Sunday, May 19, 2024

Trung Úy Đặng Trần Hoa, người giữ mạch máu truyền tin trong đơn vị

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV)Trung Úy Đặng Trần Hoa, chiến sĩ truyền tin Sư Đoàn 18 Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với biệt danh “Tuyến Thép Xuân Lộc” nổi tiếng với những trận đánh kinh hoàng chận đứng đường tiến quân của Cộng Sản Bắc Việt tại mặt trận Xuân Lộc, đánh tan các sư đoàn Cộng Sản với mưu toan tiến vào Sài Gòn ngày cuối cùng cuộc chiến.

Ông Đặng Trần Hoa (phải) chụp chung với Thiếu Tướng Lê Minh Đảo tại nhà riêng ông Hoa vào năm 2003. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Từ một cậu bé ở làng quê Bắc Ninh chạy lên Phú Thọ, Cao Bắc Lạng để lánh nạn năm 1947, ông Hoa đã sống thời tuổi nhỏ với ký ức không bao giờ quên khi phải chứng kiến các trận đấu tố kinh hoàng lúc Việt Minh vừa lên nắm chính quyền.

Ông kể, cao trào nhất là ba năm 1943 đến 1956, rập khuôn theo mô hình “Thổ địa cải cách” của Trung Quốc (1946-1949) với tinh thần đấu tranh giai cấp bạo lực triệt để, dưới sự cố vấn trực tiếp của cán bộ đàn anh Trung Quốc.

“Trong đấu tố có cả những cảnh tứ mã phanh thây y như trong phim Tàu, hoặc tùng xẻo từng miếng thịt, lại có cả chôn người dưới ruộng, cho trâu kéo cày qua lại để lưỡi cày bén ngót cắt đứt đầu người,” ông nhớ lại cả một tuổi thơ từng chứng kiến những cảnh tàn sát kinh hoàng.

Gia đình bà bác của ông có người con trai là tiểu đoàn trưởng quân Bắc Việt đánh trận Điện Biên Phủ, là vai anh của ông Hoa, dụ dỗ mẹ ông khi nói rằng sẽ giúp các em đi học ở Trung Quốc, Liên Xô. May mắn là mẹ ông nghe lời bà bác cản ngăn và bà khuyên mẹ ông đưa hết cả nhà vào Nam. Thế là cả nhà gồng gánh lên tàu đi đường biển đưa người di cư ra Hạm Đội 7 ngoài Hạ Long, sau đó được các tàu lớn đưa vào Nam.

Ông Hoa cho biết: “Phải nói người di cư cũng được đồng bào miền Nam thương yêu đùm bọc trong những ngày đầu gian khó, riêng chính phủ cụ Diệm phát mỗi người 700 đồng, thời đó giá trị rất lớn. Gia đình tôi được đưa về trại định cư Trung Chánh ở đó thời gian, sau đó vì mẹ tôi làm việc tại Bộ Nội Vụ nên đưa cả nhà về Sài Gòn. Sau vài năm cuộc sống ổn định, mấy anh em tôi đi học lại và riêng tôi làm việc công chức một thời gian.”

Sau trận Mậu Thân, ông Hoa vào Khóa 9/68 Trường Bộ Binh Thủ Đức, khi ra trường Tháng Bảy, 1969, ông được quyền chọn binh chủng Truyền Tin, về Cục Truyền Tin và được lựa chọn đơn vị theo thứ tự cao thấp.

“Đáng lẽ tôi được về Vùng IV, nhưng nhường cho bạn tôi về đó, còn tôi khi đó còn độc thân nên về Trường Truyền Tin Vũng Tàu, với nhiệm vụ là cán bộ dạy tại trường này thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa,” ông kể.

Nhiệm vụ của trường là giảng dạy truyền tin cho tất cả binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trường được trang bị những máy móc rất mạnh thời bấy giờ, có những tần số thu phát rất mạnh qua tận Phi Luật Tân, hoặc phát từ Sài Gòn ra miền Trung hoặc miền Tây. Ở trường ông là cán bộ giảng dạy căn bản truyền tin cho các khóa sinh các binh chủng Hải, Lục, Không Quân để họ trở về giảng dạy lại cho đơn vị.

“Trường dạy về siêu tần số, vô tuyến viễn ấn, mã hóa các thông tin, hệ thống điện thoại cho các tiểu khu khắp bốn vùng chiến thuật. Truyền tin là mạch máu của quân đội, nếu không có thông tin liên lạc làm sao đánh trận, tất cả các đơn vị tham chiến bắt buộc đều phải có truyền tin hết,” ông Hoa nói.

Sinh Viên Sĩ Quan Đặng Trần Hoa, Khóa 9/68 Trường Bộ Binh Thủ Đức. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Thích vào chiến trường

Dạy ở Trường Truyền Tin Vũng Tàu được ít lâu, ông Hoa cảm thấy chán cảnh “sáng cắp ô đi tối vác về” nên sau khóa Trung Cấp Đại Đội Trưởng Truyền Tin, ông xin tình nguyện vào bất cứ đơn vị nào trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

“Sĩ quan Truyền Tin là khi còn trong binh chủng, đến cấp trung đoàn là sĩ quan binh đoàn, phải đi sát mặt trận, còn tôi là sĩ quan sư đoàn nên đi sát tư lệnh sư đoàn,” ông Hoa giải thích thêm.

Ông Hoa hào hứng cho biết có nhiều đơn vị được chỉ định cho ông chọn như Tiểu Đoàn Truyền Tin Vùng II Chiến Thuật, Vùng IV Chiến Thuật, Trung Tâm Tiếp Vận Vùng III Chiến Thuật, nhưng ông chọn về Sư Đoàn 18 Bộ Binh vì ông “thích vào mặt trận” hơn.

Đơn vị chỉ định ông về Sư Đoàn 18 Bộ Binh, khi sĩ quan Truyền Tin cấp tiểu đoàn làm nhiệm vụ điều hành, phân phối nhân viên, còn ông là sĩ quan cấp sư đoàn nên có nhiệm vụ cung cấp máy móc, phương tiện cho cấp trung đoàn khi họ có yêu cầu, mỗi trung đoàn có khoảng 2,500 người.

“Tôi nằm ngay Long Bình, nơi đặt Tiểu Đoàn 18 Truyền Tin, gồm ba đại đội truyền tin, với chức vụ đại đội phó khai thác truyền tin, sau ba tháng mới lên giữ nhiệm vụ đại đội trưởng khai thác hành quân. Tôi phải luôn đi theo sát ông trưởng Phòng Truyền Tin Bộ Tư Lệnh Hành Quân, ngoài ra còn đại đội khai thác hậu cứ ở Long Bình lo về tiếp vận, và tôi thuộc đại đội khai thác hành quân, cả đại đội chỉ huy nữa,” ông Hoa nói.

Về tương quan lực lượng ngành Truyền Tin, ông Hoa Cho biết: “Thời đó ngành Truyền Tin mình đã cách xa địch rất nhiều, vì mình có những máy siêu tần số còn họ chỉ có âm thoại thôi, thậm chí Việt Cộng còn phải dùng liên lạc viên cũng có máy nhỏ để hướng dẫn pháo binh về tọa độ, cũng như chỉ đường đi nước bước trong trận địa.

“Trong trận Long Khánh, bộ tư lệnh sư đoàn tại đó thì nhiệm vụ của tôi là phải liên lạc với mấy ông truyền tin ở Dầu Giây, Định Quán, Bàu Cá, tư lệnh sư đoàn sẽ thị sát những nơi đó, có sĩ quan đi theo, còn nhiệm vụ chúng tôi là tổng liên lạc ở dưới đất để thông tin,” ông Hoa kể.

Ông kể thêm: “Có lần địch pháo sập hầm trú ẩn của bộ tư lệnh, may lần đó Tướng Lê Minh Đảo đã đi nơi khác chứ không đã bị ảnh hưởng lớn. Sau khi dò ra được tần số liên lạc của Việt Cộng, định vị được chính xác nơi tần số xuất phát, đã bắt được tên trưởng ấp là liên lạc viên, từ đó về sau yên hẳn.”

“Ngay phút đầu tiên, pháo 130 của địch bắn trúng ngay hầm truyền tin Bộ Chỉ Huy, trái thứ hai cũng vô cùng một chỗ, nếu chúng pháo thêm trái thứ ba nữa thì tôi chết chắc! May là hầm truyền tin thiết kế phòng thủ rất kiên cố, với ba lớp chồng lên nhau, cứ 10 lớp bao cát thì một lớp 3 thân cây chuối tươi, mục đích là dùng xơ cây chuối ướt nước rất chắc, cùng bao cát để chận lại mảnh đạn nổ văng khắp nơi,” ông Hoa kể.

“Trong trận Xuân Lộc, truyền tin có khi di chuyển đến ba lần trong ngày vì bị pháo tới tấp, có khi vì sập hầm chỉ huy Bộ Tư Lệnh Hành Quân, phải di chuyển máy móc truyền tin vào rừng bằng đủ các loại xe. Nhiều khi chúng tôi bắt được tần số của chúng, nghe chúng bực tức chửi rủa, thắc mắc rằng pháo sập hầm Bộ Chỉ Huy mà sao chúng tôi vẫn hoạt động bình thường. Việt Cộng không biết bên ta còn các đài khác vẫn đang hoạt động,” ông cười kể tiếp.

“Chúng tôi có những đài chính phát siêu tần số tiếp vận lên núi Thị rất mạnh, từ đó chuyển xuống đến các đơn vị khác, bọn Việt Cộng không thể biết chỗ nào mà pháo vào. Đôi khi chúng tôi tạo dựng những cần ăng ten giả, nhô cao lên để nhử, thế là bọn Việt Cộng cứ thế pháo vào,” ông nhớ lại.

Ông cho hay, sư đoàn chỉ lo truyền tin cho các Trung Đoàn Bộ Binh, còn trung đoàn phải lo truyền tin cho tiểu đoàn và các đại đội. Các trang bị máy móc truyền tin trong Bộ Binh do Cục Truyền Tin cung cấp, để từ trung đoàn chuyển xuống các cấp dưới, thông dụng nhất cho Bộ Binh là máy vô tuyến PRC 25, nếu làn sóng không bị rừng núi hạn chế, có thể liên lạc được cả trăm cây số.

Gia đình ông Đặng Trần Hoa ngày đầu tiên đến Mỹ, năm 1982. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Những trở ngại lớn nhất cho truyền tin

Trong kỹ thuật truyền tin, vấn đề quan trọng nhất và nguy hiểm nhất là điện. Nếu không có điện thì không chạy máy được, còn nếu để nước chạm vào điện sẽ làm chạm mạch nổ máy phát điện, làm phát hỏa hoặc điện giật chết người.

Ông Hoa kể, tại mặt trận Bến Cát An Điền năm 1974,  Sư Đoàn 18 Bộ Binh là lực lượng tổng trừ bị của Quân Khu III, gồm ba Sư Đoàn 5, Sư Đoàn 25 và Sư Đoàn 18. Đụng độ hai trận được xem lớn nhất là trận Bến Cát và trận Xuân Lộc.

Giữa năm 1974, khi Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 18 theo Tướng Đảo vào trận Bến Cát, là mặt trận lớn gồm các lực lượng Công Binh để bắt chiếc cầu lớn tiến vào An Điền. Sau khi pháo binh bắn trải thảm như đan chiếu trên một vùng rộng lớn, xe tăng Việt Cộng tan nát hết.

Lúc đó hệ thống truyền tin vừa lên thì gặp ngay một lực lượng xe tăng của địch chuẩn bị đánh vào Sài Gòn. Sư Đoàn 18 được lệnh tăng cường hai trung đoàn qua Bình Dương, phối hợp với Sư Đoàn 5 đánh dứt điểm tại An Điền, Bến Cát, bằng 12 tiểu đoàn pháo binh tăng cường bắn trải thảm, xe tăng địch lớp bị bắn cháy, lớp bỏ chạy tán loạn, không còn hàng ngũ gì cả. “Có hai chiếc bị bắt sống mang về Sài Gòn làm chiến lợi phẩm trình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, và Trung Tá Ngô Kỳ Dũng của Trung Đoàn 52 được thăng cấp đại tá ngay tại Dinh Độc Lập. Coi như trận Bến Cát đã dứt điểm,” ông kể.

Ông Hoa kể tiếp: “Cũng trong trận An Điền, Bến Cát, tôi ra lệnh cúp ngay tức khắc máy phát điện, dù đang trong trận đánh rất cần máy truyền tin, nhưng nếu không cúp điện kịp thời thì nguyên Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn chết hết, vì lúc đó máy phát điện đang cung cấp điện cho trung tâm hành quân bị mưa suốt cả tuần lễ.”

“Khi người trung sĩ báo tuyến ngoài bị ngập nước, ngay lập tức tôi đoán có thể nước ngập vô tới trung tâm hành quân, tôi liền ra lệnh cho tắt ngay máy phát điện chính, khiến hệ thống siêu tần số không liên lạc được với Sài Gòn nhưng hệ thống âm thoại vẫn liên lạc được với các mặt trận khác,” ông Hoa nhớ lại.

“Vừa tắt máy phát điện chính thì trung tâm hành quân hoàn toàn mất điện, tôi nghe Trung Tá Ngô Kỳ Dũng la hét trong máy, tôi trình lên cho ông chờ trong chốc lát thì nước đã tràn ngập vô hầm ngầm chỉ huy. Nếu tôi không tắt máy phát điện kịp thời, cả hầm chỉ huy bị nước truyền điện, hơn 30 người trong hầm sẽ bị điện giật chết ngay tức khắc, trong đó có tôi!” ông Hoa nói.

Ông nói tiếp: “Khoảng đầu Tháng Tư, 1975, đài siêu tần số của Trung Đoàn 52 của Đại Tá Ngô Kỳ Dũng bị pháo kích sập, khiến hệ thống này ngưng hoạt động. Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo cho trực thăng chở lên hệ thống khác, thả xuống đồi Phượng Vỹ. Khi trực thăng vừa chở tới, Việt Cộng dùng đại liên bắn tới tấp, trực thăng vừa thả hàng xuống là cất lên liền. Bên ta phải đưa một chiếc Jeep trên có trang bị đại liên M60 lên bắn phủ chụp lên đầu bọn chúng, để tôi chỉ huy đem xe GMC chở máy móc truyền tin đưa lên đồi.”

Ông Đặng Trần Hoa (đứng hàng sau, đầu tiên bên phải) tại buổi họp đại hội Sư Đoàn 18 Bộ Binh năm 2015 tại Little Saigon. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Tuyến Thép Xuân Lộc, 12 ngày đêm chận đứng Cộng Sản tiến vào Sài Gòn

Theo các tài liệu chính thức sau này thì trận Xuân Lộc là cột mốc quan trọng trong biến cố 30 Tháng Tư, 1975, vì Xuân Lộc là tuyến phòng thủ căn bản gồm Biên Hòa-Xuân Lộc-Bà Rịa-Vũng Tàu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, để phòng thủ cửa ngõ phía Đông Sài Gòn. Xuân Lộc cách Sài Gòn khoảng 80 km, 2 giờ lái xe, được coi như là vành đai ngoài bảo vệ phi trường Biên Hòa và thủ đô Sài Gòn.

“Khi Tướng Đảo lên thăm các đơn vị vào Tháng Tư, 1975, thì Long Khánh đang phòng thủ, chuẩn bị đón địch, phải đào địa đạo chuẩn bị tử thủ. Tướng Đảo đã ra chỉ thị nếu đánh tới cùng thì mở lựu đạn tự sát cùng với địch chứ không đầu hàng, và mỗi sĩ quan được cấp 2 cấp số đạn cùng 10 trái lựu đạn,” ông Hoa nói thêm.

Ông cho hay: “Ngày16 Tháng Tư, 1975, Phan Rang thất thủ, tại Long Khánh đã biết tin, Tướng Đảo cho câu pháo lên các ngọn đồi cao như ở đỉnh núi Thị giao cho Tiểu Đoàn 2/43 do Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế bảo vệ, còn lại hai khẩu nữa giao Chiến Đoàn 43 do Đại Tá Lê Xuân Hiếu trong thị xã Xuân Lộc sử dụng, để đồng loạt phản pháo theo từng điểm đặt pháo, làm bọn địch hoang mang không biết chỗ nào, còn bên dưới thì đào giao thông hào hình chữ CHI (chữ Z) để tránh thiệt hại tối đa khi bị pháo kích.”

Ngoài ra, ba Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn đều giống nhau được thiết lập, một tại Xuân Lộc, một tại Tân Phong, và một trên núi Thị được Tiểu Đoàn 2/43 của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế, tiểu đoàn trưởng bảo vệ, như là một đài liên lạc giữa Tướng Đảo và Quân Đoàn cũng như các cấp tại Trung Ương.

“Tất cả ba Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn này đều có đầy đủ máy móc truyền tin, có cả đài siêu tần số đặt trên núi cao nên rất mạnh. Phải nói truyền tin của ta rất đáng khâm phục, khi đã bắt được và giải mã tần số của địch, biết trước được lệnh tấn công của Cộng Sản vào Xuân Lộc nên tránh được nhiều tổn thất. Cũng nhờ có ba Bộ Tư Lệnh Hành Quân nên Tướng Đảo di chuyển liên tục tránh pháo của địch. Những chi tiết của trận Xuân Lộc anh dũng, đã được viết đầy đủ trên Đặc San của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, số đặc biệt kỷ niệm 30 Năm Hội Ngộ Gia Đình 18 tại Little Saigon, năm 2005,” ông Hoa nói thêm. (Văn Lan) [qd]

Kỳ cuối: Trung Úy Đặng Trần Hoa chiến đấu tới giờ thứ 25 trong cuộc chiến

MỚI CẬP NHẬT