Thursday, March 28, 2024

Đại Hội 13: Vì sao đảng không công khai kết quả nhân sự tại các hội nghị trung ương?

Tiến Sĩ Phạm Quý Thọ (Nguồn: RFA)

Câu trả lời tưởng như đơn giản: Đảng lãnh đạo toàn diện, công tác cán bộ là nội bộ. Tuy nhiên, sự bí hiểm như “trò chơi quyền lực” với những luật chơi phức tạp như các quy định về “tiêu chuẩn” hay “bầu cử, ứng cử”… đang thu hút sự chú ý của dư luận trong quá trình đảng chuẩn bị nhân sự cán bộ lãnh đạo cao cấp cho Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 13. Kết quả nhân sự không những không được công khai mà lại còn thuộc danh mục “tuyệt mật.”

Lãnh đạo đảng CSVN tại Thượng Đỉnh ASEAN ở Hà Nội hôm 12 Tháng Mười Một, 2020, từ trái, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Bài viết lý giải vấn đề dưới góc nhìn thể chế việc sàng lọc, sắp xếp nhân sự đảng trong bối cảnh chuyển giao quyền lực đang gặp khó khăn.

“Liên quan đến sự sống còn của đảng, vận mệnh của chế độ”

Để có thể chủ động “kiểm soát tình hình,” trước đại hội đảng chính thức thường có phiên trù bị được tổ chức, trong đó quyết định ai sẽ giữ vị trí nào, trong cấp ủy ở địa phương và cơ sở, và Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Ban Chấp Hành Ở Trung Ương. Trong những nhiệm kỳ gần đây những hội nghị về cán bộ lãnh đạo chuẩn bị cho đại hội đảng ngày càng kéo dài và căng thẳng cho đến “phút chót,” đặc biệt trong chuyển giao thế hệ lãnh đạo và các chức danh “tứ trụ:” tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội.

Sau những bất ổn thể chế chính trị trong hai nhiệm kỳ gần đây, công tác cán bộ đảng nói chung và việc chuẩn bị nhân sự cho Đại Hội đảng 13 nói riêng được đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Phú Trọng, người có thâm niên ở nhiều vị trí cao cấp của đảng, nắm giữ hai nhiệm kỳ ở cương vị tổng bí thư khóa 11 và 12, và từng trải qua giai đoạn “bất ổn” đã phát biểu: “Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là ‘then chốt’ của nhiệm vụ ‘then chốt,’ có liên quan đến sự sống còn của đảng, vận mệnh của chế độ.”

Như đã biết, Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 12 trong năm 2020 đã tiến hành ba kỳ hội nghị về công tác cán bộ. Hội Nghị 12 được tổ chức vào Tháng Năm, 2020, “để thảo luận, cho ý kiến về: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp Hành Trung Ương khóa XIII của đảng.” Hội Nghị Trung Ương 13 – đầu Tháng Mười, 2020, “đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia ủy viên chính thức Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 13, ủy viên dự khuyết Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 13, ủy viên Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương khóa 13.” Hội Nghị Trung Ương 14 – Tháng Mười Hai, 2020, đã “bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư khóa 13.”

Tuy nhiên, Hội Nghị 14 đã kết thúc trước kế hoạch và không phải là “cuối cùng” như dự kiến, mà theo thông báo, sẽ có Hội Nghị 15 trước thềm Đại Hội 13 cận kề, dự định tổ chức vào 25 Tháng Giêng đến 2 Tháng Hai,  để “cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt thông qua quy trình chặt chẽ” những “trường hợp đặc biệt” tham gia Ban Chấp Hành Trung Ương, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư khóa 13 sẽ được trước khi trình Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 12.

Ngoài ra, ngày 30 Tháng Mười Hai, 2020, hàng loạt báo mạng chính thống của nhà nước đưa tin về quyết định “Phương án nhân sự tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc Hội là ‘tuyệt mật’” khiến dư luận đồn đoán về mức độ căng thẳng chuyển giao quyền lực.

“Trò chơi quyền lực”

Trong bối cảnh bất ổn thể chế, những yêu cầu về công khai kết quả nhân sự trở thành món hàng “xa xỉ.” Những lý lẽ mọi việc cần công khai để “dân biết, dân kiểm tra, giám sát” như đảng đã cam kết, và sự tham gia chính trị của quyền người dân được quy định trong Hiến Pháp… trở nên lạc lõng, được cho là “không phù hợp,” thậm chí bị chỉ trích có “biểu hiện dân túy.”

Như “trò chơi quyền lực” việc lựa chọn, bố trí nhân sự cấp cao của đảng ngày càng trở nên phức tạp, trong đó người chơi, nhất là người đứng đầu có vai trò quan trọng, có phẩm chất “đặc biệt,” sử dụng mọi cách kể cả thay đổi luật chơi để đạt mục đích. Hơn thế, nếu đích đến là “vương quyền” thì sự chuyển giao sẽ nghiêm trọng hơn.

Các phương án nhân sự cấp cao được Bộ Chính Trị cân nhắc và dự kiến trước khi trình Ban Chấp Hành Trung Ương quyết định, quy định 224/TƯ năm 2014 về bầu cử và ứng cử, loại bỏ tranh cử khiến cho việc bầu cử ở đại hội đảng toàn quốc trở nên hình thức. Việc bầu các chức danh nhà nước như chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, các bộ trưởng… tại Quốc Hội được tiến hành theo cơ chế “đảng cử, dân bầu” cũng chỉ là “hợp pháp hóa” các quy trình nhân sự của đảng. Bởi vậy, Hội Nghị Trung Ương 15 có ý nghĩa đặc biệt khi “đáp án” của trò chơi “vương quyền” sẽ được quyết định.

Có thể nhận biết các tiêu chuẩn và loại cán bộ lãnh đạo nào sẽ là “luật chơi” chủ yếu của “trò chơi quyền lực” trong điều kiện tập trung quyền lực bằng cách tăng cường chỉnh đốn đảng, chống suy thoái và tham nhũng trong nội bộ. Trước hết, sự trung thành với đảng, phục tùng tuyệt đối chỉ thị cấp trên phải được đặt lên hàng đầu, mà biểu hiện cụ thể là phải trực tiếp tham gia vào quá trình này. Bởi vậy, nhân sự đảng chuyên trách, đặc biệt trong các cơ quan nội chính, kiểm tra kỷ luật, tổ chức đảng, tuyên giáo, dân vận, và tất nhiên, cả công an và quân đội là những thành phần “đương nhiên” và sẽ chiếm ưu thế trong danh sách Bộ Chính Trị.

Các đại biểu là sĩ quan quân đội dự Đại Hội Đảng Toàn Quốc lần thứ 12 ở Hà Nội hôm 28 Tháng Giêng, 2016. (Hình minh họa: Kham/AFP via Getty Images)

Ngược lại, sự suy thoái của các nhà kỹ trị, lãnh đạo kinh tế vẫn tiếp tục là “nỗi ám ảnh” đối với “vương quyền.” Họ sẽ không có nhiều không gian để tạo ra “nhóm lợi ích” hay “phe phái.” Trong nhiệm kỳ khóa 12 Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm và hàng năm đều tham dự các hội nghị chính phủ với các địa phương. Mới đây, tại hội nghị năm 2020 ông đã có bài phát biểu nhắn nhủ “… các cán bộ có chức, có quyền, đang nắm trong tay quyền và tiền, và một tài sản khổng lồ của đất nước, lại đang sống và làm việc trong môi trường có rất nhiều cám dỗ, rất dễ xảy ra tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực…” và trong nhiệm kỳ 12 “đã có 113 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số đồng chí bị xử lý hình sự. Đáng lưu ý là, trong số đó có đến 53 đồng chí công tác ở các cơ quan chính quyền, 31 cán bộ lực lượng vũ trang…” Mới gần đây, hai ủy viên Bộ Chính Trị, những nhà kỹ trị kinh tế, nguyên thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước và nguyên phó thủ tướng chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 đã bị kỷ luật cảnh cáo.

Sau cùng, “trường hợp đặc biệt” sẽ là đích đến của “trò chơi vương quyền,” là bước lùi so với “tiêu chuẩn chung” nhưng sẽ là “bất ngờ” đối với nhiều dự đoán khi sự cân bằng của đồng thuận theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo bị phá vỡ.

Tóm lại, công tác nhân sự của đảng gắn liền với bản chất chế độ trong đó quyền lực là mục đích tự thân. Chế độ đảng toàn trị ra đời bởi cách mạng bạo lực, quyền lực là mục đích tự thân để tổ chức đời sống xã hội được theo một kế hoạch duy nhất dựa vào chủ nghĩa tập thể, và khát vọng đã biến nó trở thành tuyệt đối. Cải cách và mở cửa để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường đã loại bỏ công cụ này, nhưng vẫn duy trì hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa để duy trì quyền lực. Đây chính là căn nguyên của bất ổn thể chế, có thể sẽ lặp lại mang tính chu kỳ.

Mặc dù các nhà tư tưởng vĩ đại của thế kỉ 19, như Lord Acton và Jacob Burckhardt đã từng chỉ ra quyền lực là cái ác tuyệt đối, nhưng quy tắc chính trị thực tế là các nhà lãnh đạo làm bất cứ điều gì để giữ quyền lực, lợi ích quốc gia chỉ là bình phong. Để đạt được mục tiêu, những người lãnh đạo phải tạo ra quyền lực, và sự thành công tuỳ thuộc vào mức độ quyền lực mà họ giành được.

MỚI CẬP NHẬT