Friday, April 26, 2024

Biên Bản Mueller

Nguyễn Đạt Thịnh

Hôm 3 Tháng Tư, 2019, một ủy ban Hạ Viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc Hạ Viện gửi trát đòi Tổng Chưởng Lý Hoa Kỳ (Bộ Trưởng Tư Pháp) William Barr gửi sang Hạ Viện nguyên văn biên bản điều tra của công tố viên đặc trách Robert Mueller về nghi vấn Tổng Thống Trump có thông đồng với người Nga, và có tạo trở ngại luật pháp hay không.

Ông Barr cho là ông cần 2 tuần nữa để viết lại biên bản đó, hầu tránh tiết lộ những bí mật quốc gia, nhưng các dân biểu phía Dân Chủ đòi ông đệ nạp nguyên văn biên bản, và nạp ngay không sửa chữa gì cả.

Căn cứ vào phiên bản rút ngắn 400 trang biên bản điều tra của ông Mueller thành 4 trang diễn dịch của Bộ Tư Pháp, trong đó có câu “while this report does not conclude that the President committed a crime, it also does not exonerate him” (mặc dù biên bản Mueller không kết tội tổng thống, nhưng biên bản đó cũng không viết là tổng thống vô tội).

Tổng Thống Trump viết Twitter phàn nàn việc này như sau:

Donald J. Trump

@realDonaldTrump

Năm 1998, Dân Biểu Jerry Nadler cực lực phản đối việc phổ biến bản báo cáo công tố viên Starr viết về Bill Clinton, khiến cuộc điều tra bị bưng bít, không chi tiết nào được tiết lộ; năm nay ổng muốn đọc toàn bộ hồ sơ KHÔNG HỀ CÓ THÔNG ĐỒNG – đọc hết – không sót một chi tiết nhỏ.

Dân Biểu Jerry Nadler, chủ tịch Tiểu Ban Tình Báo Hạ Viện, bảo ông Barr là ông không có quyền cản trở việc chuyển nguyên văn biên bản điều tra sang Hạ Viện, và ông cũng không có quyền viết lại một phiên bản khác với biên bản công tố viên Mueller viết, cắt bớt những diễn biến mang tác dụng tố cáo lỗi lầm của tổng thống.

Nói cách khác Hạ Viện Dân Chủ không chấp nhận cho Bộ Tư Pháp – một cơ cấu thống thuộc chính phủ – quyền kiểm duyệt “Biên Bản Mueler” – một tài liệu tư pháp kết tội hay không kết tội tổng thống. Các dân biểu Dân Chủ không thấy ông Barr có thẩm quyền cho hay không cho họ biết bất cứ việc gì mà ông muốn biết.

Mueller, người “cù không cười.” (Hình: Getty Images)

Dư luận quần chúng cũng đòi một “biên bản không cắt xén”; họ biểu tình trước Tòa Bạch Ốc với khẩu hiệu “FULL REPORT.”

Nadler tuyên bố dứt khoát, “Tiểu ban Tình Báo chúng tôi cần nguyên văn ‘Biên Bản Mueler’, cần cả những dữ liệu liên hệ, vì bổn phận của chúng tôi là công khai nhận xét tổng thống có phạm pháp hay không. Bộ Tư Pháp không làm công việc đó.”

Hạ Viện còn cho phép Tiểu Ban Tình Báo gửi trát đòi nguyên cố vấn Tòa Bạch Ốc Don McGahn và cô Ann Donaldson, tham mưu trưởng của ông ta; nguyên cố vấn Steve Bannon, nguyên phát ngôn viên Hope Hicks, và nguyên tham mưu trưởng Tòa Bạch Ốc Reince Priebus, ra điều trần trước Hạ Viện.

Nadler trình bày, “Chúng tôi không đối phó với tổng thống, mà đối phó với những cuộc tấn công liên tục của ông Trump và các cố vấn của ông ta vào sự toàn vẹn của nền Cộng Hòa Hoa Kỳ.”

“Chúng tôi đang giải quyết ngay bây giờ, không phải với các vấn đề riêng tư của tổng thống, mà đang chống lại một cuộc tấn công bền bỉ vào sự toàn vẹn của nền Cộng Hòa, do chính tổng thống và các cố vấn thân cận nhất của ông ta thực hiện.”

Quyết định đòi bản chính “Biên Bản Mueler,” không sửa chữa, không kiểm duyệt, và đòi những cận thần của tổng thống ra điều trần được 41 dân biểu – thành phần của Tiểu Ban Tình Báo – biểu quyết với kết quả 24-17; 24 dân biểu Dân Chủ bỏ phiếu thuận, 17 dân biểu Cộng Hòa bỏ phiếu chống.

Dân Biểu Cộng Hòa Doug Collins chỉ trích Dân Biểu Nadler, chủ tịch Tiểu Ban Tình Báo, “Tại sao ông chủ tịch tiểu ban lại cần đòi ngần đó nhân vật ra điều trần? Vì điều trần là có chống đối giữa những người bênh vực tổng thống và những người chống ông ta. Truyền thông thích tường thuật những cuộc tranh cãi sôi nổi đó, mà ông Nadler lại thích truyền thông nhắc đến ông ta.”

Dân Biểu Collins nhận xét đúng – cuộc điều trần của ngần đó nhân vật đã từng thân cận với tổng thống sẽ được truyền thông theo dõi và tường thuật đầy đủ; và cả vấn đề viết lại “Biên Bản Mueler” cũng là đề tài nóng bỏng cho những ông “thầy bàn” chính trị. Tuy nhiên, Collins cũng nên trách Tổng Trưởng Tư Pháp William Barr, người tạo ra việc kiểm duyệt tư tưởng kiểm duyệt “Biên Bản Mueler” – một cáo trạng. Việc làm đó chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử tư pháp Mỹ.

Nỗ lực “Lê Lai cứu chúa” của ông Barr ngộ nghĩnh đến mức ông Robert Mueller – người nổi danh “cù không cười” – cũng phải bật cười thích thú.

Hạn kỳ tối hậu để ông Barr chuyển “Biên Bản Mueler” sang Hạ Viện là Thứ Ba, 2 Tháng Tư, 2019, đã trôi qua, và đang trở thành một thách thức cho Hạ Viện; Dân Biểu Nadler nói ông sẽ tiếp tục điều đình với Bộ Trưởng Tư Pháp Barr, và chỉ gửi trát đòi “Biên Bản Mueler,” nếu Barr không tuân hành. Đến giai đoạn đó, bế tắc giữa lập pháp và hành pháp sẽ được giải quyết tại tòa án.

Trả lời phóng viên truyền thông về thời điểm gửi trát, ông Nadler nói, “But if that doesn’t work out in a very short order, we will issue the subpoenas.”

Trong một thời gian rất ngắn!

Thật ra chính phủ và Hạ Viện đang đứng trước tòa – tòa dư luận. Bản án sẽ được công bố vào tháng Mười Một, năm 2020. (Nguyễn Đạt Thịnh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT