Monday, April 29, 2024

Đăng bài rồi lại… rút bài

Kim Ngữ

Trên trang báo Pháp Luật TP.HCM online loan tải: Nhiều CSGT đang công tác tại Công An Quận Phú Nhuận, Công An Quận 1 và Công An TP Thủ Đức, TP.HCM được phát hiện sử dụng các chất ma túy trong khách sạn.

Công an tại Việt Nam được cho là lực lượng “còn đảng còn mình.” (Hình minh họa: Linh Pham/Getty Images)

Một nguồn tin xác nhận, khoảng 2 tuần trước, một tổ công tác của Công An Quận Bình Thạnh trong lúc phối hợp cùng Công An Phường 3, Quận Phú Nhuận kiểm tra hành chính một khách sạn thì phát hiện nhiều người đang sử dụng ma túy.

Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định nhiều người có mặt trong điểm sử dụng ma túy là CSGT. Những CSGT này đang công tác tại Công An Quận Phú Nhuận, Công An Quận 1 và Công An TP Thủ Đức, TP.HCM.”

Những dòng chữ trên báo Pháp Luật chỉ một ngày sau là biến mất, thay vào đó là lời xin lỗi và cho biết phải rút bài vì những thông tin mà báo này loan tải là không đúng với sự thật.

Việc rút bài báo có liên quan đến công an tạo nghi ngờ trong dư luận quần chúng. Nhiều câu hỏi đặt ra có phải những tin tức như thế này bị rút xuống nhằm giữ sự “trong sạch” cho lực  lượng “còn đảng còn mình” hay không, và cái “mật báo” cho báo chí lấy tin với đầy đủ hình ảnh, tên tuổi cũng như địa chỉ mà nghi can công tác có phải do bàn tay của thế lực nào trong đảng, đủ tầm cỡ để nắm rõ những chi tiết rất tế nhị như vậy?

Thêm nữa, gần đây rộ lên tin đồn Bộ Trưởng Công An Tô Lâm chính là người hạ bệ Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng, nay đang tiến hành việc chặn đường tiến thân của Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ để Tô Lâm có cơ hội leo cao hơn trong bốn vị trí cao nhất nước thì bài báo truyền đi thông tin công an chơi ma túy rất tai hại cho Tô Lâm trong lúc này.

Hồi đầu tháng này, các báo trong nước cũng đăng tin phát hiện và triệt phá một ổ nhóm sử dụng ma túy trái phép ở Hải Phòng với sự tham gia của hai nữ công an. Cả hai người này sau đó đều bị phát hiện dương tính với ma túy và bị tước quân tịch sau đó.

Những vết nhơ xảy ra liên tiếp trong một thời gian ngắn như vậy chứng tỏ ngành công an đang có vấn đề liên quan đến ma túy. Ai cũng biết công an bị cấm tuyệt đối sử dụng chất cấm nhằm tạo điều kiện săn lùng truy đuổi tội phạm trong lĩnh vực này, nhưng nhiều vụ án sử dụng ma túy như vừa kể khiến Tô Lâm mất mặt không ít, nhất là cuộc đua tranh giành quyền lực đang tới hồi gay cấn nhất.

Mới nhất, vụ bắt giữ tối 15 Tháng Tư đối với Nguyễn Duy Hưng (chủ tịch HĐQT Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Thuận An) Trần Anh Quang (tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Thuận An) và Nguyễn Khắc Mẫn (phó tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Thuận An về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.

Số tiền đưa hối lộ lên đến gần 2,000 tỷ và kẻ nhận số tiền này bị chĩa mũi dùi vào là Vương Đinh Huệ, vì chỉ có ông ta mới đủ quyền lực giúp cho Tập Đoàn Thuận An nhận được những hợp đồng béo bở.

Cách đây vài tuần, hình ảnh một cô diễn viên ôm hai đứa bé được tung lên mạng xã hội với gợi ý là sản phẩm của Vương Đình Huệ bị cộng đồng mạng cho là dư luận viên tung ra nhằm bôi bẩn chủ tịch Quốc Hội trước khi ông này có chuyến đi Trung Quốc, mà bất cứ ai sang Bắc Kinh cũng không thoát được quy luật là “triều kiến” nhằm xin xỏ việc bảo đảm ngôi vị của mình.

Những vụ việc liên kết nhau cho thấy công an dưới tay Tô Lâm vẫn là lực lượng mạnh mẽ nhất Việt Nam hiện nay. Nó hơn hẳn quân đội vì tính chất bảo vệ đảng mà nó đặt ra cho mình. Mọi tai tiếng nhắm vào lực lượng này cần phải triệt để cản phá và vô hiệu hóa mọi thông tin xấu về nó.

Người dân biết khá rõ về hai phe đang đấu đá nhau không cần giữ kẽ đó là phe Nghệ An và phe Hà Tĩnh. Trong nội bộ của Bộ Chính Trị hai phe này luôn cạnh tranh quyền lực với nhau mà Vương Đình Huệ thuộc phe Nghệ An đang mất dần thế thượng phong. Tô Lâm không phải là người Hà Tĩnh nhưng với thân thế của ông ta việc chọn một lực lượng đủ mạnh để ủng hộ mình là điều bắt buộc.

Nếu Nghệ Tĩnh tung chiêu hạ bệ uy tín công an qua các tin tức xem ra “vô hại” như chơi ma túy trong khách sạn sẽ không ăn thua gì so với việc bắt tận gốc những phe cánh đưa hối lộ cho Huệ. Tô Lâm tỏ ra cao tay trong việc chặt dần tay chân của đối thủ và không bận tâm lắm với việc bôi xấu lực lượng của mình vì chỉ cần một cuộc gọi vào nửa đêm thì tin tức có nóng cỡ nào cũng sẽ biến mất vào sáng hôm sau với những lời nhận tội và xin lỗi “chân thành” từ tổng biên tập của tờ báo.

Đây là lần thứ hai báo Pháp Luật bị cảnh cáo và phải gỡ bài lẫn bị phạt tiền nhưng người dân lại kháo nhau rằng việc gỡ bài chằng qua là cách quảng cáo cho tờ báo có vẻ “vô tư” mà thôi.

Mấy ai biết rằng để đăng những thông tin có dính tới bộ mặt của công an như vừa rồi thì hoặc là tờ báo phải gan lì số một Việt Nam, hai là nó phải đựợc đỡ đầu bởi một phe phái chính trị nào đó. Tờ Pháp Luật tới nay vẫn rất yên ắng nhưng biết đâu trong những lần họp giao ban, những nhà báo cộm cán trong tờ báo đều phải đắn đo khi phe cánh đỡ đầu cho mình đang gặp bất trắc vì phản ứng cực kỳ mạnh bạo của Tô Lâm.

Đó cũng là lý do tại sao cộng đồng mạng luôn than phiền báo chí dòng chính không bao giờ loan tin trung thực về những thói xấu của chính quyền, đảng viên hay lực lượng vũ trang, bởi lấy và đăng tin thì dễ nhưng nghe điện thoại vào lúc nửa đêm khiến hầu hết các tổng biên tập tờ báo không dám đặt bút “duyệt” cho một bài báo có vấn đề.

Và ai cũng nhận thấy, để việc này không thể xảy ra nữa thì cách duy nhất phải cho báo chí cái quyền tuyệt đối là “tự do” như các nước tư bản đã và đang có.

MỚI CẬP NHẬT