Wednesday, April 24, 2024

Lính Nghĩ Gì? – Đồng minh tráo trở

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Nguồn tin thông tấn xã Reuters cho hay, hôm 12 Tháng Hai, 2021, Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố Hoa Kỳ phải trả tiền nếu họ muốn duy trì thỏa thuận đã có từ năm 2015 về việc quân đội Mỹ tiếp tục đến thăm viếng và tạm trú trên đất nước ông, bởi vì thỏa thuận này chỉ thiết yếu cho chiến lược của Mỹ tại Á Châu.

Tàu Mỹ cập cảng Subic, một căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở phía Tây Bắc Manila, Philippines. (Hình minh họa: STR/AFP via Getty Images)

Nhà lãnh đạo Philippines nhấn mạnh rằng việc quân đội Mỹ ở lại Philippines, tuy là một trách nhiệm có tính cách hỗ tương, nhưng dẫu sao thì điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ khỏi phải tốn tiền gì cả, bởi vì lúc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Cộng Sản Trung Hoa nổ ra sau khi cả hai bên đều gia tăng các hành động quân sự tại Biển Đông (South China Sea) – mà Philippines gọi là Biển Tây (West Philippine Sea) – thì tất cả chúng ta đều phải trả giá. Ông Duterte đã không nói rõ Hoa Kỳ phải trả cho nước ông bao nhiêu tiền.

Trước đó, vào ngày 11 Tháng Hai, các giới chức Hoa Kỳ và Philippines, lần đầu tiên kể từ khi tân Tổng Thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, đã gặp nhau để giải quyết những mối bất đồng về việc Hoa Kỳ đóng quân trên đất Philippines, đồng thời tái xác nhận mối liên minh chặt chẽ giữa hai nước trước việc Cộng Sản Trung Hoa ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn trong nỗ lực độc chiếm Biển Đông.

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và thuộc địa cũ của họ tại Đông Nam Á này đã trở nên rắc rối hơn sau khi ông Duterte lên nắm quyền hồi năm 2016, với việc nhà lãnh đạo Philippines nhiều lần lên án chính sách ngoại giao của Mỹ và tỏ ý công khai muốn kết thân với Cộng Sản Trung Hoa. Vị tổng thống Philippines không che giấu lập trường của ông là tránh đối đầu với Trung Hoa khi cường quốc này cứ nhất quyết đòi chủ quyền của họ trên toàn bộ Biển Đông, “bởi vì điều này sẽ dẫn tới những hậu quả mà chúng tôi [Philippines] không thể đương đầu nổi,” ông Duterte nói.

Các đồng minh quốc tế xưa nay

Lịch sử các nước đồng minh trên thế giới đã có từ lâu lắm rồi, từ thời Cổ La Mã (từ năm 27 Trước Công Nguyên đến năm 1423) bên Âu Châu và thời Xuân Thu Chiến Quốc (từ năm 770 đến năm 221 Trước Công Nguyên) bên Trung Hoa. Hồi thế kỷ thứ 18, Âu Châu đã chứng kiến các đồng minh do Đế Quốc Anh cầm đầu (có sự tham gia của Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Áo, Nga…) chống lại Hoàng Đế Napoleon của Pháp (và các đồng minh như Đan Mạch, Đế Quốc Thổ Ottoman, Phổ, Nga, Ba Tư…) trong Cuộc Chiến Tranh Napoleon (1803-1815).

Thời cận đại, hồi Thế Chiến Thứ Nhất (1914-18), phe Đồng Minh Âu Châu (bao gồm Pháp, Anh, Nga, Nhật, Ý, Hoa Kỳ, Hy Lạp, Trung Hoa…) đã liên kết để chống lại phe Đồng Minh Trung Âu (bao gồm Đức, Áo-Hung, Đế Quốc Thổ Ottoman, Bulgaria…).

Thế Chiến Thứ Hai (1939-1945) chứng kiến phe Đồng Minh (bao gồm Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Sô, Trung Hoa Dân Quốc…) đánh nhau với phe Trục (bao gồm Đức, Ý, Nhật…).

Hồi Chiến Tranh Triều Tiên (1950-1953) phe Đồng Minh chiến đấu dưới lá cờ của Liên Hiệp Quốc (bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hòa Lan, Hy Lạp, Canada, Nam Hàn, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Thái Lan…) chống lại ba nước Cộng Sản Á Châu và Âu Châu (bao gồm Cộng Sản Trung Hoa, Liên Xô, và Bắc Hàn).

Trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975), phe Đồng Minh do Mỹ cầm đầu (có thêm Việt Nam Cộng Hòa, Úc, New Zealand, Thái Lan, Trung Hoa Dân Quốc, Philippines…) nhằm chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng Sản Quốc Tế (bao gồm Cộng Sản Bắc Việt, Pathet Lào, Khmer Đỏ, Liên Xô, Cộng Sản Trung Hoa, Cộng Sản Cuba, Cộng Sản Bắc Hàn, Cộng Sản Đông Âu…).

Thời Chiến Tranh Lạnh (1947-1991) là thời các liên minh của phe Thế Giới Tự Do do Hoa Kỳ cầm đầu (bao gồm luôn các nước thuộc Khối NATO, Úc, New Zealand, Pakistan, Trung Hoa Dân Quốc, Thái Lan, Philippines, Việt Nam Cộng Hòa…) chống lại các quốc gia Cộng Sản do Liên Xô cầm đầu (có thêm Cộng Sản Trung Hoa, Cộng Sản Cuba, Cộng Sản Bắc Hàn, Cộng Sản Bắc Việt…). Các liên minh trong thời này bao gồm Khối NATO, Khối Warsaw, Khối ANZUS (gồm Hoa Kỳ, Úc và New Zealand), Khối SEATO, tức Liên Phòng Đông Nam Á (gồm Hoa Kỳ, Úc, Pháp, New Zealand, Pakistan, Thái Lan, Philippines, và Anh).

Lục đục giữa các đồng minh

Mục đích của các liên minh phần lớn là để các quốc gia, trong đó có những nước vừa giàu có về kinh tế vừa hùng mạnh về quân sự và những quốc gia bị giới hạn về tài chánh cũng như khả năng quốc phòng tương trợ lẫn nhau khi họ có chung ý thức hệ hoặc lý tưởng chính trị hay tôn giáo nhằm đối phó với những quốc gia thù nghịch với họ trong trường hợp xung đột xảy ra. Nhưng mối liên minh này không phải lúc nào cũng êm thắm và tốt đẹp mà thỉnh thoảng vẫn có tình trạng lục đục hoặc có khi còn có chuyện trắng trợn bỏ rơi nhau giữa các nước đồng minh.

Tình trạng lục đục giữa các đồng minh nổi bật nhất hồi gần đây là việc các quốc gia trong Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, tức Khối NATO, không đồng ý với nhau về số tài nguyên đóng góp vào khối liên minh khi con chim đầu đàn của NATO là Hoa Kỳ, dưới thời Tổng Thống Donald Trump, yêu cầu các quốc gia tăng ngân sách quốc phòng của mình lên mức tối thiểu là 2% tổng sản lượng quốc gia (GDP) của từng nước, bởi vì các nước được coi là có nền kinh tế vững mạnh như Pháp, Na Uy và Đức từ lâu chỉ sử dụng có 1.9%, 1.5% và 1.3% GDP của họ, theo thức tự, vào các chi phí quốc phòng. Điều này đã dẫn tới những bất hòa giữa Hoa Kỳ và ba quốc gia nói trên, đặc biệt khiến nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel càng thêm giận hờn Tổng Thống Donald Trump.

Tình trạng lục đục cũng xảy ra giữa Hoa Kỳ một bên và bên kia là hai nước đồng minh tại Đông Bắc Á, là Nhật Bản và Nam Hàn, khi Hoa Kỳ, cũng dưới thời Tổng Thống Trump, yêu cầu Nhật Bản và Nam Hàn gia tăng mức đóng góp của họ vào chi phí hằng năm của quân trú phòng Mỹ trên lãnh thổ hai quốc gia này, lập luận rằng hằng chục ngàn quân nhân Mỹ đóng trên đất Nhật Bản và Nam Hàn, trước hết, là để giúp phòng thủ chống lại hiểm họa đến từ hai nước thù nghịch với họ trong vùng, là Cộng Sản Trung Hoa và Cộng Sản Bắc Hàn.

Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Hình: Kenzaburo Fukuhara/Kyodo News – Pool/Getty Images)

Khi đồng minh phản bội

Tuy nhiên, tỷ dụ bi thảm nhất vẫn là sự phản bội phũ phàng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam Cộng Hòa vào thời Chiến Tranh Việt Nam khi chính phủ Hoa Kỳ phải đối đầu với áp lực nặng nề từ một Quốc Hội thù nghịch với các nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam đương thời. Hoa Kỳ đã thản nhiên cắt đứt cả quân viện lẫn kinh viện để cho Sài Gòn phải sụp đổ trước cuộc xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt hồi Tháng Tư, 1975. Hoa Kỳ đành đoạn cắt đứt tình đồng minh gắn bó với Việt Nam Cộng Hòa qua việc ký kết Hiệp Định Paris 1973 với Cộng Sản Bắc Việt, chỉ với mục đích là “rút lui trong danh dự” khỏi một cuộc chiến được họ mệnh danh là “bảo vệ tự do, dân chủ” tại một quốc gia Đông Nam Á từng được Hoa Kỳ và Thế Giới Tự Do coi là tiền đồn chống Cộng Sản Quốc Tế trong khu vực.

Bốn thập niên sau, định mệnh đã khiến xui cho Hoa Kỳ gặp phải một đồng minh “chằng ăn, trăn quấn” tại Đông Nam Á, đó là nước Philippines dưới quyền người hùng Rodrigo Duterte.

Hoa Kỳ và Philippines đã ký với nhau một hiệp ước an ninh hỗ tương, vào năm 1947, sau khi quân đội Mỹ đã giúp giải phóng đảo quốc này khỏi ách thống trị của Quân Đội Thiên Hoàng Nhật hồi Thế Chiến Thứ Hai, theo đó Hải và Không Quân Mỹ được quyền trấn đóng tại Căn Cứ Hải Quân Subic Base và Căn Cứ Không Quân Clark Air Base để bảo vệ lãnh thổ Philippines khỏi các kẻ thù trong tương lai. Hai căn cứ Hải và Không Quân này đã giúp ích rất nhiều cho các lực lượng Mỹ trong Chiến Tranh Triều Tiên (1950-1953) và Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975).

Nhưng vào năm 1992, dưới thời Tổng Thống Fidel Ramos, trước áp lực nặng nề của Thượng Viện Philippines, vốn ít có cảm tình với Hoa Kỳ và chỉ muốn giữ sĩ diện quốc gia, Hải và Không Quân Hoa Kỳ đã phải rời bỏ các căn cứ tại Philippines mà rút về nước. Mãi cho đến năm 2015, dưới thời Tổng Thống Benigno Aquino III, Hải Quân Hoa Kỳ mới được phép quay trở lại Philippines để thăm viếng và trú đóng tạm thời theo một thỏa ước giữa hai nước, đó là hiệp ước song phương về lực lượng Hoa Kỳ thăm viếng Philippines (gọi là VFA, Visiting Forces Agreement), nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của đảo quốc này trước hiểm họa bành trướng bá quyền của Cộng Sản Trung Hoa tại Á Châu và đặc biệt là tại Biển Hoa Nam.

Trong khi các Tổng Thống Benigno Aquino III và trước đó là nữ Tổng Thống Gloria Acapagal Arroyo, từng muốn lôi kéo Hải Quân Hoa Kỳ quay trở lại Căn Cứ Hải Quân Subic Bay để giúp họ phòng thủ chống lại hiểm họa từ Cộng Sản Trung Hoa, thì Tổng Thống Duterte lại bác bỏ nỗ lực này mà chỉ muốn giữ nguyên thỏa ước VFA để lực lượng Mỹ thỉnh thoảng đến thăm viếng nhằm canh chừng giùm lãnh thổ nước mình mà thôi.

Ngày nay, khi Tổng Thống Duterte ngỏ ý muốn Hoa Kỳ phải trả thêm tiền chi phí cho việc các lực lượng Mỹ đến thăm viếng và đồn trú ngắn hạn trên đất Philippines, ông đã coi Hoa Kỳ không phải là người bạn đồng minh thân thiết đến giúp bảo vệ cho đảo quốc này nữa mà chỉ là một đội quân đến thuê căn cứ quân sự để sử dụng như tại Djibouti, nơi cả Hoa Kỳ và Cộng Sản Trung Hoa đều trả tiền cho nước chủ nhà để được quyền đóng quân trên đó.

Đây là điều mà chính quyền Cộng Sản Việt Nam từng làm tại Vịnh Cam Ranh đối với Hải Quân Liên Xô, từ năm 1979 đến năm 1990, sau khi Cộng Sản Bắc Việt đánh chiếm miền Nam Việt Nam hồi năm 1975. Hoa Kỳ từng nhiều lần bày tỏ lòng thèm muốn đến thuê Quân Cảng Cam Ranh nhằm phòng thủ chống lại ảnh hưởng ngày một gia tăng của Cộng Sản Trung Hoa trong vùng nhưng Bắc Kinh nhất quyết không để cho Hà Nội tự tiện để quân đội Mỹ thuê mướn vịnh nước sâu chiến lược này.

Tình đồng minh xưa, nay

Sau khi cuộc Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, chủ nghĩa vật chất (materialism) rõ ràng là đã thay thế chủ nghĩa Cộng Sản và chủ nghĩa Tư Bản để thống trị thế giới. Điều này dẫn đến tình trạng đạo đức suy đồi, tôn giao bị bỏ bê, và tình đồng minh giữa các quốc gia chỉ mang tính vụ lợi và không còn khắng khít như thời Chiến Tranh Napoleon, Thế Chiến Thứ Nhất, Thế Chiến Thứ Hai, và Chiến Tranh Triều Tiên nữa. Tất cả, thể hiện rõ rệt qua cuộc Chiến Tranh Việt Nam, rồi đến các cuộc chiến tranh tại Afghanistan, Iraq, và Syria, khi hành vi tráo trở hoặc phản bội đồng minh trở thành chuyện “thế gian thường tình.”

Có điều, những gì mà Hoa Kỳ đang phải chịu đựng trước một đồng minh tráo trở cỡ Philippines ngày nay chỉ làm nhức nhối thêm vết thương Việt Nam trong lòng các chiến sĩ từng xả thân tranh đấu cho tự do, dân chủ ở hai bên bờ Thái Bình Dương trong thế kỷ trước qua việc Hoa Kỳ, vì không biết nhìn xa, trông rộng, đã để mất Việt Nam Cộng Hòa một cách oan uổng vào tay Cộng Sản Quốc Tế hồi Chiến Tranh Việt Nam. Giờ thì khỏi có chuyện người Mỹ mở miệng ra than thở câu: “Giá như xưa kia mình đừng để mất Việt Nam Cộng Hòa thì cho dù bây giờ cả chục tay Duterte có làm eo, làm sách đến cách mấy đi nữa cũng chẳng sao!” (Vann Phan) [qd]

MỚI CẬP NHẬT