Friday, April 26, 2024

Trận chiến đấu cô đơn cuối cùng của Đại Úy Lê Phi Ô

Văn Lan/Người Việt

SAN JOSE, California (NV) – Không chỉ xúc động khôn cùng khi nhớ về đồng đội đã bỏ mình trong trận đánh cuối cùng đêm 23 Tháng Tư, 1975, tại tỉnh lỵ Bình Tuy, người chiến sĩ Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân Lê Phi Ô cũng không quên nhắc đến những người lính “không có số quân,” đó là những người vợ lính!

Tháng Ba, 1975, Việt Cộng mở chiến dịch đợt 2, quyết dứt điểm Chi Khu Hoài Đức. Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân được trực thăng vận từ Gia Ray, Long Khánh, đưa vào Chi Khu Hoài Đức.

Tại đây ban đêm có thể quan sát rất rõ từng đoàn xe chuyển quân và vũ khí của Việt Cộng từ hướng quận Tánh Linh chạy về Võ Xu thuộc Hoài Đức, báo hiệu một trận đánh lớn sắp xảy ra.

“Chúng tôi xin đánh bom nhiều lần nhưng Quân Đoàn trả lời ‘Không có máy bay’ và Chi Khu Hoài Đức chỉ có hai khẩu đại bác 105 ly với đạn dược thiếu hụt chỉ tạm đủ để phòng thủ, nhưng dù có bắn cũng không tới trong khoảng cách trên 12 cây số đường chim bay,” cựu Đại Úy Lê Phi Ô nhớ lại.

Ông cho hay, Phan Thiết mất ngày 19 Tháng Tư, 1975, ngày 21 Long Khánh lui binh, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo gọi cho ông Trần Bá Thành, tỉnh trưởng Bình Tuy, báo cho biết Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã rút khỏi Long Khánh.

“Như vậy Bình Tuy nằm giữa từ Phan Thiết trở ra ngoài Trung coi như mất, Bình Tuy ở giữa cũng chới với khi trong tình trạng chiến đấu trong đơn độc. Ngày 21 Tháng Tư chúng tôi vẫn còn ở Bình Tuy, vì không có lệnh nên vẫn nằm lại, không rút đi,” ông Ô kể.

Bình Tuy lúc đó có bốn tiểu đoàn Địa Phương Quân, mỗi tiểu đoàn chỉ còn nửa quân số, tình hình rất xáo trộn. Đêm 23 Tháng Tư, 1975, hai tiểu đoàn được lệnh bảo vệ đường rút lui, còn hai tiểu đoàn gồm Tiểu Đoàn Địa Phương Quân 341 do Tiểu Đoàn Trưởng Lê Hùng chỉ huy, và 344 do Tiểu Đoàn Trưởng Lê Phi Ô chỉ huy phải nằm chịu trận, chống cự lại 24 chiếc xe tăng T54 địch ào ạt tấn công, cùng với hơn sư đoàn Bắc Việt trên 10 ngàn quân, và một trung đoàn pháo với hơn 40 khẩu đại bác địch pháo kích như biển lửa ở trận An Lộc.

“Đêm ấy chúng tôi phải nằm cản đường tấn công của địch để bộ chỉ huy kịp thời di tản từ chiều cho tới 2 giờ sáng, coi như hai tiểu đoàn Địa Phương Quân tan nát, mỗi tiểu đoàn chỉ còn khoảng 300 người. Dù quân số ít nhưng tinh thần chiến đấu của người lính Địa Phương Quân vẫn rất kiên cường, nếu còn đủ vũ khí vẫn tiếp tục chiến đấu được,” ông nói.

Chuẩn Úy Lê Phi Ô hồi Tháng Mười Hai, 1963. (Hình: Lê Phi Ô cung cấp)

Ông Lê Phi Ô xúc động khôn cùng khi kể lại, với nỗi nhớ về đồng đội đã bỏ mình trong trận đánh cuối cùng đêm 23 Tháng Tư, 1975, tại tỉnh lỵ Bình Tuy: “Chiều 23 rạng 24 Tháng Tư, 1975, Bình Tuy ngập trời trong đạn pháo kích Việt Cộng như trận pháo An Lộc, Phước Long. Bọn tôi chống cự được khoảng hai tiếng đồng hồ thì bọn chúng tràn ngập. Tôi nằm dưới rãnh nước mưa chịu cho từng lượt bánh xích xe tăng cán qua nhưng chúng tôi vẫn không rút lui vì chưa có lệnh. Sau đó đến khi phải rút vô rừng, cả tiểu đoàn chỉ còn lại ba người là hai anh sĩ quan truyền tin và tôi, bốn đại đội kia cũng mất liên lạc, coi như tiểu đoàn đã tan hàng! Chúng tôi băng rừng đi đường bộ từ Bình Tuy qua Xuyên Mộc, Bình Châu về tới Long Hải.”

Nhắm đường bộ đi trong đêm, nghe tiếng nói xôn xao chung quanh, khi chận lại hỏi thì được biết lính mình di tản, sau khi mượn máy truyền tin liên lạc thì được Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải, đem hai chiếc tàu vô cứu tất cả khoảng 200 người lính Địa Phương Quân cùng những người di tản đưa về Vũng Tàu.

“Mờ sáng ngày 27 Tháng Tư về tới Vũng Tàu, nằm ở đó tới sáng ngày 30 Tháng Tư, cả Vũng Tàu cũng tràn ngập Việt Cộng. Tôi dặn tất cả anh em đều khai là lính chỉ để tôi nhận là sĩ quan, liền bị bắt ngay tại chỗ, chở lên Long Khánh giam tại hậu cứ 43 thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Sau đó bọn chúng nhốt trong trại tù ‘cải tạo,’ nhưng lại xảy ra vụ trốn trại nên bọn chúng lại đưa hết chúng tôi về trại Suối Máu khét tiếng, giam khoảng 10 ngàn người ở các trại tù từ K1 cho đến K5,” ông kể.

“Vì có tham gia vào những vụ trốn trại, tôi bị chuyển trại nhiều lần, từ K4 qua K3 rồi tới K5. Cuối năm 1978 trại Suối Máu được bàn giao từ quân đội qua công an quản lý. Lúc đó bọn tôi bị coi là tù, đêm Noel năm đó bọn tôi làm loạn, cả trại cùng hát nhạc Giáng Sinh, hát nhạc chính huấn, và truy lùng những tay ‘ăng-ten’ chuyên nghe ngóng tình hình trong tù để ‘hỏi tội.’ Tôi có đánh một tên ‘ăng-ten’ nên bị nhốt riêng trong thùng sắt conex, khoảng tháng sau chúng thanh lọc những người đã chống đối trong đêm Noel, đưa đi giam tại Chí Hòa,” ông Lê Phi Ô kể thêm.

Ông Lê Phi Ô bị nhốt trong xà lim Chí Hòa và “mỗi lần điều tra, bọn chúng trùm kín mặt dẫn đi trong đêm. Trong một lần cãi nhau với cai tù tôi bị chúng đánh te tua, hộc máu miệng. Ở đó khoảng hai tháng sau, nửa đêm chúng chở thẳng tôi vô trại giam A20 Phú Yên.”

Trại Trừng Giới A20 và số phận người tù không biết ngày về

Trại giam Phú Yên nổi tiếng với bí số “Trại A20,” hay còn gọi là “Trại Trừng Giới” hoặc “Trại Kiên Giam,” tức là người tù vào đây sẽ bị giam giữ lâu dài mà không biết ngày ra. Đây không phải trại tù, mà là trại giam nhốt những thành phần chống đối, từ những người tù phục quốc cho đến những người tù hình sự nguy hiểm.

Trại A20 không thể nào vượt ngục được vì núi cao đụng mây, rừng rậm bao quanh, những gia đình ở chung quanh toàn là người của công an từ ngoài Bắc đưa vô, ai không biết đến xin nước uống hoặc thức ăn đều bị bắt lại hết.

“Trại A20 là trại ít khi thấy vượt ngục, chỉ có một lần anh Lê Thái Chân cùng bảy người vượt ngục. Riêng anh Chân không hiểu vì sao lại đi về hướng Quy Nhơn nên thoát được, còn lại bị bắn chết hết sau mấy ngày bỏ trốn. Dù vậy anh Chân vẫn bị bắt lại, bị xử thêm 15 năm tù nữa, và anh là người tù cuối cùng đi Mỹ theo diện H.O. Bọn chúng thường xuyên hăm dọa chúng tôi là sẽ không có ngày ra. Nhưng sau khi qua Mỹ tôi có nghe đâu mỗi người tù ‘cải tạo’ chúng tôi được ‘mua’ với giá $2,000 mỗi người để được thả về, chuẩn bị cứu xét đi Mỹ theo chương trình H.O.,” ông Lê Phi Ô cho biết.

Cựu Đại Úy Lê Phi Ô. (Hình: Lê Phi Ô cung cấp)

Trại tù A20 dùng kỷ luật là để tù luôn bị đói khát, mỗi bữa ăn chỉ được vài lát khoai mì mốc, heo cũng chê không ăn. Tới mùa bắp thì cho ăn mỗi lần hai trái nhỏ xíu, lẩy hột ra thì chẳng còn được bao nhiêu.

Riêng những người tù phục quốc thì bị hành hạ bằng cách đến bữa ăn, mỗi người được phát chén cơm chan nước muối đậm đặc, cho nên ai cũng bị vừa đói lại vừa khát. Nếu chống đối bị đưa vô cùm trong xà lim giam từ ba tới sáu tháng. Nặng thì bị nhốt xà lim từ ba tới năm năm, trong đó có Linh Mục Vàng Dòng Chúa Cứu Thế, và một vị linh mục nữa sau khi cùm ba năm thả ra sau hai ngày chết trong tù.

“Khi mới đến trại A20, bọn tù chúng tôi đi phát rẫy ngọn đồi để trồng khoai mì, nhưng thực tế là để chôn xác chết, ba năm sau tôi ra đó, nguyên ngọn đồi đã đầy kín những ngôi mộ chôn tù, tuần nào cũng có người chết vì đói, riêng tôi vì hay cãi lại nên bị đánh thường xuyên may mà chưa chết,” ông Lê Phi Ô nhớ lại.

Người tù bị bắt ngồi đồng từ chiều cho tới đêm, ngồi nghe đấu tố hoặc bắt đọc sách nuôi heo, sáng ra thì lao động ở ngoài đồng tới chiều mới được về, đó là những giây phút tạm yên ngoài trời tự do khi tìm được những trái bắp khô, hái ăn cái lõi bên trong để có chất, đôi khi ăn nhiều quá bị say nằm tại chỗ, nhưng phải ăn để sống tìm cách đào thoát.

“Bẫy chuột để ăn cũng là cách có thêm chất tươi khi cơ thể thiếu chất trầm trọng, nhiều khi luộc thịt chuột còn sống, hoặc bắt được ổ chim sẻ, lấy con non nuốt sống để có chất đạm, ăn luôn cả cây đu đủ bỏ cả ngọn và gốc, chỉ lấy thân cây ngâm nước muối, vài ngày sau ăn được. Nói chung là bất cứ cái gì ăn được để sống là cứ ăn,” ông Ô kể.

“Ở tù từ năm 1976 khi mẹ tôi ở nhà chết vì đói, vợ con không ai thăm nuôi. Đến bảy năm sau khi ra tù, tôi mất hết nhà cửa, không ai dám chứa chấp vì sợ liên lụy với người tù nguy hiểm, đã từng bị Việt Cộng rao giá cao cho ai lấy được đầu của tôi, người đã từng làm bọn Việt Cộng tổn thất quá nhiều nhân mạng,” ông kể tiếp.

Ông Lê Phi Ô ở tù đến khoảng đầu năm 1983 được thả ra. Ông về Bà Rịa tìm cách vượt biên năm 1988, làm hoa tiêu trên ghe vượt biên qua tới Singapore và ở đây được hai tháng thì ông chuyển qua Phi Luật Tân ở sáu tháng thì được qua Mỹ. Ông định cư tại San Jose, California, ngày 16 Tháng Ba, 1989, cho đến nay.

Qua Mỹ lúc đầu người lính trận năm xưa cũng làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Đó là quãng đời tuy cực nhưng so với cuộc sống người tù ở Việt Nam, ông vẫn cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Hiện ông Lê Phi Ô đang yên ổn với cuộc sống, vui với những sinh hoạt cộng đồng tại địa phương.

“Hồi tưởng lại chuyện đã qua, những người lính VNCH chúng tôi vẫn chưa bao giờ thấy được mùa Xuân trên quê hương khi đất nước còn chìm đắm trong chủ thuyết ru ngủ của Cộng Sản. Chỉ khi nào người Việt triệt tiêu được chế độ mê muội ấy, ngày ấy mới có hòa bình dân chủ phú cường trên nước Việt mến yêu. Xin cầu nguyện anh linh các tử sĩ đã bỏ mình cho lý tưởng tự do và hồn thiêng sông núi, hộ trì cho mọi người dân Việt được sớm đoàn tụ trong ngày về quang vinh,” ông Lê Phi Ô bồi hồi nói.

Ông Lê Phi Ô (phải) trong sinh nhật 4 Tháng Sáu, 2019, ở San Jose. (Hình: Lê Phi Ô cung cấp)

Chiến công thầm lặng của người chiến sĩ “không có số quân”

Nhớ về chiến trường từ 47 năm về trước, người chiến sĩ Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân Lê Phi Ô cũng không quên nhắc đến những người lính “không có số quân.”

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam trước sự xâm lăng của Cộng Sản, Quân Lực VNCH đã có biết bao Anh Hùng Liệt Nữ vị quốc vong thân, bên cạnh đó là những sự hy sinh hào hùng nhưng ít được nhắc tới, và cũng không ít người đã anh dũng hy sinh, đó là những người lính vợ lính.

Trong bão lửa chiến trường, cả nguời vợ và con lính cũng được cấp phát súng đạn, đó là những chiến sĩ gan dạ cùng cầm súng lao vào trận địa, những người phụ nữ dũng cảm xông vào chiến trường khi chồng đã tử trận, hoặc những người em gái nhỏ đã thay anh trai tải đạn trong chiến hào, khi người anh vừa đền xong nợ nước.

“Vợ Trung Sĩ Hào là bà mụ nông thôn trở thành y tá của tiểu đoàn, với hai tay đầy máu chị luôn cứu giúp các thương binh. Hoặc con bé Hạ, đầu quấn băng trắng để tang cho anh trai là lính của Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân đã tử trận, thoăn thoắt tiếp đạn cho anh em chiến sĩ. Nhìn cô bé mặc áo trận, vai mang súng M16, trông cứng cỏi như người lính thực thụ, tuy mới 16 tuổi mà trông như đã hơn 30. Lúc đó một tiểu đội nữ binh vừa thành lập thêm, dưới quyền chỉ huy của Thượng Sĩ Hường, mà tiểu đội trưởng là vợ của Trung Sĩ Nhất Man Ngui người Thượng,” ông Lê Phi Ô cho biết.

“Trong trận chiến khốc liệt để bảo vệ tự do hạnh phúc cho miền Nam, cũng như cho đồng bào Hoài Đức, Bình Tuy, sự hy sinh của các chị sẽ được ghi vào sử sách của những người lính không có số quân, và không có luôn cả 12 tháng lương tử tuất. Các chị đã nối bước tiền nhân, không hổ danh con cháu Bà Trưng Bà Triệu! Những chuyện kể này như một nén hương kính dâng lên anh linh đồng đội của tôi, những người đã chết để người khác được sống,” người lính trận Lê Phi Ô năm xưa bồi hồi thổn thức. (Văn Lan)

Xem lại kỳ trước: Địa Phương Quân Lê Phi Ô và trận Võ Đắc suốt 33 ngày đêm chìm trong địa ngục

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT