Monday, April 29, 2024

Đại Úy Phạm Hữu Phước kể lại những trận đánh cuối cùng

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Sau khi ra trường Khóa 25 Trừ Bị Thủ Đức, Chuẩn Úy Phạm Hữu Phước tình nguyện gia nhập Binh Chủng Thiết Giáp, thụ huấn khóa 20 Sĩ Quan Căn Bản Thiết Giáp, và tham chiến nhiều trận chiến, được thăng cấp trung úy vào Tháng Sáu, 1971, với chức vụ chi đoàn phó Chi Đoàn 1/11 Chiến Xa. Đến Tháng Sáu, 1974, ông Phước được thăng cấp đại úy.

Kỵ Binh Phạm Hữu Phước tại Westminster. (Hình: Phạm Hữu Phước cung cấp)

Đại Úy Phạm Hữu Phước kể lại những trận đánh cuối cùng với phóng viên nhật báo Người Việt tại thành phố Westminster, ở vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại.

Chiến dịch Lôi Phong tái chiếm Quảng Trị năm 1972

Trong cuộc hành quân phối hợp tái chiếm Quảng Trị, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng từ Quân Khu IV ra thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, trực tiếp chỉ huy, soạn thảo kế hoạch hành quân cùng Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân, tư lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, và các cấp chỉ huy khác của các binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Trong buổi họp tham mưu đầu tiên của Thiết Đoàn 20 Chiến Xa, Trung Tá Nguyển Văn Tá, tân thiết đoàn trưởng, ưu tiên thành lập lại Chi Đoàn 1/20 Chiến Xa do Đại Úy Đặng Hữu Xứng làm chi đoàn trưởng, rồi mới đến Chi Đoàn 2/20 Chiến Xa của Trung Úy Phạm Hữu Phước. Cuối cùng là Chi Đoàn 3/20 Chiến Xa do Đại Úy Đoàn Chí Sanh chịu trách nhiệm.

Ông Phước nói: “Sau buổi họp, Trung Tá Nguyển Văn Tá nói riêng cho tôi biết, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng không đồng ý để một trung úy làm chi đoàn trưởng chiến xa M48A3, nên tôi vẫn tiếp tục tái chỉnh trang Chi Đoàn, cho đến khi có người khác đến thay.”

Tái trang bị xong, các đơn vị Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Địa Phương Quân cùng Chi Đoàn 1/20 Chiến Xa, Chi Đoàn M113 Thiết Kỵ xuất quân qua cầu phao sông Mỹ Chánh, cầu này đã bị Công Binh ta giật sập sau khi thành lập phòng tuyến, tiến lên tái chiếm Quảng Trị.

Ông kể tiếp: “Khi Chi Đoàn 1/20 Chiến Xa cùng các đơn vị tham chiến đã chiếm xong quận Hải Lăng, Chi Đoàn 2/20 Chiến Xa cũng đã sẵn sàng. Tôi hướng dẫn Chi Đoàn qua sông Mỹ Chánh, phối hợp hành quân cùng với đơn vị Nhảy Dù, giữ vùng núi phía Tây quận Hải Lăng, bên trái quốc lộ 1, ngăn không cho địch chận đường tiếp tế của ta.”

“Với tình hình hiện tại, tôi không dùng chiến thuật chiếm giữ cao điểm nữa, khi di chuyển hay đóng quân đều dựa theo triền đồi, các cao điểm đều dành cho đơn vị Nhảy Dù đảm trách. Tiến quân đến đâu thì địch quân pháo theo đến đó. Vì có kinh nghiệm bị địch phá vỡ phòng tuyến Đông Hà, Ái Tử nên khi tiến quân, Chi Đoàn đều dựa theo triền đồi. Nhờ thế mà pháo 130 ly và hỏa tiển 122 ly của địch bay qua đầu, rớt trên triền đồi kế bên không hề hấn gì đến Chi Đoàn,” ông nhớ lại.

Thấy dùng pháo không có kết quả, địch cho chôn mìn chống chiến xa khắp nơi theo trục tiến quân làm hai xe cán mìn đứt xích. Để tránh mìn, ông Phước ra lệnh Chi Đoàn tiến theo đường xích của xe trước. Chi Đoàn 1/20 Chiến Xa cùng Tiểu Đoàn 11 Dù của Thiếu Tá Lê Văn Mể tiếp tục tiến đánh chiếm La Vang và Chi Khu Mai Lĩnh.

Nhất quyết phải tiến chiếm cho bằng được đến cầu Quảng Trị, Chi Đội 3/1 Chiến Xa của Thiếu Úy Đặng Văn Quang phối hợp cùng hai đại đội của Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến, lợi dụng thời tiết sương mù buổi sáng, đã chớp nhoáng đánh chiếm lại bệnh viện Quảng Trị và trường Trung Học Bồ Đề một cách dễ dàng. Thế là đoạn đường trên quốc lộ 1 từ Hồ Đắc Hanh đến cầu Quảng Trị đã được khai thông.

Tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng

Chi Đoàn 1/20 Chiến Xa bàn giao lại địa bàn trên cho Chi Đoàn 2/20 Chiến Xa. Rồi về căn cứ Hòa Mỹ, quận Phong Điền, để tu bổ bảo trì và dưỡng quân. Lúc bấy giờ Chi Đoàn 2/20 Chiến Xa vừa tăng phái cho Nhảy Dù vừa tăng phái cho Thủy Quân Lục Chiến.

Chi Đội của Thiếu Úy Bùi Thám đi với Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù của Thiếu Tá Bùi Quyền, chiếm giữ bên trái quốc lộ 1 tiến về Động Ông Đô; Chi Đội của Thiếu Úy Nguyển Văn Thuận giữ bệnh viện Quảng Trị; Chi Đội của Thiếu Úy Nguyễn Văn Quảng đóng dọc theo bờ sông Thạch Hãn cùng với Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến, rồi đánh chiếm từng căn nhà tiến về trung tâm thành phố.

Chi Đoàn 3/20 Chiến Xa cũng đã thao dượt xong, xuất quân đi với Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, đánh chiếm doanh trại Tích Tường và các vùng lân cận. Sau đó, Đại Úy Lê Bá Nam từ Thiết Đoàn 7 thuyên chuyển qua giữ chức vụ Chi Đoàn Trưởng 3/20 Chiến Xa tại mặt trận La Vang, Tích Tường.

Lúc bấy giờ, Chi Đoàn 2/20 Chiến Xa tăng phái hẳn cho Thủy Quân Lục Chiến. Chi Đội của Thiếu Úy Bùi Thám rời Tiểu Đoàn 5 Dù, tăng phái cho Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến (Thần Ưng) của Thiếu Tá Đỗ Hữu Tùng, từ bến xe đò hướng Nam Quảng Trị, tiến đến Cổ Thành Đinh Công Tráng. Các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến phối hợp cùng chiến xa, đánh chiếm từng căn nhà, tiến dần đến Cổ Thành.

Đến giữa Tháng Tám, 1972, Thủy Quân Lục Chiến đã tiến gần đến trung tâm thành phố. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến (Ó Biển) của Thiếu Tá Nguyễn Văn Phán và Chi Đoàn 2/20 Chiến Xa của Trung Úy Phạm Hữu Phước đóng quân trên đồi thông bên trái quốc lộ 1 gần ngã ba Long Hưng.

Đầu Tháng Chín, 1972 vào một buổi trưa trời nắng nóng, ông Phước ngồi trong xe M113, cửa sau mở, không hiểu vì sao, nhưng có lẽ vì ông còn nặng nợ với núi sông, nên khiến ông cầm áo giáp lên che ngực khi nghe hai tiếng đề ba (départ) “cạch, cạch” của súng cối 82 ly của địch.

Ông nói: “Một trái nổ trên mô đất phía sau cách xe chừng một thước. Vì quá gần nên mảnh đạn tạt lên chưa cao, chỉ từ áo giáp trở xuống, nhiều mảnh ghim vào chân, đùi, mông, một mảnh xuyên qua áo giáp vào gần tới phổi của tôi. Tuy các vết thương không nặng lắm, nhưng cũng phải rời mặt trận về bệnh viện Nguyển Tri Phương (Huế). Thiếu Tá Trương Quang Thương ra thay tôi, tiếp tục cùng Thủy Quân Lục Chiến tiến chiếm Cổ Thành.”

Khi vết thương đã lành, ông trở lại đơn vị thì Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến Thần Ứng đã cắm cờ trên Cổ Thành Quảng Trị và bắt được nhiều tù binh Việt Cộng vào ngày 16 Tháng Chín, 1972.

Cuộc chiến tạm yên và mùa Hè năm đó đã trở thành một trong ba sự kiện quan trọng của Quân Lực VNCH và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đặt tên cho ba trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972: “Bình Long Anh Dũng,” “Kon Tum Kiêu Hùng” và “Trị Thiên Vùng Dậy.”

Đó là tất cả diễn tiến của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, một mùa Hè rực lửa tại Quảng Trị mà Kỵ Binh Phạm Hữu Phước đã tham dự, chứng kiến trong đời quân ngũ.

Còn mặt trận phía Tây Huế, các chiến sĩ Sư Đoàn 1 Bộ Binh và Thiết Đoàn 7 Kỵ Binh cũng đã đánh chiếm lại được căn cứ Bastongne. Tuy chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, nhưng cũng nói lên được sự kiên cường, dũng cảm của những người lính VNCH.

Ông Phước kể: “Sau khi xuất viện và nghỉ phép, tôi trở lại đơn vị thì cuộc chiến đã không còn ác liệt, chỉ còn những trận đánh lẻ tẻ ở Bích La Thôn, và các thôn dọc theo sông Thạch Hãn. Thành phố Quảng Trị bây giờ là một thành phố hoang tàn đổ nát, không còn những quán cà phê nhạc, phố xá vắng hẳn những tà áo dài màu trắng tinh khôi của nữ sinh trường Trung học Nguyễn Hoàng, trường Bồ Đề, líu lo như chim sau giờ tan học.”

Tái chiếm Cửa Việt năm 1973

Ba Chi Đoàn thay phiên nhau tăng phái cho Nhảy Dù trên đồi núi phía Tây và Thủy Quân Lục Chiến tại các làng xã phía Đông như Hội Yên, Gia Đẳng, Mỹ Thủy…

Kỵ Binh Phạm Hữu Phước tại Phòng Thuyết Trình của Chi Đoàn 1/11 Chiến Xa. (Hình: Phạm Hữu Phước cung cấp)

Ngày 25 Tháng Giêng, 1973, được lệnh phải tái chiếm lại Cửa Việt, đã bị Việt Cộng chiếm giữ khi quân ta rút khỏi Quảng Trị, gồm các đơn vị Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến, Chi Đoàn 1/20 Chiến Xa, Chi Đoàn 3/20 Chiến Xa, Chi Đoàn 2/17 Thiết Kỵ, Chi Đoàn 2/20 Chiến Xa trừ bị tại quận Hải Lăng.

Quân Đội VNCH đã chiếm lại cách Cửa Việt chừng 100 mét, cắm cờ VNCH trên vùng đất đã lấy lại được, trước 8 giờ sáng 28 Tháng Giêng, 1973. Nhưng Việt Cộng đã bất chấp hiệp định đình chiến Paris, vài ngày sau đó đã tấn công và đẩy lui quân ta chiếm lại Cửa Việt.

Sau đó, nhiệm vụ các Chi Đoàn vẫn thay phiên tăng phái cho các Binh Chủng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến.

Tháng Sáu, 1974, Ông Phước được thắng cấp đại úy. Không bao lâu ông bàn giao đơn vị lại cho Đại Úy Phan Thanh Tùng, rồi lên đường đi học khóa Trung Cấp Thiết Giáp.

Mãn khóa học, Đại Úy Phước trở lại đơn vị làm trưởng ban truyền tin của Thiết Đoàn. Đầu năm 1975, Chi Đoàn 2/20 Chiến Xa của Đại Úy Tùng đánh tan Đại Đội Việt Cộng tại xã Triều Dương, Vĩnh Nậy, bắt sống nhiều tù binh. Đây là chiến thắng cuối cùng của Thiết Đoàn 20 Chiến Xa.

Quân Khu I và Quân Khu II bị thất thủ

Mặt trận tại vùng hỏa tuyến càng thêm khốc liệt. Địch đã chiếm nhiều lãnh thổ ở Quân Khu I và Quân Khu II. Sau đó, Trung Tá Phan Công Tuấn, thiết đoàn trưởng Thiết Đoàn 20 Chiến Xa, cùng các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến trấn giữ vùng hỏa tuyến được lệnh rút bỏ Quảng Trị về Đà Nẵng vào Tháng Ba, 1975.

Thiếu Tá Minh, thiết đoàn phó, cùng ông Phước phụ trách phá kho đạn tại Phong Lộc rồi mới đi sau. Xong việc các ông trở về Huế. Đến cầu Bạch Hổ, ông được lệnh dừng lại chờ nhận tiếp tế. Thiếu Tá Minh về nhà, còn ông Phước thì ở lại cùng vài anh em binh sĩ. Đến trưa hôm sau, mọi người được lệnh chạy về cửa biển Thuận An.

Khi đến nơi, ai nấy đều thấy tất cả chiến xa M48A3 và M113 đậu tại căn cứ Hải Quân, nhưng vắng hoe không còn ai cả. Vừa lúc đó một chiếc LCM (loại tàu chở quân đổ bộ) chạy đến đưa ông Phước và một số quân nhân về Đà Nẵng. Đến Đà Nẵng, ông Phước qua bãi biển Sơn Trà, hy vọng sẽ có tàu Hải Quân để về Sài Gòn.

Đêm đó, căn cứ Hải Quân bị pháo dữ dội. Đến sáng, ông Phước chưa biết đi đâu thì thời may có một Chi Đội M 113 từ trong căn cứ đi ra. Họ đưa ông Phước đến Non Nước, để bảo vệ Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến. Đến đây, ông gặp Chi Đoàn 3/20 Chiến Xa M48 do Thiếu Tá Đặng Hữu Xứng chỉ huy, cũng đang bố trí tại đó.

Ông kể tiếp: “Ngồi bàn về tình hình đen tối hiện tại. Đến trưa thì có một chiến hạm đến đậu ngoài xa, cách bờ chừng 200 mét. Anh Xứng bảo tôi lội ra tàu mau lên, còn Thiếu Tá Xứng thì ở lại để lo cho gia đình. Tôi cởi giày, lấy thùng đạn làm phao rồi bơi ra tàu. Một lát, Trung Úy Bùi Thám lên tàu cùng vài binh sĩ nữa. Vớt thêm chừng 200 binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến, tàu ra khơi chở chúng tôi về Cam Ranh.”

Ra quốc lộ 1, ông đón xe lam về Phan Rang, đến các làng chài hy vọng mua vé ghe đi về Vũng Tàu. Chờ một hai ngày vẫn không thấy hy vọng gì, nên ông Phước và Trung Úy Bùi Thám đi ra quốc lộ 1 mong đón được xe đò, cũng may có chiếc xe hàng chở gia đình, cho họ quá giang.

Lúc bấy giờ, Quân Khu I và Quân Khu II đã bị thất thủ một cách tức tưởi.

“Về đến Bình Tuy thì xe dừng lại, vì phía trước quân ta đang chiến đấu với Việt Cộng. Tôi và Trung Úy Thám đi về hướng biển, đến làng đánh cá mua được vé về Long Hải. Lên bờ Quân Cảnh cho biết, Thiết Giáp đang tập trung tại căn cứ Long Bình. Vào trình diện thì thấy anh em Thiết Giáp từ Quân Khu I và II về đây rất đông,” ông kể.

Biến cố 30 Tháng Tư, 1975

Vào khoảng giữa Tháng Tư, 1975, ông Phước được lệnh của Đại Tá Nguyễn Xuân Hường, tư lệnh Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh, thành lập lại Chi Đoàn 2/11 Thiết Kỵ trực thuộc Quân Đoàn III, có nhiệm vụ phòng thủ Biên Hòa. Ban ngày bố trí tại núi Bửu Long, đêm giữ phi trường Biên Hòa.

Ngày 26 Tháng Tư, 1975, Quân Đoàn chỉ thị cho Đại Úy Phước dẫn Chi Đoàn ra Bà Rịa tăng phái cho Thủy Quân Lục Chiến.

“Vừa đến ngã ba Long Bình hướng về Bà Rịa, dân chúng chạy loạn cho hay quân ta đang đánh nhau với Việt Cộng tại Long Thành. Sau đó, Chi Đoàn được lệnh quay về tăng phái cho Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù của Thiếu Tá Nguyễn Lô đang giữ Biên Hòa, gồm hai Chi Đội tăng phái cho Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù của Thiếu Tá Võ Trọng Em giữ cầu Biên Hòa, còn tôi và thành phần còn lại cùng Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù giữ phi trường,” Kỵ Binh Phạm Hữu Phước nhớ lại.

Kỵ Binh Phạm Hữu Phước trên nắp hầm tại Căn Cứ C1. (Hình: Phạm Hữu Phước cung cấp)

Đêm 29 Tháng Tư, 1975, với hai cây đại bác 106 ly không giật, Chi Đội của Trung Úy Nguyễn Văn Hiệp, chi đoàn phó, đã bắn hạ hai chiến xa địch bên kia sông Đồng Nai. Đây là chiến tích cuối cùng của Chi Đoàn 2/11 Thiết Kỵ.

Kỵ Binh Phạm Hữu Phước tâm tình: “Sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù cùng Chi Đoàn của tôi rút từ Biên Hòa về đến Hàng Xanh, thì nghe lệnh buông súng của Tổng Thống Dương Văn Minh. Vận nước đến đây là hết, chia tay nhau mỗi người đi một nẻo, không chỉ riêng tôi mà hầu như tất cả những người dân miền Nam đều hoang mang, chưa biết ngày mai sẽ ra sao đây.”

“Tôi xin mượn hai câu thơ của nữ thi sĩ Như Thương để nói lên sự đau lòng uất nghẹn này: ‘Tháng Tư nghiêng ngả sơn hà/ Triệu người khóc hận lan qua ngất trời/ Tờ lịch rơi những đầy vơi/ Lật trang sử mới ngàn đời không quên.’” (Lâm Hoài Thạch) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT