Saturday, April 20, 2024

Địa Phương Quân Lê Phi Ô và trận Võ Đắc suốt 33 ngày đêm chìm trong địa ngục

Văn Lan/Người Việt

Văn Lan/Người Việt

SAN JOSE, California (NV) – Người lính Lê Phi Ô là lính Địa Phương Quân ở Bình Tuy nơi ông sinh ra, nên ông thuộc lòng địa thế từng con đường, từng ngõ ngách, từng con lạch, ngọn đồi, từng cánh rừng để bảo vệ làng xóm được yên vui. Và hơn hết, đó cũng là nơi ông và đồng đội góp phần chiến đấu để bảo vệ miền Nam Việt Nam.

Hiện ở San Jose, miền Bắc California, ngồi nhớ lại chuyện xưa, cựu Đại Úy Lê Phi Ô kể, tỉnh Bình Tuy là tỉnh thuộc miền Nam Trung phần, trong đó có quận Hoài Đức nằm về phía Đông Nam và quận Tánh Linh cách đó khoảng 15 km. Trong trận Võ Đắc, quận Hoài Đức là mục tiêu của Việt Cộng đánh chiếm, xong sẽ tràn qua quận Định Quán, Long Khánh, để dễ dàng di chuyển từ Quân Khu 2 qua Quân Khu 3 bằng quốc lộ 20 đi Đà Lạt.

“Tin từ phòng nhì Bộ Tổng Tham Mưu trước đó cho biết Việt Cộng mở chiến dịch Tánh Linh-Hoài Đức để đánh chiếm hai chi khu này trước khi tiến đánh thị xã Xuân Lộc, nếu không thành công thì ít ra cũng cầm chân được một số lớn đơn vị của ta để đánh chiếm tỉnh Phước Long, và Hoài Đức là quận xa nhất cách tỉnh Bình Tuy khoảng 80 cây số đường chim bay,” ông Lê Phi Ô cho biết.

Nhưng theo ông Ô thì: “Chiến dịch Tánh Linh-Hoài Đức của Cộng Sản bị thất bại, chúng chỉ chiếm được Tánh Linh nhưng không chiếm được Hoài Đức. Kế hoạch cắt đứt quốc lộ 20 đi Đà Lạt bị thất bại hoàn toàn, đường đi từ Phương Lâm lên Đà lạt vẫn thông thương được. Nếu chiếm được Hoài Đức, bọn Việt Cộng sẽ cắt đứt quốc lộ 20 đường đi Đà Lạt tại cây số 125 thuộc xã Phương Lâm, quận Định Quán của tỉnh Long Khánh.”

“Vì Chi Khu Hoài Đức được Sư Đoàn 18 Bộ Binh giải vây nên Cộng Sản chỉ chiếm được Tánh Linh nằm sâu trong lãnh thổ Bình Tuy, quốc lộ 1 và 20 vẫn không bị áp lực nặng, nếu không bọn chúng có thể từ vùng rừng núi ở Quân Khu 2 từ bên Lào qua Lâm Đồng, tiến tới Tánh Linh, Hoài Đức rồi băng về các tỉnh vùng biển thì khó có thể ngăn cản được,” ông kể.

Ông Lê Phi Ô ở San Jose hôm 30 Tháng Tư, 2018. (Hình: Lê Phi Ô cung cấp)

“Sau này khi đọc thêm tài liệu của Dr. Nguyễn Đức Phương, tác giả ‘Việt Nam Chiến Tranh Toàn Tập,’ tôi biết thêm rằng đầu Tháng Mười Hai, 1974, Tướng Trần Văn Trà – Tư Lệnh Quân Khu 7 Việt Cộng – tập trung Sư Đoàn 6 gồm Trung Đoàn 274, Trung Đoàn 33, Trung Đoàn Pháo và 3 Tiểu Đoàn Đặc Công 18, 19, 20. Ngoài ra còn được Quân Khu 6 Việt Cộng tăng cường thêm Trung Đoàn 812 và Tiểu Đoàn Đặc Công 200C từ Phan Thiết vào. Quân số Cộng Sản ước chừng từ 8 đến 10 ngàn người, mưu toan đánh chiếm hai chi khu cực Bắc của tỉnh Bình Tuy là Tánh Linh và Hoài Đức, mà Việt Cộng đặt tên là Chiến Dịch Tánh Linh-Hoài Đức,’” ông Ô kể thêm.

Áp lực với Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân, tái chiếm đồi Bảo Đại 

Đầu Tháng Mười Hai, 1974, Việt Cộng bắt đầu pháo kích Chi Khu Hoài Đức dữ dội bằng hỏa tiễn 107 ly và cối 82 ly, trung bình 500 quả một ngày. Đêm 9 Tháng Mười Hai, 1974, bọn chúng đồng loạt tấn công hai Chi Khu Tánh Linh và Hoài Đức. Tại Tánh Linh, đồi Lồ Ô nơi đặt hai khẩu đại bác 105 ly đã thất thủ.

Trước trận đánh, vì không đủ quân số nên Quân Đoàn 3 chỉ tăng cường một tiểu đoàn Địa Phương Quân cho Chi Khu Tánh Linh, còn Tiểu Đoàn 344 của Lê Phi Ô thì bổ túc quân số hơn 500 người, lấy từ các tiểu đoàn khác trong tiểu khu. Sau khi Tánh Linh thất thủ vào đêm Noel 1974, Việt Cộng dồn hết lực lượng cấp sư đoàn để tấn công Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân và Chi Khu Hoài Đức do Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân cùng Đại Úy Lê Phi Ô tử thủ với quân số chỉ còn lại khoảng hơn 200 người.

Tại Chi Khu Hoài Đức, Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân do Đại Úy Lê Phi Ô chỉ huy đã đánh bật Việt Cộng ra khỏi vòng đai chi khu. Trong khi đó, Việt Cộng vẫn liên tục pháo kích vào Chi Khu Hoài Đức với cường độ ngày càng gia tăng, gây thương vong đáng kể cho quân ta, Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân cũng đang đụng độ nặng với Việt Cộng nên không thể cứu viện Hoài Đức.

Tháng Mười Hai, Đại Úy Lê Phi Ô (ngồi giữa) thảo kế hoạch tái chiếm đồi Bảo Đại (chỉ trong hai ngày đã chiếm lại được ngọn đồi này). (Hình: Lê Phi Ô cung cấp)

Ông cho hay, với quân số đông hơn ta gấp 20 lần, Việt Cộng dùng chiến thuật biển người tràn ngập lực lượng phòng thủ nhưng đều bị Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân đẩy lui. Tình hình ngày càng nguy ngập khi thương vong của ta ngày càng cao, không có phi cơ yểm trợ, pháo binh hết đạn vì phải ưu tiên cho Phước Long, lại được tin Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân triệt thoái để nhận nhiệm vụ khác quan trọng hơn.

“Lúc ấy hai Đại Đội 1/344 và 2/344 do tôi chỉ huy tăng phái cho Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân, phải tìm cách vượt khỏi vòng vây của Việt Cộng, trở về phòng thủ cứ điểm cuối cùng là Chi Khu Hoài Đức, trong khi Đồi Bảo Đại cách đó về hướng Bắc đã bị địch đánh chiếm trước đó vì là cao điểm duy nhất, là đài quan sát tốt nhất, Việt Cộng thấy rõ hoạt động của quân ta, do đó phải chiếm lại ngọn đồi bằng mọi giá. Khi hai Đại Đội Địa Phương Quân 1/344 và 2/344 tăng phái cho Liên Đoàn 7/Biệt Động Quân về được tới hàng rào chi khu, quân số của mỗi đại đội chỉ còn phân nửa, tôi được lệnh chỉ huy, tái chiếm lại được ngọn đồi Bảo Đại, đẩy lùi địch quân về hướng Đông ra khỏi khu vực chợ cách chi khu khoảng 300 mét,” cựu Đại Úy Lê Phi Ô kể.

“Đích thân tôi cùng bộ chỉ huy Tiểu Đoàn và Đại Đội 2/344, trong lúc Đại Úy Trương Kiêm chỉ huy Đại Đội 1/344 đẩy lùi quân địch, tái chiếm lại khu chợ và truy kích địch thêm 500 mét nữa thì khựng lại vì địch quá đông. Ngay đêm đó Việt Cộng phản công, đại đội của Trương Kiêm tan hàng và mất hẳn liên lạc. Còn về cánh quân của tôi, sau một đêm phá chốt, đánh cận chiến và dùng đại bác 57 ly đánh sập các hầm hố kiên cố của Việt Cộng, đến trưa hôm sau đã chiếm lại được đồi Bảo Đại,” ông kể tiếp.

Hồi tưởng lại khúc phim chiến đấu trong ký ức, ông Lê Phi Ô kể tiếp: “Qua một đêm tạm yên, đêm hôm sau Việt Cộng tập trung quân lại khoảng hai đại đội, pháo dữ dội phủ đầu chúng tôi, sau đó từ ba hướng bọn chúng xông lên chiếm lại ngọn đồi. Đại Đội 2/344 chống trả quyết liệt, đốn ngã từng đợt xung phong của địch nhưng cũng không thể cầm cự được lâu. May sao Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân chưa triệt thoái hẳn, vẫn còn pháo đội đại bác 105 ly do pháo đội trưởng Nguyễn Hữu Nhân chỉ huy, nghe được sự cầu cứu của chúng tôi, đã quay súng lại nã hàng trăm quả đại bác lên đồi, bọn Việt Cộng lãnh đủ, thừa lúc ấy chúng tôi cùng binh sĩ rời hố chiến đấu đánh cận chiến với địch, bọn chúng bỏ chạy tán loạn xuống đồi quên mang theo vũ khí và cả xác đồng bọn.”

Thiếu Úy Lê Phi Ô, hình chụp Tháng Mười Một, 1965. (Hình: Lê Phi Ô cung cấp)

Nhưng ngọn đồi Bảo Đại cũng không giữ được lâu, Đại Đội 2/344 Địa Phương Quân được lệnh bỏ đồi để tránh bị tiêu diệt. Lại một trận mở đường máu để trở về, khi đi quân số đại đội là 60 người nay chỉ còn lại 26 người, và đại đội này được lệnh giữ bệnh viện và bãi đáp trực thăng trước mặt Chi Khu Hoài Đức khoảng 100 mét.

Sau khi Đại Đội 512 Trinh Sát do Trung Úy Đường, đại đội trưởng chỉ huy, giữ vòng đai phía Nam chi khu đã hy sinh, và Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân rút lui, Chi Khu Hoài Đức chỉ còn đơn độc Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân do Đại Úy Lê Phi Ô chỉ huy, với quân số còn lại hơn 200 người phải đương đầu với quân số Việt Cộng từ 8 đến 12 ngàn. Quân trú phòng không đủ đạn dược chiến đấu, pháo binh hết đạn không được tiếp tế, lại không có không quân yểm trợ vì tất cả phải ưu tiên cho mặt trận Phước Long đang hồi quyết liệt.

Lúc đó Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân lại bị Sư Đoàn 6 Việt Cộng tân lập bao vây, cùng với Trung Đoàn 812 Sông Mao và bốn tiểu đoàn đặc công 18, 19, 20 và 200C tấn công liên tục ngày đêm.

“Tôi cho tu sửa cấp thời các vị trí chiến đấu còn sử dụng được và ra lệnh tất cả sĩ quan rời bỏ vị trí chỉ huy, tất cả ra tuyến ngoài cùng anh em binh sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Thượng cấp cho tôi toàn quyền quyết định, tôi đã cho thăm dò nhiều lần đường rút lui nhưng không thể thực hiện được. Riêng lính tráng thì được nhưng còn vợ con họ thì sao? Và thương binh nữa? Chúng tôi quyết định tử thủ,” ông Lê Phi Ô nhớ lại.

Mặt trận Hoài Đức, Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân tử thủ 33 ngày đêm 

Vào thời điểm Mỹ đang rút quân với chiến thuật “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” nên tất cả phương tiện, đạn dược trên chiến trường đều thiếu thốn, nhất là không quân và pháo binh yểm trợ bị hạn chế tối đa. Đại Úy Lê Phi Ô đã nhiều lần yêu cầu xin tăng viện thêm pháo binh, tiếp tế đạn dược, không quân yểm trợ, tải thương… nhưng tất cả đều được trả lời không có!

Ông Lê Phi Ô ở San Jose tại lễ Memorial Day năm 2019. (Hình: Lê Phi Ô cung cấp)

Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân hoàn toàn rút lui, Chi Khu Hoài Đức lúc đó chỉ còn đơn độc Tiểu Đoàn 344 của Lê Phi Ô với quân số còn lại hơn 200 người so với quân số của Việt Cộng từ 8 đến 12 ngàn người bao vây, với chiến thuật “Tiền pháo hậu xung.” Sau những đợt pháo dồn dập liên tục ngày đêm, bọn Việt Cộng áp dụng chiến thuật biển người, hò hét man rợ, như những con thiêu thân lao vào ánh đèn ngày cũng như đêm.

Dù bị từng tràng đại liên 30 trên pháo tháp cũng như 50 của Commando Car V100 liên tục đẩy bật ra, bọn chúng vẫn tiếp tục xông vào, chiến trường tràn ngập máu và xác chết của cả hai bên.

Toàn bộ khu vực bốc mùi tử khí với xác chết Việt Cộng la liệt khắp nơi, xác lính thì chôn tạm, phủ poncho. Thương binh còn kẹt lại khoảng 50 người cả nặng lẫn nhẹ, trực thăng tản thương không vào được do phòng không địch dày đặc, nhiều chuyến bay phải quay đầu lại để ưu tiên cho mặt trận Phước Long.

Trước giờ hấp hối của lực lượng trú phòng, bỗng nhiên trong máy truyền tin có giọng nói lạ vang lên, tiếng của Thiếu Úy Nguyễn Phát Tài, sĩ quan tiền sát pháo binh của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, yêu cầu đơn vị tử thủ cho tọa độ chính xác để pháo binh tác xạ yểm trợ ngay.

“Sau đó là hàng ngàn quả đạn đại bác 105 ly, 155 ly của ba Tiểu Đoàn Pháo Binh thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh đồng loạt trút cơn bão lửa xuống đầu bọn Việt Cộng, và từng đợt phản lực cơ F5 gầm rú trút hàng loạt bom Napal xuống đầu giặc. Võ Đắc như một địa ngục ngập tràn biển lửa thiêu rụi bọn Việt Cộng, chiến trường bấy giờ là thân xác bọn sinh Bắc tử Nam bị hất tung lên từng đợt trong tiếng đạn nổ bom rơi long trời lở đất, máu, thịt xương vung vãi khắp nơi, và lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy được địa ngục trần gian!” ông Lê Phi Ô nhớ lại.

Ông Lê Phi Ô (phải) trong sinh nhật 4 Tháng Sáu, 2019, ở San Jose. (Hình: Lê Phi Ô cung cấp)

Đơn vị giải vây cho Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân lúc bấy giờ chính là Sư Đoàn 18 Bộ Binh của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, đã kịp thời giải cứu Chi Khu Hoài Đức, với ba gọng kềm gồm Trung Đoàn 52 Bộ Binh tấn công địch từ phía Nam, Trung Đoàn 43 Bộ Binh từ phía Bắc đánh xuống, và Tiểu Đoàn 2/43 thiện chiến nhất của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, do Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế, vị sĩ quan giỏi nhất của sư đoàn, là mũi tấn công chính đánh vào lực lượng Việt Cộng.

Cùng lúc là các máy bay oanh tạc từ ba phi trường Phan Rang, Biên Hòa và Bình Thủy (Cần Thơ) gầm rú lao vào trận địa, dội xuống đầu địch quân từng trận bão lửa khủng khiếp. Cả vùng như những cơn bão lửa bao trùm, thiêu sống địch quân. Sư Đoàn 18 Bộ Binh như hai gọng kềm kẹp chặt địch quân vào giữa, tha hồ cho pháo binh và không quân tiêu diệt gọn.

Những giọt nước mắt vui mừng lăn dài trên gương mặt sạm đen khói súng của những người lính Địa Phương Quân tử thủ rơi xuống bộ đồ trận đã khô cứng vì máu của đồng đội… Võ Đắc đã hồi sinh sau 33 ngày đêm đắm chìm trong địa ngục. Võ Đắc hoàn toàn được giải tỏa vào trưa ngày 5 Tháng Giêng, 1975. (Văn Lan)

Kỳ cuối: Trận chiến đấu cô đơn cuối cùng của Đại Úy Lê Phi Ô

————————————————————

Lê Phi Ô là cựu học sinh Trường Công Lập Phan Bội Châu Phan Thiết từ năm 1955.

Ông tốt nghiệp Khóa 15 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức: Nhập khóa ngày 4 Tháng Sáu, 1963. Mãn khóa ngày 27 Tháng Mười Một, 1963, với cấp bậc Chuẩn Úy (Trung Đội Trưởng Tác Chiến).

Ngày 27 Tháng Mười Một, 1965, thăng cấp Thiếu Úy (Đại Đội Trưởng Tác Chiến).

Ngày 27 Tháng Mười Một, 1967, thăng cấp Trung Úy (Đại Đội Trưởng Tác Chiến).

Ngày 1 Tháng Giêng, 1970, thăng cấp Đại Úy (Đại Đội Trưởng – 1972 Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 344/Địa Phương Quân).

Ngày 1 Tháng Giêng, 1975, Tiểu Đoàn Phó rồi Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 344/Địa Phương Quân thuộc tỉnh Bình Tuy.

Thăng cấp Thiếu Tá ngày 1 Tháng Giêng, 1975, nhưng quyết định thăng cấp từ Bộ Tổng Tham Mưu không gởi đến được vì tình hình chiến sự đang khốc liệt, gấp rút gần đến ngày cuối cùng cuộc chiến.

Ông đã nhận 29 huy chương các loại gồm có:

-1 Lục Quân Huân Chương.
-23 Anh Dũng Bội Tinh các loại (vàng, bạc và đồng).
-2 Chiến Thương Bội Tinh.
-1 Chiến Dịch Bội Tinh.
-1 Quân Phong Bội Tinh.
-1 Quân Vụ Bội Tinh.

—————————————————————–

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT