Monday, April 29, 2024

Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm, ‘hai mặt’ một vấn đề

Thanh Hà

Lâu nay ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An Việt Nam, được đánh giá là một nhân vật “siêu quyền lực” kể từ sau Đại Hội 12, khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng độc chiếm chiếc ghế cao nhất trong đảng CSVN. Bởi vì, ông Lâm được coi là “cánh tay phải” của ông Trọng trong công cuộc “đốt lò.”

Ông Tô Lâm (trái) đón ông Nguyễn Phú Trọng đến dự Hội Nghị Đảng Ủy Công An Trung Ương năm 2022. (Hình minh họa: VOV)

Điều đó đã giúp cho ông Lâm dần dần nổi lên, khẳng định vai trò là người thực sự nắm quyền lực thống trị trên bàn cờ chính trị Việt Nam như ngày nay.

Một trong những đặc điểm của các quốc gia độc tài, như Trung Quốc hay Việt Nam, chính quyền phụ thuộc và phải dựa vào lực lượng “có súng,” đó là công an và quân đội, để duy trì sự độc tôn quyền lực của đảng. Cố Chủ Tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc lúc sinh thời đưa ra quan điểm chính trị “quyền lực đi ra từ họng súng” và điều đó vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

Những điều kể trên là những tác nhân tạo điều kiện để ông Tô Lâm biến Việt Nam trở thành một nhà nước công an trị và nhận được sự ủng hộ của đa số ban lãnh đạo CSVN.

Việc các lãnh đạo CSVN từ trước đến nay vẫn dựa vào Trung Quốc để nắm giữ và duy trì quyền lực là điều không phải bàn cãi. Việc ông Trọng từ chỗ thất thế trước cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, trước Đại Hội 12, nhờ dựa hẳn vào Bắc Kinh đã lật ngược thế cờ, để đưa ông Dũng về vườn “làm người tử tế” là điều ai cũng thấy. Cũng kể từ đó, ông Trọng bỗng nổi lên và trở thành một lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối, nắm quyền sinh sát trong nội bộ đảng.

Theo giới quan sát, ông Tô Lâm gần đây có nhiều biểu hiện cho thấy đã và đang đi theo bài học của ông Trọng trước đây, dựa vào Trung Quốc để vươn lên nắm quyền lực tối cao trong đảng CSVN.

Có rất nhiều bằng chứng cho nhận định vừa kể. Trong bài viết “Bộ Trưởng Tô Lâm muốn Trung Quốc giúp đỡ duy trì vị trí cầm quyền tuyệt đối của đảng CSVN, chế độ XHCN” hôm 10 Tháng Giêng, đài Á Châu Tự Do (RFA) dẫn bản tin của báo Công An Nhân Dân cho biết đề nghị này được đưa ra ngày 10 Tháng Giêng, 2023. Lúc đó, ông Lâm gặp ông Trần Tư Nguyên, thứ trưởng Bộ Công An Trung Quốc, trong một hội nghị tại Hà Nội.

Hôm đó, ông Lâm đề nghị lãnh đạo Bộ Công An Trung Quốc “…giúp đỡ về lý luận và thực tiễn trong việc duy trì vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Ông Lâm cũng nhờ giúp đỡ về cơ chế đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, chống tham nhũng, bảo vệ tuyệt đối vị trí cầm quyền của đảng CSVN và chế độ xã hội chủ nghĩa.”

Tuy nhiên, những phát biểu mang tính lạm quyền của ông Tô Lâm như kể trên diễn ra vào thời điểm ông Trọng vắng mặt bí ẩn trong nhiều tuần lễ vào cuối năm 2023. Điều đó được cho là khiến ông Trọng và phe cánh của ông không hài lòng.

Đó chính là lý do vì sao mối quan hệ giữa ông Trọng và ông Lâm, vốn đã không mấy tốt đẹp trước đây ít lâu, xấu đi nhanh chóng như hiện nay.

Những điều kể trên liệu có mâu thuẫn với những đánh giá lâu nay khi cho rằng ông Trọng là một nhân vật bảo thủ, một đệ tử trung thành với học thuyết Chủ Nghĩa Cộng Sản và là nhân vật thân Trung Quốc hay không?

Câu trả lời là không, vì không có gì là mâu thuẫn. Điều đó phù hợp với quy luật vận động của tự nhiên, cũng như khoa học chính trị.

Khi nhận xét về lời nói đầu của dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992 của CSVN, Tháng Mười, 2013, theo báo Thanh Niên, trong phần phát biểu của mình, ông Trọng thừa nhận rằng, “…xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?”

Mới nhất, chỉ thị “mật” số 24-CT/TW của Bộ Chính Trị đảng CSVN, ban hành ngày 13 Tháng Bảy, 2023, về “an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế,” bị tiết lộ. Chỉ thị cho thấy khả năng CSVN sẽ gia tăng đàn áp các cá nhân, tổ chức xã hội dân sự và các hoạt động được cho là gây nguy hiểm cho sự toàn trị của họ.

Đáng chú ý, chỉ thị này được ký chỉ hai tháng trước khi Tổng Thống Joe Biden của Mỹ đến Hà Nội để nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam lên cao nhất, “đối tác chiến lược toàn diện.”

Trái ngược với đánh giá chung, Giáo Sư Carl Thayer, từ Học Viện Quốc Phòng Úc, người có kinh nghiệm lâu năm về Việt Nam nhận định với BBC Việt Ngữ rằng, “… chỉ thị này không báo hiệu một làn sóng đàn áp mới đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự và dân chủ mà chỉ là ‘hoạt động bình thường.’”

Giáo Sư Carl Thayer giải thích thêm: “Đại Hội 13 đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam  trở thành nước phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao, vào giai đoạn năm 2030 đến 2040.”

Ông Thayer nhận định thêm: “Điều đáng chú ý là thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ được ông Trọng ký, chứ không phải Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng. Chỉ Thị 24 do bà Trương Thị Mai, thường trực Ban Bí Thư kiêm trưởng Ban Tổ Chức đảng CSVN, ký.”

Tóm lại, theo ông Thayer “…quyền lực của tổng bí thư được viện dẫn để bảo đảm rằng việc nâng cao quan hệ với Hoa Kỳ sẽ không làm suy yếu chế độ độc đảng và nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.”

Phân tích của Giáo Sư Thayer cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng đã có những thay đổi đáng kể về mặt tư duy, đã nhận ra các sai lầm trước đây cũng như biết sử dụng mối quan hệ với Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây, để làm đối trọng với sự lấn lướt của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam trên hồ sơ Biển Đông.

Hình ảnh nhà nước cảnh sát hay chế độ công an trị đã và đang làm xấu hình ảnh Việt Nam trong con mắt của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, phương án Bộ Trưởng Công An Tô Lâm được ban lãnh đạo Bắc Kinh ủng hộ để ngồi ghế tổng bí thư là một chuyện rất có thể xảy ra.

Nếu điều vừa kể là đúng, chính quyền CSVN sẽ sắt máu hơn khi lệ thuộc vào Trung Quốc gấp vạn lần như hiện nay.

Đó là mối họa cho dân tộc Việt Nam. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT