Sunday, April 28, 2024

Vụ Đá Ba Đầu: Thế yếu của quốc tế trước hành vi của Trung Quốc

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Bắc Kinh lại khuấy động tình hình tại Biển Đông qua sự kiện, kể từ Tháng Ba, 2021, hàng trăm tàu bè – mà Trung Quốc gọi là tàu đánh cá – đã kéo đến neo đậu dày đặc tại khu vực Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) ở quần đảo Trường Sa.

Hình chụp từ vệ tinh hôm Thứ Ba, 23 Tháng Ba, 2021, cho thấy tàu Trung Quốc đậu đầy ở khu vực bãi Đá Ba Đầu. (Hình: ©2021 Maxar Technologies via AP)

Nơi này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, mặc dù chủ quyền của vùng bãi đá này vẫn còn đang là đối tượng tranh chấp giữa Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan. Các quan sát viên quốc tế đang lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh muốn tái diễn kịch bản chiếm đóng Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) ở Biển Đông hồi năm 1995.

Diễn tiến hành vi xâm lấn mới nhất của Trung Quốc tại Biển Đông

Sự kiện tàu bè Trung Quốc – mà các quan sát viên cho là các tàu quân sự đội lốt tàu đánh cá dân sự – hiện diện trong khu vực Đá Ba Đầu được cho là đã khởi sự từ cuối năm 2020, nhưng phải chờ đến ngày 29 Tháng Ba, 2021, thì Philippines mới lên tiếng tố cáo khi họ phát hiện có đến 220 chiếc tàu Trung Quốc neo đậu san sát bên nhau tại vùng Đá Ba Đầu.

Đây là một cụm đá san hô nửa chìm, nửa nổi có hình chữ V nằm ngang, rộng khoảng 10 km2 tại vùng Đông Bắc cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa. Đối với Manila, thực thể địa lý này thuộc chủ quyền của Philippines vì nó chỉ cách đảo Palawan của nước này 329 km, tức là nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ.

Sau lời báo động này, từ Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao cho đến chính Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte đều lần lượt lên tiếng phản đối hành vi bị coi là xâm lấn biển đảo của Cộng Sản Trung Quốc. Quân đội Philippines, dù sức mạnh chẳng có bao nhiêu so với người láng giềng khổng lồ phương Bắc, đã cho phi cơ đến giám sát đội tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu, đồng thời cho các chiến hạm của Hải Quân đến tăng cường tuần tra.

Rồi đến lượt Cộng Sản Việt Nam, vào ngày 25 Tháng Ba, cũng lên tiếng quả quyết rằng hoạt động của đội tàu Trung Quốc tại khu vực Đá Ba Đầu đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Không chỉ bị Manila và Hà Nội lên án, việc Bắc Kinh cho tàu tràn ngập vùng Đá Ba Đầu cũng đã bị một số cường quốc hàng hải phản đối, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Úc, và Canada.

Theo Đài Quốc Tế Pháp (RFI), vào hôm 31 Tháng Ba, Philippines đã kêu gọi Trung Quốc “rút ngay lập tức” các tàu bè nói trên ra khỏi khu vực Đá Ba Đầu. Trong một báo cáo được công bố vào hôm 26 Tháng Ba, công ty kỹ thuật địa không gian Simularity của Mỹ, chuyên giám sát vùng Biển Đông, cho biết là các tàu đó của Trung Quốc đã có mặt ở khu vực Đá Ba Đầu từ Tháng Mười Hai năm ngoái. Bắc Kinh vẫn quả quyết rằng đây chỉ là những tàu đánh cá vào tránh gió bão, trong khi Manila tố cáo những tàu này chính là những tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, đơn giản chỉ là vì chúng cứ đậu san sát nhau theo đội hình chứ không hề rời xa nhau để đi tìm cá khi trời đã êm, biển đã lặng.

Giáo Sư Jay Batongbacal thuộc trường Đại Học Luật Philippines, được trích dẫn trên tờ South China Morning Post, số ra ngày 2 Tháng Tư, nhận định rằng, trong cuộc hội kiến ở Bắc Kinh mới đây, hai ngoại trưởng Trung Quốc và Philippines đều muốn nhận được những bảo đảm từ phía bên kia rằng tình thế hiện nay sẽ không trở nên tồi tệ hơn.

Hình do vệ tinh chụp hôm Thứ Ba, 23 Tháng Ba, 2021, cho thấy tàu Trung Quốc tập trung ở khu vực bãi Đá Ba Đầu. (Hình: ©2021 Maxar Technologies via AP)

Giáo Sư Batongbacal nhấn mạnh: “Đây là số lượng tàu bè của Trung Quốc tập trung đông nhất từ trước đến nay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, neo đậu và dàn hàng ngang với nhau kế bên một bãi đá san hô không có người ở và chìm dưới nước. Các giới chức chính phủ Philippines sợ rằng đây sẽ là khởi đầu của tiến trình thiết lập sự hiện diện liên tục của dân quân biển của Trung Quốc, dẫn đến việc chiếm hữu lâu dài một thực thể ở Biển Đông.”

Ông Antonio Carpio, một cựu thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Philippines, cũng cho rằng đây là “bước dạo đầu cho việc chiếm đóng Đá Ba Đầu, giống như Trung Quốc đã làm với Đá Vành Khăn vào năm 1995.”

Thế yếu của Philippines, Việt Nam và quốc tế

Nhưng, nói gì thì nói và làm gì thì làm, cả Philippines và Việt Nam lẫn các cường quốc hàng hải thế giới vẫn không che giấu nỗi thế yếu của mình trước sức mạnh và quyết tâm “làm ẩu” để đặt quốc tế vào “sự đã rồi” (“Les jeux sont faits,” tên một tác phẩm của triết gia Pháp Jean-Paul Sartre) trên Biển Đông một khi Hải, Lục, Không Quân Trung Quốc đã chiếm đóng và phong tỏa hết vùng Biển Đông bao la, từ Đài Loan cho tới Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, và Việt Nam.

Các lý do sau đây có thể giải thích viễn ảnh ảm đạm này mà thế giới. trước, sau gì, rồi cũng phải cam đành chấp nhận:

-Thứ nhất, các đảo và bãi đá tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, xưa nay vẫn được coi là vùng hoang vu không có người ở – hoặc không ai dám ở vì bão biển cùng với thủy triều liên tục đe dọa – và là miền biển đảo tuy bị các quốc gia trong vùng tùy tiện chiếm đóng nhưng lại không được quốc tế, kể cả tổ chức Liên Hiệp Quốc, công nhận là thuộc lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào.

Tình trạng “cha chung không ai khóc” của vùng biển đảo này đã khiến cho nó trở thành nơi mạnh ai nấy chiếm, trong đó nguyên tắc “mạnh được, yếu thua” được triệt để áp dụng. Trước năm 1950, lúc Cộng Sản Trung Hoa chưa đủ mạnh, những nước như Việt Nam và Philippines nằm trong vị thế có thể chiếm đóng nhiều đảo hoang và bãi đá trên Biển Đông vì nhớ có các đế quốc như Pháp và Mỹ bảo trợ. Nhưng sau đó thì cả Đài Loan và Cộng Sản Trung Hoa cũng gia nhập “câu-lạc-bộ” những nước có quân đội trú đóng trên các hòn đảo và bãi đá tại Biển Đông, bao gồm Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, và Brunei.

Tàu dân quân Trung Quốc chiếm đóng khu vực Đá Ba Đầu hôm 27 Tháng Ba, 2021. (Hình: National Task Force-West Philippine Sea via AP)

Ngoài một phán quyết, tuy rất nghiêm nghị nhưng lại chẳng được thực thi chút nào cả, của Tòa Trọng Tài Thường Trực tại The Hague (The Hague’s Permanent Court of Arbitration) hồi năm 2016 rằng Trung Quốc không hề có chủ quyền pháp lý nào trên các đảo và bãi đá tại Biển Đông như lời đòi hỏi quá lố của họ, quy chế của các đảo và bãi đá tại Biển Đông, cho đến nay, vẫn chưa hề được định rõ bằng bất cứ thỏa ước quốc tế nào. Trong tư cách là cường quốc lớn và có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất trong vùng, Cộng Sản Trung Hoa đang chiếm thế thượng phong trên các đảo và bãi đá cũng như toàn cõi Biển Đông, và họ muốn dùng vũ lực chiếm đoạt bất cứ hòn đảo và bãi đá nào trong vùng cũng được, bởi vì cộng đồng quốc tế, dù vẫn ưa lên tiếng răn đe Trung Hoa để cầm chừng, sẽ không ai sẵn lòng vì ai đó mà chịu cất công và thậm chí đổ xương máu ra đặng bảo vệ các thực thể đang bị nhiều nước tranh chấp đó.

-Thứ nhì, trong số hai nước Việt Nam và Philippines hiện đang tranh chấp chủ quyền gay gắt nhất với Trung Hoa thì chỉ Philippines là có hiệp ước an ninh hỗ tương với Hoa Kỳ mà thôi. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã nói rõ rằng họ không giúp bảo vệ chủ quyền trên các đảo và bãi đá do Philippines đang chiếm ngụ tại vùng Biển Đông (tức Biển Tây theo cách gọi của Philippines), bởi vì Hoa Kỳ không hề công nhận chủ quyền của bất cứ quốc gia nào trên vùng biển đảo đang tranh chấp kia.

Trong khi đó, Việt Nam thì lại không hề có hiệp ước an ninh hỗ tương nào với Hoa Kỳ cả. Vả lại, Hà Nội hiện đang phải cố gắng làm tròn vai trò “láng giềng tốt” với Trung Quốc vì cùng chung ý thức hệ Cộng Sản, với “phương châm 16 chữ vàng và tính thần 4 tốt” lúc nào cũng treo lủng lẳng trên đầu Việt Nam.

-Thứ ba, các “liên minh quốc tế” mới hình thành để đối phó với hành vi bành trướng của Trung Quốc kể cả “Bộ Tứ” Mỹ, Nhật, Úc, và Ấn, dù tuyên bố ầm ĩ cách mấy đi nữa, sẽ dựa vào đâu mà nhảy vào bênh đỡ cho Philippines hay Việt Nam một khi hai nước này bị Trung Quốc đem quân tới đánh chiếm các đảo và bãi đá do họ trấn đóng, kể cả chiếm luôn toàn bộ vùng Biển Đông bao la để làm thành cái ao nhà của họ? Bất quá thì “Bộ Tứ” Mỹ, Nhật, Úc, và Ấn Độ cũng như các cường quốc hàng hải Anh, Pháp, Đức, và mới đây nhất là Canada, sẽ tiếp tục đưa lực lượng Hải Quân hùng hậu của mình đi dạo qua vùng Biển Đông để gọi là “bảo vệ giao thông hàng hải quốc tế” chứ sẽ chẳng làm được gì để cản bước Trung Quốc trong kế hoạch độc chiếm Biển Đông.

-Thứ tư, trước sự bất lực rất đáng thương của tổ chức Liên Hiệp Quốc dưới sức kềm kẹp thông qua quyền phủ quyết của năm nước thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, và Trung Quốc) và trước ngọn sóng triều Ác thắng Thiện không gì cản nổi trong thời đại chúng ta, các nước nhỏ từ Âu sang Á – như Georgia, Ukraine, Việt Nam, Philippines, và Đài Loan – sẽ lần lượt bị các quốc gia hàng mạnh và hung hãn cỡ Trung Quốc và Nga – rồi sắp tới đây có thể là Bắc Hàn nữa – uy hiếp và giày xéo dưới đôi mắt thẫn thờ của thế giới trước một “sự đã rồi” (“fait accompli”) trên Biển Đông và những nơi khác nữa.

Bản đồ Biển Đông và đường lưỡi bò do Trung Quốc tự ý vẽ ra để độc chiếm vùng biển này. (Hình: nationsonline.org)

-Thứ năm, Mỹ, nước vẫn được các quốc gia Cộng Sản thời Chiến Tranh Lạnh gọi là “tay sen đầm quốc tế” (“international gendarmerie”) vì hay dùng tiền bạc và sức mạnh quân sự can thiệp vào nội tình các nước khác, nay đang suy yếu thấy rõ. Lý do là vì tài nguyên bị dàn trải ra quá mỏng và thiếu sự thống nhất ý chí sau cuộc bầu cử năm 2020, tất nhiên là sẽ rất ngao ngán và uể oải khi phải lao đầu vào một cuộc chiến khác nữa, tỷ như tại Biển Đông và Đài Loan, mà không phải là nhằm bảo vệ nền an ninh của chính nước Mỹ đang bị trực tiếp đe dọa.

Một khi nước Mỹ, con chim đầu đàn của các quốc gia dân chủ, tự do trên thế giới, đã không dám vì ai đó mà chấp nhận hy sinh để cứu khổn, phò nguy như thời vàng son xưa thì liệu các cường quốc khu vực cỡ Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, Canada… có dám đương đầu với Trung Quốc tại Biển Đông hay không? (Vann Phan) [qd]

MỚI CẬP NHẬT