Monday, April 29, 2024

Chỉ Thị 24 nhắm đối phó ai?

Kim Ngữ

Chuyến thăm nước Úc của Thủ Tướng Phạm Minh Chính nhân hội nghị ASEAN cho thấy Việt Nam thật sự bước vào giai đoạn mới. Mở cửa tối đa để đón tư bản vào làm ăn không như trước đây, ngập ngừng lo lắng đã làm chậm nhiều năm cơ hội phát triển. Lần này, sau khi ký với Mỹ, Nhật, Nam Hàn, là Úc về cái gọi là “đối tác chiến lược toàn diện” làm cho thế giới hết sức ngạc nhiên. Khi mà sức ép từ Trung Quốc vẫn còn nguyên đó thì những ký kết có tính đột phá này phải chăng khẳng định bước đi mới của Hà Nội trước con đường chẳng đặng đừng, cởi nút thắt của Phương Bắc bằng những mũi dao từ khắp nơi qua con bài “đối tác chiến lược toàn diện?”

Thủ Tướng Phạm Minh Chính (trái) của Việt Nam và Thủ Tướng Anthony Albanese của Úc tại cuộc họp báo trong tòa nhà Quốc Hội Úc ở thủ đô Canberra hôm 7 Tháng Ba sau khi hai bên đồng ý nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. (Hình: David Gray/AFP via Getty Images)

Tuy nhiên, khi nhìn lại cách mà Việt Nam đối phó với tình hình chính trị trong nước, ngay cả trước khi Tổng Thống Joe Biden của Mỹ sang thăm Việt Nam, người ta khá ngạc nhiên. Sau khi Dự Án 88, một tổ chức phi chính phủ quốc tế về vận động nhân quyền cho Việt Nam, tiết lộ văn bản Chỉ Thị 24 bị rò rỉ mà tổ chức này có được cho thấy Hà Nội rất quan tâm tới “thế lực thứ hai.” “Thế lực” này được cho là nguy cơ gậy ra sự sụp đổ của chế độ nếu không ứng phó một cách rốt ráo. Những gì mà Chỉ Thị 24 thông báo ngầm cho những cơ quan có liên quan tuy không mới nhưng lại bất ngờ, khi đại đa số viên chức trong đảng đều đã thuộc làu và có khi còn cho rằng đảng đã đi quá xa khi đánh giá sức mạnh của “thế lực thù địch.” Chỉ Thị 24 không công khai với báo chí hay các cấp đảng viên. Tuy nhiên, cách mà nó lập đi lập lại mối lo âu dù cho các “thế lực thù địch” đã bị tiêu diệt hầu hết, nhưng đâu đó trong bóng tối nhà nước vẫn đánh hơi được sự nguy cơ bùng nổ của thế lực này. Nó có thể nằm ngay trong đảng, có thể lợi dụng sự bắt tay sâu đậm với Mỹ để dấy lên ngòi nổ chậm âm ỉ trong lòng chế độ từ nhiều thập niên qua.

Nếu nhìn Chỉ Thị 24 qua cách tiếp cận này thì người ta không khó khăn gì khi liên tưởng tới thành phần khó chịu nhất. Thành phần này lo ngại trước việc bắt tay chặt hơn với Mỹ. Họ chính là lực lượng thân với Trung Quốc. Họ lo mất trắng những gì xây dựng được từ sau Hội Nghị Thành Đô cho tới ngày nay. Mối lo ngại ấy nằm ngay trong nội bộ đảng chứ không nơi nào khác. Chính vì vậy, Chỉ Thị 24 là tiếng chuông cảnh báo sớm cho phe còn lại tuy không mang danh hiệu là thân Mỹ nhưng rõ ràng là không muốn bị Trung Quốc tiếp tục xiết thòng lọng trên con đường làm ăn của mình.

Chỉ Thị 24 tuy bên ngoài có dáng vẻ đối phó với lực lượng phản động, nhưng những chi tiết ẩn phía sau những con chữ cho thấy lực lượng ấy chính là thế lực thân Trung Quốc chứ không phải là ai khác. Chỉ có thế lực này mới thấy bị đe dọa khi Hà Nội ký kết “đối tác chiến lược toàn diện” với Washington. Suy cho cùng, mọi thế lực đã và đang chống lại Hà Nội khi nghe tin này thì phản ứng của họ là vui mừng hơn chống đối. Chỉ có Mỹ mới buộc được Trung Quốc phải nới tay đối với Việt Nam trong nhiều vấn đề trong đó Biển Đông là một vấn đề đáng suy nghĩ nhất.

Chỉ Thị 24 lập lại những gì mà “diễn biến hòa bình” từng nêu ra. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn sẽ thấy nhiều yếu tố mới mà thành phần “chống đối” không có cơ hội tiếp cận, chứ đùng nói chi đến “diễn biến.” Cách thức dùng chữ của Chỉ Thị 24 vượt ra khuôn khổ thường thấy.

Ở phần mở đầu, chỉ thị được ban hành ngày 13 Tháng Bảy, 2023, khẳng định “bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.” Có tổng cộng chín nội dung được đưa ra trong chỉ thị để các cấp ủy đảng thực hiện, trong đó những nội dung như hợp tác quốc tế, kinh tế xã hội văn hóa và đối ngoại, hay giám sát… trông có vẻ “thế lực thù địch” từ xưa tới nay chưa có khả năng đụng tới. Nếu có đụng tới thì phải là một đối trọng thật lớn có khả năng khuynh đảo từ thượng tầng chế độ. Muốn làm được những gì mà Chỉ Thị 24 đặt ra phải có tiền của thật nhiều, phải có đường dây tổ chức thật chặt chẽ, và nhất là phải có sự chỉ đạo xuyên suốt mới có khả năng thực hiện những gì mà nó nêu ra.

Về hợp tác quốc tế, chỉ thị đặt ra vấn đề “Đề cao cảnh giác, phòng ngừa các mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia như ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa,’ nhất là trong xây dựng chính sách, pháp luật, làm suy yếu chế độ ta từ gốc, từ bên trong, đe dọa lợi ích quốc gia, dân tộc, sự tồn vong của chế độ; phai nhạt bản sắc văn hóa dẫn đến suy giảm sức mạnh quốc gia; mơ hồ, mất cảnh giác khi tham gia các sáng kiến, chiến lược của các nước lớn; để nước ngoài đầu tư ‘núp bóng,’ thâu tóm thị trường, doanh nghiệp trong nước, chiếm lĩnh một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu, vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế và ổn định chính trị; lợi dụng các định chế, cam kết quốc tế Việt Nam tham gia, ký kết để vận động, hình thành tổ chức chính trị đối lập, thúc đẩy ‘cách mạng màu,’ ‘cách mạng đường phố.’”

Nếu chú ý tới cụm từ “nhất là trong xây dựng chính sách, pháp luật” người ta sẽ thấy lộ rõ đối tượng là ai, vì “thế lực thù địch” nào có khả năng nhúng tay vào ngoại trừ thế lực thân Trung Quốc?

Cũng vậy, phần kế tiếp là: “Về kinh tế, xã hội, văn hóa và đối ngoại: Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Về giám sát: Quan tâm xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc vững chắc, nhất là tại các cộng đồng dân cư, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, nơi tập trung đông người lao động.”

Tất cả nội dung này đều cho thấy đối tượng nhắm tới trong Chỉ Thị 24 là ai và không khó khăn gì.

Đây là phản ứng của đảng CSVN đối với các quan chức đảng và chính phủ phản đối hoặc dè dặt trong việc nâng cấp quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn khác lên tầm quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” nhưng vẫn còn che giấu mục tiêu của họ khi gán ghép cho “thế lực thù địch” và mới đây còn nhấn mạnh yếu tố “mờ mắt” cộng đồng quốc tế qua hành vi bắt giữ hai nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT