Wednesday, May 15, 2024

Nhà báo Vương Trùng Dương kể chuyện người lính làm báo lính

Uyên Vũ/Người Việt thực hiện

WESTMINSTER, California (NV) – Cứ mỗi sáng sớm, dù nắng hay mưa, nhà báo Vương Trùng Dương, “linh hồn” của nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa – một tờ báo chuyên viết về quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đều đến quán Z Cafe trong khu Catinat ngay đại lộ Bolsa để trò chuyện với bạn bè.

Nói về công việc của một người, có lẽ là duy nhất, thực hiện tạp chí in và phát hành rộng rãi khắp nước Mỹ về quân đội VNCH, ông cho hay:

-Năm 1990, khi tôi về định cư tại Little Saigon, tôi đã biết trước đó có hai tờ báo liên quan về quân đội VNCH là tờ báo Lính của anh Nguyễn Thừa Du (báo in) và tập san KBC Hải Ngoại đầu tiên của anh Đặng Văn Thạnh (Thạnh nhà sách Tú Quỳnh), mỗi năm bốn số quay ronéo, được năm năm thì ngưng. Với tôi, chỉ là tình cờ liên quan đến hai tờ báo về quân đội VNCH cho đến nay đã được 17 năm.

Tháng Giêng, 2002, tạp chí KBC Hải Ngoại ra đời gồm có bốn người trong ban chủ biên, gồm chủ nhiệm Nguyên Huy, chủ bút Trần Bình Phương (Anh Thành), thư ký tòa soạn Vương Hồng Anh và Hồ Huấn Cao (Du Tử Lê), lo việc phát hành là Lê Tường Vũ và Đặng Trần Hoa.

Sau khi số 1 phát hành, không hiểu vì lý do gì, Nguyên Huy và Lê Tường Vũ gặp tôi và bàn chuyện thực hiện tờ báo, tôi phụ trách layout. Số 2, chủ nhiệm Nguyên Huy, chủ bút Trần Bình Phương và Vương Hồng Anh làm thư ký tòa soạn. Số 5 thì Lê Tường Vũ thay Trần Bình Phương là phụ tá.

“Mặn nồng” với Chiến Sĩ Cộng Hòa 

*Người Việt: Ông cộng tác với tờ KBC Hải Ngoại bao lâu?

-Vương Trùng Dương: Hình như Tháng Tư, 2003, tôi thay Vương Hồng Anh làm thư ký tòa soạn và đảm nhận layout. Đến Tháng Hai, 2005, hình như sau KBC Hải Ngoại số 36 thì đánh dấu bước ngoặt trong cuộc họp của Tập Thể Chiến Sĩ QLVNCH tại San Jose. Vấn đề nội bộ “dài dòng văn tự” không tiện đề cập, tờ báo giao cho ông Võ Long Triều… Bản tính tôi thích độc lập nên thời gian thực hiện tờ báo này, tôi không sinh hoạt trong Tập Thể Chiến Sĩ nhưng anh em chúng tôi đồng tình hỗ trợ cho tập thể này. Từ đó, không còn cộng tác nữa. Tờ KBC Hải Ngoại sau này vẫn tiếp tục nhưng trải qua mấy đời chủ nhiệm. Tháng Năm năm đó, tôi ra tờ Cali Weekly.

*Người Việt: Khi nào thì ông làm nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa?

-Vương Trùng Dương: Cũng là chuyện tình cờ, nhưng khi nhắc đến hơi dông dài một chút. Tháng Sáu, 2009, bà Hoàng Dược Thảo ra tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa nhân Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu. Vì bà là nữ giới nên có “người bạn” ở binh chủng Không Quân làm chủ bút. Được ba số thì anh ta “tung cánh chim”… và giao cho tôi layout tờ báo. Lúc đó tôi phụ trách bài vở và layout Section B của nhật báo, bà có nhờ tôi tìm hai người cộng tác với Saigon Nhỏ, tình cờ gặp anh Trần Trọng Hải, tôi giới thiệu anh và sau đó người bạn Vương Hồng Anh.

Tôi làm tổng thư ký thời gian và sau đó anh Trần Trọng Hải làm chủ bút và anh Vương Hồng Anh làm thư ký tòa soạn, có lúc không đề tên gì cả… Năm sau giao lại cho tôi. Với tôi, có lúc ghi chủ bút, có lúc ghi tổng thư ký… Khi nhật báo Saigon Nhỏ ra bảy số trong tuần, có lúc giao cho nhân viên tòa soạn layout rồi lại trở về tôi (tờ Tân Văn cũng vậy). Tôi chọn hình ảnh cho trang bìa và anh Khoa, nhân viên thiết kế thực hiện bốn trang bìa. Tháng Tám, 2015, tôi nói với anh Khoa, bỏ tên tôi làm chủ bút ở trang bìa 2.

*Người Việt: Đây hẳn là một công việc đòi hỏi nhiều đam mê và công sức, ông đã gặp những khó khăn gì?

-Vương Trùng Dương: Tôi đam mê nghề báo và khi định cư tại Hoa Kỳ tôi nghĩ cũng là cơ hội để theo đuổi. Cái garage nhà tôi hơn 20 năm qua trở thành tòa soạn của tôi. Tôi thích làm việc ban đêm, nghe vài ca khúc cổ điển, phì phà vài điếu khi bắt tay vào công việc. Riêng tờ KBC Hải Ngoại và tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa cũng được thực hiện ở garage này.

Làm báo thì biết bao chuyện vui/buồn xảy ra. Bản tính tôi thích độc lập, không bon chen, tranh giành, ham được tên tuổi trên tờ báo. Từ trước đến nay, tôi đã cộng tác rất nhiều tờ báo với chức danh gọi ví von “Thượng Sĩ Già” (tổng thư ký) và chỉ trực tiếp với một người mà thôi.

Trở lại với tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, với bổn phận và tinh thần trách nhiệm thì phải chu toàn, khi tờ báo phát hành, coi như xong cuộc chơi và tiếp tục… Trong suốt thời gian đảm trách tờ báo này, không có sai sót nào trầm trọng đáng tiếc xảy ra, coi như vui. Hơn nữa, độc giả hầu hết là người lính VNCH, là chiến hữu với nhau, quen nhau, thân nhau… với nhịp cầu trên tờ báo.

Nhà báo Vương Trùng Dương tại Z Cafe. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

10 năm Chiến Sĩ Cộng Hòa 

*Người Việt: Thưa ông, còn với Chiến Sĩ Cộng Hòa bộ mới?

-Vương Trùng Dương: Thật tình không có bộ mới, bộ cũ nào cả. Đầu Tháng Ba, 2016, anh Đinh Quang Anh Thái gọi tôi, hẹn nhau ở Z Cafe, cũng tại nơi này (cười). Trước đó tôi đã biết chuyện “chuyển đổi” chủ nhân từ cơ quan ngôn luận này sang cơ quan ngôn luận khác. Tôi không quan tâm chuyện nội bộ, có chơi có chịu. Khi gặp nhau, anh Thái hỏi tôi về việc đảm trách tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa. Tôi nói, tôi là người lính, việc duy trì và tiếp tục với tờ báo lính cũng nên, và tôi nhận lời.

Chiến Sĩ Cộng Hòa số 82, Tháng Tư, 2016, vẫn liên tục cho đến hôm nay, gần kỷ niệm 10 năm. Trang bìa 2 tờ báo cũng không có tên chủ bút, tổng thư ký gì cả. Có các bài viết tôi viết đôi dòng “Lời Tòa Soạn” ký tắt VTrD, quý độc giả lâu năm cũng đoán biết là tôi.

Trong ba số liền tôi viết Thư Tòa Soạn không đá động gì về việc đổi thay mà chỉ đề cập đến tinh thần và lập trường tờ báo trước sau như một. Có lẽ chủ báo cũng tin tưởng và hiểu bản tính “cóc cần” của tôi (cười) nên không nêu ra ý kiến thế này thế nọ vì vậy khi layout xong tờ báo, giao cho nhà in. Ai cũng có tinh thần tự trọng, người ta tin mình thì mình phải chu toàn, coi như đáp lễ với nhau.

*Người Việt: Slogan chính của Chiến Sĩ Cộng Hòa là “Lịch Sử Ngàn Người Viết,” xin ông giải thích rõ hơn về slogan đó?

-Vương Trùng Dương: Tờ báo có các tiết mục Chính Trị (một bài), Diễn Đàn (một, hai bài), Tài Liệu (nhiều bài), Sáng Tác (nhiều bài), Lịch Sử Ngàn Người Viết (nhiều bài, với những người lính QLVNCH tham gia trong cuộc chiến ghi lại) và vì thấy hơi khô khan nên tôi mở thêm mục Văn Nghệ (hai bài).

*Người Việt: Với ông, nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa sẽ được duy trì cho đến khi nào?

-Vương Trùng Dương: “Que sera, sera” (cười). Thú thật, ngay bản thân tôi cũng không biết đến ngày nào. Đến ngày kỷ niệm “đệ thập chu niên” số 120 vào Tháng Sáu này, mỗi số 126 trang, không có quảng cáo, ngốn hết 15,000 trang như một bộ bách khoa. Tôi ở tuổi 75, quý chiến hữu, niên trưởng cũng từ 70 đến 80… tuổi già, sức yếu, trí nhớ cũng mai một nên việc sáng tác mỗi ngày càng cạn dần.

Làm báo để tập luyện trí nhớ. Với hàng nghìn bài viết đã đăng, khi sưu tầm bài viết phải nghĩ xem đã đăng chưa, bài này có trùng với bài khác không (trong 10 năm qua không thể nào tránh khỏi vài bài trùng hợp). Về kỹ thuật, các bạn trẻ hiện nay giỏi hơn, trình bày đẹp hơn nhưng việc đảm trách nội dung có lẽ rất nhiêu khê. Tôi không biết đến ngày nào còn sức khỏe và minh mẫn để đảm trách tờ báo (cười).

Nhân đây cũng đề cập về lợi tức tờ báo. Trước đây, tôi hỏi cô Thu Nga (Saigon Nhỏ) về số lượng ấn hành, cô cho biết khoảng 2,700 tờ. Nếu giá bán $3, gởi cho các nơi bán báo $2, trừ tiền in, tiền chuyên chở đến các tiểu bang xa, mỗi số thu được vài chục cent. Tôi nói với cô Thu Nga, khi nào lỗ thì báo cho tôi biết, ngưng thực hiện. Sở dĩ tiếp tục và duy trì tờ báo Chiến Sĩ Cộng Hòa để người lính VNCH ở Hoa Kỳ và hải ngoại trong cuộc sống lưu vong được chia sẻ với nhau. Vì vậy, không nên đặt vấn đề thương mại với tờ báo…

Thống Tướng Douglas MacArthur sau khi bị cất chức Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ ở Ðông Nam Á trong cuộc chiến tranh Nam-Bắc Hàn năm 1950, trong bài điều trần trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ, vị tướng kết thúc như sau: “Tôi vẫn còn nhớ điệp khúc một bài ca quen thuộc nhất trong doanh trại thời đó được hát một cách kiêu hùng: Người lính già không bao giờ chết, họ chỉ tàn phai với năm tháng.” Trước năm 1975, Cục Tâm Lý Chiến/Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị ấn hành báo Chiến Sĩ Cộng Hòa, nay có sự hiện diện của tờ báo này như khúc ca quen thuộc của người lính Mỹ năm xưa. 

Nhà báo Vương Trùng Dương trả lời phỏng vấn của phóng viên Người Việt. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

“Còn may mắn nên theo đuổi cái nghiệp này”

*Người Việt: Là một cựu chiến binh, xin ông kể đôi chút khi còn trong quân đội trước 1975, sau Tháng Tư Đen và đặt chân đến Hoa Kỳ?

-Vương Trùng Dương: Tiểu sử của tôi cũng như nhiều chiến hữu: Đi học, đi lính, đi tù, đi Mỹ (vượt biên, H.O). Tôi đi diện H.O 4, rời Sài Gòn vào 30 Tháng Tám, 1990, đến Miền Đông Hoa Kỳ, hai tháng sau về Little Saigon.

*Người Việt: Mối cơ duyên nào đã khiến ông chuyển sang viết văn? Hiện tại ông dành toàn thời gian cho Chiến Sĩ Cộng Hòa hay có thêm một công việc gì khác? Bút danh Vương Trùng Dương của ông nghe thật “dậy sóng” và rất “kiếm hiệp kỳ tình,” hẳn là bút danh ấy chứa đựng nhiều kỷ niệm với ông?

-Vương Trùng Dương: Thời còn đi học, tôi có làm thơ, viết văn lai rai cho vui với đám bạn bè. Tôi có nhiều bút hiệu thay đổi theo thời gian… Tôi theo học Khóa I của Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, thời gian đầu học quân sự Giai Đoạn I ở Trường Bộ Binh Thủ Đức cuối năm 1966, ở trong Ban Biên Tập Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 23 & 24 cho tờ báo Bộ Binh Thủ Đức, nhờ vậy quen viết với các bạn văn từ đó đến nay.

Tôi thích viết biên khảo vì cũng đọc sách nhiều nhưng khi về Little Saigon, anh Lâm Tường Dũ khuyên tôi viết biên khảo mất thời giờ, không đủ tiền uống cà phê, nên viết phiếm nhanh hơn và có nhiều độc giả. Tôi thấy hữu lý nên nhảy vào cuộc chơi này và layout sách, báo. Nhưng viết văn, biên khảo cũng là điều lý thú, sở thích. Viết về bạn bè, viết về những tác giả đã một thời gắn bó với văn học nghệ thuật.

Tôi mê truyện kiếm hiệp, với nhiều nhân vật trong tác phẩm Kim Dung, tôi đã viết. Tôi thích nhân vật Vương Trùng Dương, không phải ông là đệ nhất cao thủ trong Võ Lâm Ngũ Bá mà trong chốn võ lâm, chém giết lẫn nhau, tranh giành cao thấp, bất chấp thủ đoạn nhưng ông là người có tâm, đơn độc, trọng nghĩa, không bon chen… Vả lại, cái tên nhân vật và tôi cũng na ná với nhau.

Như đã đề cập, viết lách, đọc bài để đăng báo là phương pháp luyện tập trí óc. Nay có thêm Facebook, cũng là sân chơi, có dịp gặp gỡ bạn bè đã phân tán sau năm 1975.

Khi tôi mở mục Văn Nghệ trên tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, mỗi tháng viết một bài liên quan đến nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ trong quân đội VNCH, dự trù ấn hành quyển “Người Lính & Chiến Hữu Văn Nghệ” cũng vài trăm trang, đang thực hiện nhưng làm biếng và nghĩ rằng tốn tiền in mà thu vào cũng nhỏ giọt!

Còn quyển dã sử “Vó Câu Đại Hãn & Nỗi Nhục Thiên Triều” viết về giai đoạn Thành Cát Tư Hãn thống trị Trung Hoa lập nên nhà Nguyên. Trung Hoa coi Mông Cổ như “man di mọi rợ” nhưng khi bị thống trị thì cả dân tộc này bị đè đầu cỡi cổ. Khi quân Nguyên Mông xâm lăng nước ta, thất bại nhục nhã dưới sự điều binh khiển tướng và tinh thần yêu nước của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tôi muốn gởi gắm trong quyển này về ý chí bất khuất và tinh thần yêu nước, tự chủ của các bậc tiền nhân nước ta trong quá khứ. Quyển sách cũng còn dang dở (cười) và cũng lười khi nghĩ đến việc in ấn.

Ngày nay ở trong nước, người dân cảm thấy nhục vì Trung Cộng xâm lược và người dân nơi đó sang Việt Nam như “Bầy Heo Xổng Chuồng” tên gọi trong bút ký của cô Echo Wang “Pigs on the Loose: Chinese Tour Groups” (Bầy Heo Xổng Chuồng: Bọn Du Khách Tàu), tôi đã viết bài “Heo, Lợn & Người” trên Giải Phẩm Xuân của Saigon Nhỏ, Xuân Kỷ Hợi 2019.

*Người Việt: Nhân đây, quan niệm về cuộc sống của ông?

-Vương Trùng Dương: Mỗi người có quan niệm riêng rẽ tùy theo cuộc sống. Với tôi, đơn giản, phiên phiến cho tâm hồn thanh thản. Với tuổi trẻ thì hơi yếm thế nhưng với tuổi già càng bận tâm, lo lắng thì càng chuốc lấy ưu phiền cho bản thân.

Trong hai tháng qua, tôi layout Đặc San Kỷ Niệm 50 năm ngày ra trường của Khóa 1 chúng tôi, trong số 168 sĩ quan tốt nghiệp, trên 50 anh em đã ra người thiên cổ, tôi nghĩ mình còn may mắn nên theo đuổi cái nghiệp này được ngày nào, vui ngày đó.

*Người Việt: Cảm ơn nhà báo Vương Trùng Dương trong cuộc trò chuyện rất thú vị về người lính làm báo lính khi định cư tại Hoa Kỳ. (Uyên Vũ)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT