rồi cõng Hùng đi trên đường mòn trong rừng, đi một lúc trời còn nhá nhem tối thì bị toán VC phục kích phát hiện bắn Cường bị thương vào chân, Cường, Hùng nằm bất tỉnh trong bụi rậm. Trời sáng, khi tỉnh dạy thấy mình bị trói, chân bị lột giầy vớ, giải đi chân trần trong rừng, gai đâm nát hai bàn chân sưng vù, Hùng, Cường phải xé túi quần bó vào chân, lấy dây rừng cột.

Trạm tập trung là một dẫy nhà lá bao phủ kín bởi các cậy rậm rạp phi cơ không thể phát hiện được, ngoài Cường và Hùng là lính Dù còn lại vừa sĩ quan và binh sĩ bộ binh, thiết giáp, BÐQ và mấy phi công trực thăng Mỹ, đa phần bị thương nằm la liệt trên sạp tre, mấy ngày sau CCHL 31 bị thất thủ, Ð/tá Thọ và sĩ quan BCH/LÐ3/D cùng một số binh sĩ đều bị bắt. Tất cả bị VC đưa ra miền Bắc qua con đường mòn HCM.

Trong khi đó bộ đội chính quy VC lũ lượt xuôi Nam tăng cường quân số cho chiến trường MN. Những người bị thương được y tá VC tiêm thuốc trụ sinh của Liên Xô buốt đến tận óc, hàng ngày Cường rửa nước muối vết thương của Hùng đỡ rỉ máu. Mắt trái của Hùng kéo màng trắng không còn nhìn thấy coi như mù.

Vừa đi bộ vừa Molotova, xe lửa cả tháng mới tới miền thượng du Bắc Việt (gần biên giới Trung Cộng). Lúc đầu chúng giam tù binh trong các hầm tối nhìn mặt nhau không rõ. Ban ngày đi lao động trồng khoai, mì,… tối về vào hầm ngủ. Hiệp Ðịnh Paris ký ngày 27/1/73 hy vọng được trao trả tù binh, nhưng VC bội tín, tia sáng đường hầm lịm tắt.

Tù binh bây giờ phải sản xuất 85% nuôi mình, Hùng và hai bạn người MN được chỉ định ở nhà đan gùi cho toán lao động chuẩn bị thu hoạch khoai mì, thình lình một nữ cán bộ đến gần xem 3 người đan nát, nữ cán bộ trông khoảng 26 tuổi, mặt không đần độn, nhà quê như một số nữ CB Hùng đã gặp. Mụ ta tự giới thiệu:

-Tôi là nhà báo quân đội đi tìm hiểu một vài khía cạnh về tù binh, tôi cho các anh trao đổi với tôi thoải mái.

Hùng cười nhạt rồi nói:

-Những điều thật tôi nói ra, chắc gì cán bộ dám phản ánh lên cấp trên?

Mụ nữ cán bộ không trả lời thẳng vào câu hỏi của Hùng, mà hỏi Hùng:

-Ở ngoài Bắc anh ở tỉnh nào?

-Tôi sinh đẻ ở Hà Nội, theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, và nói: “Nghe giọng cán bộ nói thì CB không phải người gốc Hà Nội mà là dân Thái Bình (lọ), nếu có ở Hà Nội thì phải sau năm 1954?”

-Sao anh đoán tôi là người Thái Bình?

Hùng:

-Quê mẹ tôi ở quận Vũ Tiên thuộc tỉnh Thái Bình, năm 1946 gia đình tôi tản cư về làng lánh nạn Pháp, năm 1950 hồi cư về thị xã Thái Bình, lúc đó thị xã tiêu hủy khánh chiến, nhà cửa bình địa chỉ còn sót 2 ngôi chùa và nhà thờ chính tòa nằm gần cầu Bo, tôi từng xuống quận Kiến Xương, Tiền Hải chơi. Nói như vậy CB đủ hiểu tôi biết rành rẽ về tỉnh Thái Bình như thế nào rồi? Ðến năm 52 gia đình tôi trở về lại Hà Nội.

-Các anh là thành phần ác ôn nên Mỹ Ngụy gắn quân hàm (đại úy thiếu tá để mang quân đi càn quét tiêu diệt quân cách mạng?

Hùng và hai bạn cùng cười.

-Tôi nói thế tại sao các anh cười?

Ba người cùng nói:

-Cán bộ thuộc “bài” giống mấy cán bộ quản giáo ở đây! Khác là không nói ngọng.

Hùng nói:

-Cán bộ có học chắc được đào tạo qua khóa huấn luyện về báo chí, rồi từng tu nghiệp ở nước ngoài như Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc,… cán bộ còn nói như vậy nữa là người dân ở đây ngoài báo đăng, đai nói cán bộ giải thích, không hề biết bên ngoài tiến bộ, văn minh ra sao? Sĩ quan chúng tôi hầu hết có bằng cấp ngoài xã hội bị động viên, được đào tạo trường sĩ quan đàng hoàng, không như sĩ quan quân đội khác, sống lâu lên lão làng.

-Anh nói các anh có bằng cấp văn hóa. Tại sao không theo cách mạng giải phóng quê hương mà nỡ tâm làm tay sai cho Mỹ ngụy bóc lột người dân MN đói khổ?

-Nói người MN đói khổ, chẳng bao giờ họ biết ăn độn ngô, khoai sắn là gì. Nông dân được cấp ruộng, còn cơ giới hóa nông nghiệp. Thóc gạo sản xuất ê hề hàng năm xuất cảng gạo ra nước ngoài. Ngược lại MB theo chế độ XHCN, tập trung ruộng đất vào hợp tác xã, con trâu đi trước cái cầy theo sau vẫn không đủ ăn phải ăn độn bo bo, khoai, sắn. Việc cải cách ruộng đất giết oan nhiều người, nó còn hủy diệt tình cảm, phong tục tập quán hiền hòa của người nông dân.

-Tại MB phải chi viện MN để giải phóng ách nô lệ của đế quốc Mỹ nên người dân MB phải thắt lưng buộc bụng do đó thiếu thốn.

-Ðó chỉ là (chiêu bài) đánh động lòng thương yêu đồng bào, mục đích xâm chiếm MN.

-Miền Nam không có chủ quyền mọi sự đều nằm trong tay thằng Mỹ, nó bảo sao thì ngụy quyền nhắm mắt làm vậy.

-Thằng Mỹ là chủ nhân ông, đôi khi phải thi hành sách lược của nó, còn MB, chỉ cần đọc thơ Tố Hữu ca tụng Stalin thì rõ;

Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít Ta Lin

Hoặc

Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một thương ông thương mười.

-Miền Nam không có chủ quyền thì làm sao người dân có tự do?

-Người dân MN có đủ quyền tự do căn bản được minh định trong hiến pháp như: Tự do cư trú, đi lại buôn bán. Tự do ngôn luận, Tự do tôn giáo. Ðơn cử một thí dụ: nhạc sĩ TCS sáng tác nhạc phản chiến vẫn được xuất bản. Nếu ngoài Bắc người dân được tự do thì chẳng xẩy ra vụ án Nhân Văn vào thời điểm 1956. Các văn nghệ sĩ chỉ yêu cầu đảng cởi trói để họ tự do sáng tác thì bị đảng chụp cho cái mũ (cấu kết với nước ngoài để lật đổ chính quyền) nhưng về sau người ta tìm hiểu mới hay nhà văn Lê Ðạt và nhà thơ Trần Dần giám chê thơ Tố Hữu là thơ (cung đình) trong khi đó ông nắm quyền sinh sát văn nghệ sĩ trong tay, nên ông ta bỏ tù các nhà văn. thơ, nhạc sĩ trong Nhân Văn Giai Phẩm sống dở chết dở. Chẳng qua là sự đố kỵ các nhà thơ với nhau.

-Văn hóa các anh để đâu? Không phân biệt đâu là chính nghĩa để phục vụ mà cực kỳ ra sức chống phá cách mạng?

-Vì Mỹ đổ quân vào MN nên chính nghĩa MN bị phai mờ do các thế lực bên ngoài, ngay cả truyền thông Mỹ ra sức bôi nhọ chính thể VNCH. Vì bảo vệ Tự Do Dân Chủ cho MNVN nên chúng tôi mới bỏ xương máu ra ngăn chặn quân miền bắc. Tôi chắc CB sẽ có dịp vào công tác MNVN và thấy những điều tôi nói là sự Thật, không đánh bóng, tuyên truyền. Xét cho cùng, không chừng MN và MB chỉ là Công Cụ Ðắc Lực cho hai thế lực:

Ðứng đầu khối Tư Bản là: Mỹ,

Khối XHCN là: Liên Xô và Trung Cộng.

-Anh nói thế không sợ tôi phản ánh với CB thủ trưởng trại kỷ luật anh à?

-Ngay từ đầu tôi đa khẳng định với CB chết tôi còn coi thường nữa là kỷ luật. Trong mấy năm qua tôi bị nhiều lần kỷ luật thật tàn ác.

-Tôi khuyên anh tùy theo đối tượng để nói ra những bức xúc của mình.

Trưa ngày 30 Tháng Tư, 1975, mấy cái loa phóng thanh chĩa vào lán tù ở, vặn volum hết cỡ thông báo:

Quân đội chúng ta đã đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào giải phóng hoàn toàn MN, xen theo tiếng reo hò vang dội trong loa phóng thanh.

Tất cả tù binh trong trại hàm răng cắn chặt vào nhau vì uất ức, nước mắt tuôn trào. Thôi hỡi ơi! Hy vọng tan tành theo mây khói!!!…

Tháng Sáu, 1976 sĩ quan các cấp bị đưa ra Hoàng Liên Sơn giam, một số giam chung trại với Hùng, gặp lại 2 trung đội trưởng của mình, họ kể lại ngày đổ quân bị pháo địch ngóc đầu không nổi. Pháo địch vừa ngưng anh em dùng lựu đạn mở đường máu đi về phía Nam, gom lại 2 tr/đội chỉ còn 30 người vừa SQ-HSQ-BS. Bắt tay với TÐ để phản công kịch liệt mới thoát khỏi vây hãm của trung đoàn địch. Phối kiểm nhiều sự kiện, mọi người đều cho rằng; Người Mỹ muốn triệt hạ SÐ/Dù và TQLC là hai đơn vị tinh nhuệ của QLVNCH để mạc cả trong bàn hội nghị Paris với VC, ép chính phủ VNCH vào thế lép vế.

Năm 1978, Cường bị phong thấp, hai đầu gối sưng vù được biên chế vào đội nhà bếp, Hùng bàn với 2 người bạn thân trốn trại. Hùng cho hai người bạn biết:

-VC mang tụi mình ra tận tuyến đầu tổ quốc để nhốt, cho chết dần chết mòn, chắc chôn thây tại đây thôi, chỉ còn một đường duy nhất là trốn trại, tìm cái sống trong cái chết.

Trước khi đi Hùng tiết lộ cho Cường biết mình sẽ trốn trại. Cường biết tính bạn mình một khi Hùng đã quyết định ít ai cản nổi nên Cường nói với Hùng:

-Hàng đêm tao đọc kinh cầu nguyện cho mày đi thoát, ra được nước ngoài tố cáo chế độ dã man của CS tại các trại tù.

Hùng và hai bạn trốn trại được hai ngày, một phái đoàn CBVC từ Yên Bái đến trại điều tra, họ vào khu giam tù hỏi một số anh em tù:

-Anh cho biết lý do tại sao các anh ấy trốn trại?

-Trại cho ăn đói làm việc nặng, kiếm rau cỏ cải thiện bị cán bộ Tạo và Bội bắt sang phòng trực ban để 4 anh vệ binh tên Toán, Hộ, Dũng, Vàng thi nhau đánh thừa sống chí chết nên mấy anh ấy trốn may ra thoát còn hơn ở đây với tình trạng này kéo dài, trước sau cũng chết, rồi đây sẽ còn nhiều người trốn.

Tên cán bộ hỏi người khác:

-Ở trại cho ăn uống ra sao?

-Khéo ăn thì no

-Thế nào là khéo ăn?

-Hai bữa dồn một.

Ngày hôm sau phái đoàn điều tra ra về trong đó có 4 tên vệ binh và hai CB Tạo và Bội (ác ôn).

Nhờ có phái đoàn về điều tra không khí trong trại dễ thở, bữa ăn được cải thiện. Hơn tháng trời, mọi người trong trại tin tưởng 3 anh đã trốn thoát, nào ngờ buổi chiều anh em đang chia khoai mì cho bữa ăn tối thì thấy hai tên vệ binh dẫn giải 3 anh trốn trại về giam trong vườn khu tù ở. Nhìn ba anh bị dẫn độ tay bị còng trông thật thiểu não, ốm yếu, phờ phạc, râu ra lởm chởm, riêng Hùng đi không muốn nổi, chân bước xiêu vẹo cố lết từng bước, đầu cuốn áo mayo trắng máu bê bết. Mọi người nhìn ba anh thấy ngán ngẩm không còn tha thiết mấy củ khoai mì, dù là bụng đói, có anh bực tức chửi thề:

-Ð.M. đi hơn tháng không tới nơi kỳ vậy?

Cường thấy Hùng tang thương, lòng đau quặn, hơi ứ lên cổ răng cắt chặt cho nước mắt chảy vào trong.

Hàng ngày nhà bếp mang thức ăn cho 3 anh giam trong hầm, tiêu chuẩn ăn bằng 2/3 anh em đi lao động, có sự giám sát của vệ binh. Cường nhờ anh trực sinh lán gần chỗ hầm giam 3 người xem ngày đêm vệ binh canh gác ra sao? Ðể đêm Cường tìm cách tiếp tế thêm thức ăn cho ba anh bị giam. Sau 10 ngày nghiên cứu đường đi nước bước của đám vệ binh canh gác. Hàng đêm Cường nhờ một bạn đi canh chừng để Cường làm nhiệm vụ, Cường nhìn trước sau không thấy vệ binh, chạy lẹ vào nóc thông hơi hầm giam liệng thức ăn, thuốc men vào trong hầm rồi chạy lại cầu tiêu. Hàng đêm 3 anh đều được tiếp tế.

Cứ ba ngày, sau khi mọi người đi lao động, vệ binh mở khóa cho 3 anh ra suối tắm giặt, rửa bô đựng nước tiểu, phân. Một tháng sau anh trực sinh báo cho Cường biết Hùng ra suối tắm phải có người dắt đi, vậy Hùng mù cả hai mắt, thật tội nghiệp!! Ba tháng sau, hai người trốn trại cùng Hùng được tha và chuyển đi trại khác, trong hầm chỉ còn lại Hùng, thỉnh thoảng anh em nghe tiếng hát của Hùng vọng từ trong hầm ra. Khi chưa trốn trại, ngày nào nghỉ anh em tập trung trong lán nghe Hùng kể chuyện phim Bố Già (Mafia) “Chưởng” Kim Dung hoặc Cường đệm đàn cho Hùng hát nhạc vàng.

Giữa năm 1978, hàng đêm tù trên Hoàng Liên Sơn nghe tiếng đại bác nổ rền, anh em đi lao động trong rừng gặp dân hỏi mới hay biên giới Trung-Việt nổi sóng, cực kỳ căng thẳng, đại bác bắn qua lại có thể đánh nhau đến nơi. Dân ở đây được lệnh chuẩn bị sơ tán khi quân Trung Quốc tiến qua biên giới.

Hùng được tha khỏi hầm kiên giam, biên chế vào đội nhà bếp, kể cho Cường biết tại sao trốn trại không thành.

-Rừng ở đây thiên la địa võng, chỉ di chuyển vào đêm, từ núi này qua núi khác, len lỏi qua bụi rậm, đường mòn, Thiếu lương thực không dám vào nương khoai sắn của dân lấy trộm sợ bị lộ, không đi về phía bắc sẽ gặp quân Trung Quốc, đi Thái Lan dài cả ngàn cây số, đói ăn tinh thần hoảng loạn sâu xé nhau. Hai anh đi cùng quyết định xuống núi trình diện”:

-Sao mày không khuyên họ.

-Tao cắt nghĩa đủ điều hơn thiệt nhưng tại đói quá nên hai anh nghĩ sao làm vậy, khó cưỡng lại một khi tinh thần xuống tới cực âm. Tao leo lên đỉnh núi ngủ một giấc cho khỏe sau đó tùy cơ ứng biến. Ðêm khuya cả ngàn tên thanh niên đốt đuốc, đánh trống lên bắt tao. Chúng dẫn tao xuống núi dùng gậy gộc, đấm đá, đánh một hồi thấy tao mềm như bún, chúng trói tay, chân quẳng vào hợp tác xã. Tụi vệ binh dẫn độ từ sáng sớm tới chiều mới đến trại. Tao mệt quá đi lết bết phía sau bị tên vệ binh đập báng súng vào đầu tao quay mòng mòng té xuống đất đầu đập vào đá bất tỉnh, một lúc sau tỉnh dạy thấy đầu cuốn áo may-ô đẫm máu.

Hai tuần ở đội nhà bếp được họ dồn cho ăn no, một số anh em trong trại cho Hùng đường cục, thuốc bổ nên sức khỏe Hùng tương đối. Vào buổi sáng mọi người ăn sáng xong chuẩn bị xuất trại đi lao động, cán bộ trực trại và vệ binh ra lệnh cho mọi người mang đồ đạc ra sân để kiểm tra. Sau khi kiểm soát xong, CB trực trại lấy ra danh sách gọi 60 người đứng riêng một góc, gồm HSQ và BS chỉ có Hùng là sĩ quan, nhà bếp cấp cho toán này 2 ngày lương thực. Ngồi trên xe Molotova mọi người nghĩ bị chuyển đi trại xa. Mọi việc trên đường xe di chuyển đều do Cường cho Hùng biết. Xe chạy vào khoảng 5 giờ chiều thì đậu lại trên đường, một bên là ruộng lúa đang trổ bông, bên kia một tấm bảng có mũi tền chỉ lối vào phi trường Gia Lâm, Cường nói cho Hùng biết.

Hùng: bộ tụi nó mang mình về giam ở Hỏa Lò Hà nội?

Trời sẩm tối xe đậu trước cửa nhà ga Hàng Cỏ, tên CB dẫn giải ra lệnh cho mọi người xuống xe, ngồi tập trung một góc hè, nhớ không ai được đi đâu, hắn nói tiếp:

-Các anh được nhà nuớc cách mạng khoan hồng tha cho về sum họp với gia đình, 11 giờ khuya lên tầu hỏa vào TP/HCM, khi nào xuống xe tôi sẽ phát lệnh tha và tiền đi đường. Nghe vậy mọi người hoan hỉ vui mừng, riêng Hùng cảm thấy buồn cho thân phận tật nguyền rồi nghĩ:

-Mình chưa báo hiếu cha mẹ được một ngày bây giờ ăn bám vào cha mẹ già yếu suốt đời hay sao?

Ra nhà tù nhỏ, vào nhà tù lớn

Sau hai đêm hai ngày, lúc 4 giờ chiều, tầu đậu tại sân ga Hòa Hưng Saigon. Cường dẫn Hùng đi tắt về lại xóm Bùi Phát TMG, ở đó gia đinh Hùng và Cường cư ngụ. Sau ngày đứt phim đến nay đã 7 năm trôi qua, Cường hỏi thăm những người mới ở đây tên những người cũ họ không biết ai hết, nhà Cường và Hùng có chủ mới. Ða số dân Bắc Kỳ 75 tới chiếm ngụ. Buồn chán, Cường dẫn Hùng xuống xóm dưới kiếm nhà Thạch, may quá Thạch vẫn ở địa chỉ cũ, Thạch nhận ra Cường ngay nhưng hỏi Cường:

-Ai đi với cậu vậy?

-Anh Hùng con ông phán Thông chứ ai.

-Trời ơi! Anh Hùng trước đẹp trai, to con sao bây giờ gầy, đen đủi, hai mắt lại lòa. Thật tội nghiệp! Ðúng là nước mất nhà tan, thân tàn ma dại.

-Mời hai anh vào nhà ngồi chơi.

Cường cho Thạch biết:

-Trong tù anh Hùng chống đối bị tụi cán bộ hành hạ đánh đâp giam trong hầm tối nên mù hai mắt. Có vậy tụi nó mới thả, còn nhiều anh em sĩ quan bị bắt trong trận Hạ Lào vẫn còn giam trên vùng thượng du Bắc Việt.

Thạch:

-Tụi VC là quỷ sống hiện hình, nó cai trị dân bằng bàn tay sắt, có vậy người dân MN mới mở mắt biết thế nào là Cộng Sản. Trời gần tối chẳng mấy khi anh em mình gặp lại nhau, ở lại dùng cơm tối với gia đình tôi

-Thế thì quý hóa quá, đằng nào cũng lỡ anh có thể cho tụi này ngủ qua đêm? Nếu không, chắc đêm nay chúng tôi ngủ tại hotel “de la hiên.”

Nghe Hùng và Cường nói ra hoàn cảnh bi đát của hai người, Thạch thở dài chép miệng rồi nói:

-Anh em mình sinh ra vào thời loạn lạc thiệt thòi đủ thứ, chỉ vì quyền lợi trên hết nên Mỹ bỏ MN cho VC, anh em mình mới ra nông nỗi này!!!

Mâm cơm dọn ra gồm một đĩa cá lòng tong kho mặn với ớt, đĩa rau muống luộc, nước rau đánh giấm cà chua, cơm độn bo bo.

Trong khi ăn, Thạch kể:

-Ngày 30 Tháng Tư, 1975, tôi kẹt trong BTL/TQLC mãi trưa mới về nhà, nghe vợ tôi nói “gia đinh anh Hùng có người em rể là HQ đưa gia đình xuống tàu di tản, đa số gia đình còn lại chạy tán loạn, đi không được trở về sau này có người bị áp lực, có người nghe dụ dỗ bỏ nhà đi vùng kinh tế mới, trong đó có gia đình Cường, gia đình cô giáo Hạnh bán nhà đi ở khu khác, chỉ có gia đình nào ù lì mới còn sót lại.”

Hai anh đưa giấy ra trại để tôi trình công an phường, chế độ này kiểm soát dân rất chặt chẽ “3 nhà một tổ kiểm soát lẫn nhau” các anh nhớ kỹ “hàng xóm là ân nhân.” Thời buổi này trí thức làm việc bằng chân tay, dân cổ cầy vai bừa thì lãnh đạo. Xã hội suy đồi, thiện ác lẫn lộn.

Qua câu chuyện Thạch kể, Hùng biết gia đinh Hạnh vẫn còn sống ở Saigon. Cường nhìn thấy cây guitar cũ treo trên tường chỗ đầu mình, Cường lấy xuống so lại dây cho đúng, dạo bản Về Ðây Nghe Anh, Hùng hát nho nhỏ:

“Về đây nghe anh, về đây nghe anh
Về đây mặc áo the thâm đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai

Về đây thỏa ước mơ đi hát dạo… ”

Thạch chế độ này cấm hát nhạc vàng kể cả nhạc phản chiến của TCS. Lâu lắm mới nghe bản nhạc trữ tình của MN. Tiếng đàn của Cường vẫn ngọt ngào, giọng anh Hùng thật trầm ấm. Hàng ngày ở đây bị tra tấn bởi mấy cái loa vặn hết volum, nhạc tầu lời Việt, họ hát líu lo, nghe không ra một câu tiếng Việt.

Bốn giờ sáng, trong khi Cường và Hùng còn ngủ say, thì Thạch đạp xe ba gác đến vựa rau quả chở mối cho các bạn hàng ở chợ TMG, khoảng 7 giờ sáng Thạch quay về nhà đưa Hùng, Cường ra đầu ngõ ăn bún riêu, uống cà phê. Bẩy năm nay mới uống lại cà phê dù là cà phê bí tất (vớ) sao nó ngon thế!

Cường hỏi Thạch:

-Sau đây anh còn việc gì làm thêm nữa?

-Ðạp xe chạy rông phố phường, ai thuê chở đồ gì, kiếm thêm mới đủ tiền nuôi các cháu.

Trước lúc từ giã Thạch, Cường nói:

-Anh có thể cho tụi này cây guitar để làm cần câu cơm?

-Chuyện nhỏ, anh lấy tự nhiên. Tôi làm quần quật suốt ngày, hơi sức đâu mà đàn với địch. Tạm thời các anh làm nghề bán cháo phổi kiếm sống qua ngày rồi hai tay vòng ôm Cường và Hùng nói bằng giọng nghẹn ngào (chỉ có anh em mình cùng hoàn cảnh mới thương nhau), lời nói chí tình của Thạch làm Cường, Hùng rất xúc động.

Ngày đầu hát ở chợ TMG lần đến chợ Bàn Cờ, chợ Thiếc bị công an đi tuần tra làm khó dễ, cấm đoán, kiếm suốt ngày không đủ ăn hai bữa. Ra đến cảng Phú Lâm, bến xe đi Lục Tỉnh, người đi lên, xuống tấp nập, kiếm khá cho hai bữa ăn, nhưng bị tụi công an tuần tra cấm, Hùng cãi nhau với CA dữ dội chúng bắt Hùng và Cường vào đồn CA, nhốt một đêm sáng thả ra, tên trưởng đồn răn đe:

-Các anh còn luẩn quẩn trong bãi đậu xe tôi tịch thu đàn và đưa đi tù.

Hùng và Cường tối đến ngủ bờ hè chung với những người từ vùng kinh tế mới, họ cho biết “người dân bị đày đi VKTM coi nhu bị tù. Mọi cái đều tự túc, canh tác trên đất sỏi đá, không phân bón thử hỏi lúa, Khoai, bắp sao mọc tươi tốt để đủ ăn cho vụ mùa, bệnh hoạn dùng lá cây chữa, chết nhiều quá mọi người bảo nhau kéo về lại thành phố. ”

Hùng nói với Cường:

-Ở thành phố này quan chức lớn VC ngự trị và các phái đoàn ngoại giao nước ngoài, họ không muốn những người nước ngoài nhìn thấy tàn tích chế độ cũ trong thành phố nên CA ra tay bài trừ là lẽ di nhiên, tốt nhất di chuyển về miền tây, dù sao người MN vẫn cảm tình với lính chế độ cũ. Ðó chỉ là lý do phụ, lý do chính mà Hùng không nói ra là sợ nếu cứ hát lưu động chợ này sang chợ kia, có ngày sẽ phải đối mặt với Hạnh thì không biết tính sao…?

Nghe Hùng lý luận như trên, Cường sực nhớ nên nói với Hùng:

-Mày nói ra tao mới nhớ, tao có ông cậu ruột trước 75 có sạp bán trái cây ở bắc Mỹ Thuận, tụi mình xuống đó kiếm gặp ông ấy thì đỡ vất vả bước đầu, vừa phần đông người chờ phà chắc làm ăn khấm khá hơn đây nhiễu.

Sáng sớm Hùng và Cường đang nhá khúc bánh mì không, bất chợt Cường nhìn thấy một người dáng trông giống Xê, xạ thủ M. 60 của ÐÐ3/TÐ6/D, Cường gọi đại:

-Anh Xê, anh Xê.

Xê nhìn thấy hai anh mặc lính Dù, anh dừng chân còn đang ngơ ngác chưa nhận ra ai, thì Cường lên tiếng. ;

-Cường guitar ÐÐ3/TÐ6/Dù nhận không ra hở?

Xê sau khi biết được Cường cùng TÐ mình:

-Trời ơi! Mới đây đã 7 năm trôi qua kể từ ngày TÐ mình thất trận tại Hạ Lào rồi hỏi Cường;

-Thế còn ai đi với cậu vậy?

-Ông thầy cậu chứ ai.

Xê vòng hai tay ôm chặt Hùng vào lòng mình rồi nói với giọng ai oán:

-Tội nghiệp ông thầy, chắc tụi VC hành hạ dữ lắm nên mới thân tàn ma dại như thế này.

Hùng:

-Chiến tranh mà cậu, mình là kẻ thất trận nên chấp nhận thương đau, nhưng ở hoàn cảnh cho dù bi đát đến mấy, mình luôn luôn giữ cốt cách của người lính VNCH, không khuất phục kẻ địch. Thế bây giờ Xê làm gì để sống?

-Em làm phụ tài xế xe, đi trên tuyến đường Saigon Cần Thơ.

Cường nhanh miệng đề nghị:

-Vậy cho tụi này quá giang đến bắc Mỹ Thuận được không?

-Chuyện nhỏ, anh và ông thầy đứng xa cổng xa cảng, em đón cho tiện.

Xê đưa Hùng và Cường ngồi băng sau xe và hai bịch nylon cà phê đá:

-Uống đi ông thầy cho đỡ khát

-Cậu chu đáo quá làm tôi cảm động, thôi đừng gọi thầy bà gì cho xa lạ, anh em cho thân tình.

-Ðâu cá mè một lứa như xã hội này, già trẻ lớn bé đều gọi bằng anh, chị.

Hùng lại hỏi Xê:

-Làm phụ tài xế mệt không? Kiếm đủ sống nuôi vợ con chứ?

-Lương bổng không bao nhiêu nhưng nhờ giấu hàng cho các bà đi buôn chuyến kiếm thêm chút cháo. Xã hội này phải mánh mung mới sống nổi.

Xe ngừng gần lối xuống phà. Xê đỡ Hùng xuống xe rồi nói:

-Hẹn gặp lại ông thầy sau, cố giữ sức khỏe.

Cường hỏi người bán trái cây tên cậu mình họ chỉ cái sạp cách đó khoảng 10 thước. Hai cậu cháu lâu ngày mới gặp lại nhau mừnh mừng, tủi tủi.

Cậu Cường hỏi:

-Sao cháu không về với bố mẹ mà mò xuống đây?

-Dạ có về xóm bố mẹ cháu ở, nhà có chủ mới, nghe đâu gia đình cháu đi vùng KTM không biết ở đâu.

-Thế anh nào đi với cháu vậy?

-Anh nhà cùng xóm, trong quân đội anh là cấp chỉ huy của cháu, chỉ vì tính bất khuất nên bị tụi cai tù hành hạ đến tàn phế.

-Tụi VC vô nhân đạo, coi mạng người như cỏ rác, nhất là các cháu dính dáng đến chế độ cũ. Ấy vậy mấy ông lãnh đạo hễ mở mồm chúng nói nhân nghĩa nhưng hành động thì ngược lại. Lộng giả thành chân. Nói xong ông nhìn dáo dác rồi gọi:

-Thằng Hiếu đâu dẫn hai anh đến quán cơm con Út gọi 2 dĩa cơm sườn và trà đá, nói với nó hết bao nhiêu tiền chiều ba trả.

Ăn cơm xong mới 1 giờ trưa, Cường nói với Hùng:

-Trời còn sớm, mày ngồi đây tao đi kiếm chỗ nào bãi đáp thuận tiện mình ra quân.

Mới hát mấy tiếng đủ tiền ăn cơm tối, có người cho thuốc lá, bánh trái để mai ăn sáng. Tối về sạp, cậu Cường để sẵn mùng mền, tấm nylon để quây xung quanh che gió mưa. Hai người tự an ủi, bến bắc này làm ăn được, có chỗ ngủ tương đối ấm áp không còn ngủ bờ bụi như trên TP/Saigon.

Ngày hôm sau, Hùng đang hát, anh em lái xe thồ, khuân vác mướn (đa số là cựu quân nhân chế độ cũ) bu quanh nghe hát thì đám CA bảo vệ bến bắc đến hoạnh họe:

-Ai cho các anh hát nhạc vàng?

Một trong những anh nghe hát chửi thề:

-Ð.M các anh khó dễ vừa phải thôi, người ta thân tàn ma dại kiếm sống bằng nghề bán cháo phổi, có động chạm đến ai mà cấm đoán, riêng Hùng và Cường chai lì (chó sủa mặc chó, bộ hành ta cứ đi) chính vì có tiếng nói của mọi người, CA lờ đi, sau này mấy tên CA tối hay đến chỗ sạp Hùng nằm, nghe Hùng hát. Gánh hát của Hùng nổi tiếng ở bắc Mỹ Thuận, nên dân trong xóm mỗi khi có đám cưới, sinh nhật đều mời Hùng vào giúp vui văn nghệ.

Trời hôm nay vào Thu, những cụm mây xám giăng đầy trời, buổi chiều gió dưới sông thổi lên mang theo không khí hiu hiu lạnh. Hùng nhớ lại những mùa Thu, cùng Hạnh sánh vai đi bên nhau, kỷ niệm một thời hoa mộng nên ngẫu hứng cất tiếng hát:

“Bây giờ là mùa Thu, chiều vắng bóng sương mù
Hàng cây khô sầu úa, hiu hắt đứng trong mưa
Mưa như lệ tình xưa, lệ thắm mấy cho vừa
Lệ thương hoa phượng rũ, em có nghe mùa thu
Thu mang cho tình yêu một thời đã qua
Thu mang cho người yêu một đời xót xa
Mùa Thu đã xóa hết cơn mong chờ
Mùa Thu sẽ cất giấu chân ơ thờ
Một người bước đi lệ tình ướt mi.

Tự nhiên bài hát nói lên tâm trạng của đôi tình nhân bị cách trở làm cho tâm hồn thương đau. Mặc dù cuộc sống bôn ba cực nhọc, mọi người im lặng, lắng nghe tiếng hát của Hùng thổi vào đáy lòng họ, vực dạy những mẩu kỷ niệm:

“Một thời tình yêu lên ngôi, một thời chia xa ngậm ngùi.”

Bài hát chưa chấm dứt, một người thiếu nữ len trong đám đông chạy lại ôm chặt lấy Hùng vừa khóc vừa nói:

-Anh Hùng, anh Hùng Hạnh đây anh còn nhớ em không? Bao năm mòn mỏi trông ngóng anh về không ngờ bây giờ anh ra nông nỗi này!

Hùng hàm răng cắn chặt vào nhau, lấy hết sức can đảm đẩy mạnh làm Hạnh té ngồi xổm rồi nói lớn:

-Cô lầm người rồi, tôi không phải là Hùng.

Không riêng gì Hạnh, Cường ngay những người đứng xung quanh đều ngỡ ngàng trước thái độ của Hùng. Người bạn cùng đi với Hạnh phải thốt lên:

-Mày quá yêu nên nhìn gà hóa quốc, anh ấy đã chết trong trận hạ Lào 7 năm, ba mẹ anh ấy đã lãnh tiền tử tuất, rồi làm bao nhiêu cái giỗ… bây giờ mày còn mơ tưởng. Thân ốc mang vỏ còn không nổi bầy đặt đeo bổng cụm rêu.

Hạnh khóc nức nở và phân bua:

-Tao không thể lầm người khác được, vì má bên trái anh ấy có cái sẹo gần miệng, cái sẹo này anh bị thương trong trận giải tỏa thành nội Huế vào Tết Mậu Thân.

Tiếng Hạnh nói như trăm ngàn mũi kim đâm thẳng vào tim Hùng, để khỏi bật thành tiếng khóc, Hùng cất cao giọng hát:

“Không.. Không… anh không chết đâu em
Anh chỉ về với mẹ mong con, anh vẫn sống thênh thang
Trong lòng những người yêu đời lính.

Anh…. anh không chết đâu em
Anh chỉ mới bỏ cuộc đêm qua
Sao cứ khóc anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân
Giọt nước mắt bây giờ và còn hàng đêm cho anh. . cho anh
Anh… không… chết… đâu em
Anh… chưa… chết… đâu em…”

Tiếng người tài xế xe chở hành khách giục mọi người lên xe về kẻo trễ, Hùng còn nghe rõ tiếng khóc nức nở của Hạnh dần dần xa.

Cường giận dữ nói với Hùng:

-Hạnh vẫn thương yêu mày khủng khiept, tại sao không về sống với người ta cho trọn câu thề mà lại làm cái hành động thô bạo vô học.

-Ð.M mày chẳng biết gì hết: hành quân trận mạc vào sinh ra tử đều có nhau. Khi tao bị thương nặng tao nói với mày trốn đi còn để tao ở lại với 2 trái lựu đạn, mày khăng khăng tinh thần lính Dù không cho phép bỏ đồng đội, mày cõng tao chạy trốn cuối cùng cũng bị bắt. Trong lao tù chia nhau từng khúc khoai mì thối. Tao là phế nhân mày vẫn vui vẻ săn sóc tao tận tình bây giờ mày lại nói: “Sao không về ở với Hạnh, tao ở với Hạnh mày sống với ai? Một thằng đàn ông sống bám vào đàn bà, mất mặt KBC, thà chết sướng hơn.”

Một anh người miền Nam đứng gần nghe Hùng kể hiểu rõ bèn chửi thề:

-Ð.M cái đó mới đích thực là tình Huynh Ðệ Chi Binh.

Cường vỡ lẽ, hai tay ôm chặt vai Hùng lắc mạnh, Cường nhìn trong hai hố mắt sâu hoắm của Hùng dòng nước mắt nóng hổi tuôn trào chan hòa trên má. Ngay tối hôm đó Hùng đọc cho Cường viết giùm bức thư cho Hạnh.

Hạnh thương mến.

Anh hy vọng em đọc xong bức thư này, em sẽ thấu hiểu lòng anh, tại sao anh lại có hành động thô bạo với em vào buổi chiều hôm đó trên bến phà bắc Mỹ Thuận. Không những em ngỡ ngàng mà cả Cường cũng vậy, em đi rồi nó trách anh là thằng vũ phu, vô tình với em, một người có tấm lòng sắt son, trung tình. Bẩy năm trôi qua không một tin tức gì về anh, mọi người yên tâm anh đã chết rồi nhưng em vẫn nuôi hi vọng sẽ có ngày chúng mình trùng phùng. Anh hơi chủ quan cho rằng: làm sao em có thể nhận ra anh vì lúc này thân hình anh quá tàn tạ. Vậy mà hôm đó em nhận ra anh ngay và còn xác quyết với bạn em (chính anh Hùng). Phải chăng là kỳ bí của tình yêu chân thật. Mắt anh mù không nhìn thấy gì nhưng tai anh rất thính, bạn em còn trách em: “màợy bị ảo tưởng, thiếu thực tế.”

Anh biết em sẽ hy sinh suốt đời để săn sóc anh, nhưng anh không thể chấp nhận để người đàn bà hàng ngày quần quật vất vả nuôi anh chồng tàn phế. Ngay ba mẹ em dù có thương em lắm cũng không thể nhận cho em lấy một người như anh. Xã hội nặng về cư trú, cứ nhìn 3 trở lực chính em làm sao vượt được rào cản quá sức mình mà níu kéo, ôm ấp những hoài niệm cho héo tàn thời xuân sắc.

Hạnh ơi! Khi em đi rồi lòng anh tan nát ra từng mảng, nỗi đau dầy vò tâm hồn anh. Dù thời thế có thay đổi nhưng tình em với anh không đổi thay. Em đã cho anh niềm tin trong tình yêu, và hàng vạn lời thương yêu nhưng ông trời bày ra cảnh đoạn trường, bắt chúng mình xa nhau trọn kiếp, chẳng qua là số phận nghiệt ngã đời anh. Nếu em còn yêu anh xin nghe lời anh mau tìm cho mình tình yêu hạnh phúc, vì người ta không thể níu được thời gian. Cầu mong em tìm được hạnh phúc suốt đời, mai này anh có sang bên kia thế giới anh sẽ phù hộ cho em.

Vĩnh biệt em.  

Từ ngày gặp lại Hạnh, Hùng hay hát những bản nhạc buồn như: Nửa hồn thương đau, Người từ cõi chết trở về, Hoài cảm,… Tối đến mấy anh quen đến nghe Hùng hát họ mang theo ruợu, ngoài ra Hùng mua thêm uống cho đã, anh cầm chai ruợu tu ừng ực, và nói với mọi người:

-Uống đi các cậu cho đời bớt khổ. Cho trời đất quay cuồng, rồi ngâm hai câu thơ của Thế Lữ:

“Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ

 Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.”

Hùng buồn, chán chường lấy ruợu giải sầu, Cường cảm thông nỗi đau khổ của bạn nên chỉ nói nhẹ nhẹ:

-Ruợu này người ta làm bằng củ mì công nghiệp rất độc, họ còn pha thêm vài giọt thuốc rầy cho bắt mắt, mày uống hoài không khùng cũng chết sớm. Hùng cười khuẩy, giọng lè nhè:

-Mày không nghe người ta nói: “Người điên không biết nhớ, người say không biết buồn à. Sống cho ra kiếp người chứ kéo lê thân trâu ngựa trong cái xã hội chó đẻ này thì sống làm gì cho khổ vào thân. Chết đi vừa giải thoát cho mày và cả Hạnh nữa! Ðôi khi trong giấc ngủ Hùng hay nói mớ:

“Anh trở về dang dở đời em.”

Nhìn Hùng càng ngày càng phờ phạc, tàn tạ, Cường bó tay trước định mệnh nghiệt ngã của bạn mình, nên chỉ biết khóc thầm cho số phận hẩm hiu của Hùng và chính mình. Ôi cũng do cuộc chiến huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt mà lũ người CS không tim, không óc gây nên, họ trút hết căm thù lên thân xác người bại trận.

Sẩm tối, Cường dẫn Hùng về quán cơm cô Út, trên đường đi, bên kia đường trước đồn CA tiếng người nói ồn ào:

-Mày cậy là CA đụng người ta không xin lỗi còn hành hung, mày giỏi ra ngoài này sẽ biết tay chúng tao.

Hùng dừng chân trên hè nói đốc thúc vào:

-Xã hội này đâu có người ức hiếp người, chỉ có cá lớn nuốt cá bé, có chức là có quyền… lời nói như đổ dầu vào lửa. Tiếng nhiều người thách thức tên công an vang dội tiếp sau một tràng đạn nổ chát chúa, người thì nằm rạp xuống đường, người chạy tán loạn tránh đạn, một viên đạn ghim ngay ngực Hùng máu ra ướt áo, Hùng quỵ xuống đường, Cường ôm Hùng và la lớn tiếng:

-Bà con ơi! Có người bị thương.

Sẵn có xe ba gác, Cường bế Hùng ngồi trên xe, người thì đạp, người thì đẩy, chạy lại trạm xá, người lớn, con nít bu đầy theo xe đến trạm xá. Tại đây chỉ có cô y tá, không nước biển, máu tiếp cứu. Hùng rên nhẹ rồi thở hắt ra chân tay xụi lơ, cô y tá, đư a tay sờ vào động mạch chỗ cổ Hùng rồi lắc đầu:

-Anh ấy chết rồi!

Có người đưa ý kiến:

-Phải đưa tên CA sát nhân ra tòa để các tên khác bớt cửa quyền.

Một ông già nói chậm rãi:

-Xứ sở này chỉ có luật rừng, mạnh thắng yếu thua. Khiếu kiện giống “con kiến kiện củ khoai,” rồi đây các ông coi tụi nó “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện,” ông này là lính chế độ cũ, vụ án này nó cho chìm xuồng luôn.

Cường về sạp nằm lấy cái mền lại trạm xá phủ kín người Hùng rồi khóc sụt sùi. Cô y tá người miền Nam hỏi Cường:

-Anh với người chết này họ hàng ra sao?

-Chúng tôi chỉ là bạn trong quân đội chế độ cũ.

Cô y tá khuyên Cường:

-Anh ấy chết rồi, anh nên về nhà nghỉ cho lại sức, ngày mai còn phải chôn cất anh ấy vất vả lắm.

-Không, tôi ngồi đây với nó suốt đêm nay, vì ngày mai nó nằm trong huyệt sâu, đâu còn thấy mặt nó, “nghĩa tử là nghĩa tận.”

Cô y tá vào phòng trong lấy bó nhang và mấy cây đèn cầy đưa cho Cường:

-Anh thắp nhang và đèn cầy cho bạn anh đỡ lạnh lẽo. Rồi nói tiếp: Thời buổi này ít thấy ai như anh, tình bạn thâm sâu như vậy, hơn cả tình ruột thịt.

Cường vừa chong đèn vừa chơi đàn hết bản nhạc này đến bản khác, nỗi buồn lắng đọng trong tim trải dài tận các ngón tay làm cho âm thanh càng réo rắt, ai oán, não nề như bao oan hồn về đây hòa với gió. Ngoài trời mưa rỉ rả, giọt mưa gõ nhịp trên mái tôn làm cho cảnh tượng càng thêm thê lương.

Nhờ các bạn quen Cường và Hùng họ hùn tiền mua ván đóng hòm, phân công người đào huyệt, người có xe ba gác chở quan tài đến mộ phần. Cô Út bán quán mà Hùng và Cường ăn hàng ngày, cô mang bát cơm có quả trứng, và vài nén nhang cắm vào quả trứng để trên mộ Hùng rồi chắp tay cung kính vái lậy. Thế cũng xong một kiếp người!

Cường hai ngày ngồi ủ rũ, phờ phạc, xuống sắc thậm tệ đến nỗi cậu Cường phải an ủi:

-Ðằng nào thì thằng Hùng cũng mồ yên an phận một đời, cháu phải kiếm việc gì làm cho khuây khỏa chứ kéo dài tình trạng này e bất ổn.

Mấy ngày hôm nay ở bến bắc người ta đồn ầm lên đêm khuya thanh vắng nghe văng vẳng tiếng hát của anh lính Dù. Ðêm trăng sáng thấy một người lính Dù tóc dài ngồi ở bờ sông gió thổi tóc bay phất phơ, nào là xe đang chạy có anh lính Dù tóc dài, đứng giữa xe hát:

“Tưởng rằng người chết đi
Nhưng không anh lại về, anh trở về từ ngục tối hay mộ sâu
Người yêu ơi! Anh còn đó em còn đây, tình đầy hơn nước mắt”

Một lúc sau không thấy anh ta đâu trong khi đó xe đang chạy nhanh.

Có người nói:

-Anh Trương Chi thời đại mới… Hoặc một cuộc tình sử bi hùng tráng.

Chủ xe đò và các người bán trái cây thấy Hùng linh nên họ xây cái miếu bên đường thờ Hùng. Hàng ngày họ mang trái cây, thức ăn bánh trái, thắp nhang cúng vái xin phù hộ lái xe được an toàn, làm ăn phát đạt, trúng số,…

Cường lấy thùng carton dựng làm mái che cạnh miếu Hùng, hết ngồi thiền lại đánh đàn cho hết ngày. Thức ăn người ta cúng Hùng, ăn không hết chiều đến Cường mang cho mấy người hành khất quanh đó. Mỗi khi nghĩ đến Hùng, Cường nghe văng vẳng bên tai câu Hùng nói: “Tao về với Hạnh mày sống với ai?”

Cũng như hàng ngày, Cường vác đàn ra ngồi cạnh miếu Hùng, hết ngôi thiền lại lấy đàn đánh bài Thương Hoài Ngàn Năm mà Hùng tối nào cũng hát để nhớ một thời hoa niên Hùng và Hạnh bên nhau, Cường nhắm mắt để hết tâm hồn vào bản nhạc, anh đang say sưa nắn phím thì có tiếng người hỏi:

-Bạn anh đâu? Sao anh ngồi đây chơi đàn một mình?

Cường mở mắt nhận ra người hỏi mình chính là Hạnh người yêu của Hùng, nghẹn ngào nói với Hạnh:

-Anh Hùng đã chết 10 ngày nay, đây là lá thư Hùng viết cho chị.

Hạnh cầm lá thư tay run lẩy bẩy, ngồi quỵ trước miếu Hùng khóc vật vã nức nở, nước mắt chan hòa trên má, đội mắt đỏ ngằu, sưng vù…

Cường giữ im lặng một lúc đợi cho Hạnh nghỉ mệt rồi ân cần nói:

-Ðây miếu anh Hùng còn mộ anh ấy ngoài bờ sông gần đây mời chị đến viếng.

Nhìn Hạnh nằm dài hai tay ôm mộ khóc sướt mướt nước mắt đầm đia, tóc, đất dính đầy má, Cường xúc động đứng như trời trồng nước mắt lưng tròng, một lúc sau Cường lay vai Hạnh và nói:

-Thôi chị để anh ấy yên nghỉ.

Cường đưa Hạnh vào quán nước kể hết uẩn khúc sự tình: nào là thất trận tại hạ Lào, trong tù ra sao, vì sao Hùng mù hai mắt, tại sao Hùng bị bắn chết…

Hạnh mếu máo kể:

-Tôi đi buôn hàng chuyến bị CA trạm kiểm soát khám thấy hàng cấm nó tịch thu hết vốn liếng còn nhốt trong tù hai tháng nay mới thả, bữa nay tôi quyết định xuống đây tìm anh Hùng, khi xe gần tới bến bắc nghe người trên xe bàn tán xôn xao: “ỞƯ bến bắc có miếu thờ anh lính Dù linh lắm, tôi bán tin bán nghi mà không dám khẳng định là anh Hùng không ngờ lại chính là anh Hùng. Ôi! đây cũng là định mệnh buồn.” Cường nhìn Hạnh bước lảo đảo như cái xác không hồn dưới cơn mưa phùn đến trạm đón xe về Saigon.

Hơn mười ngày kể từ khi Hùng chết, Cường không lại ăn ở quán cơm cô Út, nhân tiện Xê mang chai nếp than đến cúng Hùng, Cường cầm chai ruợu lại quán Út kiếm đồ nhậu uống cho khuây nỗi buồn. Út nhìn thấy Cường đến nét mặt vui tươi giọng đôn đả;

-Chà, hôm nay ma xui quỷ khiến anh mới dẫn xác tới đây bầy đặt mang ruợu làm đệ tử lưu linh?

Nghe thấy tiếng Út nói oang oang bên ngoài, anh Hai cô Út trong bếp bước ra thấy Cường ngồi ở bàn bèn nói:

-Ðấy nó (Cường) tới rồi nói gì thì nói cho đã kẻo nhắc tên nó hoài.

-Anh Hai nói làm em mắc cỡ.

-Mày ban ngày mắc cỡ tối ở không về.

-Anh Hai nói kỳ quá. Út quay sang chỗ Cường:

-Anh nhậu món gà chiến còn nóng? Ngon hết xẩy.

-Không đủ tiền trả có cho thiếu không?

-Chuyện nhỏ.

-Có trước mặt anh Hai làm chứng đấy.

Anh Hai của Út: Không có tiền trả làm công thế có mẹ gì mà lo.

Cường:

-Chuyện đó hạ hồi phân giải, có chai nếp than Gò Ðen mời anh Hai ngồi nhậu cho vui. Anh Hai an ủi Cường:

-Mày với thằng Hùng thương nhau quá đỗi, nó chết như vậy yên bề, chứ kéo lê thân tàn ma dại càng khổ thêm. Lúc này trở trời vết thương năm trước hành tao muốn chết, đau nằm hai ba ngày, khách thì đông một mình con Út trông coi không xuể hay mày lại giúp anh cùng con Út trông coi cửa tiệm này.

-Bộ trước kia anh là du kích hay sao mà bị thương?

-Ð.M mày nói như vậy là khinh tao đấy à? Ðường đường một đấng trượng phu nhu tao mà đi làm du kích sao? Mày hỏi Hai sạc Ne ở TÐ/Trâu Ðiên/TQLC biết tao như thế nào.

Cường sơ ý nói:

-Vậy trước kia anh cũng là lính Ngụy à?

-Ngụy con c… tao, chẳng qua thằng Mỹ bỏ rơi MN anh em mình mới sa cơ, thất thế. Mày còn nhớ năm 72 quân mình tái chiếm cổ thành Quảng Trị, quân Dù mặt Bắc, TQLC mặt Nam, TÐ trâu điên của tao tiến quân như vũ bão, tao cặp nách cây đại liên M.60 đứng thẳng lưng quạt hết thùng đạn này đến thùng khác, xác tụi nó chết nằm la liệt trên bờ cổ thành, nhìn mấy đứa hãy còn con nít khoảng 15-16 tuổi. Trong nửa tháng nhổ hết chốt của chúng. Lớp chết, lớp xách quần ôm đầu máu chạy bán sống bán chết dạt về phía vùng phi quân sự. Trận đó tao bị thương ở bụng, ruột vá mấy khúc. Bây giờ nó là kẻ thắng nói gì chẳng được, Còn nhớ TT Thiệu nói: “Ðừng nghe những gì Cộng Sản nói.”

Cường nâng ly: Chúc mừng anh hùng mũ xanh.

Cường và anh Hai nhậu lai rai Cường nói:

-Em sợ đến đây làm Út nó đì sói trán?

-Giọng Anh Hai nhừa nhựa “Mày chưa xung trận đã sợ, làm mất mặt lính Dù, nó lộn xộn cho mày đá giăng cạc te nó ra.”

Cường nhìn Út nói:

-Út nghe rõ lời anh Hai nói chưa?

-Chưa gì anh Hai đã vẽ đường cho huơu chạy!

Hai người cưa hết chai nép than, anh Hai xỉn vào nhà trong ngủ.

Lúc vắng khách Út tâm sự với Cường:

-Anh với anh Hùng thương nhau không khác truyện Bá Nha Tử Kỳ thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tầu.

Cường trố mắt nhìn Út:

-Em cũng biết truyện Bá Nha Tử Kỳ à?

-Trước 75 em là giáo viên chứ bộ, khi Cộng Sản chiếm miền Nam họ bắt dạy kiểu nhồi sọ con nít bằng sự hận thù, dối trá, em nản bỏ dạy về đây bán hàng cho anh Hai.

Nghe tin Cường làm ở quán cơm cô Út, anh em kéo đến ăn sáng, trưa, chiều rất đông. Những lúc vắng khách Út gợi chuyện:

-Ngày anh Hùng còn tụ tập ở sạp chơi nhạc, em ngồi xa nghe lén, anh Hùng hát hay dễ sợ, giọng trầm, ấm lại hát những bản nhạc trữ tình, em nghe cứ mê mẩn cả người. Em thuộc điệu nhưng lời thì bập bỏng, tối rảnh anh chép lời, đệm đàn dạy em hát được không

-Em quên anh là Bá Nha à?

Út tỏ ra thất vọng vì lời yêu cầu của mình bị Cường từ chối thẳng thừng nên mất hứng, đầu hơi cúi xuống suy nghĩ:

-Cường là người dễ tính tại mình đề nghị không đúng lúc?

Mấy tháng làm cho quán anh Hai, Út tỏ ra săn sóc Cường chỉ cho Cường cách làm thức ăn, biết Cường hút thuốc lá nên mua mấy gói để sẵn trong hộc kéo còn dặn: “Anh cần sắm sửa quần áo cứ lấy tiền trong hộc tủ mà mua. ”

-Cám ơn em khi nào cần anh sẽ cho em biết.

Trong khi anh Hai, Cường, Út ngồi ăn chung, Cường đề nghị với anh Hai:

-Tối đến chẳng biết làm gì cho hết giờ, tụi em tính dọn dẹp mở bán cà phê cho vui. Mấy anh bạn yêu cầu hoài, họ hứa ủng hộ hết mình.

-Sợ tụi mày mệt chứ thích thì cứ làm.

-Em cần 5 cái bàn, 20 cái ghế, 15 phin cà phê.

-Chuyện nhỏ, nhưng con Út có chịu không?

-Ý anh ấy là ý trời, em nói trước, em chi biết pha cà phê bí tất (vớ) còn cái nồi ngồi trên cái cốc (Bắc Kỳ 75 gọi phin pha cà phê để trên tách) em chịu thua.

Cường:

-Cái đó anh lo. Hồi ở Hà Nội bố anh quen thân ông chủ tiệm cà phê Nhân ở phố Cầu Gỗ, ông ta truyền hết bí quyết pha cà phê, uống vừa đậm vừa béo khỏi chê, ai đã một lần đến quán ông thưởng thức cà phê khỏi đến quán khác, sẵn đà:

-Trời lành lạnh ngồi nhâm nhi cà phê nghe cô Út ca thì hết sẩy.

Bán cà phê, nước ngọt rất lời nhàn hạ, công việc làm ăn phát đạt nên trong bữa cơm chiều, anh Hai của Út đề cập đến chuyện tình duyên của Út và Cường.

-Sao Út mày có ưng thằng Cường để tao về thưa với má xem ngày lành tháng tốt làm mấy thồi mời họ hàng đến ăn hợp thức tụi mày cho rồi, Ông cao hứng “lấy chồng thì lấy liền tay, chớ để lây ngày có kẻ gièm pha.”

Út nhìn Cường cười vui vẻ, nói lí nhí trong miệng:

-Cám ơn anh Hai.

Bẵng đi cả năm sau, buổi chiều khách ăn trưa đã vãn, bỗng có dì phước đến quán tìm Cường, thấy Cường chưa nhận ra mình, Hạnh tự giới thiệu:

-Anh Cường không nhận ra Hạnh à?

-Xin lỗi chị trông chị hôm nay khác hẳn ra, vừa vui vẻ tươi trẻ, không u sầu như những ngày trước đây, với bộ đồ tu nhìn chị càng thánh thiện.

-Anh có bận gì không? Có thể đưa tôi ra thăm mộ anh Hùng một chút?

-Chị đợi tôi một phút tôi lấy nhang và đèn cầy ra thắp cho anh Hùng.

Trong khi Cường đốt nhang, đèn cầy, Hạnh treo bức tượng hộ mang Hùng tặng vào cây thánh giá mộ Hùng.

Hai người đọc kinh xong, giọng Hạnh êm dịu pha tính thuyết phục:

-Anh Hùng em đã làm những điều ước nguyện anh mong muốn, nhưng anh ơi! Tình yêu và hạnh phúc trên cõi trần quá mong manh như tia nắng ngoài trời. Chỉ có tình yêu, hạnh phúc trong tay Thiên Chúa mới vĩnh cửu, nên em đã hiến dâng trọn đời mình trong dòng Ngôi Lời, hàng ngày săn sóc rửa ráy những vết lở loét cho người phong cùi, dạy dỗ con cái họ học hành, lễ nghĩa. Càng nghĩ đến anh em càng làm việc hăng say quên ngày tháng.

Cường nghe Hạnh thổ lộ như trên bèn nói:

-Chị vừa trẻ, có nhan sắc dám dấn thân săn sóc cho người cùi, không sợ lây bệnh hay sao?

-Một người phóng viên báo chí cũng đặt câu hỏi với tôi như anh vừa hỏi, tôi trả lời:

-Nhờ tin tưởng mãnh liệt vào lời Thiên Chúa dạy và tình yêu tha nhân thì sá chi đến thân xác hèn mọn này mà sợ mang hậu quả bệnh tật. Lời Chúa rao giảng “Ta là hiện thân của kẻ nghèo khó, tàn tật, ai đến với họ là đến với chính ta.”

Tự nhiên con gió lốc bao phủ mộ Hùng, cát bụi giăng mù mịt kéo theo tượng thiên thần hộ mệnh bay vút lên trời xanh, Cường, Hạnh ngước mắt lên trời nhìn theo cho đến khi bụi và bức tượng lẩn vào trong đám mây. Ðây là hiện tượng lạ, hai người không nói với nhau, nhưng đều nghĩ:

Linh hồn Hùng vừa mới siêu thoát.

Video: Phóng sự Việt Nam Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT