Monday, April 29, 2024

Báo động về thực trạng người Thượng tị nạn ở Thái Lan hiện nay

Thanh Hà

Thái Lan, một quốc gia được đánh giá có thể chế chính trị theo xu hướng dân chủ và từ lâu quốc gia này đã được coi là điểm đến của nhiều người tị nạn từ Việt Nam, trong đó có khoảng 2,000 người Thượng đang xin tị nạn chính trị.

Dù người Thượng được Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Về Người Tị Nạn (UNHCR) cấp quy chế tị nạn nhưng theo luật Thái Lan họ không được phép đi làm việc. (Hình minh họa: Johannes Simon/Getty Images)

Đây là những người từng tham gia đấu tranh chống lại sự bất công, bất bình đẳng giữa người Kinh và người bản địa. Cũng như việc đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo, tự do hành lễ hay lý do vì cưỡng chế thu hồi đất đai… và đã bị chính quyền CSVN đàn áp tàn bạo.

Sự bất ổn ở Tây Nguyên lâu nay, là nguồn cơn của làn sóng người Thượng tị nạn, đa phần họ là những người có liên quan đến các vụ bạo loạn xảy ra tại Tây Nguyên cách đây hơn hai mươi năm, cũng như gần đây. Năm 2001 và 2004, hàng chục ngàn người Thượng tham gia biểu tình tại Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và một số địa phương khác, nhằm mục tiêu đòi quyền lợi đất đai và tự do tôn giáo cũng như quyền tự trị.

Với sự đàn áp dã man và thô bạo của chính quyền CSVN, sau những sự kiện vừa kể, đã dẫn đến các vụ khủng hoảng người tị nạn, hàng trăm người Thượng đã buộc phải vượt biên trái phép sang Cambodia và sau đó đi tiếp sang Thái Lan.

Khi đã không có đường sống, buộc họ phải bỏ đất nước để đi tị nạn, vậy mà tới Thái Lan, trong thời gian chờ quy chế tị nạn, để đi định cư ở quốc gia thứ ba, nhưng cuộc sống của họ vẫn hết sức khó khăn và không bình yên.

Ở Thái Lan người tị nạn thiếu thốn đủ điều, cộng với việc không có việc làm cũng như không có sự an toàn cho bản thân.

Cho đến nay Thái Lan vẫn là quốc gia không ký kết Công Ước 1951 của Liên Hiệp Quốc, liên quan đến người tị nạn. Đồng thời nước này cũng không có khung pháp lý quốc gia cụ thể, để bảo vệ người tị nạn. Việc Thái Lan không công nhận người tị nạn, cho nên người tị nạn, dù đã được Cao Ủy Liên Hợp Quốc Về Người Tị Nạn (UNHCR) cấp quy chế tị nạn, theo luật Thái Lan, cũng không được phép đi làm việc.

Theo luật pháp Thái Lan, cảnh sát, nhân viên xuất nhập cảnh, hoặc quân đội đều có quyền yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân. Vì vậy, đối với nhiều người Việt Nam tị nạn ở Thái Lan trong nhiều năm qua, mối hiểm nguy về việc bị bắt giữ luôn rình rập.

Những người Thượng tị nạn ở Thái Lan mà chúng tôi tiếp xúc trực tiếp ở huyện BangYai, tỉnh Nonthaburi, một tỉnh nằm ở phía tây, cách thủ đô Bangkok khoảng 25 km, đã cho biết, họ luôn phải sống trong một tâm trạng hoang mang và lo sợ. Với hạn chế của tư cách người tị nạn sống bất hợp pháp, để có được công ăn việc làm đối với họ là một điều hết sức khó khăn.

Đa số họ phải làm các công việc hết sức nặng nhọc, như phụ hồ, thợ xây, thợ rửa xe, phụ xe tải…, đây là những công việc mà người Thái chê không làm. Nhưng với mức tiền công được trả, chỉ bằng 60% mức lương bình thường.

Những người sống lâu năm biết tiếng Thái sẽ chọn những nghề như bán kem, bán nước mía di động trên đường để tránh cảnh sát.

Với thu nhập bình quân của người Thượng tị nạn chỉ ở mức trung bình từ 6 đến 7 ngàn baht/người/tháng (gần $200), nhưng đổi lại, cộng đồng người Thượng tị nạn ở Thái lan thường xuyên nhận được sự trợ giúp của các tổ chức tôn giáo cũng như người Việt ở Hải ngoại. Hàng tháng họ thường nhận được sự hỗ trợ bằng vật chất như, gạo, mỳ gói và các hàng thực phẩm khác với số lượng dù còn hạn chế, những cũng giảm bớt khó khăn. Đổi lại, họ được phép thờ tự, hành lễ tôn giáo một cách tự do, điều mà ở Việt Nam không bao giờ có được.

Một trong những may mắn của người tị nạn Việt Nam ở Thái lan nói chung, đó là việc học hành của con cái, được chính phủ nước sở tại tạo điều kiện. Do đó con cái của người tị nạn đã hòa nhập rất nhanh với xã hội ở nước này và được đối xử bình đẳng.

Tuy vậy, làn sóng người tị nạn từ Việt Nam đổ đến Thái lan hiện nay vẫn không ngừng tăng lên và dù rằng họ biết rõ, đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, nhất là vấn đề an toàn cho bản thân.

Theo Đài Á Châu Tự Do, trong thời gian gần đây, cộng đồng người Thượng tị nạn tại Thái Lan vô cùng hoang mang, sau khi cơ quan an ninh Việt Nam, vào giữa Tháng Ba năm 2024, đã cho cử một nhóm công tác đặc biệt, với sự trợ giúp của cảnh sát Thái Lan, đã đến gặp những người Thượng tỵ nạn để yêu cầu họ phải hồi hương. Đồng thời để truy tìm những người đang có lệnh truy nã, liên quan đến vụ việc ở Đắk Lắk xảy ra vào hôm 11 Tháng Sáu năm 2023.

Center for Asylum Protection (CAP) – một tổ chức chuyên hỗ trợ cho người tị nạn, cũng đã xác nhận thông tin vừa kể, trên trang website của tổ chức này.

Theo các nhân chứng có mặt đã mô tả, ban đầu, cảnh sát Thái đã đến gõ cửa các phòng trọ để buộc họ ra tập trung trước sân, để rồi sau đó, một nhóm an ninh CSVN mặc thường phục đến nói chuyện.

Đoàn an ninh có tất cả tám người, nhưng chỉ có hai người nói chuyện trực tiếp với những người tị nạn có mặt, sáu người còn lại dùng điện thoại và camera để quay phim, chụp hình.

Qua các clips video loan tải trên mạng xã hội, qua lời tự giới thiệu, dễ dàng có thể thấy, trong phái đoàn có thiếu tướng Rah Lan Lâm, giám đốc Công An tỉnh Gia Lai và trung tá Y Lương Niê, phó trưởng phòng an ninh đối nội tỉnh Đắk Lắk. Câu chuyện 2 lãnh đạo an ninh của tỉnh Đắk Lắk, nói với những người Thượng tị nạn đã cho thấy, họ vừa thuyết phục, vừa gây sức ép, thậm chí không ngừng có những lời lẽ mang tính đe dọa.

Trên mạng xã hội và các diễn đàn của cộng đồng những người Thượng tị nạn ở Thái Lan, đều thống nhất cho rằng, mục tiêu của an ninh Đắk Lắk là bắt họ phải hồi hương, nhất là những người có lệnh truy nã và họ dứt khoát không trở về.

Đáng chú ý, sau sự kiện bất ổn ở Đắk Lắk vào Tháng Sáu năm 2023, khi khoảng gần 100 tay súng là người dân tộc bản địa, tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Cộng đồng người Thượng tị nạn ở Thái lan đã có nhiều biểu hiện xa lánh, không thân thiện đối với cộng đồng người Việt tị nạn như trước đây. Đây được cho là kết quả của lòng hận thù của người Thượng đối với người Kinh.

Thái Lan từ lâu đã không an toàn cho người tỵ nạn, nhất là người tị nạn chính trị đến từ Việt Nam. Hàng loạt các vụ bắt cóc người tị nạn của an ninh CSVN, như vụ bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất năm 2019 và mới nhất là vụ bắt cóc blogger Đường Văn Thái hôm 13 Tháng Tư năm 2023, là những ví dụ điển hình, được giới bảo vệ nhân quyền cực lực phản đối.

Người tị nạn người Thượng hiện nay tại Thái Lan, đang ở trong tính trạng rất nguy hiểm, đặc biệt những người có tên trong danh sách công an CSVN truy nã.

Nguyện vọng chung của những người Việt tị nạn, đều mong muốn rằng, Cao Ủy Tỵ Nạn của Liên Hiệp Quốc nên sớm xem xét lại, tạo điều kiện cho họ được sống ở một nơi an toàn, cũng như thúc đẩy các thủ tục để họ mau chóng được đi định cư ở các quốc gia thứ ba. [kn]

MỚI CẬP NHẬT