Friday, April 19, 2024

Mẹ tôi không hoàn hảo (hay Tất cả chúng ta đều đã bị đòn?)

Lâm Vân An

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

Còn đúng một tiếng đồng hồ nữa là tôi phải lên sân khấu cho cuộc thi đọc thơ diễn cảm. Tôi đã thay xong bộ đồ mẹ chọn: váy xanh đậm, áo sơ mi trắng bỏ trong váy. Tóc tôi cũng đã được mẹ cột thành hai chùm sừng bò hai bên, lúc la lúc lắc. Đây là kỳ thi đọc thơ diễn cảm cấp tỉnh dành cho lứa tuổi cấp I, khối lớp 4-5. Tôi đã giành được giải nhất thành phố. Giờ là vòng thi đấu với các huyện giành thứ hạng tỉnh (chỉ có hạng nhứt, nhì, ba mới được vào vòng này).

Dĩ nhiên là kỳ thi này tôi muốn tôi giành giải nhất, như tôi đã từng giành giải nhất ở các cuộc thi văn, thi toán cấp trường, cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Chinh phục các đỉnh cao. Như ý tôi muốn. Như mẹ tôi muốn. Tôi biết rõ, mẹ, hơn ai hết, muốn tôi giành hạng nhấtt, qua việc bà đã quyết tâm bỏ công chọn bài thơ hay, rèn cho tôi cách đọc bay bổng, diễn cảm bao nhiêu ngày tháng nay. Vì sao? Tôi không rõ. Có thể vì tôi là con gái đầu lòng của bà. Tôi là niềm tin, là hy vọng của bà. Là sự tự hào của bà.

Mẹ tôi kêu to, “An đâu, ra đọc lại lần cuối bài thơ cho mẹ nghe đi.” Tôi đi ra, tinh thần vui vẻ, phấn chấn, nhảy cái phóc lên bộ ván bóng lưỡng. Tôi điệu đà giới thiệu bài thơ, giới thiệu tên họ mình, như có khán giả thiệt đang ngồi bên dưới, xong tôi đọc một hồi làu làu lên xuống diễn cảm, nhưng đến giữa bài thì tự nhiên tôi tắc tị. Chuyện gì đang xảy ra với bộ nhớ của tôi vậy? Tôi lắp bắp, bối rối… Tôi nhìn mẹ, mẹ trợn mắt, mặt bà đỏ lên giận dữ. Cặp mắt bà long lên sòng sọc. Tôi sợ quá, “Chết rồi, mình đang làm mẹ nổi điên.” Tôi run bắn, lóng ngóng, chưa biết làm gì thì mẹ hét lớn, “Chưa thuộc bài! Học hành kiểu gì con kia?” rồi bất ngờ nguyên cái chén cơm mẹ đang cầm bay thẳng vô trán tôi. Tôi sợ cứng người, đau điếng, ngồi thụp xuống ván khóc thét lên. Ba tôi từ bên ngoài chạy như bay vô nhà, ôm tôi thiệt chặt.

Vết trầy trên trán tôi vài bữa là lành nhưng vết thương trong lòng tôi thì phải mất 20 năm.

Đây là tấm thiệp thằng con 9 tuổi nhà tôi làm về mẹ nó, cô giáo gửi về nhà, tôi choáng váng! Tôi là “everyday hero” của nó. (Hình: Lâm Vân An cung cấp)

Hai mươi năm sau tôi mới hiểu: Mẹ tôi là một “perfectionist” – một người cầu toàn. Bà cầu toàn trong mọi thứ: Ăn mặc, công việc, nhà cửa và dĩ nhiên trong cách dạy con. Lại thêm bị ảnh hưởng của nghề giáo, mọi thứ bà muốn dạy cho tụi tui đều được bà truyền dạy hết sức cặn kẽ, tỉ mỉ và nghiêm khắc. Ở trường tiểu học nơi mẹ tôi dạy, mẹ tôi nổi tiếng khó khăn, (tôi không bao giờ được học lớp của mẹ vì mẹ muốn tránh mang tiếng thiên vị) mẹ tôi bị học trò gọi là “bà chằn, bà cọp” vì mẹ tôi vào lớp là lũ học trò run như giun dế. Đứa học trò nào không thuộc bài hay làm gì sai trái là bị cây quất vào đít, bị nhéo tai đau điếng hồn. Tôi cũng bị họ ghét lây, mỗi lần đi học về là các anh chị lớp 5 đã bị mẹ tôi phạt vừa nhìn thấy tôi là hét lên “Thanh chằn! Thanh chằn!” Tôi mím môi bỏ đi mà không bao giờ dám kể gì với mẹ, sợ bị đánh thêm.

Phải kể thêm là bản tánh mẹ tôi nóng nảy, thẳng ruột ngựa, bà không bao giờ chấp nhận những điều sai trái, cũng không biết luồn cúi mềm mỏng (có lần bà dùng nguyên cái ghế đẩu nhỏ phang lên đầu ông hiệu trưởng mới từ Vinh chuyển vô Nam công tác vì ông kêu bà làm gì đó với quỹ khối lớp 5 mà bà cho là không phải với ba mẹ học trò). Tánh mẹ là vậy, một là một, hai là hai, rất đâu ra đó, cuộc đời với bà hình như chỉ có trắng đen chứ không có màu xám.

Mẹ dạy rất kỹ, cho học trò làm đi làm lại đến khi hiểu làu làu mẹ mới buông họ ra. Học trò học với mẹ rất vất vả nhưng không ai bị mất căn bản. Các phụ huynh thích mẹ đến nỗi họ thường xuyên đến lớp, sau giờ dạy, cảm ơn mẹ đã tận tâm kèm dùm con cái họ, đã là một cô giáo có tâm, nhờ mẹ, con họ lên lớp 6 với cái nền rất vững chắc, dù trong 30 năm đứng lớp mẹ tôi không bao giờ mở lớp dạy thêm (sau này khi về hưu nhớ nghề bà có kèm cặp tụi nhỏ cho vui) và là cô giáo vô vụ lợi (không ai biết nhà chúng tôi ở đâu để biếu xén quà cáp.) Nhìn họ, những bác xích lô, ba gác, cô dì quang gánh dáng lam lũ đứng nói chuyện sau giờ tan trường với mẹ, nhiều lúc tôi không kìm được sự tự hào về mẹ mình.

Ở trường sao ở nhà vậy. Mẹ tôi cũng khó khăn y chang như vậy khi dạy dỗ chị em tôi. Bao nhiêu lần tụi tôi bị bầm dập, nhéo tai, thước kẽ đánh đầu ngón tay đau điếng. Bao lần đít lằn đen lằn đỏ. Với học trò mẹ nghiêm một, với chúng tôi mẹ nghiêm mười. Làm gì cũng phải đúng tiêu chuẩn. Không được sai chạy chỗ nào hết. Trong nhà chỉ có kỷ luật, làm việc, học học học, đọc sách, không được xem tv, không la cà hàng xóm. Bao nhiêu năm tôi đã nghĩ mình phải học, ráng nhai nuốt bài vở. Phải học để thoát nghèo (ba mẹ tôi nghèo đến mức không có khả năng cho chúng tôi chơi một môn nhạc cụ hay thể dục gì. Mọi thứ kỹ năng thể dục thẩm mỹ chị em tôi phải tự mày mò lúc vào đại học). Dù mẹ không nói ra, chị em tôi tự hiểu chúng tôi không còn cách nào khác là phải giỏi nhất lớp. Đó là cách duy nhất để sau này ra trường được các công ty nước ngoài chọn làm việc, để có cuộc sống tốt hơn. Đó là cách duy nhất chúng tôi thay đổi cuộc sống chính mình.

Mẹ dữ dằn, khó khăn, đánh đập chúng tôi vì đó là cách làm cha mẹ duy nhất mà mẹ biết. Với mẹ, không có cách nào dạy dỗ hiệu quả hơn.

Đó cũng là cách mẹ yêu thương và rèn luyện chúng tôi nên người. Sau này khi tôi buồn hận mẹ, đó cũng là cách tôi lý giải với bản thân cho đỡ buồn, đỡ tức, cách tôi “làm hòa – make peace” với chuyện hồi nhỏ tôi hay bị chửi mắng, bị ăn đòn, bị quất tét đít, nói chung là “child abuse” hoàn toàn vi phạm an toàn trẻ em theo cách nhìn của người Mỹ.

Giờ thì mọi sự đã qua, thời gian và mọi buồn đau hờn giận đã như nước chảy qua cầu, công bằng nhìn lại, phải nói mẹ có công đầu trong việc uốn nắn tôi thành một người trẻ “sáng giá.” Nhờ mẹ luôn thúc đẩy tôi, hướng tôi đi chỗ này, chỗ kia mà tôi khi vào đại học, so với bạn bè tôi đã có những thành tựu đáng khích lệ. Tôi đã giành không biết bao nhiêu học bổng loại khó (bốn năm đại học không phải tốn tiền học phí), đã rèn luyện được tinh thần kỷ luật, sự tự tin và quan trọng hơn là sự khiêm tốn – nghĩ về mình ít lại, “Con nghĩ con là ai chứ? Vầy chưa được, làm lại” để cố gắng hơn nữa và đỉnh cao là đậu vào chương trình tuyển quản lý viên tập sự, ngàn người lấy một người, của một hãng tàu biển quốc tế, sự kiện mở cửa cho tôi thấy thế giới bao la rộng lớn và cuộc đời có bao điều tươi đẹp.

Sau này khi lớn ra đời, đi làm ở nhiều nước trên thế giới, có cơ hội tiếp xúc với nhiều người lớn tuổi cùng trang lứa với mẹ, tôi mới ý thức mẹ tôi thiếu nhiều kỹ năng khi làm mẹ. Mẹ tôi không -phải -là -một -bà -mẹ -hoàn hảo.

Khi lớn hơn một chút nữa, có con, tôi đã nhìn, đã học ở những người mẹ khác nhiều thứ khác mà mẹ tôi không có: Như là lòng kiên nhẫn – là thứ quan trọng nhấtt trong việc dạy con nít. Như là niềm tin bất tận vào con – luôn khuyến khích để con tự tin vào những điều con nghĩ. Như là sự ngọt ngào êm ái, nhẹ nhàng của mẹ, cho phép con vấp ngã để con tự học bài học đầu đời. Như là sự bao dung với những lựa chọn và thất bại của con. Và quan trọng nhất là khả năng tìm ra niềm vui trong tình mẫu tử. Vui vì mình được là mẹ của con. Vui vì những thứ con làm, những điều con nói, dù tuyệt vời, bổ ích hay vớ vẩn, ngây ngô mà con đem lại. Vui đơn giản vì có duyên mình mới là mẹ con. Vui vì đời chỉ có một lần, mẹ con hãy cùng nhau vui vẻ trước khi chim con bay khỏi tổ.

Bài này tôi viết trong lúc ăn trưa ở công ty, không có ý chê trách phán xét mẹ. Tôi biết mẹ đã nhất mực yêu thương chúng tôi theo cách riêng của bà. Tôi ngàn lần biết ơn mẹ đã tạo ra tôi một khởi đầu của cuộc sống tốt đẹp. Từ mẹ, tôi đã học được rất nhiều điều nên làm và cả những điều KHÔNG nên làm với thế hệ kế tiếp. Tôi biết ơn mẹ vì những điều tốt lành và tận đáy lòng cảm ơn một cách chân thành những khiếm khuyết của mẹ, cả những thứ mà vì sự thiếu hoàn hảo mẹ đã không đem đến cho tôi.

Nhờ chúng mà hy vọng tôi sẽ có thể trở thành một người mẹ tốt hơn. (Lâm Vân An)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT