Friday, April 19, 2024

Mạ cần sống cho mình trong phần đời còn lại

Thảo Châu

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

Mạ hiền lắm. Mạ có năm người con mà chưa từng đánh đứa nào bao giờ. Có một lần duy nhất cũng bắt chước ba đánh con nhưng cây roi của mạ là cái gối ôm. Mấy chị em đâu có sợ , nằm sấp trên đi-văng cười khúc khích. Mạ buông gối khóc vì “mấy đứa lớn rồi không nghe lời mạ nữa”.

Sinh ra trong gia đình nghèo với năm chị em, mỗi ngày mạ đi học phải đem cậu theo, vì cậu không cho mạ đi đâu hết. Học tới lớp 9 thì mệ (bà ngoại) không cho đi học nữa vì “con gái không cần học nhiều”. Thầy cô tới năn nỉ nhưng mệ vẫn quyết không. Mạ học lúc nào cũng đứng nhất nhì trường mà. Nuôi gà, nuôi heo, nấu rượu mạ làm hết. Xây chuồng heo, lợp lại mái nhà… có ai nghĩ người con gái nhỏ làm những việc đó không. Vậy mà mạ không từ nan chuyện gì.

Khi các cậu dì đã lớn thì mạ được mệ cho đi học nữ hộ sinh và làm việc tại bệnh viện Đà Nẵng. Rồi duyên nợ , mạ lấy ba mặc dù chẳng ưa chút nào. Ba xấu lắm, học dở, ăn chơi, là út cưng nên chẳng biết lo toan… Vậy mà năm đứa con ra đời.

Mạ cần sống cho mình trong phần đời còn lại (Hình: Thảo Châu cung cấp)

Y như mạ nghĩ, bốn đứa con mà ba có bao giờ ở nhà, một mình mạ lo từng miếng đói ăn đến giấc ngủ chẳng lành. Ba có máy chà gạo mà các con chưa từng có gạo ăn. Lâu lâu lại phải đi cấp cứu vì ăn sắn (khoai mì) khô bị say. May mà nhà ở trong cư xá bệnh viện nên cấp cứu nhanh thiệt. Một lần ba về nói cả nhà chuyển vô Sài Gòn, mệ khóc ròng vì biết mạ sẽ khổ thêm nữa vì “thằng rể không biết lo”.

Vô Sài Gòn thiệt là sướng. Cơm trắng tinh, đậu hủ kho cà chua, cá nục mỗi ngày. Ở trên gác mướn được một năm thì ba mạ mua được miếng đất, mượn tiền O làm nhà.

Có lẽ tôi cần phải nói thêm một chút về ba tôi. Vô Sài Gòn ba trở thành một người đàn ông khác hẳn, chỉ biết đi buôn bán tiết kiệm để lo vợ con. Những tưởng vậy là hết khổ, nhưng chưa. Đổi tiền mấy bận là cả nhà không có gạo ăn. Thêm mười mấy đứa cháu trai bên ba từ vĩ tuyến 17 cũng vào tá túc. Cả nhà ăn cháo mỗi ngày, có nhiều lúc ba bị xỉu giữa đường vì đói, vậy mà đến bây giờ các cháu ba vẫn trách mạ “keo kiệt”. Các anh họ có biết đâu chú thím phải nhịn ăn cho con và cháu. Mạ chưa bao giờ nói nặng nhẹ hay kể lể. Chỉ khóc tủi thân khi bị bên gia đình ba trách thôi. Rồi mạ săn sóc ông nội tới ngày cuối của ông. Ông ăn và đi ngoài ngày mấy chục bận. Mạ đi buôn bán nhưng phải chạy về để tắm và giặt áo quần cho ông. Mấy O bên cạnh chỉ ghé chơi chứ có chăm sóc ông ngày nào.

Mạ làm tròn hiếu đạo phận dâu và đối xử tốt với bên chồng. Mạ có được gì không? Không. Không nhưng mà được. Được ba thương mạ nhiều hơn, không còn những trận đòn làm các con run lẩy bẩy. Ba ghi nhận công đức của mạ và các con học hỏi từ mạ về sự hy sinh và cần kiệm.

Nói về chuyện ba thôi đánh mạ thì cũng nhờ đứa em thứ ba là cái thằng ham chơi. Có một lần ba vừa giơ tay lên định đánh thì nó đã cầm cái ghế lên nói với ba “Nếu từ nay trở đi ba đánh mạ một lần nữa, thì ba không yên với tụi con đâu”. Từ đó trở đi ba chưa từng đánh mạ lại bao giờ.

Nhưng số mạ vẫn khổ. Mỗi sáng khi các con đang an giấc thì mạ đã đạp xe hàng chục cây số đi mua áo quần cũ về giặt rồi đem ra chợ bán. Em út ra đời khi mạ còn đang trên yên xe! Thiếu tiền, thiếu sữa mạ lại đi buôn bán khi em còn trong tháng. Thương mạ lắm mà các con còn nhỏ dại quá có biết gì. Mạ mua nước sâm, nước trà đá con vô tư uống hết, về đến nhà mạ múc gáo nước lạnh uống ừng ực mà lúc đó con nào hiểu.

Còn nhiều lắm, còn nhiều gian truân mà mạ phải chịu vì thương chồng thương con. Mạ chưa từng ăn bất cứ món gì trước chồng và con, cả nhà ăn còn dư thì mạ ăn, không dư thì ăn nước tương xong bữa.

Con đang đặt câu hỏi mạ sống cho ai?

Phải chăng mạ sinh ra chỉ để phục vụ chồng, con, cháu, và người thân?

Sáu mươi tám tuổi mạ vẫn chưa được hưởng phước vì mạ cứ lo các con thiếu thốn nên vẫn tằn tiện không dám ăn, không dám mặc, không đi chơi như bạn bè.

Mạ nè! Con không biết nói ngọt, không tâm sự như cách con gái với mẹ, con chỉ biết nói rằng, mạ cần sống cho mình trong phần đời còn lại. Con cái đã trưởng thành, sướng khổ mỗi đứa đều có số của nó, mạ không thể bảo bọc cả đời. Mạ nghĩ con nói đúng không!

Mạ con! Đẹp lắm!

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Giải quyết vấn đề của các em bằng sự đồng thuận”(Phần 2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT